Còn 8,5 ngày nữa để tổng phản công dịch bệnh

22/02/2021 15:03

Sáng 22.2, Thường trực Tỉnh ủy tổ chức họp và cho ý kiến về kế hoạch xét nghiệm Covid-19 trên diện rộng và các vấn đề liên quan đến dịch bệnh. 


Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng nhấn mạnh “Chúng ta còn 8,5 ngày nữa để tổng tấn công dịch bệnh. Cần tận dụng từng giờ, từng phút để chạy nhanh hơn dịch"

Cùng dự họp có các đồng chí: Nguyễn Dương Thái, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy và đại diện một số sở, ngành, các chuyên gia của Bộ Y tế tại Hải Dương.

Xét nghiệm diện rộng để thực hiện mục tiêu kép

Theo kế hoạch xét nghiệm do Giám đốc Sở Y tế báo cáo, việc xét nghiệm trên diện rộng nhằm đánh giá vùng nguy cơ, góp phần thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế.

Ngành y tế tập trung toàn lực bảo đảm việc lấy mẫu và xét nghiệm đúng kế hoạch, 100% trường hợp nguy cơ cao được xét nghiệm. Sẽ chia các nhóm có nguy cơ cao gồm: Chí Linh, Cẩm Giàng, Kim Thành và TP Hải Dương. Nhóm có nguy cơ gồm: Kinh Môn, Nam Sách và Bình Giang. Nhóm nguy cơ thấp gồm: Ninh Giang, Thanh Hà, Tứ Kỳ, Gia Lộc và Thanh Miện. Ngoài ra, sẽ xét nghiệm đối với người trong các doanh nghiệp. Dự kiến, trong 3 nhóm và doanh nghiệp trên sẽ lấy 162.000 mẫu.

Theo chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng, xác định trọng tâm lấy mẫu để không dàn trải, tránh tốn kém không cần thiết. Tổ chức xét nghiệm trên diện rộng để đánh giá nguy cơ dịch tễ. Xét nghiệm hiện nay đã đạt 80.000 mẫu gộp/ngày đêm nhưng cần tiếp tục nâng công suất. Huy động tối đa lực lượng lấy mẫu. Các huyện tự rà soát, rõ đối tượng xét nghiệm và chịu trách nhiệm chính về công tác tổ chức, ngành y tế chỉ thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Tất cả mẫu xét nghiệm trên diện rộng phải trả kết quả trong 24 giờ.

Giám sát cộng đồng là cực kỳ quan trọng


​PGS.TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Tổ trưởng tổ chuyên gia của Bộ Y tế tại Hải Dương cho biết 83,3% số bệnh nhân trong cả nước (chủ yếu ở Chí Linh) không có triệu chứng nên việc giám sát ở cơ sở hết sức cần thiết

PGS.TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Tổ trưởng tổ chuyên gia của Bộ Y tế tại Hải Dương cho biết 83,3% số bệnh nhân trong cả nước (chủ yếu ở Chí Linh) không có triệu chứng, là nguồn lây nguy hiểm nên áp dụng Chỉ thị 16 là cần thiết, mặc dù Hải Dương đã phải trả giá đắt do ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội.

Đây là giai đoạn tổng phản công nên cần thiết phải lấy mẫu xét nghiệm tất cả các trường hợp ho, sốt trong cộng đồng, không được bỏ sót bất kỳ người nào. Trong vòng 1 tuần gần đây, phát hiện 6 người trong cộng đồng có triệu chứng điển hình của Covid-19 nhưng không được phát hiện kịp thời và khi xét nghiệm đều dương tính với SASR-CoV-2. Có trường hợp nằm trong cộng đồng 10 ngày, lây cho nhiều người nhưng không ai được phát hiện. Vì vậy, Tổ Covid cộng đồng là cực kỳ quan trọng.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lưu Văn Bản đánh giá, đến thời điểm này đã làm chủ được tình hình dịch bệnh tại Cẩm Giàng. Mặc dù ban đầu tại đây có tình trạng chỉ đạo lỏng lẻo, người dân còn chủ quan nhưng đến nay đã có chuyển biến tích cực. Đối với Kim Thành, yêu cầu rà soát toàn bộ người dân có triệu chứng, lấy mẫu toàn bộ xã Kim Liên. Yêu cầu các doanh nghiệp tự kiểm soát dịch bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Doanh nghiệp nào khẳng định an toàn mới được hoạt động.

Đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy Triệu Thế Hùng nhấn mạnh, qua kiểm tra đã phát hiện có tình trạng huyện ngại xuống xã, xã ngại xuống thôn, thôn ngại xuống địa bàn. Cần có hình thức xử lý kỷ luật ngay đối với cán bộ lơ là chống dịch. Tiếp tục tăng cường hơn nữa vai trò của quân đội trong các khu cách ly.


Cuộc họp trực tuyến với các địa phương được thiết lập ngay sau khi có yêu cầu của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy về siết lại hoạt động của các tổ "Covid cộng đồng". Đồng chí Triệu Thế Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy cho biết qua kiểm tra đã phát hiện có tình trạng huyện ngại xuống xã, xã ngại xuống thôn, thôn ngại xuống địa bàn

Để lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng, trách nhiệm của ai?

Thống nhất đánh giá về tầm quan trọng của tổ "Covid cộng đồng", đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng yêu cầu thiết lập ngay buổi họp trực tuyến với các huyện, thị xã, thành phố để trực tiếp chỉ đạo về hoạt động của tổ "Covid cộng đồng".

Sau khi nghe báo cáo của lãnh đạo huyện Kim Thành, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu lãnh đạo huyện xem xét trách nhiệm khi để các ca bệnh trong cộng đồng chậm được phát hiện. “Trách nhiệm thuộc về Bí thư, Chủ tịch huyện, hay trách nhiệm của dân, của tổ "Covid cộng đồng"? Đây là yếu kém trong chỉ đạo, điều hành. Xuất hiện ca bệnh trong cộng đồng do giám sát chưa tốt, nếu không chấn chỉnh ngay sẽ đuổi theo dịch bệnh”, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy gay gắt.

“Trước Tết dịch đã xảy ra tại huyện ở quy mô nhỏ nên có tình trạng chủ quan của lãnh đạo và nhân dân”, Chủ tịch UBND huyện Kim Thành thừa nhận.

PGS.TS Trần Như Dương cho rằng hoạt động của các tổ "Covid cộng đồng" phải thực sự “trong thời chiến, hoạt động với phong cách nhà binh”. Các tổ phải hoạt động hết công suất, chiếm lấy cơ hội vàng để phát hiện các ca bệnh ngay từ khi nghi nhiễm. “Ai sốt, ho, đau họng, cảm cúm, ươn người… phải nắm được ngay, coi đó là nguy cơ, phải lấy mẫu ngay các trường hợp này. Đây là cách chống dịch dựa vào dân, là vũ khí lợi hại nhất trong lúc này. Họ là tai mắt, là cầu nối cho chính quyền, cho ngành y tế. 

Theo đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, cuộc họp kết thúc lúc 12 giờ trưa, nghĩa là chúng ta còn 8,5 ngày nữa sẽ hết thời gian giãn cách. Đây là thời điểm đánh giá lại việc tổ chức thực hiện trong 6,5 ngày qua để chấn chỉnh những gì làm chưa tốt và có các chỉ đạo quyết liệt hơn.

“Công tác lãnh đạo, chỉ đạo ở một số nơi chưa thực sự quyết liệt, một số lãnh đạo cấp huyện còn tư tưởng chủ quan, chưa sâu sát kiểm tra xử phạt, lúng túng trong chỉ đạo, điều hành. Một lần nữa tôi phê bình Cẩm Giàng, từ Bí thư đến Chủ tịch thiếu sát sao. Ban Thường vụ Tỉnh ủy phê bình lần thứ hai đối với Bí thư, Chủ tịch huyện Kim Thành do lãnh đạo, chỉ đạo chưa sâu sát cơ sở, dẫn đến không phát hiện được ca nhiễm, để xã Kim Liên trở thành ổ dịch lớn. Giao Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy kiểm tra dấu hiệu vi phạm ở những nơi chấp hành chưa tốt, đặc biệt với người đứng đầu”, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo.


Đồng chí Lưu Văn Bản, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Tiểu ban Hậu cần và Tổ chức cách ly cùng tổ công tác tại Cẩm Giàng sẽ chi viện cho huyện Kim Thành từ 12 giờ trưa 22.2

Sau 12 giờ trưa nay, còn 8,5 ngày sẽ là giai đoạn tổng phản công, tổng tiến công và đóng vai trò quyết định đến sự thành công của chiến dịch. Cả hệ thống chính trị cần nhanh hơn nữa, quyết liệt hơn nữa, chạy đua với thời gian, tận dụng tùng phút, từng giờ để chạy nhanh hơn dịch. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng yêu cầu tập trung vào các giải pháp sau:

Các cấp ủy đảng, chính quyền chỉ đạo quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn, rõ trách nhiệm hơn. Các đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Tỉnh ủy viên; Bí thư, Chủ tịch cấp huyện, cấp xã chịu trách nhiệm đối với địa bàn mình phụ trách. Nếu lơ là sẽ tiến hành kỷ luật ngay.

Tiếp tục thực hiện nghiêm, mạnh mẽ về giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 với các giải pháp: đẩy mạnh tuyên truyền để người dân tự bảo vệ, tự phát hiện dấu hiệu dịch. Các Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy mỗi ngày tối thiểu 1 lần kiểm tra đột xuất địa bàn mình phụ trách. Nơi nào lơ là phải kiểm điểm, phê bình ngay.

Củng cố ngay và nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ "Covid cộng đồng". Đây là nhiệm vụ cấp bách nhưng có ý nghĩa lâu dài, bền vững. Toàn bộ các huyện, thị xã, thành phố ngay trong chiều nay chỉ đạo thành lập thêm các tổ mới, mỗi tổ phụ trách từ 50-70 hộ và báo cáo tiến độ ngay trong ngày mai.

Tổng kiểm tra, giám sát tình trạng ho, sốt trên địa bàn toàn tỉnh thông qua các tổ "Covid cộng đồng", thông tin từ nhân viên bán thuốc.

Riêng Kim Thành, nguy cơ cao không kém gì Cẩm Giàng. Vì vậy, phân công tổ công tác tại Cẩm Giàng do đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lưu Văn Bản phụ trách tăng cường chi viện cho huyện này từ 12 giờ trưa nay. Lực lượng xét nghiệm, nhân viên y tế, công an, quân đội sẽ chi viện tối đa cho Kim Thành. Rà soát toàn bộ nhóm dân cư có nguy cơ cao để xét nghiệm trên diện rộng. Các doanh nghiệp ở Kim Thành phải bảo đảm được an toàn và có phương án đối phó khẩn cấp nếu có ca bệnh thì mới hoạt động. Xét nghiệm 100% công nhân ở Kim Thành để loại trừ nguy cơ.

Tất cả các địa phương xây dựng kế hoạch tổ chức sản xuất, kinh doanh, trường học… sau thời gian giãn cách theo Chỉ thị 16, xong trước ngày 2.3…

TIẾN HUY

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Còn 8,5 ngày nữa để tổng phản công dịch bệnh