Hỏi: Tôi sắp mua nhà gần 5 tỷ đồng và được khuyên ghi hơn 2 tỷ trong hợp đồng để giảm các chi phí sang tên sổ đỏ. Việc ghi thấp hơn giá trị thực tế, có được không?
TRẦN VĂN CH. (TP Chí Linh)
Trả lời: Căn cứ điều 17 Thông tư 92/2015/TT-BTC, giá chuyển nhượng bất động sản làm căn cứ tính thuế thu nhập cá nhân là giá ghi trên hợp đồng chuyển nhượng tại thời điểm chuyển nhượng.
Nếu giá trên hợp đồng chuyển nhượng bất động sản thấp hơn bảng giá do UBND cấp tỉnh quy định thì sẽ áp dụng theo bảng giá của UBND cấp tỉnh.
Việc ghi giá chuyển nhượng nhà đất trên hợp đồng thấp hơn giá thực tế là vi phạm pháp luật. Tùy vào mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính về hành vi trốn thuế hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Trốn thuế. Cụ thể như sau:
- Căn cứ điều 17 Nghị định 125/2020/NĐ-CP, hành vi trốn thuế sẽ bị phạt từ một lần đến ba lần số thuế trốn.
- Trường hợp số thuế trốn từ 100 triệu đồng trở lên, người vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội trốn thuế, theo Điều 200 Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017). Hình phạt thấp nhất với tội này là bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm.
Việc ghi giá trong hợp đồng chuyển nhượng nhà đất thấp hơn giá thực tế dễ dẫn đến rủi ro, thiệt hại tài sản cho bên mua nếu không may hợp đồng chuyển nhượng nhà đất bị tòa án xác định là vô hiệu (khi các bên hoặc bên thứ ba cho rằng hợp đồng chuyển nhượng nhà đất được xác lập là vi phạm pháp luật, gian dối, nhầm lẫn...).
Theo khoản 2 Điều 131 Bộ luật Dân sự năm 2015, khi giao dịch dân sự vô hiệu, các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.
Ví dụ, bên mua phải chi trả 3 tỷ đồng để mua nhà đất của bên bán nhưng trong hợp đồng chuyển nhượng chỉ ghi giá là 1 tỷ đồng. Nếu hợp đồng chuyển nhượng này bị xác định là vô hiệu, hai bên phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận thì rất dễ xảy ra trường hợp bên bán "kém tử tế" chỉ trả lại một tỷ đồng theo nội dung tại hợp đồng chuyển nhượng. Lúc này, bên mua chịu thiệt hại là 2 tỷ đồng.