Cô giáo tôi

10/04/2011 08:23



Cô giáo chỉ dạy tôi một lần, nhưng ấn tượng mà cô để lại cho tôi là mãi mãi.

... Ngày ấy, tôi còn là một cậu học sinh lớp 5 vô cùng hiếu động, hầu như chưa có một giờ học nào mà tôi lại chịu ngồi yên, chú ý học bài cả. Không nói chuyện riêng thì cũng quay sang trêu ghẹo mấy bạn ngồi cạnh khiến họ ức phát khóc lên được. Nhưng họ chẳng thể làm gì được tôi cả và tôi biết điều ấy, nên càng được thể làm già. Ở trên lớp, tôi nói leo thầy cô bất kỳ lúc nào có thể. Thầy cô nhắc tôi: lần sau, nếu muốn phát biểu thì giơ tay xin phép cô, chứ đừng ngồi dưới nói leo như thế, xấu lắm! Thế nhưng tôi cũng chỉ dạ vâng được một hai lần gì đó, lần sau tôi vẫn "vô tư" tái phạm và coi đó như chuyện bình thường.

Nhưng rồi có một chuyện xảy ra, rất nhanh và đột ngột, khiến cho tôi phải suy nghĩ lại tất cả. Ấy là việc một giờ hát nhạc. Cô giáo trẻ phụ trách môn học này ở lớp tôi hôm ấy đột nhiên có việc bận đột xuất, nên trường cử một cô giáo khác dạy thay. Cô trẻ và đẹp lắm, lại mặc áo dài màu tím Huế nữa, nên càng duyên dáng. Mái tóc đen dài buông xõa sau lưng, thoảng một mùi hương dịu nhẹ theo từng bước cô đi. Cả lớp "ồ" lên một tiếng. Lũ con gái thì tròn xoe mắt, tưởng tượng cô là một thiên thần xinh xắn từ truyện tranh bước ra, còn lũ con trai chúng tôi thì tất nhiên cũng thấy cô rất cuốn hút, như mấy cô người mẫu vẫn sải những bước dài trên sàn thời trang, chỉ khác là cô không trang điểm và lại còn cười rất tươi nữa. Rồi gần như ngay lập tức, sau tiếng hô của lớp trưởng, cả lớp đứng phắt dậy chào cô. Tôi tuy ưa thích vẻ duyên dáng của cô thật đấy, nhưng vẫn nhếch mép lên, xì một hơi rõ dài: "Có gì mà lũ chúng bay "thần tượng" vậy. Đúng là...". Tôi bỏ lửng câu nói, vì chung quanh tôi giờ chẳng còn "đồng minh" nào nữa, 5-6 đứa cùng quay ra lườm tôi và nhắc tôi đứng dậy chào cô:
- Khánh, đứng dậy chào cô đi!

Tôi vẫn ngồi yên. Cô bước xuống bàn tôi, nghiêng đầu nhìn tôi và cất giọng thánh thót:
- Chi vậy con? Sao con không đứng lên như các bạn?
Ồ thì ra cô là người miền Trung. Với chiếc áo dài kia thì hẳn cô là con gái Huế. Không chỉ có mình tôi mà cả lớp dường như cũng nhận ra. Mé bên kia, tụi cái Mai, cái Linh xì xào: "Cô đẹp mà hiền ghê!".
Chẳng cần cô hỏi tới lần hai, tôi trả lời, nhưng mà cố tình bắt chước theo cách nói của cô:
- Thưa cô, con bệnh! Xin phép cô cho con ngồi.
Tôi để ý thấy cô thoáng có chút bối rối hiện lên nét mặt, nhưng ngay sau đấy, cô mỉm cười bảo tôi:
- Ừ, con cứ ngồi, cô không trách chi mô!
Rồi cô quay ra cả lớp:
- Các con cứ ngồi xuống đi. Đứng chào cô nãy giờ rồi, chắc mỏi chân lắm hả?
Cô bước lên bục giảng, mở hộp lấy phấn, viết nắn nót từng nét chậm, đều trên bảng. Cả lớp cũng bắt đầu lấy sách vở, riêng tôi vẫn một vẻ lì lợm, ngồi khoanh tay, cái mặt nghênh nghênh tự đắc nhìn lên bảng. Tôi đang đợi. Chỉ cần một lỗi nhỏ thôi, tôi sẽ "bắt bài" cô, để xem lũ nhóc này còn thấy cô xinh đẹp duyên dáng nữa không, ha ha ha! Cái ý nghĩ ấy lướt qua óc tôi, tôi cười thầm.

Cô bắt đầu hát mẫu. Cả lớp gần như nín thở lắng nghe giọng hát (mà chúng cho là) du dương của cô. Công nhận cô hát hay, rất truyền cảm và ngọt ngào, chả kém gì những ca sĩ chuyên nghiệp. Tôi cũng một lúc một chú ý hơn vào cô, không phải để nghe cô hát, mà để bắt lỗi cô. A đây rồi! Tôi nghe ra rồi. Cô vừa hát sai lời, cô đã lẫn tiếng địa phương với từ thực trong bài hát. Tôi lập tức đứng ngay dậy, chẳng có vẻ gì là "bị bệnh" cả, nói to, dõng dạc như phát biểu định lý:
- Thưa cô, ở địa phương em không có cái từ mà cô vừa hát đâu ạ. Cô hát sai lời rồi!
Lần này thì cô giáo tỏ rõ sự luống cuống của mình, tay cầm phấn của cô run run, mặt cô đỏ ửng lên. Và một điều nằm ngoài dự tính của tôi đã xảy ra: cô giáo òa khóc, nước mắt trào ra từ hai khóe mắt. Cô chỉ kịp đặt viên phấn trở lại bàn và nói với cả lớp: "Cô xin lỗi các con" rồi chạy ra ngoài.
Sau khi cô đi rồi, cả lớp nhao nhao lên kết tội tôi:
- Tại Khánh đó, làm cô buồn.
- Mày đã hát được như cô chưa mà dám hỗn?
- Tao mách cô chủ nhiệm cho coi!

Hàng chục lời kết tội xoáy chặt lấy tôi, khiến tôi hoang mang. Lẽ nào tôi đã sai? Trò đùa của tôi đã trở nên nặng nề với cô giáo, có phải thế không? Lớp cứ thế lao xao như bầy ong vỡ tổ cho tới khi có trống ra chơi. Tôi ngồi yên mà cảm tưởng như bị thù địch, không ai dám làm gì tôi, nhưng mọi ánh nhìn ác cảm đang xoáy về phía tôi. Tôi bấu chặt tay vào thành bàn, suy nghĩ lại tất cả trước khi đi đến quyết định: Tôi sẽ xin lỗi cô. Mất một lúc lâu sau tôi mới dám bước vào phòng cô.
- Cô, thưa cô. Em... Em xin lỗi cô! Mong cô tha lỗi cho em!
- Cô không trách con đâu. Con nhận xét cô như rứa là đúng đó. Chỉ tại cô... cô mới ra trường... chưa có kinh nghiệm.
Nói đến đây, đôi mắt cô cụp xuống đượm buồn. Vậy là với câu nói vô tình, tôi cho là vui vẻ kia lại trở thành gánh nặng của cô. Tôi thật đáng trách quá!
Cô lại kéo tôi ngồi xuống, âu yếm nhìn tôi:
- Mai mốt cô không dạy nữa, con với các bạn cố gắng học giỏi...
Chưa đợi cô nói hết câu, tôi ngước lên nhìn cô thảng thốt:
- Cô, không không dạy chúng con nữa sao?
- Ừ! cô không đứng lớp các con nữa. Con đừng giận cô nghe.
Giọng cô hạ xuống thật trầm, thật nhỏ, khiến tôi phải thật chú ý mới nghe được. Không ngờ đây là buổi học đầu tiên lại cũng là buổi cuối cùng tôi còn được học cô. Vậy mà tôi đã khiến cô phải buồn.
Tôi bước vào lớp học với tâm trạng ủ ê, não nề. Lũ bạn thấy tôi về ùa cả ra:
- Sao, sao rồi, cô có trách mày không?
- Cô không trách tao... cô chỉ nói... cô buồn vì không được tiếp tục dạy tụi mình nữa.
- Rồi sao mày? Có đứa nào đó sốt ruột chen ngang. Cô... cô nói nhà trường chỉ mời cô vào dạy thử chương trình thôi. Hôm nay cô dạy là buổi cuối cùng rồi.
Ngay buổi chiều hôm đó chúng tôi mua hoa đến chia tay với cô, nhưng bác bảo vệ nói cô đi từ hồi trưa rồi. Ôm bó hoa trên tay, tôi bỗng ứa nước mắt, thấy sống mũi cay cay. Tôi nhớ lại những gì cô đã nói với tôi và cứ khóc mãi như thế.
Từ đó tới nay tôi không còn được gặp cô nữa, ngay cả tên cô tôi cũng chưa biết. Nhưng tôi luôn nhủ với lòng mình: “Chắc là một cái tên thật hay và cũng có chút buồn man mác, như là Hiền chẳng hạn. Cô là con gái Huế mà". Đâu đó lại vang tiếng hát, một bài hát trẻ con mà tôi rất thích: "Cô và mẹ là hai cô giáo, mẹ và cô ấy hai mẹ hiền..."


CAO PHƯƠNG ANH
(Lớp 9A1, Trường THCS Trần Phú, TP Hải Dương)
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cô giáo tôi