Cơ hội mới cho rau an toàn

12/02/2014 04:46

Dự án trồng rau an toàn theo quy trình khép kín đã giúp cho rau an toàn có cơ hội khẳng định chất lượng và thương hiệu trên thị trường...



Mô hình trồng rau an toàn lần này được nhiều người dân Phạm Kha (Thanh Miện) tham gia

Năm 2003, dự án trồng rau an toàn (RAT) đã được triển khai ở nhiều địa phương trong tỉnh. Tuy nhiên, sau một thời gian thực hiện, dự án này chưa hiệu quả. Để tìm hướng mới cho người trồng RAT, năm 2012 tỉnh ta đã có 4 xã được chọn để xây dựng vùng sản xuất rau và vải an toàn, gồm: Phạm Kha (Thanh Miện), Phạm Trấn (Gia Lộc), Thanh Xá (Thanh Hà) và Hiến Thành (Kinh Môn). Dự án trồng RAT lần này được triển khai bài bản theo quy trình khép kín đã giúp cho RAT có cơ hội khẳng định chất lượng và thương hiệu trên thị trường.

Đầu tư bài bản

Xuân này, người dân xã Phạm Trấn có nhiều niềm vui. Vui vì từ nay nông dân có thể đi xe máy ra tận đồng, không phải lo thiếu nước mỗi mùa khô hạn vì kênh mương xuống cấp và vui hơn vì nay mai những cây rau do chính mình trồng sẽ được mang thương hiệu RAT Phạm Trấn, được bày bán ở hệ thống các siêu thị, cửa hàng rau sạch lớn. Năm 2012, Phạm Trấn là 1 trong 4 xã được UBND tỉnh lựa chọn để xây dựng vùng trồng RAT theo chuẩn VietGAP. Sau hơn 1 năm triển khai, đến nay hạ tầng vùng trồng RAT đã hoàn thành và được đưa vào sử dụng. Thụ hưởng lợi ích từ dự án này, nông dân xã Phạm Trấn đã được sử dụng tuyến đường bê-tông dài hơn 1 km, rộng 5 m, nối từ đường 37 đến vùng trồng RAT tại các đội 5, 6 và 7 của thôn Nam Cầu; 7 tuyến đường giao thông nội đồng nối các vùng trồng rau cũng đã được xây dựng; 2 tuyến kênh mương chính được đầu tư kiên cố phục vụ tưới tiêu cho toàn vùng với tổng kinh phí hơn 13 tỷ đồng. Đặc biệt, dự án RAT lần này đã đầu tư xây dựng bài bản theo quy trình khép kín. RAT được kiểm soát từ ruộng đến khâu sơ chế, đóng gói và đến khi xuất bán. Chị Nguyễn Thị Thanh, hội viên tổ sản xuất RAT của đội 5, thôn Nam Cầu cho biết: "Dự án RAT về làng giúp nông dân chúng tôi có thêm cơ hội nâng cao giá trị cho cây rau. Đặc biệt, chúng tôi được tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật, nâng cao kiến thức về trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP. Ngoài ra, chúng tôi còn được đi tham quan các mô hình trồng RAT tại nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh. Nhờ đó, nông dân nhận thức rõ hơn về vai trò của việc trồng rau theo tiêu chuẩn mới, bảo đảm các yêu cầu về an toàn, vệ sinh thực phẩm, bảo vệ sức khỏe cộng đồng".

Không chỉ ở Phạm Trấn, điện, đường sá, kênh mương ở xã Phạm Kha (Thanh Miện) cũng  đã được đầu tư sửa chữa, nâng cấp và xây mới. Tham gia mô hình này, Phạm Kha đã được UBND tỉnh đầu tư hơn 13 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng cho vùng trồng RAT. Năm qua, 5 tuyến đường trong vùng trồng rau đã được trải bê-tông. Gần 2 km kênh mương được kiên cố hóa. Đường điện đã được kết nối ra tận các ruộng rau. Ông Vũ Văn Quynh, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Phạm Kha hiện có khoảng hơn 100 ha trồng rau màu quanh năm, tập trung chủ yếu ở 2 thôn Đỗ Thượng và Đỗ Hạ. Tham gia dự án RAT này, nông dân Phạm Kha sẽ được Viện Nghiên cứu rau quả Trung ương cấp giấy chứng nhận sản phẩm RAT đạt tiêu chuẩn an toàn VietGAP (thực hành nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn Việt Nam). Hy vọng với tấm giấy chứng nhận này sẽ mở ra cơ hội mới cho RAT Phạm Kha. RAT mang thương hiệu Phạm Kha sẽ sớm xuất hiện trên giá hàng của siêu thị, hay trên những bàn ăn của các nhà hàng, khách sạn, thậm chí là xuất khẩu.

Hy vọng mới

Triển khai dự án RAT do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đầu tư với tổng kinh phí gần 60 tỷ đồng sẽ tạo cơ hội mới trong sản xuất RAT trên địa bàn tỉnh, góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp. Ông Lê Đình Sơn, Giám đốc Chi cục Kiểm nghiệm chất lượng nông, lâm, thủy sản tỉnh khẳng định: “Năm 2003, mô hình sản xuất RAT đã được triển khai tại nhiều địa phương trong tỉnh. Tuy nhiên, mô hình đó chưa thành công do nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, do đầu ra cho RAT chưa ổn định. Năng suất RAT thường không cao bằng các loại rau thông thường khác trong khi giá bán lại không cao nên người trồng RAT bị thua lỗ. Các loại rau đã được cấp giấy chứng nhận sản phẩm an toàn nhưng vẫn phải tiêu thụ tại thị trường tự do với giá cả ngang bằng với các loại rau khác. Kinh phí cho việc thuê giám sát, kiểm định chất lượng để được cấp giấy chứng nhận sản phẩm cũng không nhỏ. Công tác xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm RAT chưa được quan tâm đúng mức... Lần này, việc trồng RAT sẽ được triển khai theo hướng mới. Những địa phương được thụ hưởng dự án sẽ xây dựng mô hình trồng RAT khép kín. Dự án này đã đầu tư cơ sở hạ tầng từ hệ thống giao thông, kênh mương nội đồng cho đến các khu sơ chế, bảo quản và đóng gói sản phẩm, hỗ trợ quy trình kỹ thuật canh tác… Quy trình sản xuất RAT được kiểm soát chặt chẽ hơn. Đặc biệt, tham gia dự án này, nông dân vùng trồng RAT sẽ được hỗ trợ nhiều hơn về xúc tiến thương mại và  tìm đầu ra cho sản phẩm. Đây thực sự là một cơ hội mới cho việc sản xuất RAT của tỉnh ta".   Thấy được tác dụng của việc tham gia mô hình RAT mới nên nông dân rất hào hứng đăng ký vào các tổ sản xuất. 

Xu thế hiện nay khi người tiêu dùng ngày càng có nhu cầu sử dụng rau sạch nhiều thì việc triển khai các mô hình trồng RAT cần được các cấp trong tỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho người sản xuất RAT, nhất là việc tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm, góp phần phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa.

HẢI MINH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cơ hội mới cho rau an toàn