Cờ của ta phải bằng cờ các nước

07/08/2011 07:00

Các chú phải hiểu là cách mạng đã thành công, nước ta đã giành được độc lập và đã ngang hàng với các nước, vì vậy cờ của ta phải bằng cờ các nước khác. Có thế mới tỏ rõ chí tự cường, tự trọng của mình.

Vào khoảng ngày 23 đến 24-8-1945, anh An Quân được lệnh đón đoàn cán bộ cấp trên về địa phương. Thôn anh Quân ở bên bờ sông Hồng. Cờ đỏ sao vàng bay trên thôn xóm hai bên sông. Dưới sông, thuyền xuôi ngược, cờ bay trên đỉnh cột buồm, tạo nên không khí quật khởi đẹp lạ thường.

Chiếc thuyền đưa đoàn cán bộ tới. Anh Quân nhận ra trong đó có Cụ Hồ. Trông Cụ gầy yếu xanh xao, tay cầm chiếc gậy song nhỏ, vai đeo túi dết màu chàm. Sau vài phút chào hỏi chúng tôi mời Cụ và đoàn cán bộ về trụ sở tự vệ thôn. Tới cổng thôn, ông Cụ dừng lại xem các khẩu hiệu cách mạng kẻ trên tường. Chợt nhìn thấy hàng dãy cờ căng trước cổng thôn, Cụ bỗng hỏi:

-  Sao các chú làm cờ của ta nhỏ hơn cờ của các nước đồng minh?

Một đồng chí thưa:

-  Dạ, giấy đỏ và vàng nhân dân mua làm cờ nhiều quá nên thiếu ạ! Vì muốn cho đủ nên chúng cháu phải cắt nhỏ đi một chút ạ.

-  Không nên.

Cụ khẽ lắc đầu và bảo:

-  Các chú phải hiểu là cách mạng đã thành công, nước ta đã giành được độc lập và đã ngang hàng với các nước, vì vậy cờ của ta phải bằng cờ các nước khác. Có thế mới tỏ rõ chí tự cường, tự trọng của mình.

Sau đó, một đồng chí đã trèo lên lấy cờ xuống để sửa lại...

Bác phục vụ dân chứ không phải dân phục vụ Bác

Suốt cuộc đời mình, dù đã đi bốn phương trời, qua nhiều nước, tiếp nhận và gạn lọc tinh hoa nghệ thuật của nhiều dân tộc, nhưng Bác vẫn trân trọng nghệ thuật cổ truyền Việt Nam, trong đó có câu hát phường vải và hò ví dặm của quê hương Nghệ An.

Các đoàn, các đội văn nghệ ở Trung ương và các địa phương vẫn thường được Bác mời vào Phủ Chủ tịch biểu diễn, tiếng là để Bác xem và cho ý kiến, nhưng - như anh em trong cơ quan thường nói “chủ yếu là Bác cho chúng tôi xem thôi!”.

Lần về thăm Nghệ An, sau khi đội văn nghệ tỉnh nhà biểu diễn, Bác bước lên sân khấu, giơ cao một chiếc lẵng mây, nói:

-  Các cháu diễn tốt, Bác thưởng kẹo. Kẹo trong lẵng này.
Khi đoàn trình diễn vở “Cô gái sông Lam”, trước giờ mở màn, Bác vào phòng hóa trang. Với anh Nghĩa quê Nghi Lộc, Bác nhại tiếng: “Nghi Lộc hả, con “méo” phải không?”. Anh Ngạn trưởng đoàn trả lời Bác quê mình là Thừa Thiên, Bác nói: “Rứa là không phải Nghệ An nhà choa rồi”...

Lần khác, Bác lại mời đoàn ca múa Nghệ An vào Phủ Chủ tịch biểu diễn. Nhưng sau đó biết tin đoàn đang tiếp tục chương trình phục vụ đồng bào Hà Nội tại Văn Miếu, Bác bảo cho đồng chí giúp việc điện sang Bộ Văn hóa hoãn lại. Bác nói:
-  Để đồng bào thưởng thức trước, Bác xem sau. Bác phục vụ dân chứ không phải dân phục vụ Bác.

Dịch cho dân xem, dân đọc, nếu chưa hiểu phải dịch lại

Năm 1951, theo yêu cầu công việc, một cán bộ cơ quan Trung ương được cử đến đánh máy cho Bác. Lúc đó, Người đang dịch cuốn “Tỉnh ủy bí mật” của nhà văn Liên Xô Phê-rô-đốp từ tiếng Pháp ra tiếng Việt.

Thấy Bác vất vả suy nghĩ tới từng từ, từng chữ, từng dấu chấm, dấu phẩy, đồng chí đánh máy tỏ vẻ sốt ruột. Nhận biết được sự sốt ruột ấy, Bác nói: Chúng ta đang dịch sách để cho cán bộ và nhân dân đọc, nên đồng chí chưa hiểu thì đa số cán bộ và nhân dân cũng chưa hiểu. Dịch cho dân xem, dân đọc, nếu chưa hiểu thì phải dịch lại cho mọi người hiểu chứ.

Điều Bác Hồ mong nhất

Trong kháng chiến chống Pháp, một nhóm người Pháp tiến bộ, cùng với một số hàng binh đã đứng về phía Việt Nam, chiến đấu dưới lá cờ giải phóng dân tộc của Hồ Chí Minh. Họ thành lập một tờ báo lấy tên là “Bạn chiến đấu” bằng tiếng Pháp, xuất bản tại chiến khu Việt Bắc, phát hành bí mật trong quân đội Pháp.

Phóng viên báo “Bạn chiến đấu” đã có cuộc phỏng vấn Hồ Chủ tịch. Báo Cứu Quốc số 938, ngày 25-5-1948 - Chi nhánh số 6 in tại Liên khu X, đã đăng lại bài trả lời của Bác.

- Hỏi: Thưa Chủ tịch, Chủ tịch ghét gì nhất?

- Trả lời: Điều ác.

- Hỏi: Thưa Chủ tịch, Chủ tịch yêu gì nhất?

- Trả lời: Điều thiện.

- Hỏi: Chủ tịch cầu mong gì nhất?

- Trả lời: Nền độc lập của nước tôi và của tất cả các nước trên toàn cầu.

- Hỏi: Thưa Chủ tịch, Chủ tịch sợ cái gì nhất?

- Trả lời: Chẳng sợ cái gì cả. Một người yêu nước không sợ gì hết và nhất thiết không được sợ gì.

(0) Bình luận
Cờ của ta phải bằng cờ các nước