Không có ông Bụt, bà tiên, không có cây đũa thần, chỉ có tình yêu, sự lạc quan của những con người giàu nghị lực đang viết nên câu chuyện lấp lánh hạnh phúc.
Tình yêu, nghị lực và sự lạc quan của anh Hùng và chị Vân đã giúp họ viết nên câu chuyện cổ tích giữa đời thường
Ở đâu đó trong cuộc đời này vẫn hiện hữu những câu chuyện cổ tích. Không có ông Bụt, bà tiên, không có cây đũa thần, chỉ có tình yêu, sự lạc quan của những con người giàu nghị lực đang viết nên câu chuyện lấp lánh hạnh phúc.
Đi qua dâu bể cuộc đời
Tôi đến thăm gia đình anh Nguyễn Văn Hùng và chị Phạm Thị Vân (cùng 36 tuổi) ở phường Nguyễn Trãi (TP Hải Dương) khi anh Hùng đang bận tẩm quất cho khách, còn chị Vân cho con ăn bột. Nếu nhìn những bước đi nhanh thoăn thoắt của anh Hùng, cách chăm sóc con của chị Vân, sẽ không ai nghĩ rằng hai người hoàn toàn không nhìn thấy ánh sáng. Từng dòng ký ức từ những năm tháng tuổi thơ đến khi kết hôn, lập nghiệp cứ thế ùa về trong chị Vân.
Chị Vân sinh ra trong một gia đình có 6 anh chị em ở xã Bình Xuyên (Bình Giang). Ngay từ khi sinh ra, chị đã không thấy ánh mặt trời do ảnh hưởng di chứng chất độc da cam từ người cha. Tuy còn nhỏ nhưng nghị lực đã nhen nhóm trong cô gái kém may mắn ấy, chị quyết không để trở thành gánh nặng của gia đình. Mới 7 tuổi nhưng chị đã biết phụ giúp cha mẹ, từ quét nhà, băm bèo, nấu cám đến nấu cơm cho 8 người ăn. Biết bao lần bị đứt tay chảy máu, rồi cơm canh chan đầy tro bếp nhưng cha mẹ không trách mắng mà chỉ lặng người, ứa nước mắt bởi hơn ai hết họ hiểu nỗ lực của cô con gái bé bỏng.
Chị nghe đài và biết có nhiều người cùng cảnh ngộ như mình nhưng cuộc đời họ không chìm trong bóng tối. Năm 2002, chị cùng một người bạn quyết định khăn gói lên TP Hải Dương để xin gia nhập Hội Người mù (HNM). Việc này bị gia đình phản đối gay gắt. Một cô gái mới ngoài 20 tuổi tự lập đã khiến bố mẹ lo lắng huống hồ chị không thấy ánh sáng. Chị Vân xúc động: “Lúc ấy, bố tuyên bố sẽ “từ” mặt nếu tôi vẫn đi, còn tôi thì ra sức thuyết phục và xin bố mẹ hãy để tôi tự lập, sướng khổ sau này tôi sẽ chịu. Cuối cùng bố chính là người đưa tôi đi lên thành phố”. Cũng từ đây, bước ngoặt của chị Vân rẽ sang một hướng khác, bắt đầu có những “tia sáng” mong manh len lỏi vào cuộc đời vốn trước đây chỉ chìm trong bóng tối. Ở HNM TP Hải Dương, chị Vân được học chữ nổi, học phục hồi chức năng và xoa bóp, bấm huyệt. Cũng ở đó chị tìm thấy một nửa đời mình khi yêu và nên duyên với anh Nguyễn Văn Hùng.
“Tôi chỉ mong đôi mắt mình có thể nhìn rõ chỉ trong vòng 15 phút thôi. Khi đó, tôi sẽ ngắm nhìn gương mặt của con, của chồng và những người mà tôi thương yêu để khắc sâu vào tâm trí rồi sau đó trở lại với khoảng tối quen thuộc cũng được”.
|
Khác với chị Vân, đôi mắt của anh Hùng hoàn toàn bình thường cho đến năm anh 18 tuổi. Sau khi học xong THPT, anh ước mơ trở thành một người thợ cơ khí lành nghề. Trong quá trình học việc, gỉ sắt đã bắn vào mắt khiến anh không bao giờ có cơ hội thấy lại ánh sáng. Hoàn cảnh nghiệt ngã dường như đóng sập cánh cửa tương lai với bao ước mơ, hoài bão dự định của chàng trai trẻ. Khoảng thời gian dài sau đó, anh Hùng chìm đắm trong những ý nghĩ bi quan, chán nản và tuyệt vọng. Gia đình anh vốn nghèo nay lại nghèo hơn khi anh không thể trở thành lao động chính trong gia đình. 5 người sống trong một căn nhà rộng 30 m2, tầng 2 còn được tận dụng để… nuôi lợn. Năm 1999, cán bộ HNM thành phố đến vận động anh tham gia sinh hoạt và cũng từ đó anh đã làm được những điều mà trước kia chẳng bao giờ anh dám nghĩ tới.
Phép nhiệm màu
Thời gian đầu khi gặp gỡ, cùng cảnh ngộ nên anh Hùng và chị Vân dễ giãi bày, chia sẻ. Dần dần, hai người nhận ra tình cảm của mình đặc biệt hơn thế, bắt đầu cảm thấy nhung nhớ, vấn vương. Nhưng cũng chính lúc này cả hai đối mặt với thực tế, nếu họ đến với nhau thì phải chịu vất vả, khó khăn gấp bội. Đó cũng chính là lý do khiến cả hai bên gia đình đều phản đối vì sợ anh chị không thể vượt qua khó khăn, hay sợ những đứa con sinh ra lại mù lòa. Qua bao lần suy nghĩ, đắn đo, cuối cùng hai trái tim chung một nhịp đập ấy cũng quyết định gắn bó với nhau. Năm 2003, đám cưới của anh chị diễn ra trong sự chúc phúc của gia đình, bạn bè nhưng cũng không ít ánh mắt ái ngại khi nghĩ tới quãng đường phía trước mà hai người sắp phải bước qua. Hằng ngày, họ vẫn làm tại cơ sở của HNM thành phố và sinh hoạt luôn ở đó.
Năm 2005, chị Vân mang bầu đứa con đầu lòng, anh chị lo nhiều hơn vui với hàng loạt câu hỏi: Liệu sau này đôi mắt con có giống như bố mẹ? Cuộc sống vốn đã khó khăn nay sinh con ra biết lấy gì trang trải?... Đến ngày chị Vân vượt cạn, gia đình hai bên hồi hộp chờ đợi, niềm vui vỡ òa khi bé Nguyễn Hồng Quân kháu khỉnh, khỏe mạnh như những đứa trẻ khác. Sinh con, lo cho con đã khó khăn với nhiều cặp vợ chồng nhưng với anh chị thì không đơn thuần là vượt qua mà cần phải gắng sức. Việc tắm rửa, thay quần áo cho con đều do một tay chị Vân làm thành thục. Phụ nữ nhạy cảm hơn khi làm mẹ, nhưng với chị Vân, sự nhạy cảm ấy tăng lên nhiều lần. Chị bảo: "Ông trời không lấy đi hết của ai cái gì, chúng tôi không có đôi mắt lành lặn nhưng lại có đôi tai có thể nghe rõ hơn những người khác, sẵn sàng tỉnh dậy khi nghe tiếng con ọ ẹ hay cựa mình".
Những đêm con ốm, hai vợ chồng chị Vân loay hoay, ôm con vào lòng dỗ dành, lo lắng không biết con sốt bao nhiêu độ vì có cặp nhiệt kế cũng chẳng nhìn thấy. Có lần Quân ốm phải nằm viện một tuần, anh Hùng ở nhà mà ruột nóng như lửa đốt, đứng ngồi không yên. Có lần con hiếu động bị điện giật, nghe tiếng con khóc thét mà trái tim chị Vân như có bao vết dao cào xé.
Có con cái, thêm nhiều khoản chi tiêu sinh hoạt, anh chị đi đến quyết định táo bạo là mở cơ sở tẩm quất riêng. Năm 2007, sau khi vay vốn anh em họ hàng mua trang thiết bị, cơ sở của họ được dựng lên đơn sơ. Những ngày đầu, chỉ có 1 - 2 khách ghé thăm, khoảng 3 tháng như thế nhưng vợ chồng anh chị không chán nản mà chỉ động viên nhau “vạn sự khởi đầu nan”. Dần dần đôi tay xoa bóp, bấm huyệt điêu luyện của anh chị cũng được nhiều người biết tới, khách đông hơn, nhiều lúc làm không xuể.
Khi Quân đến tuổi tới trường, chị Vân đưa con đi trong buổi học đầu tiên. Quân khóc đòi mẹ đưa vào tận lớp và chị bị vấp ngã trên bục giảng. Từ đó, Quân không đòi mẹ đưa đi nữa, cậu bé ý thức được những khó khăn của mẹ, tự mình tới trường mà không cần người đưa đón. Anh Hùng không thể ngồi giảng giải bài tập toán cho con, chị Vân cũng không thể hướng dẫn con viết chữ tròn trịa, họ chỉ có thể kể cho con biết hoàn cảnh gia đình, động viên con tự học và vươn lên. Sau những ca xoa bóp bấm huyệt cho khách hàng, anh chị đều mệt mỏi rã rời, nhưng mọi vất vả đều tan biến khi họ nghe cậu con trai kể về việc được cô giáo khen trên lớp. Tất cả trở thành động lực giúp anh chị vượt qua những trở ngại trên con đường không mấy bằng phẳng phía trước.
Năm 2014, cả gia đình đón thành viên mới, bé Nguyễn Vân Anh. Tuy đã thuê người giúp việc, nhưng chị Vân vẫn phải loay hoay với cả "núi" công việc, làm tẩm quất đến tận 10 giờ đêm, tranh thủ lúc không có khách chị lại sấp ngửa bế ẵm, cho con ăn uống. Những giấc ngủ của chị ngày càng ngắn hơn. Anh Hùng thường vào bếp nấu ăn phụ giúp vợ, căn nhà nhỏ luôn tràn ngập tiếng cười.
Giờ đây trung bình mỗi tháng cơ sở tẩm quất của anh chị ở đường Lê Hồng Phong (TP Hải Dương) đón khoảng 300 lượt khách, số tiền thu về đủ trang trải cho cuộc sống và giúp họ có một căn nhà riêng. Nhưng niềm vui, nguồn động viên lớn nhất của họ chính là các con. Anh Hùng chẳng dám mơ ước cuộc sống sung túc, đủ đầy mà chỉ mong con cái sau này chăm ngoan, học giỏi. Còn chị Vân bảo: “Tôi chỉ mong đôi mắt mình có thể nhìn rõ chỉ trong vòng 15 phút thôi. Khi đó, tôi sẽ ngắm nhìn gương mặt của con, của chồng và những người mà tôi thương yêu để khắc sâu vào tâm trí rồi sau đó trở lại với khoảng tối quen thuộc cũng được”.
Vẫn biết trên con đường phía trước mà anh chị lựa chọn còn nhiều chông gai nhưng họ không đơn độc mà tự tin sánh bước cùng nhau. Tình yêu, niềm hạnh phúc đang dẫn lối, chỉ đường cho họ và viết nên câu chuyện cổ tích giữa đời thường.
HUYỀN TRANG