Thiếu kinh phí lắp đặt trang thiết bị, trình độ đội ngũ cán bộ còn hạn chế là hai nguyên nhân chính dẫn tới việc chậm tiến độ ứng dụng CNTT trong cải cách hành chính...
Ứng dụng công nghệ thông tin ở cấp xã còn hạn chế (ảnh chụp tại bộ phận một cửa xã Đồng Lạc, Nam Sách)
Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) được coi là một giải pháp cải cách hành chính (CCHC), giảm bớt các quy trình, thủ tục rườm rà, tiết kiệm thời gian cho người làm thủ tục hành chính (TTHC). Tuy nhiên vì nhiều lý do, việc ứng dụng CNTT trong CCHC của tỉnh ta vẫn còn nhiều hạn chế.
Thiếu đồng bộBộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả theo cơ chế một cửa (sau đây gọi là bộ phận một cửa - BPMC) của UBND huyện Thanh Hà nhìn bề ngoài có vẻ khá hiện đại. Phòng chờ có màn hình cảm ứng phục vụ nhân dân tra cứu thông tin về các TTHC. Quầy làm việc của cán bộ được bố trí 2 máy tính và 1 máy in. Trong số 5 lĩnh vực được giải quyết tại BPMC này, lĩnh vực có nhiều giao dịch nhất là các thủ tục liên quan đất đai. Thế nhưng Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất của huyện lại nằm ở chỗ khác. Tiếp nhận xong hồ sơ, cán bộ của BPMC lại lại thêm một thao tác là chuyển toàn bộ tài liệu đó đến Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất để cơ quan chuyên môn thực hiện các quy trình theo quy định. Đến hẹn, lại mang hồ sơ đã giải quyết về để trả cho công dân. Vì chưa áp dụng phần mềm tin học cho toàn bộ quy trình giải quyết các TTHC tại BPMC nên trong quá trình giải quyết, hồ sơ bị trục trặc hoặc “nghẽn” ở khâu nào, cán bộ ở BPMC sẽ không thể biết nếu không được các cơ quan liên quan trao đổi thông tin.
Việc ứng dụng CNTT ở cấp xã còn gặp nhiều khó khăn hơn. Ông Lê Hồng Tuấn, Phó Chủ tịch UBND phường Ngọc Châu (TP Hải Dương) cho biết hiện cả Đảng ủy, HĐND, UBND phường mới có 13 máy vi tính, trong đó có 3 máy được dành riêng cho BPMC. Một số máy tính cấu hình không cao, thỉnh thoảng lại trục trặc làm ảnh hưởng tới công việc. Hiện nay, chỉ có bộ phận kế toán là có phần mềm hỗ trợ làm việc, trong khi những bộ phận khác như tư pháp, hộ tịch rất cần đến các phần mềm xử lý nhưng vẫn chưa được ứng dụng. Công tác lưu trữ, hồ sơ văn bản của phường vẫn được thực hiện thủ công.
Theo kết quả tự đánh giá, chấm điểm các tiêu chí trong bộ chỉ số CCHC tỉnh năm 2013, chỉ tiêu ứng dụng CNTT trong CCHC đạt mức thấp nhất (2,5 điểm). Trong đó, nhiều tiêu chí không được điểm nào như việc ban hành và thực hiện kế hoạch ứng dụng CNTT. Kết quả giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh về cải cách TTHC cũng cho thấy việc ứng dụng CNTT vào giải quyết TTHC còn hạn chế. Theo Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh, hiện mới có sở này thực hiện mô hình “công sở điện tử”, cung cấp 7 trong số hơn 40 dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3 (cung cấp đầy đủ các thông tin về quy trình, thủ tục; hồ sơ; thời hạn; phí và lệ phí thực hiện dịch vụ; cho phép người sử dụng điền và gửi trực tuyến các mẫu văn bản; quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện trên môi trường mạng). Ở cấp huyện, mới có 5 đơn vị là Kim Thành, thị xã Chí Linh, TP Hải Dương, Ninh Giang và Tứ Kỳ thực hiện mô hình một cửa hiện đại. Ở cấp xã, việc ứng dụng CNTT chủ yếu mới dừng ở chỗ có máy tính kết nối mạng internet. Trong khi đó, mục tiêu của tỉnh là năm 2014 có 20% dịch vụ công cấp sở, ngành, huyện được cung cấp trực tuyến mức độ 3 và 100% các huyện, thị xã, thành phố áp dụng mô hình một cửa hiện đại để phục vụ giải quyết các TTHC cho người dân và doanh nghiệp. Với tiến độ như hiện nay, các mục tiêu nói trên rất khó thực hiện được. Theo kế hoạch ứng dụng CNTT giai đoạn 2011-2015, tỉnh ta phấn đấu đến năm 2015, 100% số đơn vị sử dụng phần mềm quản lý văn bản và thực hiện trao đổi văn bản điện tử qua mạng, nhưng đến nay, việc ứng dụng phần mềm mới đang được thực hiện tại 5 đơn vị là Văn phòng UBND tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Giao thông vận tải và Sở Lao động, Thương binh và Xã hội. Một số huyện đã cài đặt phần mềm và hướng dẫn sử dụng nhưng vẫn chưa vận hành chính thức.
Khó khăn về kinh phíKhi được hỏi về nguyên nhân khiến các đơn vị chậm ứng dụng CNTT trong CCHC, hầu hết các câu trả lời đều là do khó khăn về kinh phí. Tại huyện Thanh Hà, qua phiếu khảo sát thực trạng sử dụng CNTT do Phòng Văn hóa - Thông tin huyện thực hiện tại 12 phòng chuyên môn và Văn phòng UBND huyện, có 11 đơn vị cho biết nguyên nhân chủ yếu khiến việc ứng dụng CNTT bị hạn chế là do khó khăn về kinh phí. Mức chi phí mà các cơ quan này bỏ ra trong 2 năm 2011-2013 để đầu tư cho hoạt động ứng dụng CNTT thấp nhất là 14 triệu đồng và cao nhất là 65 triệu đồng. Theo một cán bộ Văn phòng UBND huyện, hiện nhiều máy tính các cơ quan thuộc khối UBND huyện đang sử dụng đều đã cũ, hệ thống mạng LAN được thiết kế từ lâu tỏ ra chưa phù hợp. Trong khi đó vài ba năm trở lại đây, tất cả các đơn vị đều phải thắt chặt chi tiêu do hụt thu ngân sách, nên không có kinh phí nâng cấp hạ tầng CNTT để đáp ứng yêu cầu CCHC.
Ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính sẽ tiết kiệm thời gian và giảm phiền hà.
Trong ảnh: Cán bộ Bảo hiểm xã hội tỉnh sử dụng phần mềm về đóng nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế
Kinh phí trang bị cho hạ tầng CNTT đã lớn, kinh phí để mua các phần mềm hoạt động cũng không hề rẻ. Có những phần mềm lên tới vài chục hoặc hàng trăm triệu đồng. Ngay với BPMC cấp huyện hiện cũng chưa có phần mềm dùng chung, nên vẫn mỗi nơi một kiểu. Đối với các đơn vị cấp xã, vướng mắc còn ở chỗ phải tự mình tìm tới các nhà bán phần mềm mà không biết chất lượng ra sao.
Một nguyên nhân nữa khiến việc ứng dụng CNTT trong CCHC chưa đáp ứng yêu cầu là do vấn đề về nhân lực. Ở cấp huyện, hầu hết các phòng, ban đều không có cán bộ quản trị mạng, phụ trách về vấn đề an ninh mạng và cũng không cử cán bộ tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về quản trị mạng. Ở cơ sở, nhiều cán bộ tuổi đã cao nên ngại học cái mới, ngại tiếp cận với CNTT nên dù có được trang bị máy tính hay phần mềm chuyên dụng, vẫn không sử dụng được. Có cán bộ chỉ dùng máy tính như công cụ để đọc báo, chơi điện tử, còn soạn thảo văn bản hay gửi công văn qua mạng thì phải nhờ người khác. Ngay cả với các sở, ngành, dù nhiều đơn vị có trang thông tin điện tử nhưng do cán bộ phụ trách chưa tâm huyết, nhiệt tình hoặc năng lực hạn chế nên thông tin ít được cập nhật, không có phần mềm ứng dụng giúp người dân thực hiện các giao dịch qua mạng...
Để đẩy nhanh ứng dụng CNTT trong CCHC, các sở, ngành và UBND các cấp cần thực hiện nghiêm Đề án 30C và Quyết định 93/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ theo hướng đồng bộ, thống nhất. Các cấp, các ngành cần ưu tiên kinh phí cho việc nâng cấp hạ tầng CNTT và đào tạo cán bộ về sử dụng CNTT trong CCHC. Chú ý nâng cấp cổng thông tin điện tử của tỉnh, đa dạng hóa thông tin trên các trang tin điện tử của các cơ quan, đơn vị, tiến tới hoàn thiện bộ dữ liệu dùng chung trong phạm vi toàn tỉnh...
PV
Tăng cường công tác tuyên truyền
Tôi thấy hiện nay, một số bộ phận một cửa cấp huyện được đầu tư máy móc khá hiện đại. Ngoài máy tính phục vụ cán bộ, công chức còn có máy tính với màn hình cảm ứng để phục vụ người dân tra cứu thông tin, các bước, các giấy tờ, hồ sơ liên quan đến thủ tục mình cần thực hiện. Tuy nhiên, đang diễn ra một tình trạng là nhiều người dân không biết tiện ích này nên cứ hỏi thẳng cán bộ tại bộ phận một cửa, làm ảnh hưởng đến quá trình giải quyết thủ tục hành chính; đồng thời gây ra một sự lãng phí lớn vì có máy móc, thiết bị mà không phục vụ được người dân. Theo tôi, cùng với việc lắp đặt các thiết bị hiện đại, các cấp, các ngành cũng cần tăng cường công tác tuyên truyền, thông tin hướng dẫn sử dụng rộng rãi các thiết bị đó cho người dân qua các kênh để người dân đến làm thủ tục hành chính tự động tra cứu, vừa giúp tiết kiệm thời gian cho cả người dân và cán bộ vừa tránh sự lãng phí không đáng có.
PHẠM THẾ TRƯỜNG (Khu 6, phường Tân Bình, TP Hải Dương)
Nên ứng dụng công nghệ thông tin trong việc lấy ý kiến nhân dân
Tôi được biết việc đánh giá chỉ số hài lòng của nhân dân đối với các dịch vụ hành chính là hết sức quan trọng để các cơ quan nhà nước biết rõ chất lượng phục vụ dân của mình như thế nào. Đây cũng là cơ sở để các cơ quan, đơn vị tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính, phục vụ nhân dân tốt hơn. Tuy nhiên, hiện nay nhiều đơn vị khá lúng túng trong việc thăm dò ý kiến nhân dân về chất lượng phục vụ của mình. Trong khi toàn tỉnh đã có 28 sở, ngành và UBND cấp huyện có trang thông tin điện tử, tại sao các đơn vị không mở mục thăm dò ý kiến nhân dân về chất lượng phục vụ của đơn vị mình ngay trên trang tin điện tử. Cách làm này vừa bảo đảm tính công khai, minh bạch, lại vừa khách quan. Thay vì đề nghị nhân dân ghi đánh giá nhận xét bằng văn bản tại bộ phận một cửa, ở những nơi có màn hình cảm ứng nên để “cửa sổ” lấy phiếu đánh giá và hướng dẫn nhân dân đến làm thủ tục cho biết ý kiến vào các ô, nút trên màn hình. Đồng thời, các ngành, đơn vị cần tuyên truyền rộng rãi về website của mình để người dân biết, tìm hiểu thông tin và đánh giá chất lượng phục vụ của đơn vị...
NGUYỄN XUÂN (Xã Liên Mạc, Thanh Hà) |