Từ một quốc gia nhiều năm liền lẹt đẹt về điện mặt trời, chỉ trong vòng 3 năm, Việt Nam đã trở thành quốc gia tăng trưởng điện mặt trời đứng đầu thế giới.
Từ Bắc vào Nam đâu đâu cũng thấy điện mặt trời trên mái nhà, dưới mặt đất và cả trên chuồng gà. Đó là giá. Giá bán điện cao, trong khi giá mua thiết bị rẻ, lời là làm!
Nếu cộng tổng thời hạn hai quyết định số 11 và 13 về cơ chế khuyến khích điện mặt trời, Việt Nam chỉ mất đúng một năm rưỡi để đứng vào hàng ngũ những quốc gia đứng đầu về năng lượng tái tạo.
Việt Nam có gì để vươn lên vị thế đó? Chỉ có duy nhất chính sách khuyến khích bằng giá mua điện cao 9,35 cent/kWh (tương đương 2.162 đồng/kWh) trong 20 năm và có đất để lắp tấm pin.
Thế nhưng điều đáng nói là tất cả các thiết bị trong một nhà máy điện mặt trời đều phải nhập ngoại, mà lớn nhất là từ Trung Quốc.
Thậm chí, nhiều dự án lớn tổng thầu cũng do doanh nghiệp Trung Quốc "bao sô", chỉ trao cho người Việt chiếc chìa khóa vận hành.
Đến nay, không ít nhà máy điện mặt trời xây nên từ chính sách ưu đãi đã rơi vào tay nước ngoài, điển hình là Thái Lan thông qua M&A (mua bán và sáp nhập). Với 16.500 MW điện mặt trời đã vận hành, nếu tính giá đầu tư thấp nhất, không dưới 10 tỷ đô đã chảy sang quốc gia bán thiết bị.
Thậm chí, có doanh nghiệp do người Trung Quốc đứng đầu vừa bị khởi tố do tuồn pin thành phẩm sang Việt Nam nhưng lại khai là nguyên liệu sản xuất, kiếm lợi hàng trăm tỷ đồng.
Lẽ ra, con số dự án điện mặt trời sẽ không dừng lại ở mức trên mà sẽ còn tăng "khủng" hơn nữa khi đất đai đã bó hẹp, các nhà đầu tư đổ sang xin làm trên hồ.
Từ Nghệ An trở vào Nam, các hồ đã được khảo sát, xin bổ sung quy hoạch kín mít, chỉ thiếu một cái "gật đầu" là lắp. Tuy nhiên, trước những lo ngại về môi trường, các cơ quan quản lý đã có động thái "tuýt còi", tạm ngưng rải pin trên hồ cho đến nay.
Còn với điện mặt trời trên mái nhà, đây quả thực là một thị trường "thượng vàng hạ cám". Lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã từng cảnh báo về tình trạng nhập pin hiệu suất thấp vào Việt Nam.
Đó là chưa kể hàng giả, hàng kém chất lượng tuồn vào Việt Nam mà người mua hoàn toàn tù mù thông tin. Tất cả chỉ nhằm lắp thật nhanh, thật nhiều để hưởng giá bán ưu đãi theo chính sách. Thế nên mới có chuyện hàng loạt dự án điện mặt trời trên dự án nông nghiệp bán điện giá cao nhưng bên dưới chẳng nuôi trồng gì cả (!).
Nhìn một cách tích cực, Nhà nước đã huy động sức dân để cùng tham gia bổ sung nguồn điện. Nhưng lắp bên trên, dùng bên dưới, thừa mới bán điện cho EVN thì còn mừng.
Đằng này cả một cụm dự án hàng MW lắp xong đều đẩy lên lưới 100% công suất, đi ngược với quy luật phát triển điện mặt trời mái nhà của thế giới mà vẫn được hợp thức hóa, hưởng giá cao thì không không ổn.
Khi ban hành chính sách cũng cần lường trước những hệ lụy có thể xảy ra, nhất là bám sát với giá cả của thị trường để có "cơ chế khuyến khích" hưởng giá cao hay tạo hành lang để dự án phát triển theo quy luật thị trường.
Cơn lốc điện mặt trời sẽ qua đi, nhưng hệ lụy về giá sẽ kéo dài 20 năm. Do đó, điều cần nhất bây giờ là làm đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng: kịp thời chấn chỉnh và xử lý nghiêm các sai phạm, nhất là các hành vi trục lợi chính sách.
NGỌC HIỂN