Việc đòi lại thương hiệu Rượu Phú Lộc không chỉ là việc của người làm nghề mà còn là trách nhiệm của chính quyền địa phương và cơ quan chức năng của tỉnh.
Đồng chí Nguyễn trọng Thừa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh giới thiệu với các đại biểu Quốc hội đặc sản rượu Phú Lộc
Mất thương hiệu nổi tiếngThôn Phú Lộc, xã Cẩm Vũ (Cẩm Giàng) nổi tiếng với sản phẩm rượu trong suốt, tinh khiết, với hương nếp thơm nồng. Rượu Phú Lộc khi uống, không sốc mặc dù nồng độ rượu thường rất cao. Khi rót rượu ra chén thường có bọt bám vào thành, châm lửa bắt cháy ngay. Rượu Phú Lộc dùng ngâm thuốc rất tốt.
Ông Vũ Quốc Tuấn nay đã ngoại thất thập, rất tâm huyết với sản phẩm rượu Phú Lộc và có trên 20 năm trông coi đình, chùa Phú Lộc. Ông Tuấn cho biết, theo truyền thuyết, thời Bắc thuộc có hai thôn Ma Há và Minh Kha nằm bên đường cái quan từ Nam Sách đi Cẩm Giàng. Do loạn lạc, những người dân của hai thôn phải phiêu dạt khắp nơi. Khi đất nước yên bình, người dân trở về quê cũ, hợp nhất hai thôn lại thành một làng lấy tên là Phú Lộc. Dân làng lấy nghề nấu rượu và nuôi lợn làm nguồn sống bên cạnh nghề nông nghiệp. Đến thời Nguyễn, cả làng Phú Lộc nấu rượu và nổi tiếng từ thời Thiệu Trị, Tự Đức. Rượu của làng có mặt khắp nơi trong và ngoài tỉnh. Để có được sản phẩm rượu đặc biệt, người dân Phú Lộc đã phải tích lũy kinh nghiệm nhiều thế kỷ. Điều cốt yếu làm nên thương hiệu rượu Phú Lộc là chất lượng của men, nguyên liệu, quá trình ủ và chưng cất. Người dân có bài thuốc làm men với 36 vị thuốc Bắc như quế, đại hồi, tiểu hồi, cam thảo, cát cánh, xuyên khung... Mặc dù ngày nay có giảm bớt một số vị, nhưng vẫn là bài thuốc ưu việt hơn nhiều địa phương khác. Tuy nhiên, biết các vị chưa đủ, quan trọng hơn là gia giảm và cách ủ men nâng cao chất lượng của rượu.
Giới thiệu như vậy để thấy rằng rượu Phú Lộc có truyền thống hàng trăm năm. Từ bao đời nay, người Phú Lộc cứ cần mẫn làm nên những giọt rượu làm say lòng người. Thương hiệu “Rượu Phú Lộc” đã được khẳng định bằng chất lượng tuyệt hảo. Vì vậy, người dân Phú Lộc chẳng quan tâm đến việc đăng ký tên cho sản phẩm của làng. Đối với họ, chất lượng rượu Phú Lộc tồn tại trong lòng người hàng trăm năm mới là thương hiệu quan trọng nhất. Ông Hoàng Hữu Vũ, Giám đốc Công ty TNHH Rượu Phú Lộc cho biết: “Mãi tới tháng 6 – 2004, tôi mới làm đơn lên Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) xin đăng ký nhãn hiệu “Phú Lộc” cho sản phẩm rượu của công ty. Tuy nhiên, tôi đã được cục thông báo là nhãn hiệu “Phú Lộc” đã được Công ty TNHH Xa Lộ 4, số 1, ngõ 151, tổ 26, đường Âu Cơ, phường Tứ Liên, quận Tây Hồ (Hà Nội) đăng ký nhãn hiệu cho nhóm 33: rượu các loại và đồ uống có cồn, thời hạn bảo hộ từ tháng 7 – 2004 và có hiệu lực 10 năm”. Mặc dù nhận được thông tin rượu Phú Lộc bị lấy mất thương hiệu, nhưng UBND xã Cẩm Vũ lại hành động quá chậm chạp. Đến tận tháng 10 – 2008, UBND xã Cẩm Vũ mới tiến hành các thủ tục pháp lý để đề nghị hủy bỏ hiệu lực nhãn hiệu “Phú Lộc” đã được Công ty Xa Lộ 4 đăng ký. Thời điểm đó, Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương cùng với chính quyền địa phương gửi đơn lên Cục Sở hữu trí tuệ đề nghị hủy bỏ hiệu lực nhãn hiệu “Phú Lộc”. Tuy nhiên, Cục Sở hữu trí tuệ không đồng ý. Bà Đinh Thị Bình, Phó Trưởng phòng Quản lý công nghệ và Sở hữu trí tuệ (Sở Khoa học và Công nghệ) cho biết: “Theo Luật Sở hữu trí tuệ việc lấy lại thương hiệu là điều không thể”. Sau đó, Sở Khoa học và Công nghệ đã đề nghị giúp đỡ UBND xã Cẩm Vũ thương lượng với Công ty TNHH Xa Lộ 4 để được đồng sử dụng nhãn hiệu “Phú Lộc” cho sản phẩm rượu của quê hương. Tuy nhiên, UBND xã Cẩm Vũ lại hợp đồng với Công ty Sở hữu trí tuệ WINCO (Hà Nội) tiến hành các thủ tục pháp lý để đòi lại thương hiệu. Việc không đi đến đâu và thương hiệu Phú Lộc vẫn thuộc sở hữu của Công ty TNHH Xa Lộ 4.
Phải hành động trước khi quá muộnThương hiệu rượu của quê hương bị mất một phần do sự chủ quan của chính quyền địa phương cũng như sự chậm chạp và thờ ơ của các cơ quan chức năng. Làm sao để lấy lại thương hiệu đã mất là mong muốn lớn nhất của người dân Phú Lộc. Theo bà Đinh Thị Bình, có một khả năng để xã Cẩm Vũ lấy lại thương hiệu “Phú Lộc” là đến năm 2014 Công ty TNHH Xa Lộ 4 không gia hạn bảo hộ, xã Cẩm Vũ có quyền nộp đơn lên Cục Sở hữu trí tuệ xin đăng ký nhãn hiệu rượu “Phú Lộc”. Tuy nhiên, khả năng để công ty này không gia hạn tiếp là rất thấp. Vì vậy, cách tốt nhất hiện nay là thương lượng với chủ sở hữu nhãn hiệu “Phú Lộc” để cùng sử dụng. Chính quyền địa phương có thể học cách làm của Hiệp hội Rượu Bàu Đá (Bình Định). Năm 2001, nhãn hiệu rượu Bàu Đá đã bị một doanh nghiệp tư nhân đăng ký và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận. Sau nhiều lần hiệp thương, thỏa thuận nhưng không có kết quả, tháng 6 – 2010, Cục Sở hữu trí tuệ yêu cầu Hiệp hội Sản xuất, kinh doanh rượu Bàu Đá bổ sung vào mẫu nhãn hiệu đăng ký “Rượu Bàu Đá” một hình biểu tượng hoặc một thành phần chữ để phân biệt. Hiệp hội này đã bổ sung một logo kèm chữ “bd Rượu Bàu Đá” vào nhãn hiệu đăng ký. Như vậy, trên thị trường sẽ có hai nhãn hiệu rượu Bàu Đá được bảo hộ cùng tồn tại là nhãn hiệu tập thể của tỉnh Bình Định và nhãn hiệu riêng của doanh nghiệp tư nhân.
Đối với thương hiệu rượu “Phú Lộc”, chính quyền địa phương cần thành lập Hiệp hội Sản xuất, kinh doanh rượu Phú Lộc. Sau đó, hiệp hội tiến hành hiệp thương, thỏa thuận với Công ty TNHH Xa Lộ 4 để được đồng sử dụng nhãn hiệu. Luật Sở hữu trí tuệ cũng đã ghi rõ: Hai hoặc nhiều tổ chức, cá nhân có quyền cùng đăng ký một nhãn hiệu để trở thành đồng chủ sở hữu với những điều kiện như: Việc sử dụng nhãn hiệu đó phải nhân danh tất cả các đồng chủ sở hữu hoặc sử dụng cho hàng hóa, dịch vụ mà tất cả các đồng chủ sở hữu đều tham gia vào quá trình sản xuất, kinh doanh; việc sử dụng nhãn hiệu đó không gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ. Việc đồng sở hữu phải được chủ nhãn hiệu đồng ý bằng văn bản, tránh trường hợp tranh chấp về sau.
VỊ THỦY