Cổ phiếu ngân hàng bớt "nóng"?

23/06/2021 06:36

Kết thúc phiên giao dịch ngày 22.6, chỉ số VN-Index tăng 7,34 điểm, lên 1.379 điểm; HNX-Index tăng 0,84 điểm, lên 317,09 điểm; UPCoM-Index cũng tăng 0,38 điểm, lên 90,1 điểm. Thanh khoản 3 sàn đạt hơn 28.000 tỉ đồng.

Theo các chuyên gia, phiên này nhóm cổ phiếu ngân hàng (NH) tăng giá khá tích cực, được xem là bệ đỡ chính để đưa VN-Index tiếp tục lập đỉnh mới. Đáng chú ý trong phiên như MBB tăng 3,3%, lên 41.900 đồng/cổ phiếu; CTG tăng 3,2%, lên 51.900 đồng/cổ phiếu. Hầu hết những mã khác trong nhóm cổ phiếu NH đều tăng giá ngoại trừ VPB và NVB giảm nhẹ, còn BID, BVB, KLB giữ giá tham chiếu.

Cổ phiếu ngân hàng bớt nóng? - Ảnh 1.
Nhiều nhà đầu tư đang lỗ nặng vì đua nhau mua cổ phiếu ngân hàng ở mức giá cao

Đáng lưu ý, các mã cổ phiếu NH xanh trở lại nhưng tài khoản của nhiều nhà đầu tư vẫn đỏ rực. Anh Khang (ngụ TP HCM), một nhà đầu tư mới tham gia thị trường chứng khoán từ sau Tết đến nay, cho biết trong danh mục đầu tư của anh có nhiều mã NH như CTG, TCB, SHB, HDB nhưng hầu hết đều lỗ, không còn tăng "bất chấp" như tháng trước. "Đầu tháng 6, thấy SHB giảm về 31.900 đồng/cổ phiếu từ mức "đỉnh" 33.400 đồng/cổ phiếu, tôi liền mua vào. Sau gần 3 tuần nắm giữ, giá cổ phiếu này giảm sâu về quanh 27.000 đồng/cổ phiếu khiến tôi bị lỗ hơn 17%. Một vài mã NH khác cũng đỏ rực" - anh Khang than thở.

Trên nhiều diễn đàn, nhóm đầu tư chứng khoán, không ít nhà đầu tư cũng đang "mắc kẹt" với cổ phiếu NH sau cú đảo chiều từ đầu tháng 6 đến nay. Một số nhà đầu tư trót "đu đỉnh" với những mã cổ phiếu NH nhỏ hơn như BVB, BVB, NAB... vẫn đang bị lỗ trên 20% nên chưa dám bán. Một số nhà đầu tư khác chán nản rủ nhau "cắt lỗ" cổ phiếu NH để chuyển sang cổ phiếu ngành khác còn dư địa tăng trưởng lớn hơn như bất động sản khu công nghiệp, dầu khí, thủy sản, dệt may… Họ cho rằng cổ phiếu NH đã hết "sóng".

Ông Phan Dũng Khánh, chuyên gia tài chính, cho rằng ở thời điểm hiện tại, nhóm cổ phiếu NH không còn tiềm năng như trước. Tốc độ tăng của cổ phiếu NH cũng sẽ chậm hơn để "nhường" chỗ cho những nhóm ngành khác, đặc biệt khi kinh tế phục hồi tốt hơn sau dịch Covid-19, các nhóm ngành khác sẽ hưởng lợi nhiều hơn NH. "Những ngành mang tính dẫn dắt thị trường thời gian qua như tài chính gồm NH, chứng khoán, bảo hiểm có dấu hiệu yếu đi, trong khi cổ phiếu ngành nguyên vật liệu như sắt thép, đồ gỗ, vận tải biển… vẫn mạnh. Và một số ngành mới tiềm năng đang có dấu hiệu thu hút dòng tiền đổ vào như dầu khí, điện, than đá, khí đốt, khoáng sản, thủy sản, mía đường" - ông Phan Dũng Khánh phân tích.

Dưới góc nhìn khác, ông Lê Quang Minh, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Mirae Asset, cho rằng cổ phiếu NH có thể tạm thời "nghỉ" sau giai đoạn tăng nóng vừa qua. Các nhà đầu tư cũng có xu hướng chốt lời để chuyển sang dòng khác còn dư địa tăng mạnh. Dù vậy, cổ phiếu NH trong trung - dài hạn vẫn còn tiềm năng tăng trưởng bởi câu chuyện lợi nhuận khả quan của ngành NH trong năm nay.

Theo vị chuyên gia này, lợi nhuận của các NH năm nay không chỉ đến từ hoạt động cốt lõi là tín dụng mà còn từ thu phí và các nguồn khác, cho thấy sự đa dạng hóa trong nguồn thu. Việc áp dụng Thông tư 03 về trích lập dự phòng rủi ro theo lộ trình 3 năm cũng giúp các NH bớt áp lực chi phí dự phòng, từ đó góp phần gia tăng lợi nhuận.

Ngoài ra, câu chuyện chia cổ tức để tăng vốn điều lệ vẫn đang diễn ra. Tiền gửi không kỳ hạn (CASA) của nhiều NH tăng trưởng mạnh trong giai đoạn dịch Covid-19 khi nhu cầu thanh toán online bùng nổ cũng là yếu tố thuận lợi thu hút dòng tiền vào cổ phiếu NH. "Một vài phiên điều chỉnh giảm 5%-7% của các mã cổ phiếu NH không phải quá lớn, khi mà nhiều mã đã tăng tới 25%-35%, thậm chí gấp đôi chỉ trong thời gian ngắn. Cổ phiếu NH trong dài hạn vẫn còn, khi thị trường chứng khoán được đánh giá sẽ chạm những đỉnh cao hơn vào cuối năm nay. Dù vậy, không phải mã nào cũng tăng trưởng, mà chỉ những mã có chất lượng tốt, tiềm năng mới có thể tiếp tục bứt phá" - ông Minh phân tích.

Theo Người lao động

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cổ phiếu ngân hàng bớt "nóng"?