Ngày Tết về quê hương không khí trang trọng hơn ở Thủ đô. Quê tôi ngay nhà nghèo cũng có bàn thờ trang trọng đặt riêng ở gian giữa...
Đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng hiện đại nhất Việt Nam. Ảnh: Mai Anh
Từ ngày có đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, tôi mới chỉ nghe nói, mãi đến gần đây về Thanh Miện viếng ông anh mới được hưởng tốc độ cao. Chiếc taxi Matiz trông bề ngoài rất "cà - là - mèng" nhưng vẫn phi hơn trăm km/giờ. Xe thấp, bên trái là luồng Hải Phòng - Hà Nội chả nhìn thấy gì vì dải phân cách to cao che hết cả. Bên phải là ruộng đồng, làng mạc. Một màu xanh rất bình yên và cũng rất vắng vẻ. Vèo cái đã về đến Đò Neo. Đám tang ông anh cựu chiến binh rất trang trọng. Cờ đèn kèn trống. Cái lệ ở quê ai cũng phải theo, thiếu tiết mục nào cũng không được...
Lúc về tôi đi qua Quán Gỏi, ra đường 5 cũ. Nói là cũ nhưng so với cao tốc đông vui hơn, xe cộ nhiều, hàng quán, chợ búa dày đặc. Vui nhưng giao thông không tiện. Không đếm được bao nhiêu hàng "gà Mạnh Hoạch"... Không hiểu cái tên Mạnh Hoạch có liên quan gì đến câu chuyện "Khổng Minh thất cầm Mạnh Hoạch" trong Tam Quốc chí bên Tầu xưa?
Tôi năm nào cũng về Thanh Miện, mộ phần ông bà cụ kỵ đều ở cánh đồng làng, xây gạch chắc chắn, nhưng vẫn có việc cho con cháu về dọn cỏ, thắp hương, hóa ít tiền (cả đô la) cho các cụ ở dưới ấy tiêu pha thả cửa, không chắt chiu vài triệu lương hưu còm cõi như lão nhà báo tháng tháng nhờ vợ ra phường lĩnh lương hưu. Nghĩ cũng may mình làm báo, nếu dạy học như có cô giáo về hưu lương có triệu ba, đúng bằng tiền điện hằng tháng hiện nay của gia đình tôi thì cũng mệt...
Ngày Tết về quê hương không khí trang trọng hơn ở Thủ đô. Ở Hà Nội nhiều nhà chỉ có cái xích đông treo tường, để một bát hương là thành bàn thờ. Quê tôi ngay nhà nghèo cũng có bàn thờ trang trọng đặt riêng ở gian giữa. Đầy đủ đồ tế lễ, có nhà chơi cả một dây đèn nhấp nháy rất... "sang trọng"! Không biết các cụ có chê không chứ hàng xóm phục là oách rồi! Các ông anh tôi cả năm chăm bón cho chậu lan. Tết đến bê vào trong nhà, hương ngọc lan thanh tao nhè nhẹ. Rượu nhà nấu, gà, lợn, cá cũng của nhà. Cất cái vó là có con chép to giãy đành đạch, om dưa cả con, đĩa cá vắt ngang lòng mâm cơm chiều 30. Ngồi nhâm nhi nghĩ sự đời, buồn có nhưng vui là chính. Và cái buồn, cái khổ đã qua lâu rồi.
Có điều tôi băn khoăn là làng quê ta giờ chuyện "điện, đường, trường, trạm" đã ít nói đến, có từ lâu. Kể cả mô hình "Trồng cây gì, nuôi con gì?" cũng chẳng ai nhắc tới nữa. Vấn đề bây giờ là xuất khẩu. Ngoài vải thiều Thanh Hà, bánh đậu xanh, còn gì nữa? Và thực tình như ở xã tôi chưa có sản xuất quy mô lớn, thực phẩm sạch để xuất khẩu. Mà vài nơi có thì các nhà xuất khẩu họ ăn bảy phần, nông dân chỉ còn ba, biết thế mà phải "ngậm bồ hòn làm ngọt". Nhớ hồi bố tôi còn sống, Tết năm ấy ông làm thơ dán cột: "Tết nhất năm nay cũng đủ vui/Mấy chục bánh chưng xếp chật nồi/ Dăm cân giò thủ treo lưng vách/ Rượu cẩm trà hương cũng đủ rồi..."
Bố ạ! Bây giờ chuyện rượu thịt chẳng cần chờ đến Tết. Làng ta vẫn thấy thiếu một cái gì đó như ngày xưa hoặc như tương lai mơ ước. Nói "Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh" thì dễ mà xem ra còn xa... Khi con còn bế ngửa, các bác Nguyễn Lương Bằng do Cụ Hồ cử từ Trung Quốc về, cùng với bác Nguyễn Công Hòa ở tù Côn Đảo ra đã lập Đảng bộ đầu tiên do bố làm Bí thư Huyện ủy Thanh Miện. Sau khi cướp chính quyền bố được cử sang làm Chủ tịch huyện Gia Lộc, rồi làm phó cho bác Lê Thanh Nghị ở Ban Kinh - tài Khu ba, rồi lên Việt Bắc... Con đường các bác đi, nay lớp con em vẫn tiếp tục đi.
TRẦN ĐỨC CHÍNH