Những người cộng sản chúng ta phải rất quý trọng cổ điển. Có nhiều dòng suối tiến bộ chảy từ ngọn núi cổ điển đó.
Ngày 7-10-1965, nhân đến mừng Quốc khánh tại Sứ quán Cộng hòa Dân chủ Đức ở Hà Nội và tiếp nữ nhà báo Đức I.Faber, người đã cùng chồng dịch “Truyện Kiều” ra tiếng Đức, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Nguyễn Du là một nhà thơ cổ điển vĩ đại của chúng tôi. Với tác phẩm của mình, Nguyễn Du đã và đang đấu tranh cho một xã hội bình đẳng... Những người cộng sản chúng ta phải rất quý trọng cổ điển. Có nhiều dòng suối tiến bộ chảy từ ngọn núi cổ điển đó. Càng thấm nhuần chủ nghĩa Mác - Lê-nin, càng phải coi trọng những truyền thống tốt đẹp của cha ông”.
Từ sự am tường tinh hoa văn hóa truyền thống, nên ngay từ buổi đầu đi tìm đường cứu nước và trong suốt toàn bộ cuộc đời hoạt động cách mạng, Bác Hồ luôn nhận thức sâu sắc và đề cao vai trò của bản sắc văn hóa dân tộc. Người trân trọng và vận dụng giá trị truyền thống một cách hữu ích. Với Truyện Kiều, “lẩy Kiều” thường được Người sử dụng khi viết văn, làm thơ, khi nói chuyện với quần chúng nhân dân và cả khi tiếp khách quốc tế.
Về phương diện ngôn ngữ, với việc sử dụng thành thạo, nhuần nhuyễn cách “lẩy Kiều”, các tác phẩm văn thơ, bài nói chuyện của Bác đã càng thêm dễ hiểu, mang đậm bản sắc dân tộc Việt Nam và do đó, càng có sức lôi cuốn, sức cảm hóa mạnh mẽ. Nếu như câu 2483, 2484 của Truyện Kiều là “Trên vì nước, dưới vì nhà. Một là đắc hiếu, hai là đắc trung”, thì khi giới thiệu 10 chính sách của Việt Minh năm 1941, Người viết: “Có mười chính sách bày ra. Một là ích nước, hai là lợi dân”. Hoặc nếu như câu Kiều thứ 2435, 2436 là “Sao cho muôn dặm một nhà. Cho người thấy mặt là ta cam lòng”, thì trong thư gửi các cháu thiếu nhi nhân dịp Tết Trung thu năm 1954, Bác viết: “Đến ngày Nam Bắc một nhà. Các cháu xúm xít, thì ta vui lòng”.
Đặc biệt, để truyền đạt tư tưởng đoàn kết quốc tế của Đảng, Chính phủ ta, trong bài viết “Sẵn sàng giúp đỡ” đăng trên báo Nhân dân số 3107 ngày 27-9-1962, lẩy theo câu mở đầu của Truyện Kiều, Người kêu gọi: “Trăm năm trong cõi người ta. Giàu lòng bác ái, ấy là người Việt Nam”, rồi theo câu Kiều thứ 3183, 3184 “Mấy lời tâm phúc ruột rà. Tương tri dường ấy mới là tương tri”, trong bài nói chuyện tại Đại hội Phụ nữ “Năm tốt” ngày 1-5-1964, Người dặn dò: “Lọ là thân thích ruột rà. Công nông thế giới đều là anh em”... Khi viết bản Di chúc thiêng liêng để lại cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, Bác đã vận Kiều: “Còn non, còn nước, còn người/ Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay”.
Bác Hồ luôn nhắc nhở các ngành, các địa phương phải cố gắng gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Thấm nhuần sâu sắc lời Bác dạy, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đang ra sức kế thừa và phát huy những giá trị, những tinh hoa văn hóa mà cha ông để lại. Đảng ta đã ra nhiều chỉ thị, nghị quyết về giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế.
PHƯƠNG DUNG(biên soạn)