Bên cạnh sự phấn khởi khi các dịch vụ không thiết yếu được hoạt động trở lại, nhiều người còn lo lắng do phải đầu tư sửa chữa, nâng cấp cơ sở, thiếu nhân viên, công tác phòng chống dịch...
Nhiều cơ sở dịch vụ khi mở cửa trở lại lo lắng không tuyển đủ được số nhân viên
Từ ngày 14.4, UBND tỉnh cho phép một số dịch vụ không thiết yếu như karaoke, quán bar, vũ trường, massage... hoạt động trở lại khiến những người kinh doanh dịch vụ này vui mừng. Ngay trong ngày, nhiều cơ sở đã đôn đáo sửa chữa, dọn dẹp để mở cửa đón khách trở lại trong thời gian sớm nhất.
Vui mừng
Nhận được tin nhắn của nhóm Hải Dương yêu ca hát hẹn cuối tuần tụ họp tại địa điểm quen thuộc là phòng hát Bolero trên phố An Ninh, chị Nguyễn Thị Hà ở phường Phạm Ngũ Lão (cùng TP Hải Dương) tranh thủ đi mua bộ váy đẹp để gặp mặt, giao lưu cùng bạn bè. Chị bảo 2 năm qua phải "nhịn" hát vì dịch Covid-19. Vốn là người yêu âm nhạc nhưng chị Hà không dám thỏa niềm đam mê này ở nhà vì lo ảnh hưởng tới người già và việc học của các con. "Đây là tin vui nhất trong ngày đối với những người yêu ca hát như tôi", chị Hà nói.
Những chủ quán karaoke, massage, internet ngay khi nhận được thông báo cho phép hoạt động trở lại đã tất bật chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để đón khách. Anh Bùi Đức Tráng, quản lý vườn sinh thái Thanh Bình (TP Hải Dương) cho biết sau gần 1 năm phải đóng cửa vì dịch bệnh, đây là tin vui với nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ này bởi họ đầu tư không ít tiền để hoạt động. Nhiều nơi còn phải tốn thêm rất nhiều chi phí thuê địa điểm, trang thiết bị, đào tạo nhân viên...
Có kinh nghiệm gần 5 năm phục vụ ở Ruby Club trên đường An Định (TP Hải Dương), anh Nguyễn Văn Hiếu rất muốn quay lại đây làm việc. Anh Hiếu cho biết vì dịch bệnh, Ruby Club đóng cửa nên anh đành đi làm công nhân thời vụ. Kinh nghiệm không có, năng suất làm việc không cao nên số tiền anh kiếm được mỗi tháng chỉ hơn 4 triệu đồng, thấp hơn nhiều so với trước.
Toàn tỉnh hiện có 15 cơ sở tẩm quất với 112 lao động do Hội Người mù tỉnh và huyện quản lý. Ngoài ra còn có 42 cơ sở do người khiếm thị đứng ra làm chủ, tạo việc làm cho từ 220-230 lao động. Gần 1 năm qua, dịch vụ tẩm quất bị đóng cửa khiến nguồn thu nhập chính của họ bị cắt đứt. Khi được mở cửa trở lại, những người làm dịch vụ này rất phấn khởi. Tại cơ sở tầm quất của Hội Người mù tỉnh, các hội viên đã dọn dẹp phòng, giặt ga trải giường, gối... Ông Vũ Anh Minh, Phó Chủ tịch Hội Người mù tỉnh chia sẻ: "Từ cuối tháng 3, hội đã họp và triển khai tới các đơn vị cấp huyện việc chuẩn bị cơ sở vật chất, điều kiện cần thiết khi tỉnh cho phép hoạt động trở lại. Hội viên làm dịch vụ đã được tiêm ít nhất 2 mũi vaccine phòng Covid-19. Chúng tôi yêu cầu mỗi cơ sở tẩm quất phải cử 1 người ghi thông tin cũng như kiểm soát khách ra vào".
Nhân viên cơ sở tẩm quất của Hội Người mù tỉnh dọn dẹp trước khi đón khách trở lại
Khắc phục khó khăn
Bên cạnh sự phấn khởi khi các dịch vụ không thiết yếu nói trên được hoạt động trở lại, không ít người còn băn khoăn. Niềm vui đan xen với lo lắng. Sau gần 1 năm dừng hoạt động, một số máy móc, thiết bị phục vụ kinh doanh games, karaoke... đã bị hỏng, cần sửa chữa, thay mới. Quán VIP Games Gia Bảo (thị trấn Gia Lộc) có 46 máy tính. Do lâu ngày không sử dụng nên một số máy đã hỏng. Sau khi kiểm tra máy móc, chị Nguyễn Thị Hường, chủ quán đã phải bỏ ra hơn 1 tỷ đồng để thay toàn bộ.
Để có thể hoạt động trở lại, chị Nguyễn Thị Liên, chủ quán karaoke ở xã Lương Điền (Cẩm Giàng) cũng phải thuê công ty vệ sinh đến dọn dẹp toàn bộ phòng hát và khuôn viên quán. Chị Liên cho biết: "Do mới được mở cửa, nhiều khách hàng chưa biết nên thời gian đầu sẽ chưa đông khách. Gia đình tôi dự định sẽ phát tờ rơi, đăng thông tin vào các hội, nhóm trên Facebook...".
Còn theo anh Bùi Đức Tráng thì điều đáng ngại nhất hiện nay là tuyển nhân viên mới. Lượng khách đến có đủ để bù chi phí sau khi mở cửa hay không cũng là một vấn đề. Sau một thời gian dài bị tác động bởi dịch Covid-19, người dân sẽ dè dặt, nghe ngóng hoặc tiết kiệm chi phí mà không đến các điểm vui chơi, giải trí. Việc tuyển nhân viên mới đáp ứng tốt yêu cầu công việc cũng mất rất nhiều thời gian. "Do ảnh hưởng của dịch, một nửa số nhân viên đã nghỉ để tìm việc khác. Vì vậy chúng tôi phải tuyển thêm 30 người nữa mới đủ để phục vụ nhưng chưa biết có đáp ứng được công việc ngay hay không", anh Tráng nói.
Mở các dịch vụ không thiết yếu nêu trên cũng khiến nhiều người dân băn khoăn về công tác phòng chống dịch Covid-19 và kiểm soát an ninh trật tự. Bởi thời gian qua các quán karaoke, massage hay quán games thường phát sinh các ca mắc Covid-19 và một số tệ nạn đã bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý.
UBND tỉnh đã cho phép các cơ quan, đơn vị, cá nhân được tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao; các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu như karaoke, quán bar, vũ trường, massage... hoạt động trở lại từ ngày 14.4. |
THỦY ANH