Có nên duy trì chương trình bình ổn giá?

21/11/2016 05:52

Hàng bình ổn giá có rẻ hơn một chút nhưng lại phải lên tận thị trấn để mua, rất bất tiện. Họ chỉ bán hàng trong ngày, muốn đổi lại sản phẩm cũng khó.



Big C Hải Dương thực hiện chương trình bình ổn giá gạo ngay tại siêu thị chứ không đưa về các địa phương


Những năm qua, chương trình bình ổn giá được duy trì để điều tiết thị trường, cung ứng hàng hóa giá rẻ, chất lượng tốt đến người tiêu dùng, nhất là cho những người có thu nhập thấp vào dịp Tết. Tuy nhiên, gần đây chương trình này ngày càng bộc lộ nhiều hạn chế.

Không thu hút cả doanh nghiệp và người tiêu dùng

Mấy năm trước, năm nào bà Phạm Thị Lan ở thôn Đông Trại, xã Đồng Quang (Gia Lộc) cũng dành nửa ngày lên thị trấn Gia Lộc để sắm hàng Tết tại điểm bán hàng bình ổn giá (BOG). “Gần đây tôi thấy hàng hóa nghèo nàn, chỉ lèo tèo vài loại quần áo, dầu ăn, nước mắm, mỳ tôm... thương hiệu cũng không nổi tiếng. Giá bán lại chẳng rẻ hơn so với ngoài chợ nên năm nay tôi sẽ không mua hàng BOG nữa", bà Lan nói.

Lượng hàng hóa được bán với giá bình ổn không nhiều, mẫu mã đơn điệu cộng với thời gian các doanh nghiệp thực hiện bán hàng bình ổn quá ngắn khiến không ít người dân phàn nàn. Ông Hoàng Đình Điển ở thôn Đỗ Thượng, xã Phạm Kha (Thanh Miện) cho biết: “Mấy năm trước, người dân quê tôi hào hứng mua hàng BOG còn bây giờ họ không còn mấy quan tâm vì hàng BOG có rẻ hơn một chút nhưng lại phải lên tận thị trấn để mua, rất bất tiện. Họ chỉ bán hàng trong ngày, muốn đổi lại sản phẩm cũng khó”.

Các doanh nghiệp tham gia chương trình bán hàng BOG dịp Tết cũng ngày càng thưa vắng. Năm 2011 bắt đầu thực hiện, chương trình BOG thu hút hơn 10 đơn vị tham gia. Những năm sau đó, số doanh nghiệp tham gia ngày càng giảm. Đến năm 2015, cả tỉnh chỉ có 2 đơn vị tham gia là Công ty CP Vinafood 1 và siêu thị Big C Hải Dương. 

Hàng bình ổn giá có rẻ hơn một chút nhưng lại phải lên tận thị trấn để mua, rất bất tiện. Họ chỉ bán hàng trong ngày, muốn đổi lại sản phẩm cũng khó.


Ông Nguyễn Đức Hùng, Giám đốc Công ty CP Vinafood 1 Hải Dương (Tổng công ty Lương thực miền Bắc) cho biết, do tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ của tỉnh không dễ nên năm 2015, doanh nghiệp tự chuẩn bị hơn 12 tỷ đồng để bán hàng BOG. "Việc tham gia chương trình BOG mà không được hỗ trợ vốn khiến doanh nghiệp gặp không ít khó khăn. Nếu tỉnh không thay đổi cách làm thì chương trình này rất khó tồn tại”, ông Hùng nói.

Điều kiện để doanh nghiệp tham gia chương trình BOG lại quá khắt khe. Doanh nghiệp phải có hệ thống nhà xưởng, kho bãi, công nghệ sản xuất đạt tiêu chuẩn, bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm; có phương tiện vận chuyển đủ khả năng phục vụ cho việc phân phối và bán hàng lưu động theo yêu cầu; có mạng lưới phân phối bán lẻ các mặt hàng thiết yếu rộng khắp trong tỉnh... Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến các doanh nghiệp ngại tham gia chương trình BOG. Theo đại diện siêu thị Big C Hải Dương, doanh nghiệp còn phải tự mình lo từ việc thuê mặt bằng, truyền thông, quảng cáo cho đến bảo đảm an ninh trật tự cho các điểm bán hàng BOG ở nông thôn. Do đó thay vì đưa hàng bình ổn về thôn quê, Big C thực hiện ngay tại siêu thị.

Kết quả là những năm gần đây hàng BOG ngày càng khó “phủ sóng” rộng khắp, phần lớn chỉ tập trung ở TP Hải Dương và các thị trấn. Người tiêu dùng nông thôn do đó cũng khó được hưởng lợi từ chương trình này. Ông Vũ Công, Trưởng phòng Tổng hợp (Sở Công thương) thừa nhận chương trình BOG tại Hải Dương gần đây đã xuất hiện những bất ổn cần phải thay đổi cho phù hợp.

Cần cách làm mới



Hàng hóa bình ổn giá được các doanh nghiệp đưa về bán ở nông thôn chủ yếu là hàng thanh lý nên không hấp dẫn được người mua


Theo Sở Công thương, năm nay Hải Dương sẽ không triển khai chương trình BOG như mọi năm mà sẽ tập trung vào việc đưa hàng hóa, nhất là hàng Việt về bán ở nông thôn. Hiện nay, sở đang phối hợp với một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chuẩn bị về lượng hàng, địa điểm bán để cung ứng hàng Tết cho người dân với giá hợp lý, chất lượng bảo đảm. Khác với chương trình BOG trước đây, năm nay các doanh nghiệp đưa hàng về bán ở các vùng nông thôn không bị giới hạn về số lượng, chủng loại sản phẩm. Doanh nghiệp tự chủ động nguồn vốn để dự trữ hàng, đồng thời phối hợp với các ngành chức năng để cung ứng sản phẩm đến người tiêu dùng. Hàng hóa của doanh nghiệp sẽ được kiểm soát chặt chẽ bởi lực lượng quản lý thị trường cũng như chính quyền địa phương. Theo ông Vũ Công, cách làm này sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cạnh tranh lành mạnh, hàng hóa được "phủ sóng" rộng khắp tại nhiều vùng trong tỉnh mà không cần tỉnh hỗ trợ vốn.

Đại diện Phòng Đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư) cũng cho rằng, hiện nay nhiều hiệp định thương mại tự do nước ta tham gia ký kết đã có hiệu lực. Nếu Nhà nước tiếp tục trợ giá để bán hàng BOG, doanh nghiệp Việt sẽ bị “tuýt còi” vì vi phạm Luật Thương mại.

Tạo cơ chế mở cho các doanh nghiệp nhưng các cơ quan chức năng của tỉnh cũng cần tăng cường kiểm soát chất lượng hàng hóa khi các doanh nghiệp này đưa hàng về bán ở các vùng nông thôn. Bởi lẽ nếu không kiểm soát chặt chẽ sẽ tạo kẽ hở cho các doanh nghiệp lợi dụng thị trường nông thôn để làm nơi bán hàng tồn, hàng gần hết hạn sử dụng, thậm chí là hàng giả, hàng nhái với giá rẻ.

HẢI MINH

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) mới đây đã khảo sát về chương trình bình ổn giá được thực hiện trên địa bàn cả nước. Kết quả khảo sát cho thấy có tới 50% số người tiêu dùng đánh giá chương trình này không hiệu quả. 70% số doanh nghiệp cho rằng chương trình bình ổn giá đã tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp.


(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Có nên duy trì chương trình bình ổn giá?