Vào những năm 80 của thế kỷ trước, khi giải thể HTX giao lại ruộng đất cho hộ nông dân tự chủ sản xuất, sức kéo thiếu phải cuốc tay hoặc kéo bừa thay trâu, thật khó ai có thể tưởng tượng được chỉ vài ba chục năm sau đồng điền đã vắng bóng trâu cày! Rồi nhà nhà không chỉ “ngói hoá” mà đã “bê-tông hoá”. Ngoảnh đi ngoảnh lại, từ ngoài nhìn về làng xóm không còn được bao bọc vây quanh bởi những luỹ tre xanh và cũng hiếm thấy hình ảnh những con trâu thảnh thơi nằm lim dim nhai cỏ dưới bóng tre râm mát. Từ hàng vạn năm cùng với nghề trồng lúa, con trâu và cây tre là người bạn thân thiết gắn bó nhất với nhà nông. Trâu và tre là biểu tượng của văn hoá mang đặc trưng tính cách và tâm hồn người Việt, là nỗi nhớ của người xa xứ. Sống ở thành phố, vợ chồng anh con tôi bàn chuyện cho các con về nghỉ hè ở quê để chúng được biết cái thú chăn trâu cắt cỏ ngoài đồng như tuổi thiếu niên của bố mẹ nó. Nhưng, ngồi điểm suốt các gia đình trong họ, trong xóm chẳng còn nhà nào nuôi trâu. Ngay đối với ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, ông trưởng phòng chăn nuôi của sở cho biết, lớp kỹ sư mới tuyển dụng, truy gốc gác nông thôn nhưng cũng không mấy người từng được ngồi trên lưng trâu hay chai tay cầm cày.
Thiếu sự nếm trải nên khó có thể cảm nhận thấm thía ý vị của những câu ca dao:
Trâu ơi ta bảo trâu này
Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta
Cấy cày vốn nghiệp nông gia
Ta đây trâu đấy ai mà quản công
Đến mùa cây lúa trổ bông
Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn…
Với nhà nông xưa, “con trâu là đầu cơ nghiệp”. Nông thôn ta ngày nay không chỉ có cấy trồng mà đã mở ra nhiều nghề, nhiều nguồn sinh lợi, thì “đầu cơ nghiệp” là gì? Có nhà thì có thể là đầu máy kéo, xe công nông, máy gặt. Nhưng số đông có lẽ là cái xe máy… Tàu! Thời thế đổi thay, thật đáng thương, vị trí và thân phận của con trâu đã và đang biến đổi theo hướng mà người nông dân vốn từ bao đời nặng lòng ân nghĩa với trâu không khỏi cảm thấy trắc ẩn, xót xa. Anh bạn tôi, nhà giáo - nhà thơ Nguyễn Việt Thanh đã viết về sự ngơ ngác trước thân phận của những con trâu khi hằng ngày anh đi qua chợ Vé, nơi tập trung mấy lò mổ trâu lớn ở huyện Ninh Giang:
Người dắt trâu thuê từ lò mổ đi ra cánh đồng
từ cánh đồng trở về lò mổ
như không còn biết câu ca thuở trước…
chăn những cỗ máy chế biến cỏ non thành những ký thịt trâu tươi
Người dềnh dàng
Trâu đủng đỉnh
Thỉnh thoảng trâu nghếch cổ lên cười
Không hiểu có điều gì vui
Người dắt trâu cũng cười… như nghé
Tình cảnh trên thật xót xa, bi hài! Con trâu ăn giả làm thật, chung sức cày kéo với người, nay nuôi trâu để lấy thịt. Đó là sự đổi thay tiến bộ, một bước phát triển tất yếu của công nghiệp hoá nông nghiệp. Nông dân sắm máy kéo mỗi năm một nhiều, đàn trâu mỗi năm giảm khoảng 10%. Từ mấy vạn con mươi năm trước, đến nay tổng đàn trâu của toàn tỉnh còn trên 5.400 con. Huyện Bình Giang có diện tích đất lúa nhiều nhất tỉnh đã làm máy trên 90%, đàn trâu chỉ còn hơn 300 con. Huyện có bốn vùng xây dựng “cánh đồng mẫu lớn” gieo cấy giống lúa cho năng suất, chất lượng cao; không chỉ cơ giới hoá toàn bộ khâu làm đất, mà đã có gần 20% diện tích gặt bằng máy. Thị trấn Kẻ Sặt là trung tâm cơ khí lớn, sửa chữa lắp ráp máy móc nông nghiệp. Ở đâu đường xá cũng trải bê-tông ra đến cánh đồng, chả còn mấy vạt đất trống để cỏ mọc cho trâu, bò. Nguồn thức ăn để nuôi trâu lấy thịt cũng mỗi ngày một khó khăn. Những con trâu béo tốt của các chủ lò mổ ở chợ Vé (Ninh Giang), ở Văn Thai (Cẩm Giàng), Nam Đồng (TP Hải Dương)… hầu hết là từng đứng trên xe tải từ các tỉnh miền núi hoặc từ Lào, Thái Lan nhập khẩu qua cửa khẩu đường bộ ở Nghệ An đưa về. Ngay ở hai xã Bắc An, Hoàng Hoa Thám vùng rừng núi Chí Linh cũng không còn gặp những đàn trâu đeo mõ lốc cốc thả rông trong rừng. Nhưng, ở TP Hải Dương và các tụ điểm dọc đường giao thông xuất hiện ngày một nhiều quán nhậu treo biển Thịt trâu tươi.
Xin chuyển sang chuyện cây tre. Cây tre cũng chung thân phận với trâu vì từng ràng buộc với nhau bởi một sợi dây thừng! Từ bao đời trên đất nước ta nơi đâu cũng xanh mát bóng tre. Tôi vẫn thuộc những câu văn tuyệt bút của nhà văn Thép Mới trong bài Cây tre Việt Nam in trong sách giáo khoa: “Cây tre Việt Nam, cây tre xanh nhũn nhặn, thuỷ chung, ngay thẳng. Tre mang đức tính của người hiền, tượng trưng cao quý của tâm hồn Việt Nam…”. Vậy mà bây giờ không chỉ trong tâm tưởng người xa quê mà ngay cả những người đang sống tại làng thì tre đã trở thành nỗi nhớ. Xin chia sẻ với bạn đọc nỗi niềm nhớ tre của Lưu Tuấn Kiệt - tác giả là một nông dân sống ở quê:
“...Làng giờ nhà mới chen nhau
Trẻ thơ tránh nắng, mơ vào bóng râm
Ta ngồi nhớ tiếng tre ngâm
Nhớ con cò trắng tần ngần dưới mưa
Làng ơi, còn tiếng võng đưa?
Còn người đơm đó?… Bao giờ tre xanh
Để măng ra mắt lên cành
Làng quê tre hát treo vành trăng cao…”
Cuộc đời thay đổi nhanh, nỗi nhớ tre, sự trống vắng của bóng tre trong tâm hồn người có lẽ còn thấp thoáng, bâng khuâng thêm mấy thế hệ nữa? Lớp trẻ bây giờ sinh ra và lớn lên trong những ngôi nhà xây dựng bằng vật liệu mới, hiện đại cũng cần được biết xưa kia cha ông họ tuy sống trong những mái tranh nghèo nhưng xóm làng vui vầy chia sẻ, ấm cúng nhường nào sau những luỹ tre. Tre cho người rất nhiều tiện dụng trong cuộc sống. Từ vật liệu làm nhà, đồ dùng, dụng cụ sản xuất cho đến cái tăm xỉa răng. Ngày nay trồng cây gì, nuôi con gì đều phải được tính toán đến hiệu quả kinh tế. Nhưng, hình như chúng ta có phần vội vàng quá tay trong sự phá bỏ cây tre. Đến mức ở nông thôn mà hầu như nhà nào cũng phải đi mua tăm! Đất nước của tre mà phải nhập khẩu tăm tre thì thật khó hiểu, khó tin. Xin dẫn chứng, theo báo Tuổi Trẻ ngày 10-11-2010 từ một vận đơn nhập khẩu qua cảng Cát Lái (TP Hồ Chí Minh) đã nhập 1.118 tấn tăm tre từ Trung Quốc. Xin nhắc lại: một nghìn, một trăm mười tám tấn - một con số phải giật mình. Đó là chưa kể tăm tre còn nhập từ cảng Hải Phòng hay qua đường tiểu ngạch biên giới. Năm nay, nước ta nhập siêu từ Trung Quốc hơn 10 tỷ đô-la gồm nhiều loại hàng hoá, vật tư hẳn vẫn có tăm tre. Vì ngoài thị trường vẫn bầy bán tăm tre gói bọc mang nhãn hiệu Trung Quốc…
Trước khó khăn do thiếu nguyên liệu từ tre, đã có những doanh nghiệp sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ hoặc đồ dùng bằng tre đầu tư để trồng tre hoặc phục hồi những rừng tre. Bà con ở ven sông Kẻ Sặt, ven sông Thái Bình đã trồng tre để lấy măng, thành sản phẩm hàng hoá. Riêng những hàng tre chắn sóng chân đê thì bốn mùa vẫn tốt xanh... Đối với nhà sinh học Nguyễn Văn Khang thì cây tre giữ vị trí rất quan trọng trong việc bảo tồn hệ sinh thái ở mọi vùng quê. Ông cho biết, đảo Cò ở giữa hồ An Dương (xã Chi Lăng Nam, huyện Thanh Miện) được Quỹ Môi trường toàn cầu và tỉnh hỗ trợ hơn 4 tỷ đồng để kè bờ, mở rộng diện tích đảo, đặc biệt là đã trồng hàng nghìn cây tre. Tre lên xanh tốt đã gọi thêm đông cò, vạc, cả một số loài chim quý hiếm từ bốn phương về tụ hội, rộn rã mỗi khi chiều xuống. Ưu điểm của tre là có tầng cành lá đan dày không chỉ yên ổn cho chim cò ẩn nấp mà còn là những tay đỡ bảo vệ tổ của chúng mỗi khi mưa to gió lớn, trứng và chim con không bị rớt xuống gốc như làm tổ trên cây vải, cây xà cừ trước đây. Những năm trước, nhiều loài chim chỉ về trú đông, giờ mùa hè sang thu chúng vẫn tụ lại đẻ trứng, sinh nở, hấp dẫn khách du lịch quanh năm.
Từ thành công ở đảo Cò Chi Lăng Nam, ông Khang và đồng nghiệp đã tham mưu với chính quyền và người dân xã An Lạc (Chí Linh) chấm dứt khai thác đất để bán, giữ lại diện tích khu đồi bên hồ thôn An Bài, vẫn thấp thoáng bóng cò về đậu. Nơi đây, từ bốn chục năm trước là rừng tre, đã là làng cò nổi tiếng với ông Lềnh Để. Ông đã sống chết bảo vệ cò, nhưng rồi phải buông xuôi trước sự vô tâm phá hoại chặt cây, diệt cò của người xung quanh. Nay An Lạc đang triển khai xây dựng khu bảo tồn sinh thái, trước mắt là kiến tạo rừng tre, khôi phục làng cò. Hội Bảo vệ môi trường cũng đang cùng cán bộ địa phương và nhà sư trụ trì chùa Văn Xá (xã Ái Quốc, TP Hải Dương) xây dựng một ngôi chùa sinh thái, một Trúc Lâm tự, là một trung tâm lưu giữ, bảo tồn và phát triển các giống trúc Việt Nam. Bởi gần bên chùa Văn Xá, là chùa Hương Hải, nơi khởi nghiệp của thiền sư Pháp Loa. Chùa sinh thái sẽ tiếp nối truyền thống Trúc Lâm Yên Tử - Tam tổ Trúc Lâm với Phật hoàng Trần Nhân Tông, Thiền sư Pháp Loa, Thiền sư Huyền Quang. Câu chuyện lý thú quá, tôi liền điện thoại hỏi kỹ sư Nguyễn Điều, Trưởng phòng Kinh tế của thị xã Chí Linh. Tôi hỏi anh trúc ở khe suối Côn Sơn là giống trúc gì và bao giờ thì sẽ khôi phục rừng trúc bên rừng thông ở Côn Sơn? Tôi hỏi anh cả giống tre ở làng Chi Ngãi, cố hương của danh nhân Nguyễn Trãi. Tôi vẫn còn giữ tấm ảnh chụp nhân kỷ niệm 600 năm ngày sinh Nguyễn Trãi. Ảnh chụp đất đỏ vào làng Chi Ngãi. Suốt chiều dài con đường là hai hàng tre cao vút với những thân cây dóng thẳng, màu hanh vàng ngả vào nhau như chào đón và che bóng mát người về...
Theo quy luật vận động phát triển của tự nhiên và xã hội, cái mới tất yếu sẽ phủ định cái cũ đã lỗi thời. Bước vào thời đại công nghiệp hoá, máy kéo thay thế trâu cày, xi-măng, sắt thép thay thế tre xoan xây dựng những công trình bền vững và phù hợp với kiến trúc hiện đại. Hiểu và chấp nhận cái lẽ của sự tất yếu, nhưng tôi vẫn cảm thấy cách ứng xử của người ta với tự nhiên, ở đây nói riêng về cây tre và con trâu, xét về tinh thần nhân văn, có điều gì đó như là... sự vô tâm, vô tâm đến nhẫn tâm!
Nông thôn mới hiện đại không thể cứ giữ mãi mỗi làng mỗi xóm là một đơn vị chân tre. Nhưng tình trạng “bê-tông hoá” tràn lan, một số cây trồng, vật nuôi truyền thống đang bị trào lưu làm kinh tế theo lối ăn xổi vội vã triệt tiêu. Nhưng rồi, thực tế quy luật phát triển cũng sẽ có những điều chỉnh cần thiết để lấy lại sự cân bằng và hợp lý, nhất là khi có lực tác động từ sự tỉnh thức của trí tuệ tỉnh táo và tinh thần lương thiện của con người. Tôi bỗng mường tượng, rồi đây, ít nhất mỗi làng đều có thể tạo dựng được một khu vực sinh thái với muôn vẻ đặc sắc riêng. Có thể từ khu đất nội tự ao hồ xung quanh đình, chùa, nhà văn hoá mà nơi nào cũng có. Đó sẽ là chỗ đất lành, có ngọn tre cho chim làm tổ, trưa hè có bóng mát cho trẻ vui chơi, cho trâu nằm thư thả nghỉ ngơi nhai cỏ... Mơ mộng viển vông chăng? Không đâu, vì mùa xuân đang cho ta ước vọng...
Tháng 12 năm 2012
NGUYỄN PHÚC LAI