Côn Sơn - Kiếp Bạc hút khách trẩy hội xuân

03/03/2018 06:38

Mùa xuân về khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn – Kiếp Bạc, du khách được thưởng lãm phong cảnh thiên nhiên thanh bình, đắm mình vào lễ hội đậm màu sắc dân gian...


Màn múa rồng mở đầu Hội thi bánh chưng, bánh dày tỉnh Hải Dương lần thứ IX, hoạt động mở đầu Lễ hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc 2018  

Mê mẩn lòng người

Sau Tết, hàng vạn du khách từ khắp nơi nườm nượp đổ về khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc để tham quan, dâng hương lễ Phật, thánh, cầu mong một năm mới có nhiều sức khỏe, tài lộc, may mắn, hạnh phúc. Trên khắp nẻo đường từ thị xã Chí Linh tới 2 khu di tích đều được trang hoàng cờ Tổ quốc, cờ thần, hồng kỳ rực rỡ… Tiếng nhạc thiền du dương làm cho lòng người thêm hân hoan, phấn khởi hành hương về đất thiêng.


Đông đảo du khách thập phương, người dân địa phương tham quan khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc. Ảnh: Thành Chung

Trong số khách du xuân, chiêm bái tại vùng đất địa linh nhân kiệt này có sự hiện diện của không ít bà con Việt kiều và người nước ngoài. Chị Nguyễn Thu Hằng (28 tuổi) - một Việt kiều đang sinh sống tại Cộng hòa Séc cùng nhóm bạn lần đầu đến với khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc tỏ ra rất phấn khích. Chị Hằng là người gốc Gia Lộc nhưng đã theo bố mẹ sang nước ngoài định cư từ khi học lớp 5. Tết này là lần đầu tiên chị trở lại Hải Dương và quyết định mời thêm 2 người bạn thân sang thăm quê, cùng đi khám phá Côn Sơn - Kiếp Bạc. Chị Hằng cho biết: “Tôi đã tìm hiểu khá nhiều thông tin về khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc trên internet trước khi về nước. Chỉ có điều những gì tôi đọc được không thể lột tả hết vẻ đẹp tuyệt vời của thiên nhiên, những giá trị của các công trình văn hóa, lịch sử gắn liền với tên tuổi của các anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa ở đây như Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo, Trần Nguyên Đán… Về du xuân, khám phá Côn Sơn - Kiếp Bạc giúp tôi hiểu lịch sử, thêm tự hào về đất nước, quê hương”.

Chị Lucie Polakova (bạn chị Hằng) tỏ ra rất ngưỡng mộ vùng đất Côn Sơn - Kiếp Bạc. “Tôi rất thích những tấm bia cổ trước sân chùa Côn Sơn hay tòa Cửu phẩm Liên hoa ở đây. Giếng Ngọc, Thanh Hư Động, Bàn Cờ Tiên rất tuyệt vời. Bên Kiếp Bạc cũng thế, đền Kiếp Bạc có kiến trúc độc đáo. Nghe thuyết minh về những giá trị di tích, về những nhân vật lịch sử của đất nước các bạn khiến tôi mê mẩn”, chị Lucie Polakova nói.


Du khách tìm hiểu bảo vật quốc gia ở di tích Côn Sơn - bia Côn Sơn tư phúc tự bi. Ảnh: Tiến Mạnh

Có thể nói, không nhiều nơi hội tụ phong cảnh đẹp, các công trình kiến trúc, địa danh độc đáo gắn liền với các giá trị tôn giáo, tín ngưỡng, văn hóa, lịch sử như ở Côn Sơn - Kiếp Bạc. Cũng chính bởi vậy mà năm nào cũng có rất đông du khách từ khắp mọi miền trở về trẩy hội, du xuân. Về di tích Côn Sơn, con người như lạc vào cõi thiêng, được khám phá chùa Côn Sơn cổ kính gắn liền với tên tuổi của các vị đã sáng lập Thiền phái Trúc Lâm, thăm đền Nguyễn Trãi, ngoạn cảnh Thanh Hư Động, soi mình nơi giếng Ngọc trong vắt hay leo lên Bàn Cờ Tiên trên đỉnh Côn Sơn, lên núi Ngũ Nhạc để ngắm nhìn trời đất, núi sông. Sang Kiếp Bạc, du khách sẽ được chiêm bái, khám phá đền thờ Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn - vị tướng kiệt xuất đã chỉ huy quân đội nhà Trần đánh bại quân Nguyên - Mông xâm lược… 

Mùa lễ hội

Mùa xuân về Côn Sơn - Kiếp Bạc, du khách được đắm mình vào bầu không khí lễ hội đặc sắc với rất nhiều nghi lễ và hoạt động hấp dẫn, ý nghĩa. Lễ hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc năm nay diễn ra từ ngày 25.2 - 5.3 (tức mùng 10 - 18 tháng giêng) với điểm nhấn là lễ khai hội và công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận bia Côn Sơn tư phúc tự bi là bảo vật quốc gia diễn ra vào sáng 3.3 (16 tháng giêng). Nơi này mới được làm lại nền sân nên rất thoáng đãng, sạch đẹp; việc trang trí lễ đài cũng hoành tráng hơn, chắc chắn sẽ tạo ấn tượng tốt đẹp với du khách.

Trong những ngày chính hội còn có rất nhiều hoạt động ý nghĩa khác như: lễ rước nước, lễ dâng hương tại chùa Côn Sơn, đền Nguyễn Trãi, đền Kiếp Bạc, đền Nam Tào, đền Bắc Đẩu, lễ tế trời đất trên núi Ngũ Nhạc, lễ giỗ Tam tổ Trúc Lâm Huyền Quang Tôn giả và lễ đàn Mông Sơn thí thực tại sân chùa Côn Sơn. Bên cạnh các nghi lễ truyền thống là những hoạt động biểu diễn nghệ thuật, viết thư pháp, trò chơi dân gian, liên hoan pháo đất tỉnh Hải Dương lần thứ VIII, thi đấu cờ tướng, vật dân tộc, thi gói bánh chưng, giã bánh dày…

Ông Bùi Xuân Lộc (52 tuổi) ở huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) năm nào cũng về trẩy hội, du xuân tại Côn Sơn - Kiếp Bạc nhận xét: “Cái hay của lễ hội ở đây là các nghi lễ, hoạt động văn hóa, trò chơi dân gian được tổ chức đan xen, liên tục. Qua từng năm, lễ hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc lại có những đổi mới nhất định khiến cho du khách không có cảm giác nhàm chán”.


Trong mùa lễ hội, buổi tối ở đền Kiếp Bạc thường có hoạt động tín ngưỡng hầu Thánh. Ảnh: Tiến Mạnh

Phó Trưởng Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc Lê Duy Mạnh cho biết từ sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất, mỗi ngày khu di tích đón khoảng 1 vạn du khách về trẩy hội, du xuân. Đến thời điểm này, mọi công việc chuẩn bị cho các nghi lễ truyền thống và hoạt động tại lễ hội đã được thực hiện chu đáo. Năm nay, công tác bảo đảm an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm… được thực hiện tốt hơn. Từ sau Tết Nguyên đán đến nay không xảy ra tình trạng móc túi, mê tín dị đoan, ngộ độc thực phẩm. Ban Quản lý di tích đã phối hợp với chính quyền thị xã Chí Linh, các xã liên quan huy động tối đa lực lượng để tham gia điều tiết giao thông, hỗ trợ du khách về trẩy hội, du xuân…

TIẾN MẠNH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Côn Sơn - Kiếp Bạc hút khách trẩy hội xuân