Ngày nó bốn hay năm tuổi gì đấy, trẻ con trong xóm đứa nào cũng có một con lật đật để chơi. Lật đật mặc váy đỏ quàng khăn trắng và đặc biệt là không bao giờ biết ngã. Nó dành hàng giờ đồng hồ bên nhà cái An để mân mê chú lật đật bé nhỏ. Tối hôm đó khi nằm cạnh mẹ, nó phụng phịu đòi mẹ mua lật đật cho bằng được. Mẹ ôm nó vào lòng rồi hứa cuối tuần nếu nhận được nhiều phiếu bé ngoan mẹ sẽ tặng cho con lật đật đáng yêu. Thời gian trôi thật nhanh, ngày nó mong chờ cuối cùng đã đến. Nó háo hức tới nỗi cả buổi trưa không sao ngủ được, chỉ mong chiều được về nhà để được mẹ dẫn đi mua lật đật. Buổi chiều hôm đó, một buổi chiều nắng nhẹ, hàng cây hai bên cổng nhà mẫu giáo đang reo vui cùng nó. Thấp thoáng trong dòng người đến đón con, nó thấy ông nó, chứ không phải là mẹ. Niềm vui trong nó vơi đi chút ít. Nó sợ ông sẽ không thực hiện lời hứa của mẹ. Nhưng nó đã nhầm, ông đã dẫn nó đi xem khắp các cửa hàng đồ chơi lớn trên phố. Đến tận tối mịt hai ông cháu mới về tới nhà. Nó chạy ùa vào nhà nũng nịu khoe mẹ con lật đật mới mua. Bữa cơm gia đình hôm ấy vui hơn trong tiếng cười giòn giã của nó. Con lật đật của nó cũng khiến lũ trẻ trong xóm ghen tị. Nó to gấp đôi con lật đật của An, màu sắc lại còn tươi hơn nữa. Nhưng niềm háo hức đó chỉ tồn tại trong vài tuần, thậm chí là vài ngày. Nó lại bị cuốn đi bởi những trò chơi con gái khác. Chú lật đật lại đứng im lặng trong tủ kính, vẫn mỉm cười mỗi khi nó đi qua.
Tuổi thơ nó trôi qua với những kỷ niệm êm đềm bên cạnh gia đình. Thấm thoắt nó đã là học sinh lớp mười hai. Vòng xoáy của bài vở cuốn nó đi. Nó dường như quên mất sự tồn tại của chú lật đật tuổi thơ. Thời gian trôi rồi lại trôi, ngày báo điểm thi đại học đã tới. Cả gia đình nó ngồi trước chiếc máy tính bàn của gia đình hồi hộp chờ kết quả. Nó đã bật khóc khi biết mình trượt đại học. Những chuỗi ngày tiếp theo là những chuỗi ngày đen tối trong cuộc đời nó. Nó thu mình trong vỏ ốc tự tạo ra, ở lì trong bốn bức tường và dành nhiều ngày dài để khóc. Trong đầu nó lúc bấy giờ chỉ tồn tại đúng hai chữ đó là “giá như”. Giá như nó học hành chăm chỉ hơn một chút, giá như nó cẩn trọng hơn một chút, giá như, giá như rồi lại giá như… Nó khóc tưởng như đã cạn khô cả nước mắt. Bao nhiêu hy vọng vào tương lai trong nó đổ vỡ. Nó tủi thân khi phải nghĩ tới cảnh một mình ở nhà trong khi các bạn bè cùng lớp đều đi học đại học hết. Cha mẹ an ủi nó cũng không muốn nghe, nó chỉ muốn một mình nó, trong thế giới của nó mà thôi. Cánh cửa tâm hồn nó sẽ mãi đóng nếu không có một ngày ông bước lên phòng nó, đặt con lật đật trước cửa phòng rồi lẳng lặng đi xuống. Ông vẫn thế, luôn quan tâm người khác một cách âm thầm như vậy. Nhìn con lật đật nhỏ xinh, kỷ niệm trẻ thơ trong nó lại ùa về. Nó ước ao trở về thuở nhỏ không phải lo toan bất cứ lẽ gì. Nó đang buồn biết bao nhưng chú lật đật vẫn cười, nụ cười trẻ con ngây thơ biết mấy. Nó đẩy nhẹ để chú lật đật lắc lắc cái mình xinh đẹp. Chú lật đật bị đẩy mạnh thế nào cũng không biết ngã. Nó chợt nhận ra những điều ông muốn nói. Giọt nước mắt lại tràn ra nơi khóe mắt. Đúng rồi, nó phải như chú lật đật nhỏ bé mà mạnh mẽ này, phải đứng lên sau vấp ngã lần này. Lần đầu tiên trong một tháng nó bước xuống gian bếp của gia đình. Nó vòng tay ôm vào thắt lưng mẹ khi mẹ đang xào rau. Mẹ nó dạo này gầy quá, nó xót xa khi nhận ra mình thật vô tâm chỉ quan tâm đến những cảm xúc của bản thân mà không để ý đến nỗi buồn trong lòng mẹ. Bữa cơm gia đình hôm ấy lại nghe thấy tiếng cười yếu ớt của nó. Gương mặt tiều tụy của mẹ dường như sáng hơn lên.
Mặc dù bạn bè lần lượt lên đường học đại học nhưng nó vẫn quyết tâm ở nhà học ôn một năm nữa để thi vào ngôi trường mơ ước. Lại thêm một năm học hành đầy vất vả. Rồi ngày báo kết quả lại đến. Lần thứ hai cả nhà ngồi trước máy tính chờ điểm. Nó đã vỡ òa trong sung sướng khi biết mình đủ điểm đỗ đại học. Ngày nó sắp đồ lên Hà Nội mẹ hỏi ngoài quần áo nó có mang theo gì nữa không. Nó trả lời mẹ mà thấy mắt mình cay cay:
- Con lật đật mẹ ạ!
VŨ LÊ BẢO DUNG(Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi)