Mặc dù sản phẩm đã nổi tiếng hàng trăm năm nay nhưng việc sản xuất bánh đậu xanh ở Hải Dương vẫn chưa được công nhận là nghề truyền thống.
Vì vậy, các doanh nghiệp cũng chưa nhận được ưu đãi đầu tư khi triển khai các dự án sản xuất sản phẩm này.
Bánh đậu xanh Hải Dương là 1 trong 8 đặc sản quà tặng Việt Nam
Nổi tiếng từ lâuRa đời từ những năm đầu thế kỷ XX, trải qua hàng trăm năm phát triển, bánh đậu xanh xuất hiện thêm nhiều thương hiệu mới bên cạnh những thương hiệu có tiếng trước đây. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp sản xuất bánh đậu xanh trong tỉnh là thành viên của Hiệp hội Bánh đậu xanh Hải Dương. Từ khi ra đời đến nay, trải qua nhiều thời kỳ, nhưng bánh đậu xanh vẫn được làm với nguyên liệu và công thức truyền thống. Tuy nhiên, từ chỗ làm hoàn toàn bằng thủ công với quy mô nhỏ, đến nay sản phẩm đã được sản xuất bằng quy trình công nghệ hiện đại, bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm, mẫu mã đẹp, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng. Bánh đậu xanh từ chỗ chỉ bán tại địa phương hoặc một số tỉnh lân cận thì nay đã mở rộng ra thị trường trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài. Chỉ tính riêng các thành viên trong Hiệp hội Bánh đậu xanh Hải Dương, mỗi năm doanh thu từ sản phẩm này lên tới hàng trăm tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động và có những đóng góp không nhỏ vào ngân sách địa phương.
Từ lâu, sản xuất bánh đậu xanh đã được thừa nhận là nghề cổ truyền và là sản phẩm truyền thống mang tính đặc trưng của tỉnh, là đặc sản của vùng đất xứ Đông. Năm 2003, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành tiêu chuẩn quốc gia để làm cơ sở đăng ký chất lượng sản phẩm, giữ vững và nâng cao uy tín cho sản phẩm bánh đậu xanh Hải Dương. Cuối năm 2013, sau thời gian triển khai hành trình tìm kiếm top đặc sản quà tặng Việt Nam lần thứ nhất, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã nhận được đề cử từ các địa phương, các đơn vị doanh nghiệp du lịch, du khách trong và ngoài nước. Tổ chức này đã chọn ra được 50 đặc sản từ khắp các vùng miền của đất nước để công nhận đạt chuẩn “đặc sản quà tặng Việt Nam” trong đó có sản phẩm bánh đậu xanh Hải Dương. Ngay sau đó, trên cơ sở hồ sơ đề cử của Việt Nam, Văn phòng Tổ chức kỷ lục châu Á tại Ấn Độ chính thức xác nhận bánh đậu xanh là 1 trong 8 đặc sản quà tặng Việt Nam đạt giá trị đặc sản quà tặng châu Á theo bộ tiêu chí đặc sản quà tặng châu Á. Như vậy, đây là sự thừa nhận mang tầm quốc tế đối với sản phẩm truyền thống đặc biệt này.
Ngoài ra, nhiều công trình nghiên cứu thuộc lĩnh vực văn hóa trên địa bàn tỉnh cũng đã công nhận sản xuất bánh đậu xanh là nghề cổ truyền và bánh đậu xanh là sản phẩm truyền thống của tỉnh. Đó là sách: “Nghề cổ truyền Hải Hưng” do Hội đồng nghiên cứu và biên soạn lịch sử tỉnh Hải Hưng xuất bản năm 1984; “Địa chí Hải Dương” do Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh chủ trì, xuất bản năm 2008…
Doanh nghiệp thiệt thòiÔng Nguyễn Đức Hồi, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bánh đậu xanh Hải Dương cho biết: “Mặc dù sản xuất bánh đậu xanh là nghề truyền thống có lịch sử hàng trăm năm nay, nhưng do chưa được công nhận là nghề truyền thống nên các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm này khi thuê đất lập dự án đầu tư không được hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư. Đây là điều rất thiệt thòi cho các doanh nghiệp”.
Trải qua nhiều thời kỳ nhưng bánh đậu xanh Hải Dương vẫn được làm với nguyên liệu và công thức truyền thống
Theo bà Lương Thị Xuân, Giám đốc Công ty TNHH Tiên Dung: “Công ty TNHH Tiên Dung được UBND tỉnh cho thuê 7.655 m2 đất tại cụm công nghiệp Ngô Quyền (TP Hải Dương) để thực hiện dự án sản xuất bánh đậu xanh và chế biến nông sản thực phẩm. Tuy nhiên, do sản xuất bánh đậu xanh chưa được cơ quan chức năng công nhận là nghề truyền thống nên doanh nghiệp không được miễn giảm tiền thuê đất theo quy định tại Nghị định 121/2010/NĐ-CP ngày 30-12-2010 của Chính phủ. Việc không được hưởng chính sách ưu đãi khiến doanh nghiệp chịu rất nhiều thiệt thòi”.
Theo quy định tại điểm a, khoản 3, phần I, Thông tư số 116/2006/TT-BNN ngày 18-12-2006 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: “Nghề truyền thống là nghề đã được hình thành từ lâu đời, tạo ra những sản phẩm độc đáo, có tính riêng biệt, được lưu truyền và phát triển đến ngày nay hoặc có nguy cơ mai một, thất truyền”. Thông tư này còn quy định: “Nghề được công nhận là nghề truyền thống phải đạt 3 tiêu chí sau: nghề đã xuất hiện tại địa phương trên 50 năm tính đến thời điểm đề nghị công nhận; nghề tạo ra những sản phẩm mang bản sắc văn hóa dân tộc; nghề gắn với tên tuổi của một hay nhiều nghệ nhân hoặc tên tuổi của làng nghề”.
Trong Địa chí Hải Dương cũng ghi rõ: “Bánh đậu xanh Hải Dương là đặc sản của TP Hải Dương, bắt đầu được sản xuất từ đầu thế kỷ XX… Các hiệu bánh đậu xanh nổi tiếng gồm có Bảo Hiên, Cự Hương, Mai Phương, Mai Hoa… Bánh đậu xanh Hải Dương nhãn hiệu rồng vàng đã có mặt ở hầu hết các tỉnh Bắc Kỳ, nhiều lần đạt giải cao trong các hội chợ, đấu xảo…”.
Như vậy, xét về lịch sử phát triển của nghề sản xuất bánh đậu xanh và đối chiếu với cách hiểu, tiêu chí công nhận nghề truyền thống theo Thông tư số 116/TT-BNN của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì sản xuất bánh đậu xanh hội tụ đầy đủ các điều kiện, tiêu chí là nghề truyền thống của tỉnh ta.
Nghị định 66/2006/NĐ-CP ngày 7-7-2006 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn quy định rõ: “UBND cấp tỉnh quyết định công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn”. Ông Nguyễn Hải Châu, Trưởng phòng Thẩm định đầu tư trong nước (Sở Kế hoạch và Đầu tư) cho biết: Việc xem xét, quyết định công nhận sản xuất bánh đậu xanh là nghề truyền thống thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh. Chúng tôi đang làm tờ trình để UBND tỉnh công nhận sản xuất bánh đậu xanh là nghề truyền thống trong thời gian sớm nhất.
Mặc dù chưa được công nhận là nghề truyền thống, nhưng từ lâu bánh đậu xanh luôn in đậm trong tâm trí của nhiều người mỗi khi nhắc đến Hải Dương. Mong các cơ quan chức năng nhanh chóng công nhận sản xuất bánh đậu xanh là nghề truyền thống để đặc sản của quê hương có được vị trí đúng với giá trị vốn có.
VỊ THỦY