Cô giáo 8X đưa "bảo tàng 3D" vào giờ học lịch sử

04/12/2017 15:52

Đề tài của cô Quyên là 1 trong 10 đề tài được đánh giá xuất sắc trong chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục” cấp quốc gia năm 2017.


Chỉ một cú nhấp chuột, học sinh có thể tới thăm mọi ngóc ngách trong bảo tàng

Ứng dụng công nghệ 3D để tạo ra những bảo tàng ảo phục vụ giờ học lịch sử là sáng kiến đầy tâm huyết của cô giáo Nguyễn Thu Quyên, sinh năm 1983, Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi (TP Hải Dương). Đây là 1 trong 10 đề tài được đánh giá xuất sắc trong chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục” cấp quốc gia năm 2017.

Tạo hứng thú cho học sinh

Tuần nào cũng vậy, cứ đến giờ học lịch sử của cô giáo Nguyễn Thu Quyên, các em học sinh lại háo hức vì được thăm những bảo tàng 3D do chính tay cô thiết kế. Trong đó trưng bày nhiều bức tranh, ảnh theo chủ đề học tập. "Chỉ bằng những cú nhấp chuột, chúng em có thể tới thăm mọi ngóc ngách trong bảo tàng cũng như chiêm ngưỡng những bức tranh. Phương pháp này giúp chúng em trải nghiệm như đang được đi du lịch. Qua đó lĩnh hội kiến thức chứ không còn là cách học truyền thống với những con số khô khan", em Dương Trung Hải, học sinh lớp 12 sử nói.

Với các môn khoa học tự nhiên, học sinh có thể học bằng phương pháp trực quan tại phòng thí nghiệm. Còn lịch sử là những gì đã qua nên học sinh chỉ có thể cảm thụ nhờ bài giảng của giáo viên, không  thể nhìn thấy được. Hơn nữa, tâm lý lứa tuổi của các em "nghe thì mau quên, nhìn dễ nhớ, nghịch mới thấu hiểu". Cô giáo trẻ cho rằng muốn học sinh dễ nhớ các dữ kiện lịch sử thì phải biết cách để các em đam mê với bộ môn này.

"Đến bảo tàng thật để tìm hiểu về lịch sử thế giới và lịch sử dân tộc là một cách. Nhưng không phải lúc nào nhà trường cũng có đủ điều kiện để tổ chức cho các em tới tham quan, đặc biệt là các bảo tàng ở xa. Vì thế, tôi chọn cách xây dựng bảo tàng 3D để các em tham quan trên không gian ảo", cô Quyên nói.

Việc tạo ra một không gian bảo tàng ảo góp phần làm sống động các trang sử. Qua những bức ảnh, các em hiểu rõ hơn những giai đoạn lịch sử. Trên lớp, thay vì học một cách thụ động như trước kia, học sinh trở thành hướng dẫn viên du lịch, khám phá và tự thuyết trình, từ đó hiểu sâu hơn về bài học. Theo cô Quyên, nếu các giáo viên tích cực đổi mới, sáng tạo, có tâm huyết thì chắc chắn học sinh sẽ tìm thấy sự thích thú trong môn học. “Học sinh trường tôi đạt điểm môn lịch sử rất cao. Các em đăng ký thi tốt nghiệp môn lịch sử đông, kể cả những em học khối tự nhiên”, cô Quyên nói.

1 trong 10 công trình xuất sắc toàn quốc

Chia sẻ về môn lịch sử, cô giáo Nguyễn Thu Quyên không khỏi trăn trở vì đây là bộ môn rất quan trọng để học sinh hiểu về gốc gác, nguồn cội của mỗi con người, quốc gia, dân tộc, nhưng thực trạng chung nhiều năm qua, học sinh chưa quan tâm nhiều tới lịch sử. “Một chương trình trên kênh VTV1 từng đưa ra câu hỏi thử các em học sinh: Quang Trung với Nguyễn Huệ có mối quan hệ như thế nào? Nhiều em không nhận biết được hai nhân vật này là một. Điều này rất nguy hại cho tương lai của chính các em, thậm chí cho cả nền giáo dục", cô Quyên bày tỏ.

Phải làm sao để học trò có hứng thú với môn lịch sử là câu hỏi cô giáo trẻ luôn đau đáu trong lòng. Cô từng thử nhiều phương pháp trong cách dạy nhưng đều chưa thực sự ưng ý. Năm 2013, lần đầu cô được xem bảo tàng 3D do Bảo tàng Lịch sử Việt Nam xây dựng theo 2 chuyên khảo: “Giá trị di sản văn hóa Việt Nam” và “Đèn cổ Việt Nam”. Ấn tượng với không gian rộng lớn đầy hấp dẫn mà công nghệ mang lại, cô Quyên bắt đầu tìm hiểu cách làm này.

Công nghệ 3D đã được rất nhiều bảo tàng trên thế giới áp dụng như Louvre (Pháp), Vatican (Italy). Ban đầu, với sự giúp đỡ của người em trai, cô Quyên dần tìm tòi, học cách sử dụng phần mềm Photo 3D Album - một chương trình miễn phí, dung lượng thấp và dễ sử dụng. Đến nay, cô đã rất thành thạo trong việc thiết kế bảo tàng ảo.

"Để tạo một bảo tàng ảo 3D không khó, điều quan trọng là giáo viên phải chuẩn bị sẵn file ảnh theo chủ đề học tập. Tùy vào bài học mới hay bài tổng hợp kiến thức mà giáo viên lựa chọn, sắp xếp thứ tự, đặt tên cho bức ảnh. Tiếp đó, giáo viên phải linh hoạt sử dụng sao cho hiệu quả", cô Quyên chia sẻ kinh nghiệm. Với sự hướng dẫn của giáo viên, các em học sinh cũng có thể tự tạo ra những bảo tàng ảo của riêng mình. Sau khi nhấn chuột vào phần mềm, các thư mục lần lượt hiện ra như tạo album mới, tìm loại phòng tranh, chọn khung tranh để dán ảnh. Sau khi kết thúc, phần mềm sẽ tự động trình chiếu.

Sau khi nghiên cứu, thử nghiệm 2 năm, đến năm 2015, cô Quyên mới viết sáng kiến kinh nghiệm. Năm 2016, cô viết tiếp cách sử dụng trong từng bài học và đã được Hội đồng Sáng kiến cấp tỉnh công nhận. Ngày 9.11 vừa qua, sáng kiến vận dụng công nghệ 3D thiết kế và sử dụng bảo tàng ảo trong dạy học lịch sử của cô giáo Nguyễn Thu Quyên được trao giải sáng kiến xuất sắc trong chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục” cấp quốc gia năm 2017. Đây là niềm vui lớn với cô giáo trẻ sau những nỗ lực đổi mới phương pháp dạy học.

Chia sẻ về dự định sắp tới, cô Quyên cho hay sẽ làm một hệ thống bảo tàng theo hình xoáy trôn ốc đối với chương trình lịch sử thế giới và lịch sử dân tộc từ lớp 10 đến lớp 12. Ngoài bảo tàng ảo, cô còn lên ý định tạo ra những bộ phim lịch sử 3D để phụ trợ các em trong việc học sử. Cụ thể, cô sẽ sử dụng phần mềm để chuyển đổi phim 2D thành phim 3D. Tuy nhiên, để lớp học thành công, cô cần nhà trường hỗ trợ kính VR Box. Với chiếc kính này, học sinh có thể sống trong không gian lịch sử đó.

Cô giáo Nguyễn Thị Hồng Thanh, Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi cho biết đây là phương pháp rất phù hợp với chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo, lấy học sinh làm trung tâm để các em phát huy khả năng sáng tạo, chủ động trong học tập.


LÊ HƯƠNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cô giáo 8X đưa "bảo tàng 3D" vào giờ học lịch sử