Cơ hội "thúc" công nghiệp hỗ trợ

18/04/2020 13:02

Khi có “làn sóng” đầu tư của các tập đoàn lớn trên thế giới, một loạt doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tại Hải Dương sẽ có cơ hội bứt phá, phát triển mạnh mẽ.

Ông Lê Xuân Hiền, Trưởng Phòng Đấu thầu, Thẩm định và Giám sát đầu tư (Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hải Dương), thành viên tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư tỉnh Hải Dương

Với mục tiêu đưa công nghiệp hỗ trợ (CNHT) phát triển theo hướng hiện đại, tham gia vào quá trình sản xuất của các ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh, khu vực lân cận và trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia, Hải Dương đã có giải pháp nào đẩy mạnh ngành công nghiệp này phát triển?

Diễn đàn Doanh nghiệp đã có cuộc trao đổi với ông Lê Xuân Hiền, Trưởng Phòng Đấu thầu, Thẩm định và Giám sát đầu tư (Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hải Dương), thành viên tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư tỉnh Hải Dương xung quanh vấn đề này.

- Thưa ông, CNHT của Hải Dương hiện nay có vai trò như thế nào với nền kinh tế của tỉnh?

Hải Dương có rất nhiều thế mạnh, thời bao cấp từng có ngành cơ khí rất mạnh với nhiều doanh nghiệp như: Công ty CP Bơm, Đá mài, Lilama và một loạt công ty sản xuất dân doanh lớn. Đặc biệt lĩnh vực dệt may và da giày Hải Dương có thể tự tin xếp "top" quốc gia, thậm chí là phạm vi Đông Nam Á. Đây là lĩnh vực được hỗ trợ rất nhiều từ ngành CNHT. Ngoài ra, phải kể đến công nghiệp lắp ráp ô tô với sự đóng góp rất lớn của Công ty TNHH Ford Việt Nam – doanh nghiệp đối tác quan trọng của tỉnh.

Các công ty FDI đầu tư tại một số khu công nghiệp trên địa bàn phát triển mạnh lắp ráp điện tử, sản xuất các linh kiện cơ khí, dây cáp điện. Như vậy, các nhóm liên quan đến CNHT thì Hải Dương đều có và đã có những đóng góp xứng đáng. Tuy vậy, nằm trong tình hình chung của Việt Nam, CNHT của Hải Dương nói riêng chưa đáp ứng được kỳ vọng và tiềm năng.

- Vậy đâu là những hạn chế khiến ngành này chưa phát triển được như kỳ vọng, thưa ông?

Thứ nhất, đầu tư vào ngành CNHT không thể có lợi nhuận ngay, lợi nhuận cao ngay như các lĩnh vực khác mà lại có nguy cơ rủi ro cao hơn vì lĩnh vực CNHT của chúng ta đi sau các quốc gia khác rất nhiều.

Ví dụ để sản xuất ra 1 chiếc ô tô chúng ta cần tới 24.000 linh kiện, trong đó một doanh nghiệp của ta chỉ có khả năng sản xuất được 6 linh kiện, như vậy phải cần tới 4.000 doanh nghiệp. Đầu vào của lắp ráp ô tô là đầu ra của của sản xuất CNHT, ngược lại đầu vào của CNHT phải là công nghiệp luyện kim. Đây là một chuỗi khép kín. Tất cả những công đoạn đó chúng ta chỉ cần ngăn lại, hoặc đi nhập một công đoạn nào đó, mà đoạn đó chúng ta không kiểm soát được. Vậy cả chuỗi như thế liệu chúng ta có làm nổi trên phạm vi quốc gia? Đây là một bài toán mà Nhà nước phải tính toán, phải có quy hoạch, phải làm tổng thể.

Thứ hai, trong bối cảnh khó khăn này chúng ta không biết trông chờ vào ai nên buộc phải thay đổi công nghệ để tạo ra sản phẩm đầu vào theo chuỗi của chính mình, phục vụ ngành của mình. Đây là cơ hội.

Thứ ba, Chính phủ ngày càng nhìn nhận được và đánh giá cao tiềm năng của ngành CNHT, vì vậy các nhóm hỗ trợ ngày càng cụ thể, chi tiết hơn.

- Qua thực tế, Hải Dương đã xác định được lĩnh vực CNHT nào là trọng tâm cho địa phương?

Trước hết, phải nói đến ngành dệt may, da giày sau đó là các lĩnh vực lắp ráp ô tô, điện, điện tử… Theo thống kê của tỉnh, ngành CNHT ở Hải Dương đã đóng góp vào tình hình chung phải mấy chục % trong tổng thu. Bởi vì các linh kiện đầu vào của các nhà máy tại Hải Dương, đặc biệt các nhà máy FDI không chỉ xuất trong thị trường Việt Nam mà còn xuất cho thị trường nước ngoài. Một số sản phẩm của các công ty Việt Nam cũng bắt đầu làm được việc đó. Đây là những đánh giá tốt của chúng tôi về CNHT tại Hải Dương.

- Thưa ông, mới đây, Hải Dương tổ chức Hội nghị triển khai Chương trình hỗ trợ tư vấn cho doanh nghiệp trong lĩnh vực CNHT. Sự kiện này có vai trò gì trong định hướng phát triển CNHT của Hải Dương trong tương lai?

Chương trình có sự tham gia của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ (nay là Bí thư Thành ủy Hà Nội), và các lãnh đạo tỉnh, đặc biệt sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp đã đem lại sự kỳ vọng rất lớn trong ngành CNHT của Hải Dương nói riêng và Việt Nam nói chung. Điều này thể hiện ở 4 nội dung:

Thứ nhất, lần đầu tiên có sự cam kết, chính thức ký kết triển khai giữa chính quyền địa phương với Chính phủ và doanh nghiệp.

Thứ hai, thời gian tới, Tập đoàn Samsung không chỉ dừng ở tư vấn hỗ trợ mà sẽ trực tiếp đầu tư. Khi đó sẽ tạo ra “làn sóng” đầu tư của các tập đoàn lớn trên thế giới, từ đó một loạt doanh nghiệp CNHT tại địa phương sẽ có cơ hội bứt phá, phát triển mạnh mẽ. Đây chính là tác động lan tỏa, lâu dài.

Thứ ba, chương trình không dừng lại ở hỗ trợ của Bộ Công thương, chúng tôi sẽ có sự liên kết lớn hơn với các doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh.

Thứ tư, Hải Dương kỳ vọng tới đây, các doanh nghiệp của tỉnh sẽ tiếp cận được với chương trình 5S, ISO, công nghệ hiện đại, từ đó hỗ trợ lẫn nhau cùng trở thành những tư vấn viên có kinh nghiệm “thực chiến”, chia sẻ với những doanh nghiệp cần.

Tuy nhiên, để những kỳ vọng thành hiện thực cần phải có nhiều giải pháp tổng thể.

- Ở góc độ của ông, giải pháp tổng thể ấy có thể được phác họa như thế nào?

Theo tôi, để CNHT phát triển trên địa bàn tỉnh, Hải Dương cần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; cần có chính sách cụ thể hơn, thi hành quyết liệt hơn, phải có sự ưu tiên. Đặc biệt về các chính sách; thuế, đất đai, hỗ trợ công nghệ, nguồn nhân lực, phải rõ ràng; thu hút doanh nghiệp FDI nên có chọn lọc. Các sở, ban, ngành của tỉnh cần tìm hiểu những Hiệp định thương mại quốc tế vừa được kí kết để nắm rõ những rào cản thương mại - kỹ thuật mà doanh nghiệp mình có thể gặp phải để có sự hỗ trợ nhanh chóng, đúng luật.

Chúng tôi lưu ý các doanh nghiệp nên có kế hoạch dài hạn cụ thể, chi tiết từng bước phát triển phù hợp từng giai đoạn để kịp thời nắm bắt cơ hội hợp tác kinh doanh trong nước cũng như quốc tế.

- Xin cảm ơn ông!

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cơ hội "thúc" công nghiệp hỗ trợ