Pyotr đệ Nhất có lần đang phi ngựa cùng đoàn tùy tùng thì gặp một gã ăn mày, đáp lại lời cầu xin của gã, vị Sa Hoàng vĩ đại của nước Nga đã quẳng vào cái bát gỗ một rúp.
Nghệ sĩ Nguyễn Chánh Tín tại nhà riêng (góc trái trong ảnh là cảnh Nguyễn Chánh Tín trong phim Ván bài lật ngửa)
Gã ăn mày hết sức ngạc nhiên, thắc mắc rằng tại sao một người giàu có vô hạn, quyền lực vô biên như thế mà lại keo kiệt đến mức chỉ cho gã có một đồng rúp nhỏ. Pyotr mỉm cười và nói với gã rằng nếu như ông cho tiền tất cả những gã ăn mày, thì chẳng mấy chốc ông chẳng còn là một Sa Hoàng nữa, và nếu như tất cả mọi người “trên toàn quốc” đều cho gã mỗi người một rúp, thì gã sẽ nhanh chóng trở thành người giàu nhất thế gian.
Câu chuyện này được lưu truyền khá rộng rãi ở nước Nga, và tuy không biết nó có bao nhiêu phần trăm sự thật, nhưng nó cũng để cho người ta nhiều suy ngẫm về thân phận con người. Rốt cuộc thì ai cũng có trách nhiệm với cuộc sống của mình, và đừng nên trông chờ vào sự bố thí của người khác.
Những tình tiết đáng thương không có thật
Và hiển nhiên là người đọc những dòng này sẽ liên tưởng ngay đến một ca phải nói là hiếm có trong lịch sử không chỉ showbiz Việt Nam mà có lẽ là trên toàn thế giới. Lần đầu tiên có một diễn viên từng nổi tiếng, một người đàn ông nói chung là bình thường, tuy cũng có đang mắc vài căn bệnh của tuổi già, lên tiếng cầu xin sự hỗ trợ của bà con cô bác cả nước, ngõ hầu mua lại cho ông một căn nhà mà thật ra ông đã bán đi từ vài năm trước, và chỉ do sự ưu ái đáng ngờ của chủ nhân mới, mà ông ấy còn cơ hội ở lại cho đến ngày hôm nay. Nói là hiếm có, bởi lẽ trước đến nay, báo chí chỉ kêu gọi sự hỗ trợ dành cho các trường hợp bệnh tật hiểm nghèo mà gia cảnh khốn khó không biết trông vào ai, trẻ em không nơi nương tựa, hay phụ nữ bị hãm hại mà thôi!
Và nếu như mấy ngày đầu tiên, báo chí còn đưa tin một chiều và thiếu kiểm chứng, thì ngay sau đó, bức tranh đã rõ hơn: thực ra những lý do mà diễn viên này đưa ra đều không xác thực. Công ty bị phá sản (Chánh Tín) không phải là công ty (Chánh Phương) làm ra cái phim (Dòng máu anh hùng) mà ông ta nói đã bị trộm cắp bản quyền (ngay cả chuyện trộm cắp bản quyền cũng là lý do khiên cưỡng, bởi lẽ ai cũng hiểu rằng chẳng thể trông chờ vào một con số doanh thu đáng gọi là có từ những suất chiếu phim Việt Nam ở thị trường nước ngoài). Và thực ra thì những người chủ thực sự của bộ phim đó đã hoàn trả lại toàn bộ tiền đầu tư cho ông từ lâu rồi. Nên không thể nói rằng nguyên nhân thua lỗ là do cuốn phim ấy. Ngôi nhà ông đang ở cũng không phải nhà của ông nữa, thực ra nó đã là của ngân hàng từ lâu. Và lý do phá sản của công ty ông, như đã được báo chí đưa tin cách đây gần một năm, có nguyên nhân từ những sai lầm kinh doanh trong một dự án hoàn toàn khác.
Và tâm lý đám đông háo hức
Một câu chuyện rối ren, phi logic, làm cho bất cứ ai có kinh nghiệm tối thiểu về tài chính ngân hàng cũng đều không hiểu đầu cua tai nheo ra làm sao, nhưng được trình bày bởi một nghệ sĩ từng nổi danh vì đóng một vai hai mặt, cùng những giọt nước mắt đàn ông, chen lẫn các cơn ho và những lần uống thuốc, và đã thành công ngoài mong đợi. Từ chỗ chỉ mơ ước được ngân hàng cho ở lại thêm vài tháng nữa (dù đã ở ráng đến 5 năm nay), nghệ sĩ đã nhận được 600 triệu chỉ sau vài ngày đưa tin trên báo mạng, và đã thừa thắng xông lên, trình bày ước mơ lấy lại được nhà và có chút vốn để đầu tư làm ăn lên lại!
Trên thực tế, các nhà tâm lý học đã biết rằng đám đông lúc nào cũng bị ấn tượng cực mạnh với hình ảnh. Một chiếc xe lao xuống suối chết vài người nếu được đưa hình lên báo chí sẽ thu hút hàng triệu lượt xem, nhưng đám đông chẳng quan tâm khi nghe nói về hàng trăm người chết hằng ngày vì tai nạn giao thông. Chính vì tâm lý đám đông như vậy, nên showbiz mới sống được, và các nghệ sĩ mới kiếm được tiền của thiên hạ.
Và sự hào hiệp của nhiều người chắc chắn đã bị tác động bởi những thước phim quay cảnh thê thảm của nhân vật đã từng là thần tượng của họ.
Câu chuyện chắc rồi cũng sẽ lắng xuống rất nhanh thôi, vì đám đông luôn lao theo những hình ảnh mới, và tin tức nóng hổi sẽ luôn xuất hiện hằng ngày, vào những lúc không ai ngờ tới. Những người đã và sẽ bỏ tiền cho nghệ sĩ cũng có lý do riêng của họ, và nói cho cùng thì họ cũng chẳng lấy tiền của ai để làm từ thiện. Đừng nên tranh cãi vì lòng tốt của ai, dù cho bạn có nghĩ lòng tốt ấy đã bị đặt nhầm chỗ hay không! Vả lại trên đời này, miếng pho mát miễn phí chỉ có trong bẫy chuột mà thôi, rốt cuộc thì người ta bao giờ cũng phải trả lại cái mà họ không đáng được hưởng.
Nhưng vẫn còn đó một nỗi băn khoăn, chẳng lẽ giờ đây giới showbiz đã sẵn sàng làm mọi chuyện để có sự chú ý, sẵn sàng cởi quần cởi áo, cởi cả đời tư, và diễn mọi vai diễn có thể chỉ để mong có một cuộc sống no ấm đầy đủ hơn hay sao?
Thiên Lương (*)
---------------------------------
* Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một nhà báo đang sống và làm việc tại TP.HCM