Nữ sinh quê Quảng Ngãi nhận được học bổng từ 12 trường ĐH hàng đầu ở Mỹ và chọn nhập học Trường ĐH Stanfordvới học bổng toàn phần trên 1,5 tỉ đồng/năm.
Võ Tường An (bìa trái) chia sẻ kinh nghiệm học tập với các bạn trẻ tại TP.HCM - Ảnh: Ngọc Hiển |
Sau khi tốt nghiệp Trường THCS Nguyễn Tự Tân (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi), Võ Tường An sang Mỹ học tại Trường THPT John Bapst Memorial. Tốt nghiệp năm 2016, ngay năm đầu tiên nộp hồ sơ xin học bổng, An đã được 12 trường ĐH tại Mỹ cấp học bổng, trong đó có 4 trường danh tiếng bậc nhất nước Mỹ gồm Harvard, Stanford, Cornell, Yale... An chọn học ngành khoa học chính trị và khoa học thần kinh tại Trường ĐH Stanford với học bổng toàn phần trị giá 66.699 USD/năm suốt 4 năm học.
Ngoài thành tích học tập ấn tượng, An còn thể hiện sự năng động khi trở thành học giả trẻ toàn cầu của ĐH Yale (Yale Young Global Scholars), đồng sáng lập một tổ chức phi lợi nhuận về giáo dục ở Việt Nam, Ấn Độ, Hàn Quốc và Mỹ. An quyết định bảo lưu một năm (gap year) để về Việt Nam thực hiện các dự án cộng đồng ở Bến Tre, Đắk Lắk và đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi).
Trò chuyện với Tuổi Trẻ, lần đầu tiên An trải lòng về những bước đi dẫn đến thành công trên con đường học vấn của mình ở đất Mỹ.
Một năm trải nghiệm
* Tại sao bạn lại chọn bảo lưu một năm mà không vào ĐH luôn?
- Lúc đầu, tôi có đọc một bài báo về một bác sĩ làm việc tại Nam Sudan, tôi thấy người này tuyệt vời quá, bởi ông có thể bỏ tất cả mọi thứ để đi đến vùng chiến sự để giúp người dân nơi đây, dù chỉ được trả lương 500 USD/tháng.
Tôi đã viết thư cho vị bác sĩ này bày tỏ bản thân tôi rất hào hứng với cuộc sống, vùng văn hóa đó và muốn có một năm sau khi tốt nghiệp THPT để đến đây.
Nhưng sau khi hồi âm thì bác sĩ khuyên tôi không nên đến bởi ở đó rất nguy hiểm. Tuy nhiên, vùng đất đó với tôi vẫn thực sự hứng thú.
Sau đó tôi nói chuyện với cha tôi là mình muốn có một năm bảo lưu là một năm tôi trải nghiệm, biết được cuộc sống bên ngoài mà tôi đang tìm hiểu thực sự là như thế nào trước khi bước vào ĐH, nên tôi trở về Việt Nam.
* Bạn có thấy quyết định của bạn có mạo hiểm?
- Tôi không thấy mạo hiểm. Các trường ĐH bây giờ cũng khuyến khích học sinh, sinh viên, đặc biệt là vừa tốt nghiệp THPT, chọn một năm bảo lưu trước khi vào ĐH.
Bởi vì, người ta cảm thấy cuộc sống bên ngoài thực sự giúp sinh viên có nhiều trải nghiệm hơn, nhờ đó họ sẽ sẵn sàng với trải nghiệm khi vào ĐH nhiều hơn là bước thẳng từ THPT vào ĐH.
Ngoài ra, tổ chức phi lợi nhuận mà tôi xây dựng 2 năm trước có các hoạt động chính ở Việt Nam và Ấn Độ, dù vẫn có những cộng sự ở Việt Nam để tổ chức hoạt động nhưng tôi nhận ra là do khoảng cách nên tôi không có mối quan hệ tốt với tất cả mọi người.
Tháng 9 năm nay tôi sẽ trở lại Mỹ và bắt đầu việc học ĐH của mình.
Bước qua thử thách
* Năm 14 tuổi, bạn một mình sang tiểu bang Maine (Mỹ) để nhập học. Bạn đã trải qua thời gian đó như thế nào?
- Tôi khóc suốt. Gọi điện về khóc, ngủ dậy khóc, chiều khóc mà đến tối cũng khóc. Khi đó tôi ở homestay, mùa đông ở Maine rất lạnh và không có mặt trời. Môi trường, văn hóa mới và thời tiết lạ, có quá nhiều thứ thay đổi khiến tôi cảm thấy lạc lõng.
* Nhưng bạn nhanh chóng học cách thích nghi và để bây giờ nhận được “mưa” học bổng, hẳn là bạn đã tìm ra một cách học rất hiệu quả?
- Trong lớp, tôi thuộc loại nói nhiều bởi không hiểu điều gì tôi sẽ nói ra liền và sau đó tôi tiếp nhận được quan điểm mới và sẽ nhớ rất kỹ. Tôi hoàn toàn không theo những khuôn khổ mà người khác đặt ra như không ghi lại bài.
Tôi làm bất kỳ điều gì mà mình cảm thấy phù hợp miễn là tôi có thể tiếp thu tốt kiến thức. Tôi ít khi ghi lại bài giảng bởi việc tập trung nghe sẽ khiến cho quá trình tiếp thu thông tin của tôi hiệu quả hơn, từ những thông tin này đưa tôi đến những thông tin khác và tôi nhớ lâu hơn. Với tôi đó là cách học hữu hiệu.
* Bạn đã nỗ lực học tập như thế nào?
- Tôi thấy nhiều học sinh, kể cả ở Việt Nam và Mỹ có quan niệm sai lầm là bản thân không có khả năng học môn toán, môn sinh hay môn văn thì sẽ bỏ qua những môn đó để tập trung cho những môn còn lại.
Tôi nghĩ không nên đổ lỗi rằng không có năng khiếu, vì nếu không đi chuyên sâu môn đó thì chúng ta không cần đến năng khiếu đặc biệt mới học tốt. Nếu không có năng khiếu thì mình phải đầu tư nhiều thời gian và xung quanh mình luôn có những người giỏi để hỏi.
Như tôi không ngại việc đi hỏi người khác. Sau giờ học, tôi thường đi gặp các thầy cô để hỏi thêm về những chủ đề chuyên sâu hơn thay vì những kiến thức chung trên lớp, điều đó giúp tôi hứng thú hơn với việc học.
Sự thay đổi lớn nhất
* Bạn đã thể hiện hồ sơ xin học bổng như thế nào để các trường ĐH chọn bạn?
- Trong cả một bộ hồ sơ, thực sự rất khó để học sinh có thể biết được yếu tố nào của mình là yếu tố quyết định, chưa kể đến những yếu tố cạnh tranh nhất định trong những thí sinh. Tất nhiên kết quả học tập là rất quan trọng và là một trong những yếu tố chủ yếu.
Trong các thí sinh cùng nộp cũng sẽ có nhiều thí sinh có kết quả tốt như mình, tôi nghĩ mọi người cứ thoải mái thể hiện bản thân trong bộ hồ sơ, ban tuyển sinh cũng chỉ cố gắng tìm kiếm những cá nhân phù hợp và có khả năng thành công trong môi trường học của trường.
* Không những đạt các kết quả cao trong học tập, bạn còn trở thành học sinh quốc tế đầu tiên tranh cử và trở thành chủ tịch của một câu lạc bộ trong trường THPT?
- Năm lớp 11, tôi tranh cử vị trí chủ tịch câu lạc bộ Key Club (gây quỹ vì cộng đồng) dù truyền thống chỉ những học sinh 12 mới đi tranh cử.
Có một thực tế là học sinh quốc tế thường đi tìm những học sinh bản địa để hỏi tất cả mọi thứ về trường học của mình cứ như mình là một vị khách.
Nhưng có điều lạ là học sinh bản địa lại nhiều khi tìm tới tôi để hỏi cái này, cái khác. Cái quan trọng là khi tham gia những hoạt động này, chúng tôi đã phá những rào cản, thay đổi định kiến về học sinh quốc tế, tạo ra sự cởi mở hơn với những học sinh từ nơi khác mới tới trường.
* Có thể nói bạn là người khác biệt trong lớp?
- Cũng có thể nói là kỳ cục! Tôi đã đề nghị trường cho học sinh quốc tế đứng lên giới thiệu về đất nước mình đến. Và lần đầu tiên điều đó diễn ra, tôi đã mang một bộ áo dài để giới thiệu về Việt Nam.
Ai cũng nhìn chiếc áo dài, tôi nghĩ người ta sẽ không đủ hứng thú để đi tìm hiểu về chiếc áo dài. Và có thể người ta cũng không nhớ hết về Việt Nam, nhưng hình ảnh như thế sẽ tạo cho họ một ấn tượng về trang phục, về văn hóa đang tồn tại ở một nơi nào đó.
Khi có cơ hội, người ta sẽ tìm hiểu hoặc ít ra khi đi qua một vùng đất nào đó họ sẽ gợi nhớ đến tà áo dài Việt.
* Điều gì đã tạo nên một cô bé 18 tuổi Võ Tường An cá tính như bây giờ?
- Tôi không đi trên con đường người khác vạch sẵn. Điều đó bắt buộc tôi phải đưa ra những quyết định và phải tự chịu trách nhiệm.
Vì vậy, đầu tiên, tôi học cách cẩn trọng với những quyết định của bản thân chứ không phải cứ làm rồi từ từ tính hay để người khác sẽ chịu cho mình.
Tiếp đến, tôi thử được nhiều cái mà người khác từng nói tôi không thể làm được. Tôi có thể quan sát cả quá trình với những quyết định của mình, dù nó đi đến kết quả nào thì tôi vẫn hiểu mình hơn sau những lựa chọn. Cái đó, tôi nghĩ là sự thay đổi lớn nhất.
Nhiều khi thì tôi nghĩ, nếu mình cứ đi theo một hướng đi mà ai đó đã đặt ra thì không biết bây giờ mình đang ở đâu?
* Còn quá sớm để đặt câu hỏi sau khi ra trường bạn sẽ về hay ở lại, nhưng bạn đã có dự định nào cho mình chưa?
- Tôi cũng băn khoăn là sau này mình về Việt Nam hay ở lại Mỹ hay là đi đến một chân trời khác? Nhưng rồi tôi thấy mình ở đâu không quan trọng, ở đâu mà mình có thể tạo được những giá trị, những sự ảnh hưởng mà mình muốn tạo ra theo cách của mình đều tốt cả.
Học để hiểu
* Bạn là người ham đọc sách? - Vâng. Tôi đọc khá nhiều sách về chính trị, lịch sử và triết học. Sách với tôi là một kho kiến thức vô tận. Đọc sách tôi có thể “sống” với những cuộc sống mà tôi không có cơ hội được nhìn thấy hằng ngày. Sách cũng giới thiệu cho tôi những khái niệm và tư duy mới. * Không nhiều bạn trẻ yêu thích môn lịch sử, còn bạn thì ngược lại? - Có quá nhiều điều trong lịch sử rất hay và việc học lịch sử với tôi không phải là để sau này tìm một nghề phù hợp. Tôi học để tìm hiểu về bản thân mình và xã hội mình đang sống. Để hiểu về lịch sử con người nói chung và của dân tộc mình, để hiểu và cảm nhận được sự tồn tại của bản thân bây giờ đã đi qua những thời kỳ như thế nào của lịch sử loài người hoặc là cách cư xử của con người như thế nào với những người khác biệt màu da, ý kiến xã hội, ngôn ngữ, châu lục... |
NGỌC HIỂN (Tuổi trẻ)