Chị xinh đẹp lại có tài nhưng vì mải theo đuổi sự nghiệp học hành nên thành ra lỡ dở.
Ngoài ba mươi tuổi mà vẫn chưa “đứng số”. Con gái tuổi đó ở làng quê chị coi như ế vì quay đi ngoảnh lại, bạn bè cùng trang lứa đã con bồng con bế. Nhìn trước nhìn sau chẳng còn đàn ông độc thân. Chị cứ lặng lẽ đi đi về về, quanh quẩn với công việc cơ quan và nội trợ. Mẹ chị nhìn chị mà nẫu hết cả ruột. Nhiều bận, bà thốt ra lời: “Biết thế, cho mày học lắm làm gì. Giờ thành bà cô thì khổ một đời con ạ!”
Nhưng chị không thành “bà cô” như nỗi lo của mẹ chị bởi qua người mai mối, chị quen anh rồi nảy sinh tình cảm. Biết anh có một đời vợ, lúc đầu chị cũng lăn tăn, cũng tham khảo ý kiến người này người nọ. Người nói ra người nói vào, kẻ vun, người mỉa nên chị sống trong tâm trạng băn khoăn, nửa muốn tiến tiếp trong quan hệ với anh, nửa muốn dừng lại. Chính đứa con riêng của anh là nỗi băn khoăn lớn nhất đối với chị trong lúc này. “Giá như anh chỉ có một mình” - có lúc chị đã ích kỷ thầm ước như vậy.
Đến nhà anh chơi, chứng kiến con gái mới bảy tuổi của anh phải cắm cơm, rửa bát, lau nhà, chị động lòng thương. Ngửi bát vẫn còn mùi nước rửa, chị giật mình. Nó mới bé tí thế kia mà đã phải làm việc nhà như một đứa trẻ học cấp hai thì làm sao mà làm tốt được. Anh là đàn ông, tính vốn xuề xòa nên không để ý những việc lặt vặt ấy, chỉ biết sai con là sai thôi chứ không giám sát xem nó đã làm tốt hay chưa. Biết anh ly dị vợ vì vợ ăn chơi đua đòi, hết đánh đề lại chơi hụi, nợ ngập đầu, rồi cặp bồ khiến chị cảm thấy xót xa. Căn nhà mặt phố của vợ chồng anh phải bán đi để trả nợ, còn bao nhiêu chia đôi. Anh mua được ngôi nhà nhỏ trong ngõ, còn vợ anh thì giao con gái ba tuổi cho anh chăm sóc rồi đi xuất khẩu lao động. Bốn năm trời anh sống cảnh “gà trống nuôi con”. Thi thoảng bà nội, bà ngoại cho mớ rau, con cá để hai bố con tự biên tự diễn. Bốn năm trời không có người đàn bà trong nhà, anh để mọi thứ tuềnh toàng, thậm chí cái bếp gas cũng không có bệ đặt, phải dùng mấy viên gạch để kê. Anh từng tâm sự với chị: “Thà sống thế còn hơn có vợ đoảng, vợ hư”.
Mỗi lần đến nhà anh chơi, con gái anh lại ôm cánh tay chị thủ thỉ: “Con thích cô nấu cơm cho con ăn. Bố nấu không ngon bằng cô”. Con bé còn thích được chị gội đầu, tết tóc hai bên cho nó làm duyên. Chị nhận ra nó thèm khát tình mẫu tử nhưng mẹ nó đi biền biệt từ đó đến nay đã về nước lần nào đâu. Lâu lắm rồi nó không được mẹ ôm ấp, vỗ về nên cứ thấy chị đến là nó luôn miệng ríu rít kể cho chị nghe đủ thứ chuyện của hai bố con và bao giờ cũng kết thúc bằng ao ước: “Con muốn có em để chơi cùng”. Chị vừa về, nó đã mượn điện thoại của bố để gọi, dặn đi dặn lại: “Mai cô lại đến nhé! Con nhớ cô lắm!”. Không biết anh có xui con không mà cái miệng chúm chím, cái giọng líu lo của nó như bỏ bùa chị. Chị thương yêu nó thật lòng và nó cũng quý chị như người thân.
Chị quyết định nhận lời kết hôn với anh trong sự bàn tán của nhiều người xung quanh. Người bảo chị dại, kẻ bảo chị khôn vì ế đến nơi rồi nên lấy được anh là may. Có người còn cảnh báo chị: “Sau này đẻ con ra mới phức tạp, con riêng, con chung không đơn giản đâu”.
Vậy mà đã gần chục năm trôi qua, chị có thêm hai đứa con với anh nhưng tình yêu thương chị dành cho con riêng của chồng vẫn giống như thuở ban đầu. Nguyên tắc đối xử với các con của chị là công bằng, không phân biệt. Nhiều lúc chị mỉm cười mãn nguyện vì chị đẻ hai lần mà có tới ba đứa con.
TRẦN THỊ LÀNH