Luôn yêu nghề, trăn trở với nghề và yêu trẻ như con... là cảm nhận của mọi người khi gặp cô giáo Nguyễn Thị Vân, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Hồng huyện Gia Lộc.
Cô Nguyễn Thị Vân luôn tận tình dạy dỗ các học trò của mình
Yêu trẻ bằng cả tấm lòngNăm 1993, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm nhà trẻ - mẫu giáo Trung ương I, cô Vân về công tác tại Trường Mầm non Liên Cơ (nay là Trường Mầm non Hoa Hồng).
Xuất phát từ tình yêu đối với thế hệ “búp trên cành” nên ngay từ những ngày đầu gắn bó với trường, cô Vân luôn phấn đấu trở thành giáo viên giỏi. Cô tích cực học hỏi kinh nghiệm của những giáo viên có kinh nghiệm trong nghề, sưu tầm những tranh, ảnh, đồ vật, những câu chuyện cổ tích thu hút trẻ thơ, tập vẽ tranh, cắt hoa trang trí... để ứng dụng vào giờ học. Mỗi khi cô lên lớp, không chỉ trẻ mà ngay cả phụ huynh hay đồng nghiệp nếu dự giờ đều cảm thấy lôi cuốn. Cô Vân chia sẻ: “Điều quan trọng nhất đối với người làm sư phạm là chữ tâm. Phải có tấm lòng yêu trẻ như con mới có thể kiên nhẫn, sáng tạo, tìm thấy niềm vui trong nghề. Đối với tôi, mỗi khi đến lớp, được nhìn thấy những ánh mắt ngây thơ, những nụ cười hồn nhiên, được gọi bằng mẹ đã cảm thấy rất ấm lòng, quên hết âu lo thường nhật của cuộc sống”.
Bằng tấm lòng ấy, với mỗi trẻ, cô Vân lại tìm thấy cách dạy dỗ khác nhau cho phù hợp. Với những trẻ nghịch ngợm, thông thường là những trẻ thông minh nhưng khả năng tập trung kém, giáo viên phải là người tổ chức những hoạt động mở, trẻ được chơi nhiều, thay đổi về đồ chơi, cách thức chơi để thu hút trẻ. Đối với những trẻ cá biệt, không chơi, không nói chuyện với bạn bè, cô thường quan tâm hơn các trẻ khác. Bằng cách tâm sự nhẹ nhàng, yêu thương chăm sóc tận tình, lắng nghe trẻ, đưa trẻ vào các hoạt động chung như tập văn nghệ, múa hát… Cô đã giúp trẻ trở nên ngoan, hòa đồng, bạo dạn, có nhiều bạn bè hơn. Nhiều lần như vậy, các phụ huynh thường đến cám ơn cô, mua quà nhưng cô đều không nhận. Có lần, phụ huynh còn gửi quà vào ngày cưới để cảm ơn cô. Cô cho biết: “Khi đó tôi rất hạnh phúc vì có được cả niềm hạnh phúc riêng lẫn sự tín nhiệm của phụ huynh. Những tình cảm đó được trân trọng và trở thành niềm động viên tinh thần rất lớn với tôi”.
Không chỉ hiểu được tâm tính của trẻ, với vai trò là người mẹ chung của các bé, cô Vân còn năng động nhiệt tình trong các hoạt động khác, phát huy sở trường về văn nghệ của mình: hát múa, viết kịch bản cho các buổi diễn văn nghệ của trường, tự tạo đồ chơi cho trẻ… Với năng khiếu văn nghệ của mình, tại Hội thi giọng hát hay giáo viên mầm non toàn quốc lần thứ 2 (năm học 1997-1998) và lần thứ 3 (năm học 2001-2002) tổ chức tại TP Hồ Chí Minh và TP Huế, cô Vân đã đạt huy chương vàng và huy chương bạc.
Trăn trở trên cương vị mớiNăm 2002, cô Vân trở thành Hiệu phó phụ trách chuyên môn của Trường Mầm non Hoa Hồng. Cô thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm của mình và nhắc nhở các giáo viên trẻ cần cố gắng. Vì lòng tin của phụ huynh, người giáo viên cần phải kiên nhẫn, năng động, chịu khó học hỏi do nghề này liên quan đến sức khỏe, tính mạng của các cháu. Cô cũng tâm sự những trăn trở về nghề của mình: “Ở trong nghề lâu năm, nhiều lúc tôi cảm thấy rất thương đồng nghiệp, nhất là những cô giáo trẻ. Hiện nay giáo viên mầm non không có biên chế, thu nhập nhìn chung là thấp. Nghe nói trong thời gian tới UBND tỉnh sẽ tạo điều kiện cho giáo viên mầm non vào biên chế, tôi rất vui vì xã hội đã có sự quan tâm đến ngành và đánh giá đúng sự vất vả của nghề nuôi dạy trẻ”.
Để nâng cao chất lượng giáo dục trẻ mầm non, cô đã chỉ đạo các giáo viên nghiêm túc thực hiện chương trình sư phạm do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định. Cô và Ban Giám hiệu nhà trường luôn chú trọng công tác bồi dưỡng tay nghề cho đội ngũ giáo viên, nhất là các giáo viên trẻ. Nhờ sự bồi dưỡng nhiệt tình của cô, nhiều giáo viên trong trường đã đoạt giải cao khi tham gia hội thi dạy giỏi cấp huyện. Bản thân cô, từ năm 1993 đến 2011 liên tục đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và cấp tỉnh. Năm học 2000-2001, cô Vân được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen vì hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
VIỆT QUỲNH