Đầu tư xây dựng lò đốt rác nhưng "đắp chiếu", rác thải chứa ngay trong khuôn viên, chưa có hệ thống xử lý nước thải...
Toàn bộ rác thải chưa qua xử lý được Bệnh viện Đa khoa Bình Giang chứa ngay trong khuôn viên
Xả nước thải vượt quy chuẩn cho phép, hệ thống xử lý chất thải hoạt động kém hiệu quả, thiếu thủ tục hành chính theo quy định là những hạn chế của nhiều bệnh viện trong công tác bảo vệ môi trường. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, mỗi ngày, các bệnh viện trong tỉnh phát sinh khoảng 4 tấn rác thải y tế (trong đó 20% là rác thải nguy hại) và 4.000 m3 nước thải. Tuy nhiên, công tác bảo vệ môi trường (BVMT) ở các bệnh viện còn nhiều hạn chế, bấp cập.
Chôn rác ở khuôn viênMỗi tháng, Bệnh viện Đa khoa Bình Giang thải ra 450 kg rác thải rắn y tế, hơn 2,5 tấn rác thải sinh hoạt và 900 m3 nước thải y tế. Rác thải rắn y tế được xử lý tại lò đốt rác Chuwastar (nhập khẩu từ Nhật Bản). Bệnh viện cũng có trạm xử lý nước thải. Tuy nhiên, toàn bộ lượng rác thải sinh hoạt chưa được xử lý mà đổ trong khuôn viên bệnh viện, gây ô nhiễm môi trường. Ông Ứng Minh Sơn, Giám đốc Bệnh viện cho biết: “Bệnh viện phải chôn lấp rác ở khuôn viên do chưa tìm được nơi xử lý. Bệnh viện đã liên hệ với Công ty CP Môi trường Tình Thương để thuê xử lý nhưng công ty này đưa ra mức giá quá cao (500 nghìn đồng/m3), trong khi nguồn kinh phí của bệnh viện còn hạn chế. Bệnh viện cũng đã phân loại riêng rẽ rác thải y tế và rác thải sinh hoạt. Có lần chúng tôi muốn các xã lân cận cho phép tiếp nhận nguồn rác thải sinh hoạt được phân loại nhưng người dân không đồng ý vì cho rằng rác thải sinh hoạt vẫn có thể lẫn rác thải y tế”.
Mỗi ngày, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Hải Dương xả ra 25-27 kg chất thải rắn y tế. Trước tháng 4-2013, lượng rác này được xử lý tại lò đốt rác Chuwastar. Theo ông Vũ Công Hoan, Trưởng khoa Chống nhiễm khuẩn, lò này bắt đầu hoạt động từ tháng 6-2012 nhưng hiệu quả xử lý không cao. Lò không đốt được thủy tinh vì không có thanh ghi nên rác ở đáy không nóng cháy được mà chỉ khô, giòn. Rác sau khi đốt ở lò này vẫn phải thuê một đơn vị xử lý. Ngoài ra, lò đốt rác thiếu đồng bộ vì không có màng lọc khí độc nên khi đốt còn có mùi khét. Mỗi tháng, bệnh viện phải chi 7 triệu đồng tiền mua dầu để chạy lò cùng 1 công nhân vận hành. Nếu đi thuê đơn vị khác xử lý thì giá thành cũng như nhau. Do vậy, từ tháng 4-2013, bệnh viện đã thuê Công ty CP Công nghệ môi trường An Sinh xử lý rác thải rắn y tế.
Năm 2013, Chi cục BVMT (Sở Tài nguyên và Môi trường) đã kiểm tra 22 bệnh viện trong tỉnh. Kết quả cho thấy, việc BVMT ở các bệnh viện còn nhiều hạn chế. Vị trí lưu giữ chất thải rắn y tế nguy hại ở hầu hết các bệnh viện chưa bảo đảm quy định như: chưa có biển báo, dấu hiệu cảnh báo, thời gian lưu giữ qua 72 giờ nhưng không có nhà bảo quản lạnh. Các bệnh viện chưa có sự thống nhất về cách thức xử lý chất thải rắn nguy hại. Đa số các bệnh viện chưa báo cáo định kỳ về quản lý, xử lý chất thải rắn y tế nguy hại. Một số bệnh viện xử lý chất thải rắn nguy hại cho cơ sở y tế khác nhưng không làm thủ tục hành nghề quản lý chất thải nguy hại như các Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Nam Sách, Kim Thành, Tứ Kỳ. Thực tế các bệnh viện này rất khó đáp ứng điều kiện cần thiết để xử lý chất thải rắn y tế nguy hại.
Đa phần lượng chất thải rắn y tế được xử lý bằng lò Chuwastar nhưng một số lò đốt đã xuống cấp nên xử lý không triệt để. Việc trang bị đồng loạt lò đốt rác Chuwastar có thể chưa phù hợp, đặc biệt với các bệnh viện phát sinh ít chất thải lại nằm gần khu dân cư. Kết quả phân tích khí thải sau ống khói của lò đốt Chuwastar tại một số bệnh viện đều đạt tiêu chuẩn môi trường nhưng khi đốt lại có mùi khó chịu nên người dân khiếu kiện. Một số lò đốt không xử lý triệt để chất thải, bệnh viện phải thuê đơn vị khác xử lý như tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Hải Dương, Bệnh viện Đa khoa Cẩm Giàng. Bệnh viện Đa khoa Bình Giang và Bệnh viện Tâm thần Hải Dương vẫn còn chôn lấp rác trong khuôn viên bệnh viện.
Thiếu hệ thống xử lý nước thảiTất cả lượng rác thải y tế, rác sinh hoạt phát sinh tại Bệnh viện Phong Chí Linh đã được xử lý tại lò đốt Chuwastar. Tuy nhiên, bệnh viện này vẫn chưa có hệ thống xử lý nước thải. Ông Nguyễn Quang
Nhiều lần Sở Y tế, Sở Tài nguyên và Môi trường về kiểm tra chúng tôi đều đề nghị bệnh viện cần có hệ thống xử lý nước thải nhưng đến nay vẫn chưa được”
Ông NGUYỄN QUANG CƯƠNG Giám đốc Bệnh viện Phong Chí Linh |
Cương, Giám đốc Bệnh viện cho biết: “Bệnh viện thải khoảng 5 m3 nước thải/ngày. Lượng nước này xả ra các ao trong khuôn viên bệnh viện và một phần thoát ra kênh mương bên ngoài. Năm 2009, UBND tỉnh cũng đã có dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp, mua sắm trang thiết bị y tế cho bệnh viện, trong đó có hạng mục hệ thống xử lý nước thải y tế nhưng không hiểu sao đến nay vẫn chưa được đầu tư. Nhiều lần Sở Y tế, Sở Tài nguyên và Môi trường về kiểm tra chúng tôi đều đề nghị bệnh viện cần có hệ thống xử lý nước thải nhưng đến nay vẫn chưa được”. Mặc dù biết nước thải không qua xử lý mà vẫn xả ra môi trường là nguy hiểm, có thể phát tán mầm bệnh nhưng do không có kinh phí đầu tư nên lãnh đạo Bệnh viện Phong Chí Linh đành ngậm ngùi chấp nhận.
Lò xử lý rác thải Chuwastar tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi phải bỏ không
sau chưa đầy 1 năm vận hành vì xử lý rác không triệt để
Kết quả kiểm tra của Chi cục BVMT trong năm 2013 về xử lý nước thải tại các bệnh viện cũng đáng báo động. 19 trong tổng số 22 bệnh viện mặc dù có hệ thống xử lý nước thải theo công nghệ Nhật Bản nhưng chưa phát huy được hiệu quả xử lý. Có 6 bệnh viện nước thải không được thu gom vào hệ thống xử lý, lượng thu về ít hoặc hệ thống gặp sự cố, là các Bệnh viện Đa khoa Nam Sách, Ninh Giang, Hòa Bình, Tứ Kỳ, Bệnh viện Nhị Chiểu và Bệnh viện Tâm thần Hải Dương. Kết quả phân tích nước thải sau xử lý tại nhiều bệnh viện có nhiều thông số vượt quy chuẩn cho phép như tại Bệnh viện Y học cổ truyền, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Hải Dương và các Bệnh viện Đa khoa Thanh Miện, Bình Giang, Kinh Môn, Chí Linh. Hệ thống xử lý nước thải ở các bệnh viện đều chưa được đánh giá hiệu quả xử lý, hướng dẫn vận hành. Ngoài ra, qua kiểm tra, Chi cục BVMT cũng phát hiện hầu hết các bệnh viện chưa lập hồ sơ xin cấp giấy phép xả thải gửi cơ quan có thẩm quyền, chưa thực hiện kiểm soát môi trường định kỳ, chưa lập hồ sơ để cấp giấy xác nhận đã thực hiện công trình, biện pháp BVMT cho giai đoạn vận hành của dự án.
Không chỉ đến đợt kiểm tra gần đây Sở Tài nguyên và Môi trường mới phát hiện ra các hạn chế, yếu kém trong BVMT ở các bệnh viện. Một số năm trước đây, nhiều hạn chế cũng đã được chỉ ra nhưng đến nay nhiều bệnh viện vẫn chậm khắc phục. Những hạn chế, yếu kém trong việc BVMT ở các bệnh viện cần sớm được chấn chỉnh.
NINH TUÂN