Về quê

24/10/2021 08:34

Thời gian này, khi dịch Covid-19 tạm ổn, Hồng mới có điều kiện về thăm quê.

Minh họa: PHÙNG BẢN

Thời gian này, khi dịch Covid-19 tạm ổn, Hồng mới có điều kiện về thăm quê.

Con đường quen và ngôi làng nhỏ dần dần hiện ra trước mặt. Gió lồng lộng, đồng ruộng mênh mông. Vừa chạy xe chầm chậm, Hồng vừa đưa mắt quan sát cảnh vật quê hương mình. Cánh đồng quen, con sông đào nhỏ, những bờ lô, bờ ruộng chằng chịt như bàn cờ, con chim bói cá có cái mỏ dài nghêu, đậu bất động trên cái cọc ở bờ cừ... Tất cả như chạm vào lòng cô, khơi dậy ký ức tuổi thơ gian nan năm nào. 

Hồng dừng xe, đỗ sát ven đường. Con đường làng một bên là cừ, một bên là ruộng. Cô mở cửa xe, bước ra ngoài, rồi một mình lững thững dạo bước trên bờ mương năm xưa. Chọn một mô đất cao, cô kê dép, ngồi ngắm nhìn cảnh vật. Bao nhiêu ký ức bỗng trở về, bồi hồi, như một thước phim quay chậm.

Ngày đó, Hồng học lớp 5. Như bao đứa trẻ nông thôn khác, Hồng rất khỏe khoắn, nhanh nhẹn, chẳng mấy khi ốm yếu, mặc dù người Hồng dài nghêu, gầy nhẳng. Buổi sáng Hồng đi học, chiều về thì phụ giúp bố mẹ đủ việc: trông em, nấu cơm, quét dọn, thái bèo, chăn trâu, cắt cỏ, cho lợn gà ăn, nhổ mạ, đi cấy, đi gặt, trồng ngô khoai... Việc gì của nhà nông, Hồng cũng phải làm và biết làm, bởi Hồng là chị cả, dưới Hồng còn ba đứa em lít nhít.

Năm ấy, cũng vào mùa này, khi lúa đồng vừa gặt xong, bố mẹ Hồng chăn một đàn vịt hơn hai trăm con. Cứ sáng sáng, bố Hồng lùa vịt ra đồng, tối đến lại lùa chúng về một khúc cừ ven đường và dựng lều để canh vịt. Người và vịt cùng ngủ ở đồng suốt mấy tháng ròng, từ lúc chúng tập ăn thóc cho đến khi chúng lớn, mọc đẫy lông cánh và được bán hết. Chao ôi! Bao nhiêu là gian nan! Bao nhiêu là mồ hôi, công sức mặn mòi.

Buổi trưa hôm ấy, Hồng ra trông vịt thay để bố tranh thủ về ăn cơm. Cô cầm chiếc cần chăn vịt được làm từ một cành rào đã khô, ở đầu cần buộc một mảnh nilon nhỏ. Cô đứng canh đàn vịt đang độ lớn thau tháu, bắt đầu nhú lông măng. Chúng ham sục sạo kiếm mồi, mải miết dùng mỏ rúc lấy rúc để trong những ô ruộng trũng đầy nước, rong rêu, thóc rụng, cua ốc... Chúng ăn tất cả những gì có thể ăn được cho đến khi no căng diều. Thỉnh thoảng, vài con ham chạy rông, tách xa đàn, Hồng lại lấy cần xua dồn chúng trở lại đàn. Cô không rời mắt, say sưa nhìn đàn vịt cần mẫn kiếm mồi. Khi chiếc diều đã tạm căng và hình như đã thấm mệt, cả đàn vịt theo nhau leo lên bờ nằm, mỏ rúc vào trong cánh, mắt nhắm tịt, say sưa ngủ, tiếng thở khò khè, phập phồng.

Hồng cũng mỏi chân và thấm mệt. Cô chọn một mô đất khô và cao ráo trên bờ mương, cạnh chỗ đàn vịt đang ngủ, ngả lưng, đầu gối lên chiếc mũ. Những đám mây chốc chốc lại tràn về, xua tan cơn nắng. Rồi nắng trở lại, đuổi bóng râm đi... Chúng thay nhau ngự trị không gian. Còn gió thì độc quyền chạy phiêu diêu khắp cánh đồng, lau khô giọt mồ hôi nhễ nhại trên mặt, trên lưng Hồng. 

Cơn buồn ngủ ập đến, mắt Hồng díp lại. Cô bé 11 tuổi hồn nhiên, say sưa ngủ từ lúc nào không hay. Quên cả đàn vịt. Đến khi tỉnh dậy thì ôi thôi, đàn vịt đã đi đâu mất tiêu rồi. Hồng sợ hãi, lo lắng, hớt hải chạy đi tìm, chực khóc vì sợ. Hồng nghĩ: "Chết rồi! Ngủ quên mà làm mất cả đàn vịt thì biết làm sao bây giờ"? Rồi vừa mếu, Hồng vừa cất tiếng gọi: "Kéc, kéc, kéc! Kéc, kéc, kéc!". Cả cánh đồng chiều vắng hoe, không một âm thanh đáp lại của đàn vịt. Hồng càng lo lắng, sợ hãi bội phần. Và Hồng đã khóc hu hu rất to, khóc nức nở, khóc nghẹn ngào. Tiếng khóc lo sợ ấy đã làm nhòe cả tiếng gọi vịt "kéc, kéc" khan cả giọng của Hồng.

Một lúc sau, bố Hồng ra, cô sợ sệt nói trong tiếng nấc: 

- Bố ơi, con ngủ quên làm mất vịt rồi. Hu hu...

Nhìn vẻ mặt của bố, Hồng biết bố cũng đang lo lắng nhưng bố chỉ nhẹ nhàng bảo: 

- Con tìm rộng ra cánh đồng bên cạnh, còn bố ra bờ sông tìm.

Hồng bớt lo nhưng trong lòng vẫn hối hận lắm. Một lúc sau, từ phía con sông đào, bố vẫy tay gọi Hồng. Cô chạy ra, thấy cả đàn vịt đáng ghét đang phởn phơ bơi tung tăng giữa sông. Chúng mặc sức vỗ cánh nô đùa, vục mỏ, vục đầu rỉa lông, tắm táp, vui nhộn cả một khúc sông, không hề để tâm đến vẻ đau khổ, lo lắng của Hồng. Nhìn bọn chúng, Hồng giận lắm nhưng rồi lại vui ngay. Cô giận vì chúng đã tự ý rời đi lang thang khi Hồng còn đang ngủ. Hồng vui vì đã tìm thấy chúng. Cả cơ ngơi, vốn liếng và bao nhiêu công sức khó nhọc của cả nhà, nhất là của bố dồn cả vào đàn vịt này. Nếu mà không tìm thấy chúng thì Hồng không phải biết làm sao... May mà bố đã tìm được bọn chúng. Hồng lí nhí nói với bố:

- Bố ơi, con xin lỗi. Lần sau con không dám ngủ quên nữa ạ.

Bố Hồng bảo:

- Không sao rồi. Con nằm ngủ ở bờ ruộng thế, nhỡ đỉa nó chui vào tai thì sao. Lần sau, con rút kinh nghiệm là được.

Rồi bố nói cho Hồng nghe về tập tính của loài vịt, về kinh nghiệm trông nom vịt thả đồng. Bố bảo: 

- Vịt là loài ăn tạp. Chúng rất ham ăn và mau đói. Ban ngày, khi chạy rông kiếm ăn đã no, chúng sẽ lên bờ nằm ngủ. Giấc ngủ của chúng chỉ từ 45 đến 60 phút thôi. Khi đó, thức ăn đã được tiêu hóa gần hết, chúng bị cơn đói đánh thức dậy để đi kiếm ăn tiếp. Khi ăn đã no, gặp nước, chúng sẽ tắm táp cho sạch rồi lại ngủ, thậm chí chúng có thể ngoẹo đầu, rúc mỏ vào trong cánh, ngủ ngay trên mặt nước.

Hồng nghe như nuốt lấy từng lời. Hồng thấy bố thật giỏi, thật hiền hậu, bao dung. Và tự nhiên, cô cũng không còn oán ghét, giận hờn lũ vịt vô tâm kia nữa.

Hồng nhớ về những đêm trời mưa gió, bố phải ngủ ở chiếc lều tạm bợ, hơ hoác giữa đồng không mông quạnh. Những cơn mưa đêm sầm sập, sấm chớp đùng đùng khiến cả nhà đều bất an lo lắng cho bố và đàn vịt. Chốc chốc, mẹ lại thở dài. Còn Hồng cũng thấy lòng phấp phỏng không yên.

Rồi Hồng nghĩ về bố. Tuổi trẻ, bố đi thanh niên xung phong, góp phần mở đường Trường Sơn thời chống Mỹ. Lúc còn nhỏ, thỉnh thoảng Hồng lại thấy bố nghêu ngao hát bài: "Chiếc gậy Trường Sơn". Bố rất tự hào về tấm Huy chương Kháng chiến và kỷ niệm chương thanh niên xung phong của mình. Hồng cũng tự hào lây khi ngắm nhìn những kỷ niệm đẹp đẽ đó của bố. Cả cuộc đời nông dân lam lũ thời đất nước còn nghèo, bên cạnh rộng đồng, bố đã nắng mưa, sương gió làm bạn với bao nhiêu chiếc đó nhỏ, đó to bên những con cừ, những bờ mương liu riu nước chảy. Bố cũng đã sương gió, nắng mưa làm bạn với hàng chục đàn vịt như thế trong cuộc đời, để nuôi chị em Hồng...

Giờ, bố đã đi qua gần 80 mùa xuân.

Nghĩ đến đây, Hồng đột nhiên đứng bật dậy. Cô ra xe, nổ máy. Có một sự thúc giục vô hình để chân cô, lòng cô hối hả trở về nhà. Xe dừng trước cổng. Vẫn là vẻ mặt phấn khởi, nụ cười rạng rỡ như mọi khi thấy Hồng về, bố ra mở cổng. Hồng xuống xe, nhào ra ôm bố. Nước mắt cứ chực rơi, nhòe đi, long lanh. Hồng mua cho bố mấy hộp thuốc bổ xương khớp, mấy hộp sữa và bột ngũ cốc dinh dưỡng. Cô lặng lẽ ngắm dáng bố tất bật, phấn khởi khi con gái về nhà. Tóc bố đã bạc gần hết. Đuôi mắt bố nhăn nheo, chi chít vết chân chim. Dáng đi của bố không còn thẳng nữa. Đôi mắt của bố cũng không còn tinh anh như trước. Duy chỉ có giọng nói trầm ấm và nụ cười hiền hậu, chân thật, có pha chút khắc khổ còn đọng lại của một thời trai trẻ lam lũ là vẫn như xưa. Thời gian và sự vất vả đã làm thay đổi hình hài của bố. Lòng Hồng chợt se lại. Hồng ước không còn dịch dã, cuộc sống trở lại như xưa để thường xuyên được về nhà với bố mẹ. Cô tự nhủ trong lòng: "Bố ơi! Hết dịch rồi, con sẽ về thăm bố nhiều hơn, nhiều hơn". Cô chợt thấy rất sợ một ngày nào đó trở về nhà, không còn được thấy bố tươi cười ra mở cổng. Chỉ mường tượng thế thôi, Hồng đã thấy lòng mình thật trống trải, cô đơn, se sắt.

Hồng líu lo với cả nhà đủ chuyện như một đứa trẻ. Ngoài sân, nắng chiều đã nhạt. Con chó vàng hiền lành nằm vẫy đuôi bên gốc vải. Mấy đứa cháu nội của ông đang nô đùa ầm ĩ khiến đôi chim cu gáy treo trên cành vải cũng hót theo râm ran. Thằng cu Hùng 5 tuổi đang đạp xe cút kít, miệng toe toét cười. Trong bếp, cậu em trai và cô em dâu đang lúi húi nấu cơm chiều. Còn bố Hồng đang nằm ngả lưng đung đưa trên chiếc võng bên gốc vải ở góc sân, vừa nghe đài, vừa nheo nheo đôi mắt hiền từ tươi tắn nhìn con cháu quây quần.

Trộm ngắm nhìn bố và nhớ về kỷ niệm chăn vịt thuở nào, bất giác, Hồng thấy khóe mắt mình cay cay. Cơn gió chiều cùng cảnh sắc của ngôi nhà thân thương, nơi cô đã sinh ra, lớn lên, bay cao, bay xa để thỉnh thoảng lại được trở về khiến Hồng thấy hai tiếng "cha mẹ" và "quê hương" thật dịu dàng, lắng đọng...

Truyện ngắn của HIỀN HÒA

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Về quê