Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến thông tin đến nay có 3 ổ dịch ở Hưng Yên, Hà Nội và Hải Dương đã qua 30 ngày không phát sinh thêm lợn mắc bệnh.
Lực lượng chức năng phường Khắc Niệm, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh phun khử trùng, tiêu độc các phương tiện ra vào địa phương. Ảnh: Diệp Trương/TTXVN
Ngày 5.4, tại buổi họp báo thường kỳ quý 1.2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến thông tin, đến nay đã có 3 ổ dịch ở xã Đức Hợp, huyện Kim Động của tỉnh Hưng Yên; phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội; xã Đại Đồng, Tứ Kỳ, Hải Dương đã qua 30 ngày không phát sinh thêm lợn mắc bệnh.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết thêm sắp tới sẽ có thêm một số ổ dịch tại tỉnh Hòa Bình cũng qua 30 ngày không phát sinh lợn mắc bệnh mới. Như vậy, đối với các ổ dịch đã 30 ngày mà không phát sinh lợn mắc bệnh thì có đủ điều kiện để công bố hết dịch.
Ông Đàm Xuân Thành, Phó Cục trưởng Cục Thú y, cho biết việc công bố hết dịch sẽ tạo điều kiện cho người dân có thể vận chuyển lợn đi nơi khác tiêu thụ, thúc đẩy giao thương, đồng thời có thể tái đàn theo quy định. Tuy nhiên, người chăn nuôi chỉ nên tái đàn 10% so với tổng đàn, nếu không phát sinh dịch thì mới tái đàn tiếp.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh do chưa có vaccine cũng như chưa có biện pháp hữu hiệu nào để xử lý triệt để dịch này, nên phải xác định là "sống chung với dịch," đồng thời áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học.
Thực tế, hiện nay tại các trang trại chăn nuôi lợn quy mô lớn đều đang áp dụng rất nghiêm ngặt quy trình chăn nuôi an toàn sinh học. Do đó, các trang trại này đã bảo vệ an toàn đàn lợn của mình trước các loại dịch bệnh.
Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề nghị các doanh nghiệp chăn nuôi lớn cần tăng cường hơn nữa các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, đặc biệt là bảo vệ nghiêm ngặt đối với đàn nái. Để sau khi hết dịch thì có đủ lợn giống phục vụ nhu cầu tái đàn của người chăn nuôi.
Đối với các hộ chăn nuôi nông hộ cần tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch như phun thuốc tiêu độc, khử trùng, rắc vôi bột. Đặc biệt, người chăn nuôi cần thực hiện các biện pháp trên từ khu chăn nuôi ra ngoài đường, tránh mầm bệnh xâm nhiễm vào khu vực chuồng trại nuôi.
Liên quan đến việc người dân gặp khó khăn trong việc nhận tiền hỗ trợ đàn lợn bị tiêu huỷ, ông Đàm Xuân Thành cho rằng, việc này là trách nhiệm của Ủy ban Nhân dân các tỉnh.
Tính đến nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại 23 tỉnh, thành phố trên cả nước; tổng số lợn buộc phải tiêu huỷ là trên 85.000 con.
Trước tỉnh hình dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp, các địa phương đang tập trung triển khai các biện pháp hạn chế dịch bệnh lây lan; đồng thời ban hành cơ chế hỗ trợ, giảm bớt thiệt hại cho người chăn nuôi.
Để phòng tránh dịch tả lợn châu Phi xâm nhập, tỉnh Lào Cai đã tiến hành khử trùng chăn nuôi trên toàn địa bàn, lập thêm nhiều chốt kiểm dịch nhằm ngăn chặt việc vận chuyển lợn ra vào, xử lý những trường hợp vi phạm Luật Thú y...
Lào Cai thành lập 3 chốt kiểm soát động vật tạm thời, 3 tổ cố định, 9 tổ kiểm soát cơ động. Các tổ, chốt hoạt động thường xuyên, liên tục kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn vận chuyển lợn, ra, vào; đồng thời, phun khử trùng phương tiện từ các tỉnh khác vào địa bàn.
Ông Đàm Duy Đức, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Yên Bái cho biết tỉnh vừa quyết định lập chốt kiểm soát phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi đặt tại Km 347+500 trên quốc lộ 37, thuộc địa phận thôn Đá Đỏ, xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn.
Chốt có nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát và phun tiêu độc khử trùng các phương tiên vận chuyển, buôn bán, kinh doanh, tiêu thụ động vật và sản phẩm động vật vào địa bàn; đồng thời, xử lý theo luật định hiện hành khi phát hiện sai phạm trong các hoạt động này.
Mặc dù Yên Bái chưa phát hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi nhưng nguy cơ dịch xâm nhập vào địa bàn rất cao. Việc lập chốt kiểm soát nhằm ngăn chặn kịp thời dịch xâm nhập vào địa bàn.
Bên cạnh đó, nhiều biện pháp được triển khai như: tăng cường chăm sóc, làm tốt khâu vệ sinh, khử trùng tiêu độc; khuyến khích và mở rộng các hình thức chăn nuôi lợn an toàn dịch bệnh; chủ động tiêm phòng đầy đủ các loại vắcxin phòng bệnh truyền nhiễm cho lợn tránh lây nhiễm chéo như: dịch tả lợn, dịch lở mồm long móng, tụ huyết trùng trên đàn lợn, nhằm tăng sức đề kháng cho đàn lợn.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định, hiện bệnh dịch đã xảy ra ở hơn 600 hộ chăn nuôi tại 22 xã của 3 huyện gồm Trực Ninh, Xuân Trường và Hải Hậu. Tổng số lợn ốm, chết phải tiêu hủy trên 3.250 con, tổng trọng lượng tiêu hủy 152.333 kg.
Bà Hoàng Thị Tố Nga, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định cho biết nguyên nhân dịch lây lan trên diện rộng là do điều kiện thời tiết mưa ẩm, nhiệt độ thấp, thuận lợi cho sự phát triển của mầm bệnh.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Nam Định đã quyết định hỗ trợ trực tiếp cho hộ chăn nuôi có lợn bị dịch tả lợn châu Phi. Cụ thể, lợn nái, lợn đực giống đang khai thác hỗ trợ 45.000 đồng/kg; lợn con, lợn thịt hỗ trợ 30.000 đồng/kg. Nam Định đã phân bổ 25.000 lít hóa chất cho các huyện, thành phố để tiêu độc khử trùng, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Cơ quan chức năng tỉnh Nam Định khuyến cáo chủ trang trại, gia trại trên địa bàn cần chủ động phòng chống dịch, thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn để bảo vệ con nuôi; tuyệt đối không bán chạy lợn ốm hoặc vứt xác lợn chết không đúng nơi quy định gây ô nhiễm môi trường.
THÀNH TRUNG (TTXVN)