“Cổ cồn trắng” xuống ruộng

30/01/2017 10:00

Nghề nghiệp ổn định nhưng không ít công chức vẫn “bén duyên” với nghề nông. Họ đã mang đến hơi thở mới cho đồng ruộng.



Nhiều cán bộ, công chức đã hồi sinh những cánh đồng hoang, mang lại hơi thở mới cho đồng ruộng


Tìm cơ hội trong khó khăn

Sản xuất nông nghiệp bấp bênh đã khiến người dân thôn Trúc Lâm, xã Hoàng Diệu (Gia Lộc) không còn trông mong vào đồng ruộng. Cánh đồng thôn Kẹm bờ xôi ruộng mật ngày nào bị lãng quên, cỏ

Trước quyết định làm giàu trên đồng ruộng của tôi, ai cũng cho là sai lầm, thậm chí là điên rồ bởi người ta rũ ruộng ra không được còn tôi thì lại muốn ôm vào

lau, cỏ lác mọc cao quá đầu người. Nhưng từ tháng 9-2015, khu đồng này đã được hồi sinh bởi bàn tay của một chuyên viên... tin học. Mặc dù có hơn 15 năm gắn bó với thiết bị điện tử nhưng anh Ngô Văn Đoàn ở TP Hải Dương lại muốn đầu tư vào nông nghiệp. Anh chia sẻ: “Trước quyết định làm giàu trên đồng ruộng của tôi, ai cũng cho là sai lầm, thậm chí là điên rồ, bởi người ta rũ ruộng ra không được còn tôi thì lại muốn ôm vào. Nhưng tôi lại nghĩ sản xuất nông nghiệp khó khăn, rủi ro nhiều nhưng không phải là không có cơ hội”.

Quyết tâm là thế, nhưng quá trình thực hiện không suôn sẻ khiến anh Đoàn nhiều lần nản chí. Khó khăn này chưa hết thì những bất lợi khác lại ập đến. Ruộng bị bỏ hoang từ lâu nên việc cải tạo không dễ. Đất đai bạc màu, mương máng bị bồi lấp. Nhưng cứ nghĩ tới tiềm năng đất đai bị lãng phí, anh lại không đành lòng. Sau khi thuê 4 ha ở cánh đồng Kẹm, anh đầu tư hơn 200 triệu đồng đắp lại bờ lô, bờ vùng, khơi thông dòng chảy, bảo đảm đủ nước cho canh tác. Vụ đầu, anh cấy toàn bộ lúa Nhật để cải thiện độ màu mỡ cho đất. Sau đó, anh chuyển sang trồng cải bắp, su hào, su lơ. Hiện tại, khu đồng bỏ hoang ngày nào đang tạo việc làm ổn định cho 20 lao động địa phương với mức thu nhập 3,6 triệu đồng/người/tháng. Mỗi lứa rau, anh thu lãi cả trăm triệu đồng. Được bao nhiêu lãi anh lại đầu tư mở rộng sản xuất.

Vốn là kỹ sư nông nghiệp nên anh Ngô Quang Chinh, cán bộ Phòng Kinh tế (UBND TP Hải Dương) từ lâu đã ấp ủ dự định tạo ra cách làm mới, nhất là khi anh thấy ruộng đất bỏ hoang ngày một nhiều và người tiêu dùng ngày càng bất an về chất lượng nông sản. Bên cạnh làm tốt công việc chuyên môn ở cơ quan, bao nhiêu tâm huyết anh dồn hết vào khu đồng Kỹ Thuật ở phường Việt Hòa (TP Hải Dương) mà anh thuê từ năm 2014. “Khu đất trũng ngày nào giờ đây đã trở thành địa điểm cung cấp rau sạch tin cậy. Ngay từ đầu khi bắt tay thực hiện, tôi đã xác định nhóm đối tượng khách hàng hướng tới là những người có mức sống cao, quan tâm tới thực phẩm sạch. Do vậy, từ khâu chọn giống, làm đất đến chăm sóc, thu hoạch, tôi đều làm theo hướng dẫn kỹ thuật của Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học Hải Dương”, anh Chinh cho biết.

Nhờ thay đổi cách thức sản xuất mà sản phẩm của anh Chinh được khách hàng tin tưởng lựa chọn. Đến nay, anh đã có 2 cửa hàng thực phẩm sạch tại TP Hải Dương và 1 gian hàng tại Hà Nội để phân phối sản phẩm.

Hai con người với hai công việc và hai cách nghĩ khác nhau nhưng đều có chung một mục tiêu là muốn tìm cơ hội trong khó khăn chung của ngành nông nghiệp và họ đã đạt được những thành công bước đầu.

Yếu tố quyết định thành công

Theo anh Đoàn, riêng với nông nghiệp, dù có nhiều ý tưởng, dự định nhưng không thể viển vông bởi đặc thù của ngành này phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Chính anh cũng đã phải trả giá khi lứa cải bắp đầu của anh thất bại do giống kém chất lượng. Sau thất bại, anh Đoàn có ý định trồng hoa vì hoa cho thu nhập cao, nhưng sau khi xem xét thực tế, anh nhận thấy hướng này không khả thi. Để hạn chế rủi ro, anh quyết định trồng các nông sản chủ lực của địa phương. Đầu ra của nông sản cũng là bài toán khó. Qua tìm hiểu thực tế, anh Đoàn nhận thấy mặc dù nguồn cung lớn nhưng do sản xuất manh mún, nhỏ lẻ nên mẫu mã, chất lượng sản phẩm không đồng đều, khó đáp ứng được yêu cầu của thị trường hiện tại. Do đó, thay vì trồng mỗi loại một ít theo tư duy ăn chắc của nông dân thì anh Đoàn hướng tới sản xuất hàng hóa tập trung, tạo ra sản phẩm đồng bộ. Nông sản thường xuyên bị ép giá không hẳn là do cung vượt cầu mà còn do cung chưa gặp cầu. Người dân làm ra sản phẩm nhưng thương lái lại quyết định giá trị sản phẩm. Hơn nữa, sản phẩm tới tay người tiêu dùng phải qua nhiều khâu trung gian nên cả người trồng, người mua đều bị thiệt. Để nông sản không phải qua nhiều khâu trung gian, anh Đoàn chủ động tìm thị trường tiêu thụ và trực tiếp phân phối sản phẩm.

Gắn bó với nghề nông nhiều năm và hiện tại làm việc cho cơ sở sản xuất rau sạch của anh Chinh, bà Nguyễn Thị Mai ở phường Việt Hòa (TP Hải Dương) nhận ra nhiều điểm khác biệt: “Trước kia, tôi chỉ quan tâm tới sâu bệnh ảnh hưởng tới rau màu mà không để ý tới thuốc bảo vệ thực vật có tác hại như thế nào với người sử dụng, còn anh Chinh lại coi trọng cả hai vấn đề trên”.

Những mô hình sản xuất nông nghiệp của một số cán bộ, công chức là tín hiệu vui đối với ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, để những ý tưởng, những tư duy mới trong nông nghiệp không bị “chết yểu”, các cấp, các ngành cần quan tâm và hỗ trợ kịp thời để tháo gỡ nút thắt lớn nhất hiện nay đối với sản xuất nông nghiệp là tích tụ ruộng đất và vốn đầu tư ban đầu.

TRANG LÂM - NGUYỄN MƠ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    “Cổ cồn trắng” xuống ruộng