Tôi làm sao quên được trận lụt năm 1971. Toàn bộ làng mạc, ruộng đồng quê tôi chìm sâu trong nước hàng mét. Hơn một tháng nước mới rút. Tôi kinh ngạc nhìn những bờ ruộng bị bào mòn chỉ còn bằng vế đùi người lớn, rỗ như tổ ong. Nắng bừng lên. Ruộng trắng, bờ trắng, một màu trắng bạc phếch, khô xác, mênh mông, lóa mắt, không một mầm xanh. Tôi nghĩ thế là hết. Đồng làng thành sa mạc rồi. Hơn một tháng ngâm trong nước thì còn loại hạt cây nào sống được. Vậy mà chỉ hơn một tháng sau, như thần thoại, tất cả những bờ ruộng kia, cỏ đã xanh màu. Chẳng ai gieo. Chẳng ai trồng. Hạt cỏ ở đâu rắc xuống mà lắm thế? Chả lẽ mầm cỏ ngâm trong nước hàng tháng mà không hủy sao? Lần đầu tiên trong đời tôi nhận ra bài học về sức sống của cỏ. Lúa chưa lên, hoa màu chưa trồng thì cỏ đã mọc. Cỏ - người lính xung kích khẳng định sức sống của đất. Đến khi vào chiến trường, tôi lại được học bài học ấy lần thứ hai. Ấy là sau những trận giặc Mỹ rải chất độc hủy diệt rừng xanh. Bạt ngàn rừng cây chết đứng, khô đi. Vậy mà một thời gian sau, cỏ lại mang màu xanh phủ kín mặt đất. Đấy là màu xanh chiến thắng, màu xanh quý hơn nghìn lần vàng bạc, châu báu.
Cỏ mọc ở khắp nơi. Từ mép giếng trong thơ Hồ Xuân Hương đã thấy “Cỏ gà lún phún leo quanh mép” đến ngoài bãi rộng trong thơ Nguyễn Du “Cỏ non xanh rợn chân trời”; cho đến ngôi nhà gia đình Kiều ở nhờ khi hoạn nạn cũng thấy cỏ mọc đầy sân: “Một sân đất cỏ dầm mưa”... Cỏ mọc trên đồi, mọc ở khe đá, ở bờ sông, bãi hoang, chân tường, khe vách. Cỏ mọc trên đồng khô, mọc dưới ruộng nước... Không cần gieo, không cần chăm bón. Cỏ mọc như thần thoại, như cổ tích. Cỏ thách thức với thời gian, chấp mọi khắc nghiệt để trường tồn, bất diệt.
Sức sống của cỏ là vô địch nhưng đời cỏ, phận cỏ, dáng cỏ và cả tên cỏ nữa lại đơn giản đến bất ngờ. Những người chân lấm tay bùn, cả đời sống với đất, với cỏ cũng chỉ biết được mươi tên cỏ là cùng: cỏ chỉ, cỏ gừng, cỏ lác, cỏ gấu, cỏ mật, cỏ may, cỏ tranh, cỏ gà, cỏ môi, cỏ mỡ... toàn những cái tên mộc mạc như đất, thô sơ như đất, đâu có đẹp đẽ kiêu sa như tên hoa lan, hoa huệ, hoa hồng, hoa nhài, hoa dạ hương, hoa quỳnh...
Phận cỏ thấp, dáng cỏ mềm, vóc cỏ nhỏ. Cỏ đâu có được vóc dáng sum suê, đời sống dài trăm nghìn tuổi như cây đa, cây đề. Cỏ không có độ cao chọc trời như cây gạo, cây kơ nia; cũng không có thân hình rắn chắc sánh ngang sắt thép như đinh, lim, sến, táu để con người dựng đình dựng chùa, chạm rồng, đục phượng dâng thờ nơi tôn nghiêm. Cỏ chỉ là cỏ thôi. Cỏ ở dưới thấp, ăn của đất, uống của trời, chịu mọi dầu dãi nắng mưa, dẫm đạp, không một lời kêu ca oán thán, vẫn hết lòng với con người. Con trâu chỉ ăn cỏ thôi vẫn cho ta sức kéo dẻo dai để cày bừa hết vụ này sang vụ khác. Con bò chỉ ăn cỏ thôi mà cho ta thịt ngon, sữa ngọt. Cây cỏ tranh dâng cho đời thân và lá lợp nhà, che nắng che mưa cho bao gia đình mái ấm sum họp. Than cỏ tranh cho người chút mặn mòi thay muối lúc khó khăn cơ nhỡ. Cây cỏ mật lúc héo tỏa hương thơm ngọt, quyến rũ để bao chàng trai, cô gái quê nhờ chút hương ấy mà nên vợ nên chồng. Cỏ thành áo giáp bọc lấy bờ đê ngăn nước lụt. Cỏ ngăn nước lũ bảo vệ vùng xuôi. Cỏ xanh trên nóc hầm bí mật chặn con mắt soi mói của kẻ thù. Bè cỏ trên sông lững lờ trôi che cho bao chiến sĩ qua sông đi đánh giặc. Kiếp người từng sống với cỏ, đến khi về với đất, cỏ lại làm tấm vải xanh phủ kín nấm mồ cho hồn cốt đỡ phần lạnh giá nơi cõi âm.
Trên trái đất này có lẽ không cây gì nhiều bằng cỏ, không cây gì tái sinh nhanh như cỏ. Cỏ làm cho trái đất xanh, trái đất mát, cho không khí trong lành, con người khỏe mạnh. Giả sử trái đất này không còn cỏ thì sẽ ra sao? Giả sử vùng quê nào cũng bê-tông hóa thì sẽ ra sao? Khoa học tạo ra cỏ giả có thể giống với cỏ thật nhưng vẫn chỉ là thứ cỏ chết. Lúc ấy con người sẽ ao ước có một bờ đê cỏ xanh, lộng gió để chạy nhảy, để lăn lê bò toài trên cái xanh mát và hương ngai ngái, thơm thơm của cỏ.
Sống với cỏ, tôi càng thấy cỏ đẹp, cỏ quý và trong dáng cỏ tôi nhận ra dáng tôi, dáng bà con làng xóm thân thương của tôi.
Tản văn của VĂN DUY