Cô là ngọn gió nâng diều em bay

20/11/2021 15:46

Nghề giáo là nghề cao quý nhưng cũng lắm nhọc nhằn. Đối với các cô giáo nuôi dạy trẻ ở bậc học mầm non, sự khó nhọc càng thêm chồng chất.

Ngọn gió lá diều

Em là cô giáo mầm non
Nghề chi mà dễ sớm con muộn chồng
Đêm thì vắng, ngày thì đông
Chăm thì chăm thế, mẹ chồng vẫn chê!

Sáng sớm đi, tối muộn về
Trong nhà chân đất, dép lê ngoài đường
Chồng thì khi giận khi thương
Trẻ thì đứa ẩm, đứa ương - lạ đời.

Trẻ ngoan thì cô mới cười
Con mình mình nhãng, con người mình chăm
Lương mình chẳng đủ mình ăn
Thì em cấy ruộng cho bằng người ta!

Nghề đâu là nghiệp đấy mà
Yêu trò cũng hệt như ta yêu mình
Mình cho ta trọn cái tình
Ta lại cho mình những cái ta yêu.

Trẻ thơ như chiếc lá diều
Em là ngọn gió một chiều đang thu.           

ĐOÀN THỊ LAM LUYẾN

Nghề giáo là nghề cao quý nhưng cũng lắm nhọc nhằn. Đối với các cô giáo nuôi dạy trẻ ở bậc học mầm non, sự khó nhọc càng thêm chồng chất. Thấu hiểu và cảm thông đến tận cùng gan ruột, nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến đã có một thi phẩm rất hay về đề tài này: Ngọn gió lá diều. Bài thơ giàu giá trị nhân văn, như một thông điệp sẻ chia sâu sắc, cùng với thể thơ lục bát tài hoa và đầy hóm hỉnh, nhờ đó bất kỳ ai đọc qua đều thật khó quên.

Có lẽ nét độc đáo bao trùm ở Ngọn gió lá diều là cách giới thiệu về hình ảnh cô giáo mầm non - nhân vật trữ tình xuyên suốt của bài thơ - thật ấn tượng. Chính ấn tượng “hiếm” và “lạ” so với các nghề khác qua giọng thơ "tếu tếu" rất Đoàn Thị Lam Luyến lại càng thêm thấm thía và cảm động. Từ các hình tượng thơ đối lập, trái ngược sóng đôi giữa các vế thơ, dòng thơ, người đọc nhận ra sự nghịch lý đầy oái ăm về nghề nuôi dạy trẻ của cô giáo mầm non: "Em là cô giáo mầm non/Nghề chi mà dễ sớm con muộn chồng/Đêm thì vắng, ngày thì đông/Chăm thì chăm thế, mẹ chồng vẫn chê!".

Câu đầu là một câu thơ giới thiệu, không phải bàn, cốt để bắt vần cho câu sau. Nhưng câu thơ thứ hai bật ra khiến ta không thể không suy ngẫm. Ngẫm để tủm tỉm cười, cười rồi lại chứa chan một niềm thương cảm, day dứt. “Sớm con muộn chồng” là một cụm từ rất sáng tạo, cô đọng gần như thành ngữ, nhưng lại chỉ để diễn tả thật đúng với hoàn cảnh của các cô giáo mầm non nuôi dạy trẻ: “Khi đến trường cô giáo như mẹ hiền”. “Muộn chồng” nên ban ngày đông các cháu học nhưng đêm về lại vắng lặng, cô đơn. Đến khi có chồng, được tiếng là chăm chỉ, giỏi giang việc trường việc lớp, lo lắng cho con nhà người nhưng “mẹ chồng vẫn chê” bởi hoàn cảnh cô giáo mầm non thật đặc biệt. 

Khổ thơ thứ hai vẫn tiếp mạch cảm xúc và thi tứ khổ thơ đầu trên cái nền của sự đối lập trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của cô giáo mầm non nuôi dạy trẻ: "Sáng sớm đi, tối muộn về/Trong nhà chân đất, dép lê ngoài đường/Chồng thì khi giận khi thương/Trẻ thì đứa ẩm, đứa ương - lạ đời".

Suốt một ngày dài, cô giáo phải có mặt thật sớm ở trường để đón trẻ, tối muộn mới trở về nhà lúc đứa trẻ cuối cùng được bố mẹ đón xong. Tất bật là thế, nhưng đời sống vẫn nhiều gian nan, thiếu thốn: “Trong nhà chân đất, dép lê ngoài đường”. Chưa hết, cách đan xen hình tượng hài hài, tếu tếu của người chồng cô giáo mầm non “khi giận khi thương”, học trò “đứa ẩm đứa ương” dễ khiến người đọc thêm mủi lòng và càng cảm thông sâu sắc. 

Có lẽ hình tượng cô giáo mầm non nở nụ cười ở khổ thơ thứ ba là chút ánh sáng đẹp nhất soi chiếu trong bài thơ vừa hóm hỉnh mà cũng lắm day dứt này. Cô giáo cười khi trẻ ngoan, không khóc lóc hay “ẩm ương”. Niềm vui ấy cô dành cho con nhà người, nhưng lại xót xa khi “con mình mình nhãng”. Hơn nữa, đồng lương thấp, thành thử cô phải chăm chỉ cấy cày thêm trên đồng ruộng của mình để đắp đổi qua ngày. Cuộc sống gian khổ nhưng tình yêu nghề, yêu trẻ như là một cái nghiệp nên không thể rời xa. Đó là một tâm sự rất thật và sâu lắng mà nhà thơ thấu hiểu để giãi bày qua khổ thơ thật hóm nhưng cũng thấm đẫm cảm xúc trữ tình và đằm sâu triết lý. Nghề chọn người có lẽ là nghiệp duyên kiếp trước, song tất cả đều bắt nguồn từ tình yêu. Kiếp trước yêu gì, kiếp này nhận lại nghiệp ấy, giống như tình yêu thương chan hòa của đôi lứa yêu nhau: "Nghề đâu là nghiệp đấy mà/Yêu trò cũng hệt như ta yêu mình/Mình cho ta trọn cái tình/Ta lại cho mình những cái ta yêu".

Hai câu thơ kết bài tách thành một khổ, giàu hình tượng thông qua nghệ thuật so sánh độc đáo, đồng thời khái quát được tấm lòng và tình thương yêu bao la của cô giáo mầm non đối với trẻ thơ. “Chiếc lá diều” thanh mảnh, hồn  nhiên, bay bổng diệu kỳ giữa bầu trời cao rộng như tâm hồn tuổi thơ đẹp đẽ, sáng trong. Cô giáo mầm non chính là ngọn gió mùa thu mát lành, êm ả, nâng “chiếc lá diều” bay cao lên mãi. Nhờ đó, hình tượng “ngọn gió lá diều” sóng đôi nhau nơi vòm trời bát ngát trở thành thi tứ để tác giả lấy làm nhan đề cho thi phẩm này: "Trẻ thơ như chiếc lá diều/Em là ngọn gió một chiều đang thu".

Bài thơ khép lại nhưng âm điệu vẫn còn ngân nga như “ngọn gió lá diều” giữa khoảng không xanh. Tình yêu trẻ thơ của cô giáo mầm non là bài ca vọng vang tha thiết, lắng sâu giữa trái tim mỗi người khi đọc thi phẩm này của tác giả Đoàn Thị Lam Luyến.        

LÊ THÀNH VĂN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cô là ngọn gió nâng diều em bay