Tôi không tham gia ẩu đả, cũng không có mặt tại hiện trường nhưng xô xát lại xuất phát từ tôi. Tôi sẽ phải chịu trách nhiệm gì?
Hỏi: Sau tiệc rượu, tôi xin về trước thì bị một số người mới quen trên bàn nhậu ngăn cản, văng tục. Thấy tôi bị xúc phạm, một người bạn đã gọi đám đông đến đánh hội đồng khiến ba người bị thương nặng. Tôi không tham gia ẩu đả, cũng không có mặt tại hiện trường nhưng xô xát lại xuất phát từ tôi. Tôi sẽ phải chịu trách nhiệm gì?
THANH HÒA (TP Hải Dương)
Trả lời: Theo điều 17 Bộ luật Hình sự 2015, đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm.
Người đồng phạm bao gồm người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức. Theo đó, người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm; người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm; người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm; người giúp sức là người tạo điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm.
Đối chiếu quy định nói trên, nếu không nhờ, xúi giục, kích động... cũng không trực tiếp tham gia ẩu đả thì bạn không phạm tội. Vì thế, bạn không phải là đồng phạm với bạn của mình.
Tuy nhiên, việc kết luận bạn có tham gia vụ án với vai trò đồng phạm hay không sẽ do các cơ quan tiến hành tố tụng quyết định. Lời khai của bạn chỉ là một trong các căn cứ khi giải quyết vụ án. Trường hợp cơ quan tiến hành xác định bạn không phạm tội thì bạn vẫn phải tham gia tố tụng với tư cách là người làm chứng.
Theo điều 66 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, người làm chứng có quyền và các nghĩa vụ sau: được thông báo, giải thích quyền và nghĩa vụ của người làm chứng; yêu cầu cơ quan triệu tập bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản và quyền, lợi ích hợp pháp khác của mình, người thân thích của mình khi bị đe dọa...
Ai cố ý vắng mặt mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và việc vắng mặt của họ gây trở ngại cho việc giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử thì có thể bị dẫn giải; trình bày trung thực những tình tiết mà mình biết liên quan đến nguồn tin về tội phạm, về vụ án và lý do biết được những tình tiết đó.
Người làm chứng khai báo gian dối hoặc từ chối khai báo, trốn tránh việc khai báo mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự.