Sử dụng phần mềm cơ sở dữ liệu công chứng giúp hạn chế rủi ro trong hoạt động công chứng, tránh tình trạng gian lận...
Cơ sở dữ liệu công chứng giúp công chứng viên kịp thời phát hiện, ngăn chặn các giao dịch bất hợp pháp, đặc biệt là các hành vi lừa đảo trong mua bán nhà đất. Trong ảnh: Người dân đến giao dịch tại Phòng Công chứng số 1
Chỉ vài thao tác đơn giản trên máy tính, thời gian thực hiện chưa đến 5 phút, công chứng viên đã nắm được thông tin chính xác về nguồn gốc tài sản, tình trạng giao dịch của tài sản, thông tin về biện pháp ngăn chặn được áp dụng đối với tài sản có liên quan đến hợp đồng… Những thông tin này mang lại nhiều tiện ích cho công chứng viên trong hoạt động nghiệp vụ.
Ông Phạm Văn Vĩnh, Trưởng Phòng Công chứng số 1 tỉnh nhận xét: “Sử dụng phần mềm cơ sở dữ liệu công chứng giúp hạn chế rủi ro trong hoạt động công chứng, tránh tình trạng gian lận, 1 tài sản có thể giao dịch ở nhiều tổ chức hành nghề công chứng khác nhau, đồng thời phòng ngừa các tranh chấp có thể xảy ra”. Ông Vĩnh dẫn chứng, Phòng Công chứng số 1 từng tiếp nhận trường hợp khách hàng có tài sản gồm nhà và đất đang bị ngân hàng phát mại xử lý nhưng vẫn đến thực hiện các thủ tục mua bán tài sản. Qua tra cứu trên phần mềm cơ sở dữ liệu công chứng, phòng phát hiện được thông tin tài sản bất hợp pháp nên lập tức ngừng tiếp nhận yêu cầu của khách hàng.
Thực tế có nhiều trường hợp bị lừa đảo, mất tiền oan khi thực hiện các giao dịch thiếu thông tin tài sản. Nhà đất có thể được đem thế chấp, chuyển nhượng, sang tên nhưng vẫn đem đi bán. Với cơ sở dữ liệu công chứng, tổ chức, cá nhân có thể kiểm chứng, phát hiện, ngăn chặn hành vi lừa đảo trong mua bán nhà đất. Ông Ngô Quang Giáp, Giám đốc Sở Tư pháp cho biết đơn vị thường xuyên cập nhật những thông tin phong tỏa, kê khai, thu hồi tài sản nhà đất… do các cơ quan thi hành án dân sự, tòa án, công an, tài nguyên môi trường gửi đến lên phần mềm. Thông tin này giúp các tổ chức hành nghề công chứng, tổ chức chứng thực xác minh được chính xác thông tin về dữ liệu công chứng, bảo đảm an toàn pháp lý cho các giao dịch.
Sau khi thực hiện giao dịch các hợp đồng, công chứng viên của các tổ chức hành nghề công chứng, cán bộ phòng tư pháp cấp huyện, cán bộ tư pháp hộ tịch UBND cấp xã phải nhập dữ liệu về thực hiện giao dịch và cập nhật lên hệ thống thông tin giao dịch của tài sản. Hệ thống sẽ tự động lưu lại dữ liệu sau mỗi lần giao dịch, tạo ra lịch sử giao dịch đầy đủ của tài sản, làm cơ sở để công chứng viên xác định tính hợp lệ của giao dịch tiếp theo.
Năm 2016, phần mềm cơ sở dữ liệu công chứng được triển khai tại 2 phòng công chứng và 15 văn phòng công chứng trong tỉnh. Đến tháng 5.2017, phần mềm cơ sở dữ liệu công chứng được mở rộng đến 12 phòng tư pháp cấp huyện và tất cả các xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Theo thống kê của Sở Tư pháp, cơ sở dữ liệu công chứng của tỉnh đã tích hợp được gần 200.000 dữ liệu thông tin về hợp đồng giao dịch, gần 300.000 thông tin dữ liệu người chủ sở hữu tài sản...
Hiện nay, nhu cầu công chứng, chứng thực hợp đồng có giá trị ngày càng tăng, đa dạng, đặc biệt trong các hoạt động mua bán, chuyển nhượng nhà đất. Việc kết nối thông tin giữa Sở Tư pháp với các tổ chức hành nghề công chứng trong tỉnh giúp công chứng viên và tổ chức hành nghề công chứng dễ dàng tra cứu thông tin tài sản, đặc biệt là thông tin ngăn chặn góp phần giảm thiểu rủi ro cho tổ chức hành nghề công chứng, công chứng viên và cán bộ nghiệp vụ trong quá trình thực hiện công việc. Người dân đến thực hiện các thủ tục liên quan đến công chứng, chứng thực cũng nhanh chóng, thuận tiện hơn.
HÀ NGA