Đường sá nhỏ, lầy lội, chưa được đầu tư xây dựng; hệ thống cấp thoát nước cho các khu vực nuôi thủy sản chưa bảo đảm... khiến người chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Cơ sở hạ tầng ở vùng sản xuất nông sản tập trung còn yếu, thiếu, chưa đồng bộ đã gây nhiều khó khăn cho sản xuất. Tỉnh cần quan tâm đầu tư hạ tầng cho khu vực này để tạo động lực phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa.
|
Chúng tôi đến vùng nuôi thủy sản tập trung ở xã Hồng Hưng (Gia Lộc) vào một ngày trời mưa rào. Con đường đất bao quanh vùng nuôi thủy sản lầy lội. Các đường bên trong cũng chưa được bê – tông hóa gây khó khăn cho việc vận chuyển nguyên, vật liệu, thu mua nông sản. Anh Đỗ Văn Thực, một chủ trang trại nuôi cá ở đây cho biết: Gia đình tôi chuyển đổi ruộng đất để lập trang trại nuôi cá, lợn có diện tích 1,2 mẫu từ năm 2001. Thời điểm đó, nhiều hộ nông dân khác cũng chuyển đổi đất ruộng để nuôi cá ở khu đồng này. Việc chuyển đổi diễn ra tự phát, không có quy hoạch. Hiện nay, nguồn nước cung cấp cho các ao nuôi cá trong vùng phải lấy qua một con mương dẫn chỉ rộng 1 - 2m chảy qua cánh đồng. Đáng ngại hơn, nguồn nước ở con mương này bị ô nhiễm. Nguồn nước ô nhiễm, việc cấp và tiêu nước cho các ao nuôi thủy sản kém là những nguyên nhân khiến nhiều hộ dân ở đây có cá rô phi chết hàng loạt vì dịch bệnh. Vừa qua, hơn 1 tạ cá rô phi của gia đình tôi bị chết vì dịch bệnh (do vi khuẩn Streptococcus gây ra - PV).
Theo UBND xã Hồng Hưng, vùng nuôi thủy sản tập trung của xã có 20 hộ dân ở thôn Phương Bằng và Cát Tiền. Từ năm 2000 – 2005, các hộ dân đã chuyển đổi 10ha ruộng đất cấy lúa kém hiệu quả để nuôi thủy sản. Việc chuyển đổi không có quy hoạch từ trước. Những năm đầu, việc nuôi cá mang lại hiệu quả. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, do môi trường ao nuôi bị ô nhiễm đã gây ra hiện tượng cá chết, gây thiệt hại không nhỏ cho người dân. Dịch bệnh trên đàn cá rô phi xảy ra vào đầu tháng 8 vừa qua đã làm hơn 8 tấn cá bị chết. “Hệ thống đường giao thông chủ yếu là đường đất, gây khó khăn cho lưu thông. Mương dẫn nước vào ao nuôi cá rất nhỏ, chất lượng nguồn nước bị ô nhiễm. Người dân tự mắc hệ thống điện lưới, nhưng nguồn điện yếu, không đủ đáp ứng nhu cầu sản xuất, sinh hoạt. Bất cập về cơ sở hạ tầng đã làm cản trở sự phát triển kinh tế ở vùng nuôi thủy sản tập trung”, ông Đặng Đình Hoài, Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Hưng cho biết.
Vùng nuôi thủy sản tập trung ở xã An Đức (Ninh Giang) cũng còn bất cập về cơ sở hạ tầng. Ông Nguyễn Văn Hưu, một chủ trang trại ở đây cho biết: Theo quy hoạch xây dựng, đường giao thông vào khu nuôi thủy sản phải là đường bê – tông và có hệ thống điện, nhưng hiện nay chỉ rải đá cấp phối. Người dân phải tự bỏ tiền để lắp đặt hệ thống đường điện. Bên cạnh đó, vùng này chưa có hệ thống mương cấp, tiêu nước kiên cố, nên khi dịch bệnh xảy ra rất dễ lây lan ra cả khu.
Cơ sở hạ tầng ở vùng sản xuất tập trung (SXTT) còn thiếu, yếu và chưa đồng bộ. Tại một số trang trại nuôi lợn, gà có quy mô lớn trên địa bàn tỉnh, các chủ trang trại đã tự đầu tư cơ sở vật chất hiện đại trong khuôn viên trang trại, đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất. Tuy nhiên, hệ thống đường giao thông vào trang trại, hệ thống điện ở nhiều nơi vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu.Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 5 năm qua, tỉnh ta đã xây dựng được nhiều vùng sản xuất nông nghiệp tập trung. Các vùng thâm canh lúa lai, lúa chất lượng cao, rau màu được mở rộng. Toàn tỉnh có 8 huyện phát triển vùng chăn nuôi gia cầm tập trung. UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch và lập dự án đầu tư 10 vùng nuôi thủy sản tập trung ở 8 huyện. Trong đó, 3 vùng đã đưa vào khai thác và 7 vùng đang xây dựng. Nhìn chung, cơ sở hạ tầng ở các vùng SXTT hình thành tự phát, không theo quy hoạch còn rất nhiều bất cập. Tại các vùng được quy hoạch và có dự án đầu tư, cơ sở hạ tầng được quan tâm xây dựng, nhưng vẫn còn thiếu và chưa đồng bộ. Chính bất cập về cơ sở hạ tầng đã gây nhiều khó khăn cho sản xuất.
Cơ sở hạ tầng còn nhiều bất cập do nhiều nguyên nhân. Đó là, nhiều vùng SXTT hình thành tự phát, không tính toán đầu tư cơ sở hạ tầng ngay từ ban đầu. Đến khi sản xuất, việc đầu tư xây dựng hạ tầng khó triển khai thực hiện. Ở các vùng đã có quy hoạch, việc thực hiện theo quy hoạch cũng không dễ dàng, do Nhà nước và người dân thiếu vốn đầu tư; việc lập quy hoạch còn chưa hợp lý; công tác tuyên truyền quy hoạch đến nhân dân còn hạn chế. Mặt khác, cơ chế, chính sách đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho các vùng SXTT còn ít, quá trình triển khai chậm. Hiện nay, việc hỗ trợ cơ sở hạ tầng cho vùng chăn nuôi và thủy sản tập trung triển khai rất chậm, do Nhà nước và người dân vẫn chưa thống nhất được thủ tục pháp lý.
Các cơ quan chức năng cần khẩn trương tháo gỡ khó khăn để hỗ trợ kịp thời về cơ sở hạ tầng cho các vùng SXTT; tăng cường đầu tư xây dựng đường giao thông, hệ thống điện, hệ thống thoát nước, trang thiết bị tiên tiến cho khu vực này; thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” để từng bước hoàn thiện cơ sở vật chất, tạo điều kiện thuận lợi cho các vùng SXTT phát triển.
PV