Hỏi: Một người đàn ông đi xe máy sai làn, phóng với tốc độ cao và đâm vào đuôi ô tô của bạn tôi.
Lúc này, bạn tôi đang di chuyển đúng tốc độ, đúng làn đường. Người đàn ông đi xe máy sau đó ngã đập đầu xuống đường, tử vong tại chỗ. Ô tô của bạn tôi bị hư hỏng phần đuôi. Xin hỏi, bạn tôi có bị xử phạt hành chính hay truy cứu trách nhiệm hình sự không?
PHẠM TÚ Q. (Kinh Môn)
Trả lời: Điều 9 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định về việc tham gia giao thông như sau: Người tham gia giao thông phải đi bên phải theo chiều đi của mình, đi đúng làn đường, phần đường quy định và phải chấp hành hệ thống báo hiệu đường bộ.
Khoản 1 điều 260 Bộ luật Hình sự 2015 quy định, người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 đến 5 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của một người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
Đối chiếu với các quy định nói trên, người lái ô tô không có lỗi đối với hậu quả chết người của người đi xe máy. Do vậy, bạn của bạn không bị xem xét trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.
Trong quá trình giải quyết vụ việc, nếu phát hiện người điều khiển ô tô có vi phạm hành chính như không thắt dây an toàn, không mang theo giấy phép lái xe... (các lỗi này không liên quan đến vụ tai nạn) thì người điều khiển có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định số 46/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.