| |
Sinh thời Nguyễn Trãi, dù bị giặc Minh quản thúc giam lỏng trong thành Đông Quan hay mười năm kháng chiến gian khổ cùng Lê Lợi, cả trong giấc chiêm bao ông luôn tưởng nhớ về núi nhà - Côn Sơn, Chi Ngãi. Trở về Côn Sơn ngay sau ngày chiến thắng, câu thơ Nguyễn Trãi thốt lên niềm ao ước: Bao giờ nhà dựng đầu non Pha trà nước suối gối hòn đá ngơi (*) Rừng suối Côn Sơn với ông thật hợp cảnh hợp người Côn Sơn suối chảy rì rầm Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai Côn Sơn có đá rêu phơi Ta ngồi trên đá như ngồi chiếu êm Giữa rừng thông mọc như nêm... Cùng núi mây, thông, trúc, suối Côn Sơn chảy giữa thung lũng một bên là núi Kỳ Lân một bên núi Ngũ Nhạc không chỉ tạo nên cảnh quan ngoạn mục, mà từ lâu dòng suối được coi như nguồn mạch của sự sống, của tâm linh, tưởng không bao giờ bị vơi cạn. Vậy mà mùa này suối đã khô cạn đến mức khó tìm được một vũng đọng để có thể múc nước pha trà! Tôi chậm bước lên núi theo từng bậc đá, nghĩ mà thương cho những cây thông, khóm trúc, cuối đông lá vẫn xanh tươi nhưng không còn được ngả bóng xuống dòng nước trong. Dưới lòng suối chỉ thấy phơi ra những hòn đá mấp mô, hòn to hòn nhỏ đều tròn nhẵn. Đáng buồn thay cho cây cầu bê tông cốt thép cong cong mới dựng qua suối. Kiểu dáng thượng gia hạ kiều, cũng mang tên là cầu Thấu Ngọc như cầu gỗ ngày xưa của cụ Trần Nguyên Đán mà dưới cầu chỉ là những hàng cột bê tông cắm vào lòng suối cạn! Con đường lát đá lượn trên bờ suối lên tới thượng nguồn thì phía trái rẽ lên đỉnh Bàn Cờ Tiên núi Kỳ Lân, phía phải rẽ qua cây cầu nhỏ lên đỉnh núi Ngũ Nhạc. Đường xây đá Ninh Bình rộng trên dưới hai mét, thật tiện cho khách du lịch, đỡ mỏi chân trèo núi, nhất là người già, trẻ em. Nhưng trong tôi không còn thấy rung động như trước đây, vén cây lựa đá leo theo lối mòn sỏi đá lạo xạo với cảm xúc bồi hồi mình đang bước theo dấu chân của người xưa. Tôi cảm thấy có sự mất mát, nuối tiếc, vì nó hiển diện cụ thể với hình hài khác, nó án ngữ trí tưởng tượng từ lâu trong tôi về cảnh cũ, người xưa. Dấu người đi là đá mòn Đường hoa vấn vít trúc luồn Cửa song rãi xâm hơi nắng Tiếng vượn vang kêu cách non Cây rợp tán che am mát Hồ thanh, nguyệt hiện bóng tròn Rùa nằm, hạc lẩn nên bầu bạn Ủ ấp cùng ta làm cái con. (*) Cái hồn của Côn Sơn là thiên nhiên thơ mộng, một không gian thanh vắng, u tịch, nói theo cụ Trần Nguyên Đán là Thanh hư - trong xanh và hư vô. Do vậy Côn Sơn không thích hợp với những gì ồn ào, phô trương, tô vẽ. Đây là nơi chốn để người ta đến chiêm nghiệm, thanh lọc, dưỡng tâm... Đây là nguồn nuôi dưỡng tâm hồn như nguồn suối trong lành... Sau nhiều năm bền bỉ trồng cây, bảo vệ, thảm rừng gồm cả thông cổ thụ và cây mới trồng đã bao phủ rộng khắp núi Ngũ Nhạc và núi Côn Sơn. Nguồn sinh thủy cho suối đã tốt lên. Theo Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi Chí Linh, nguyên nhân suối cạn có thể do thảm thực vật còn mỏng, do sự giảm sút mực nước nền của vùng này, đã thấp hơn 30 cm so với mức nước thủy triều cách đây khoảng hai chục năm. Thế kỷ thứ 14, thời cụ Nguyễn Trãi chưa có đê ngăn chắn, thủy triều vào sông Kinh Thày dâng nước lên tận sông Đông Mai, lưu vực xã Cộng Hòa bây giờ, nơi suối Côn Sơn đổ ra. Người xưa đậu thuyền rồi lên đi bộ vào chùa Hun. "Nước biếc, non xanh thuyền gối bãi" - câu thơ Nguyễn Trãi chắc là tả cảnh ấy. Còn theo một nhà khoa học về địa chất thủy văn thì do chuyển động địa tầng của vòng cung núi Chí Linh - Đông Triều bị đứt gãy, nên nước ngầm các sông suối - bị tiêu thoát. Nếu quả như vậy, nói theo ngôn ngữ thời buổi công nghệ thông tin thì chỉ còn biết... botay.com! Nhưng suối Côn Sơn dường như đã mách bảo tôi không hẳn là như vậy. Sự cạn kiệt của dòng suối cần tìm nguyên nhân cả ở những cây cọc bê tông chịu lực cắm xuống lòng suối đỡ cầu Thấu Ngọc và cầu ở thượng nguồn nối sang đường lên núi Ngũ Nhạc. Liệu rằng việc khoan, đào các hố móng cọc có làm tổn thương đến nền địa chất của lòng suối như lòng máng dẫn nước vốn đã ổn định hàng nghìn năm rồi? Qua cầu một đoạn vẫn nghe có tiếng nước chảy róc rách. Trong vắng lặng của rừng chiều tiếng suối càng rõ, vang vọng đâu đó dưới thung sâu. Thoạt nghe như tiếng kêu than khắc khoải, lại như lời nhắn nhủ rằng vẫn đang hiện diện của sự sống ngọn nguồn. Không phải chờ đến mùa hạ mưa rào, khi xuân sang mưa phùn đủ ướt rừng thì nước cũng thấm đẫm lòng suối...Đứng trên đỉnh Bàn Cờ Tiên núi Côn Sơn nhìn về hướng đông bắc là thấy dãy núi Đá Bạc tên chữ là Tam Tiêm, nơi có phần mộ Nguyễn Phi Khanh. Tương truyền khi Nguyễn Trãi và em là Nguyễn Phi Hùng theo cha cùng với quan quân nhà Hồ bị giặc Minh bắt giải về Kim Lăng (Trung Quốc), đến ải Nam Quan ông bảo Nguyễn Trãi quay về tìm kế đuổi giặc cứu nước trả thù cho cha, chỉ để Nguyễn Phi Hùng theo cha chăm sóc. Nguyễn Phi Khanh qua đời nằm lại ở xứ người. Mấy năm sau Nguyễn Phi Hùng đã đưa hài cốt của cha về nước đặt phần mộ ở chỗ thế đất có hình đài sen trên một đỉnh núi Đá Bạc. Từ đó, dân gian gọi là núi Báo Đức. Nguyễn Thiện Thuật, lãnh tụ khởi nghĩa Bãi Sậy chống thực dân Pháp cuối thế kỷ 19 người huyện Mỹ Hào (Hưng Yên), là hậu duệ của dòng họ Nguyễn Trãi. Một lần do việc quân gấp gáp không thể lên núi viếng mộ tổ, ông bày lễ vật ở dưới chân núi vái vọng lên. Từ đó núi Đá Bạc có thêm tên là núi Bái Vọng. Các cụ ta từ xưa vẫn bảo: Có đức mặc sức mà ăn. Đức lớn của
(*) Thơ trích trong bài rút từ Ức Trai thi tập, Quốc Âm thi tập của Nguyễn Trãi NGUYỄN PHÚC LAI |