Để bảo đảm an toàn, bên ngoài “vẫn phải bao đê cho chặt”, còn bên trong, kể cả những người đã được tiêm vaccine, vẫn phải thực hiện nghiêm các biện pháp chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Lô vaccine đầu tiên được đưa về Việt Nam tại sân bay Tân Sơn Nhất, TP Hồ Chí Minh ngày 24.2.2021
Với sự nỗ lực của Chính phủ, của cả hệ thống chính trị, những lô vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên đã về đến Việt Nam và đang được gấp rút triển khai tiêm chủng đại trà cho dân với việc xác định các nhóm đối tượng được ưu tiên thực hiện trước.
Cần khẳng định, trong phòng chống dịch COVID-19, thì việc tiêm vaccine được xem là giải pháp căn cơ. Thực tế cho thấy, các nước bắt đầu triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19 đã có hiệu quả. Còn ở Việt Nam, với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã tích cực đàm phán, mua vaccine từ nước ngoài, nhận tài trợ vaccine của các tổ chức quốc tế, chuẩn bị tổ chức tiêm chủng đại trà cho dân.
Việt Nam tự hào là một trong những quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á chủ động đặt mua vaccine phòng chống COVID-19. Không chỉ đặt mua, mà các nhà khoa học của Việt Nam cũng chạy đua với thời gian để cho ra đời loại vaccine “made in Vietnam”. Việc phát triển thành công vaccine trong nước không chỉ khẳng định năng lực, niềm tự hào của đội ngũ khoa học y tế, đáp ứng kỳ vọng, sự tin tưởng của người dân, mà còn giúp chủ động trong phòng, chống dịch, với kinh phí thấp hơn nhiều so với vaccine nhập khẩu.
Trong cuộc làm việc của Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống COVID-19 cuối tháng 2 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã nhắc lại khuyến nghị của các chuyên gia y tế là dù có tiêm vaccine thì vẫn không được chủ quan trong phòng chống dịch. So với các nước trên thế giới, Việt Nam đang kiểm soát rất tốt dịch bệnh. Tuy nhiên để bảo đảm an toàn, bên ngoài “vẫn phải bao đê cho chặt”, còn bên trong, kể cả những người đã được tiêm vaccine, vẫn phải thực hiện nghiêm thông điệp 5K (khẩu trang - khử khuẩn - khoảng cách - không tập trung - khai báo y tế) và các biện pháp chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Phải thấy rằng, ngay từ giai đoạn đầu dịch COVID-19 bùng phát, Việt Nam đã chủ động đối phó với dịch bệnh với tâm thế chủ động, không chủ quan, với tinh thần quyết liệt “chống dịch như chống giặc”, người dân được yêu cầu đeo khẩu trang, thực hiện các biện pháp theo dõi lịch trình, khai báo y tế, cách ly tập trung, thực hiện giãn cách toàn xã hội... Đặc biệt, khi mầm dịch được phát hiện trong cộng đồng, hầu hết mọi người dân đều đặt mối quan tâm hàng đầu, hàng ngày là tình hình dịch bệnh đã lây lan như thế nào, Việt Nam có bao nhiêu ca nhiễm? Bao nhiêu người được chữa khỏi? Người dân bày tỏ tình cảm yêu mến, ngưỡng mộ, biết ơn đối với những chiến sĩ trên tuyến đầu chống dịch, đóng góp cả vật chất lẫn tinh thần ủng hộ cho công tác chống dịch bệnh; đồng thời cũng sẻ chia vật chất, tinh thần để sẵn sàng cho cuộc chiến chống dịch ở giai đoạn cam go nhất.
Nhưng thật đáng tiếc, trong những ngày vừa qua, khi ngành y tế, các địa phương đang nỗ lực kiểm soát dịch bệnh, thì đâu đó vẫn có biểu hiện lơ là chủ quan, không chấp hành các quy định về phòng chống dịch. Không ít quán cà phê ở Hà Nội đã bị cơ quan chức năng xử phạt khi bên ngoài thì đóng cửa, nhưng bên trong vẫn ngấm ngầm đón khách. Khi có thông tin dịch bệnh được kiểm soát, tại một số điểm công cộng ở Thủ đô Hà Nội như công viên, quảng trường, một vài tuyến phố trước đây vắng vẻ…, bỗng trở thành nơi người dân đổ ra tập thể dục. Tại TP Hồ Chí Minh thì xuất hiện hình thức kinh doanh karaoke biến tướng nhằm tránh sự kiểm soát của cơ quan chức năng. Đã có không ít trường hợp bỏ trốn khỏi khu cách ly tập trung đã bị xử lý nghiêm khắc, tuy nhiên trong vài ngày trở lại đây, ở một số địa phương tình trạng này đã tái phát trở lại.
Rõ ràng, việc coi thường kỷ cương, không chấp hành nghiêm các quy định về phòng chống dịch của một vài đơn vị, cơ sở kinh doanh, cá nhân nếu không được phát hiện, xử lý kịp thời, chắc chắn sẽ để lại hậu quả khó lường. Việt Nam được bạn bè quốc tế đánh giá là một trong những điểm sáng trong phòng chống dịch COVID-19. Nhưng những gì mà Việt Nam đã làm được trong thời gian vừa qua không phải là bảo đảm chắc chắn cho an toàn sắp tới. Ngay cả khi đã có vaccine phòng dịch, thì chiếc lá chắn an toàn nhất vẫn là ý thức phòng chống dịch bệnh của mỗi người dân và của toàn xã hội. Nếu chủ quan, lơ là, bỏ qua các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, nhất là ở những giai đoạn nhạy cảm, thì chúng ta sẽ phải trả giá.
Dịch bệnh đã và đang khiến cả thế giới phải thay đổi cách sống, cách làm việc. Tuy nhiên, nếu mỗi người, mỗi nhà cùng chung tay góp sức, chắc chắn dịch bệnh sẽ sớm được đẩy lùi. Chủ động, quyết liệt phòng, chống dịch, tuyệt đối không lơ là, chủ quan, tiếp tục nâng cao ý thức, trách nhiệm thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, chắc chắn chúng ta sẽ thành công trong thực hiện mục tiêu kép: Vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội và hoàn thành những mục tiêu đề ra.
YẾN NHI