Vài năm nay, một số hộ dân ở xã Cổ Bì (Bình Giang) đã mạnh dạn trồng cây dược liệu (CDL) cho hiệu quả kinh tế cao, mở ra hướng phát triển mới cho sản xuất nông nghiệp tại địa phương.
Cây dược liệu được xác định là sản phẩm chủ lực của xã Cổ Bì để thực hiện đề án "Mỗi xã một sản phẩm"
Gia đình anh Phạm Văn Quyện, ở thôn Ô Xuyên là hộ có diện tích trồng CDL lớn nhất xã với 2,5 mẫu. Năm 2016, sau khi nghiên cứu, tìm hiểu về các loại cây trồng phù hợp trên đất chuyển đổi, anh Quyện quyết định trồng CDL. Theo anh Quyện, đây là loại cây dễ sống, ít phải chăm sóc nên không mất nhiều công lao động. Tuy nhiên, vì là hộ đầu tiên thử nghiệm nên anh Quyện không khỏi lo lắng. Anh cho biết: "Mới đầu trồng đinh lăng, cỏ ngọt, hoa hoè, cà gai leo, tôi cũng băn khoăn, không biết có hợp với đồng đất hay không. Khi nhìn cây phát triển thuận lợi, cho năng suất cao, tôi mới có thể thở phào. Mặt khác, đầu ra của CDL ổn định nên tôi rất an tâm".
Hiện tại gia đình anh Quyện đang ký hợp đồng cung ứng sản phẩm với Công ty CP Đầu tư thương mại xuất nhập khẩu Thái Hưng (Thái Bình). So với cấy lúa, CLD cho thu lãi cao hơn từ 3-4 lần. Sắp tới, anh Quyện có dự định mở rộng diện tích trồng CDL, đáp ứng nhu cầu thu mua của đơn vị bao tiêu.
Thấy được hiệu quả từ mô hình sản xuất của hộ anh Quyện, một số hộ dân trong xã cũng bắt đầu chuyển hướng trồng CDL. Mặc dù vậy, quy mô sản xuất của các hộ vẫn còn nhỏ, mới chỉ trồng xen canh với cây ăn quả và tại các khu trang trại.
Ông Vũ Văn Lượt, ở thôn Ô Xuyên cũng trồng hơn 500 gốc cây đinh lăng quanh ao cá. Tuy là tận dụng đất thừa để trồng nhưng giá trị mà loại cây này đem lại không hề nhỏ. Ông Lượt phấn khởi: "Trồng đinh lăng không vứt đi cái gì vì hết thu lá, cành lại bán rễ. Mỗi đợt thu hoạch cầm chắc vài chục triệu đồng. Tôi cũng đã cùng vài hộ tới tận doanh nghiệp thu mua để đàm phán. Họ cam kết sẵn sàng mua hết sản lượng CDL tại địa phương. Nhưng hiện tại chúng tôi vẫn chưa thuê được đất để trồng tập trung".
Xã Cổ Bì có 380 ha đất nông nghiệp. Những năm qua, thực hiện chủ trương chuyển đổi để nâng cao giá trị sản xuất, người dân đã tích cực đưa các cây trồng mới vào đồng ruộng. Trong đó, CLD được đánh giá là phù hợp nhất vì thích hợp với điều kiện canh tác và cho giá trị kinh tế cao hơn cả. Do xã Cổ Bì có cốt đất cao, lại ở cuối nguồn nước nên việc tưới tiêu, phục vụ sản xuất rất khó khăn. Nhiều năm, xã là trọng điểm phòng chống hạn của huyện. Trong khi CDL lại thích nghi với môi trường khô hạn. Vì vậy, CDL là lựa chọn ưu tiên của người dân khi chuyển đổi. Song, theo quy định, việc chuyển đổi phải làm theo quy hoạch nên người dân vẫn đang chờ chủ trương của chính quyền địa phương.
Theo ông Vũ Văn Luyện, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bình Giang, sau khi đánh giá, rà soát mức độ phù hợp của các loại cây trồng với từng địa phương có thể khẳng định xã Cổ Bì có tiềm năng, thế mạnh phát triển CDL. Tuy là cây trồng mới nhưng CDL đã cho thấy hiệu quả ổn định vì người dân chủ động về đầu ra sản phẩm. Huyện cũng định hướng xã xây dựng kế hoạch phát triển CDL hợp lý, nắm bắt yêu cầu của thị trường, tránh tình trạng cung vượt cầu. Sắp tới, huyện cũng xác định CDL sẽ là sản phẩm chủ lực của xã Cổ Bì để thực hiện đề án "Mỗi xã một sản phẩm".
PV