Cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng

22/05/2019 15:02

Thảo luận ở tổ, các đại biểu Quốc hội đã đề xuất nhiều giải pháp giúp Chính phủ điều hành nền kinh tế đi đúng hướng hơn.


Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội thảo luận tại tổ. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Sáng 22.5, thảo luận ở tổ về Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2019 và quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017, các đại biểu Quốc hội đã đề xuất nhiều giải pháp giúp Chính phủ điều hành nền kinh tế đi đúng hướng hơn.

Tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính

Các đại biểu đánh giá, năm 2018 là năm đạt được nhiều kết quả tích cực, kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục có chuyển biến. Các lĩnh vực xã hội khác đạt một số kết quả nhất định. Quốc phòng, an ninh được giữ vững. Các đại biểu chỉ rõ, kết quả này là nhờ sự chỉ đạo và việc thực hiện linh hoạt, quyết liệt các biện pháp điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương; sự giám sát thường xuyên của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp.

Phát biểu tại phiên thảo luận tổ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (đoàn Cần Thơ) đánh giá, điểm sáng trong Báo cáo kinh tế - xã hội của Chính phủ là nợ công Việt Nam tới cuối năm 2018 giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 4 năm qua (cuối năm 2018, nợ công là 58,4%; nợ Chính phủ 50%). Lý giải về kết quả này, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, đó là do tăng trưởng kinh tế đạt 7,08%, mức cao nhất trong 11 năm gần đây, chính sách tài khóa tốt, nguồn thu tăng nên áp lực phải huy động thêm để chi ngân sách giảm.

Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ: Tiếp tục đà tăng trưởng của năm 2018, những tháng đầu năm 2019, tăng trưởng kinh tế khá cao (quý I/2019 đạt 6,79%) nhưng thấp hơn mức cùng kỳ năm 2018. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, cung cầu hàng hóa được đảm bảo. Kết quả đạt được những tháng đầu năm 2019 là khá toàn diện, không chỉ thành tựu về kinh tế mà cả các lĩnh vực văn hóa xã hội cũng đạt những kết quả quan trọng, quốc phòng an ninh được giữ vững…

Về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, Chính phủ cần chú ý tác động từ bên ngoài. Kinh tế Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng nên khi kinh tế thế giới biến động, chắc chắn sẽ tác động cả tích cực và tiêu cực tới Việt Nam, trong đó cần xem xét kỹ tác động tiêu cực. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp năm nay bị ảnh hưởng lớn do thiên tai, dịch bệnh; giá nông sản thấp hơn năm trước sẽ tác động đến kim ngạch xuất khẩu của ngành, tỷ trọng của ngành trong GDP đồng thời tác động đến 70% người dân ở khu vực nông thôn và làm nông nghiệp.

Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ lo lắng về giải ngân vốn đầu tư công còn chậm; đầu tư theo hình thức Đối tác công tư (PPP), BOT, BT ngành giao thông gặp rất nhiều khó khăn…

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, trong thời gian tới, việc ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát là ưu tiên hàng đầu. Chính phủ cần thực hiện các giải pháp đồng bộ cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng trong dài hạn, đẩy mạnh dự án trọng điểm quốc gia. Ngoài ra, Chính phủ tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục hành chính, kiên quyết loại bỏ “giấy phép con”, thu hút có chọn lọc đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài. Chủ tịch Quốc hội cho rằng có nhiều vướng mắc hiện nay là do tổ chức thực thi không tốt, chứ “không đổ thừa cho Luật được”.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) cũng ghi nhận tốc độ tăng trưởng năm 2018 đã đạt 7,08%, cao nhất từ năm 2008 đến nay. Chất lượng tăng trưởng đã tốt hơn, điển hình như đóng góp của khai khoáng vào GDP đã giảm dần, trong khi công nghiệp chế biến, chế tạo đóng góp ngày càng tích cực hơn. Năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) hiện nay đã chiếm 45,2%, kéo theo Hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (ICOR) cũng tăng.

Tuy nhiên, đại biểu Trần Hoàng Ngân bày tỏ sự lo lắng khi bối cảnh tình hình chính trị, kinh tế giới hiện nay diễn biến rất phức tạp. Khi thương mại thế giới suy giảm thì kinh tế Việt Nam sẽ bị tác động. Chính phủ cần xây dựng các kịch bản ứng phó biến động thế giới”, đại biểu Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh.

Đại biểu Nguyễn Dương Thái, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương bày tỏ sự quan tâm sâu sắc đến tình hình dịch tả lợn châu Phi. Theo đại biểu, đây là một trong những khó khăn, gây ảnh hưởng lớn nhất đến đời sống người dân Hải Dương hiện nay. "Từ ngày 1.3 đến nay, Hải Dương đã phải tiêu hủy 250.000 con lợn. Theo quy định của nhà nước, việc hỗ trợ cho người dân chăn nuôi theo mức 80% giá bán. Hải Dương hiện đã chi đến 600-700 tỷ đồng, ngân sách dự phòng của địa phương không thể bảo đảm việc hỗ trợ cho người dân. Không chỉ thiệt hại về mặt kinh tế, dịch tả lợn châu Phi còn gây ảnh hưởng lớn môi trường. Do đó, trung ương cần phải có hướng giải quyết, xử lý môi trường; bổ sung kinh phí hỗ trợ cho người chăn nuôi"- đại biểu Thái nói.

Đại biểu Nguyễn Dương Thái cũng đồng tình với việc cần phải tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.Tạo điều kiện không chỉ cho người khởi nghiệp mới, mà còn là các hộ đăng ký kinh doanh, vận động tạo điều kiện cho họ nâng cao quy mô kinh doanh.Hải Dương cũng làm nhưng chưa thấy đáng kể lắm.Cần sự phối hợp giữa các ngành, đặc biệt là ngành thuế.

Đại biểu Phạm Xuân Thăng (Hải Dương) dành nhiều sự quan tâm đến việc sắp xếp tinh giản bộ máy. Đại biểu Thăng nêu vấn đề: Việc rà soát, sắp xếp, điều chỉnh địa giới hành chính đang được thực hiện gắn với tinh giản biên chế của từng đơn vị hành chính. Điều này tác động đến tâm lý, tình cảm của những đối tượng chịu ảnh hưởng. Vẫn còn đó những bất cập khi các chủ trương về sắp xếp bộ máy, điều chỉnh địa giới hành chính đi khá nhanh, nhưng thể chế thì lại đi chậm, dẫn đến việc địa phương rất lúng túng trong tổ chức thực hiện. Do đó, yêu cầu đặt ra là tiến độ xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật cũng phải nhanh lên. “Việc quy định diện tích mỗi xã là 30 km2 trở lên thì sau khi sáp nhập, các huyện ở Hải Dương chỉ còn 3-4 xã. Quy định huyện có diện tích 300-400 km2 trở lên thì Hải Dương còn 4 huyện. Nhưng theo quy định thì địa giới hành chính mỗi huyện thì có đến 11 xã. Như vậy để đáp ứng theo Nghị quyết 1211/2016/ UBTVQH13 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính thì tác động rất lớn đến cơ sở, tâm tư tình cảm của đảng viên, cả việc sử dụng cơ sở vật chất ở các xã đã đạt xây dựng nông thôn mới. Do đó cần phải xem xét lại một số tiêu chí trong Nghị quyết 1211”, đại biểu Thăng nói.

Một số đại biểu đề nghị, Chính phủ tập trung thực hiện các giải pháp, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm quốc gia; ưu tiên vốn ngân sách nhà nước cho chương trình giảm nghèo và thực hiện chính sách hỗ trợ đối với đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa và hải đảo. Bên cạnh đó, Chính phủ tăng cường sự chủ động và phối hợp của các bộ, ngành và địa phương trong xử lý nợ xấu; xử lý tình trạng “tín dụng đen”, sớm hoàn thiện chế tài xử phạt, chú trọng các giải pháp phát triển nền tài chính toàn diện, tập trung vào tài chính vi mô, tài chính tiêu dùng, đơn giản hóa thủ tục vay vốn.

Đề nghị kiểm toán việc điều hành giá điện

Việc tăng giá bán lẻ điện thêm 8,36% là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm tại phiên thảo luận tổ sáng 22.5.

Hôm qua (21.5), Chính phủ đã có báo cáo gửi Quốc hội giải trình cụ thể về quyết định tăng giá điện, thời điểm tăng cũng như kết quả kiểm tra của Bộ Công Thương về tăng giá. Chia sẻ với Báo cáo của Chính phủ, nhưng đại biểu Trần Hoàng Ngân (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng cách chia biểu giá điện thành 6 bậc thang hiện nay là chưa hợp lý.

Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, hiện Nhật Bản có biểu giá điện chia làm 3 bậc thang, Hàn Quốc 3 bậc, Malaysia 5 bậc, Indonesia 5 bậc nhưng Việt Nam lại chia thành 6 bậc. Đặc biệt, với Việt Nam, bậc thang thứ 1 từ 1-50 kWh quá thấp, bậc 2 cũng chỉ từ 51-100 kWh để hưởng mức giá 1.678 đồng/kWh.

"Tôi nghĩ nên hợp nhất 2 bậc một, ví dụ bậc 1 từ 0-100kWh, rồi bậc 2 từ 101-300 kWh (tức là ghép bậc 3-4 lại) vì nhu cầu sử dụng điện của người dân hiện nay tăng lên do thu nhập tăng lên, các điều kiện sinh hoạt để phục vụ đời sống cũng tăng theo. Do đó, định mức thang bậc phải thay đổi. Có như vậy, việc tăng giá điện mới không ảnh hưởng đến đời sống của người dân", đại biểu Trần Hoàng Ngân nêu quan điểm.

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) nhấn mạnh, cử tri rất quan tâm vấn đề điều chỉnh giá điện, xăng dầu, dù Bộ đã có giải trình về cơ chế tính nhưng cần làm rõ hơn để người dân yên tâm. Đại biểu đề nghị Kiểm toán Nhà nước vào cuộc kiểm toán lại giá điện và giá xăng dầu xem có đúng như đề xuất của các cơ quan hay không. “Nếu kiểm toán thì dù tăng hay giảm, người dân cũng thấy minh bạch. Người dân nói tăng giá dù có ảnh hưởng thu nhập, cuộc sống, nhưng quan trọng nhất là lòng tin và sự minh bạch trong điều hành giá cả. Kiểm toán nên vào cuộc cho cử tri yên tâm”, đại biểu nhấn mạnh.

Trong khi đó, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) nhận định, việc tăng, giảm giá điện là bình thường, nhưng làm sao tránh bức xúc dư luận. Đại biểu cho rằng, các cơ quan cần tuyên truyền tốt hơn, đưa thông tin chính sách hợp lý, có lộ trình thực hiện để nhân dân hiểu và đồng thuận.

Theo TTXVN - CTV

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng