Con đường huyền thoại

23/10/2011 18:10

Những chiến tích của Đoàn tàu không số mãi là những huyền thoại, đường Hồ Chí minh trên biển vẫn mãi ngời sáng như bản thiên anh hùng ca bất tử...

Bảo đảm tuyệt đối bí mật cho tuyến đường vận chuyển đặc biệt này, các tàu của Đoàn 759 phải hoán cải  thành tàu đánh cá, không có số hiệu cố định, tên gọi “Đoàn tàu không số” ra đời như thế.

Đó là tên gọi đã trở nên quen thuộc của người Việt Nam ta mỗi khi nói tới con đường vận tải biển trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, mang tên Bác: Đường Hồ Chí Minh trên biển.

Trước sự phát triển của cách mạng miền Nam, năm 1959, Bộ Chính trị Trung ương Đảng và Tổng Quân ủy (từ năm 1961 là Quân ủy Trung ương) quyết định nghiên cứu mở tuyến đường vận tải trên biển để chi viện vũ khí, thuốc men cho miền Nam. Thực hiện chủ trương đó, tháng 7-1959, Tiểu đoàn 603 được thành lập với nhiệm vụ nghiên cứu cách vận chuyển bằng đường biển vũ khí vào miền Nam. Tiểu đoàn 603 đóng quân tại huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, để giữ bí mật, lấy tên là “Tập đoàn đánh cá sông Gianh”, có 4 thuyền gỗ. Sau thời gian tập luyện, chuẩn bị mọi mặt, đêm 30 Tết Canh Tý (27-1-1960), chuyến thuyền đầu tiên xuất phát chở 5 tấn vũ khí vào khu 5, dự kiến cập bến chân đèo Hải Vân; nhưng gặp thời tiết khắc nghiệt, rồi tàu địch tuần tra ngặt nghèo, cuối cùng phải hủy 5 tấn hàng xuống biển để xóa dấu vết. Chuyến đi biển đầu tiên không thành, Tổng Quân ủy quyết định cho Đoàn 603 ngừng hoạt động để tìm phương thức vận chuyển mới.

Ngày 23-10-1961, Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 97 thành lập Đoàn 759 (năm 1964 đổi tên là Đoàn 125) làm nhiệm vụ vận chuyển chiến lược bằng đường biển chi viện chiến trường miền Nam. Sự ra đời của Đoàn 759 thể hiện tầm nhìn chiến lược và sáng tạo của Bộ Chính trị, mà trực tiếp là Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, đồng thời cũng là mốc lịch sử quan trọng, mở ra bước phát triển mới của tuyến đường vận tải biển. Từ đấy, ngày 23-10 trở thành ngày truyền thống của Đoàn 759 trước đây, Lữ đoàn 125 hải quân ngày nay, và cũng đồng thời là ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển.

Ra đời ít lâu, Đoàn 759 cho thuyền vượt biển trinh sát mở đường từ Bắc vào Nam. Đêm 10-4-1962, chiếc thuyền gồm 6 người, do đồng chí Bông Văn Dĩa làm bí thư chi bộ rời cửa Nhật Lệ (Quảng Bình) đi về phía nam; sau bao ngày đêm dũng cảm vật lộn với sóng gió và mưu trí vượt qua sự nghi ngờ của tàu địch, đêm 18-4-1962 thuyền cập bến Vàm Lũng, Cà Mau. Từ thành công chuyến đi trinh sát mở đường, giữa tháng 8-1962, Quân ủy Trung ương ra nghị quyết mở đường vận chuyển chiến lược trên biển; cùng thời gian này, Đoàn 759 được bổ sung cán bộ, chiến sĩ và tiếp nhận 4 tàu gỗ từ Xưởng đóng tàu 1 Hải Phòng. Từ đây, Đoàn bước vào giai đoạn vận chuyển mới. Đêm 11-10-1962, con tàu đầu tiên được mang bí danh Phương Đông 1 do Lê Văn Một làm thuyền trưởng, Bông Văn Dĩa làm chính trị viên cùng 11 thủy thủ, chở 30 tấn vũ khí rời bến K15 Đồ Sơn lên đường đi Cà Mau. Sau 8 ngày đêm mưu trí, dũng cảm vượt qua sóng to gió lớn và sự tuần tra, theo dõi ngặt nghèo của tàu địch, đêm 19-10 tàu vào bến Vàm Lũng an toàn. Từ đây, tuyến đường biển nối hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam hình thành, mở ra thời kỳ mới cho vận chuyển vũ khí, thuốc men, và cả nhân lực, chi viện cho chiến trường miền Nam. Sau chuyến vận chuyển đầu tiên thành công, Đoàn 759 rút kinh nghiệm, tổ chức tiếp các chuyến tàu thứ hai, thứ ba, thứ tư mang tên Phương Đông 2, Phương Đông 3, Phương Đông 4 vận chuyển vũ khí vào Cà Mau.

Những chuyến tàu gỗ vào Cà Mau thắng lợi đã khẳng định có thể vận chuyển bằng đường biển lâu dài vào miền Nam, nhưng cần có phương tiện vận chuyển tốt hơn, đi trong mọi điều kiện thời tiết. Xưởng đóng tàu 3 Hải Phòng được giao nhiệm vụ đóng loại tàu vỏ sắt trọng tải từ 50 - 100 tấn; nhờ đó Đoàn 759 đã tổ chức được nhiều chuyến chở vũ khí, thuốc men chi viện cho chiến trường. Đầu năm 1964, Đoàn 759 đổi phiên hiệu thành Đoàn 125 đã phát huy truyền thống, không ngừng trưởng thành và đạt nhiều thành tích mới trong vận tải trên biển. Trong thời gian hơn 10 năm (1961 - 1972) Đoàn 759, sau là Đoàn 125, đã tổ chức gần 600 chuyến tàu, vận chuyển gần 33 nghìn tấn hàng hóa, vũ khí các loại kịp thời chi viện cho chiến trường miền Nam. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, Đoàn 125 đã tổ chức 143 lần tàu ra khơi, vận chuyển 18.741 cán bộ, chiến sĩ, 8.721 tấn vũ khí và nhiều hàng quân sự khác, phối hợp với đơn vị bạn giải phóng và tiếp quản các đảo trên quần đảo Trường Sa và vùng biển phía nam.

Cùng với đường Hồ Chí Minh trên dãy Trường Sơn, đường Hồ Chí Minh trên biển là sự sáng tạo đặc sắc và độc đáo của chiến tranh nhân dân, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Trung ương Đảng, Bác Hồ và Quân ủy Trung ương, đồng thời là hiện thân của khát vọng độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và ý chí quyết chiến, quyết thắng của toàn Đảng, toàn quân và dân ta, trong đó lực lượng Hải quân Việt Nam mà trực tiếp và nòng cốt là các cán bộ, chiến sĩ tham gia tổ chức và vận chuyến trên “Đoàn tàu không số”.

50 năm, dẫu thời gian có trôi đi, nhưng những chiến tích của Đoàn tàu không số vẫn mãi là những huyền thoại, đường Hồ Chí minh trên biển vẫn mãi ngời sáng như bản thiên anh hùng ca bất tử và luôn luôn là hành trang vô giá cho các thế hệ người Việt Nam thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trọng đại xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

CAO NĂM

(0) Bình luận
Con đường huyền thoại