Vẽ hình mùa xuân

15/01/2023 06:28

Hội họa đã dắt người thôn bên này thương nhớ người thôn bên kia. Hiên thích anh ở cách nói chuyện dí dỏm, niềm đam mê và mái tóc bồng bềnh nghệ sĩ. Lòng anh cũng rộng mở như cách anh vẽ. Anh dạy miễn phí cho những em bé quê hương kết nối với bầu trời ước mơ.



Bến Lạc Long luống tuổi từ lâu đã trở thành bến xuân, bình dị, lặng thầm. Châu không nhớ đã bao lần ngồi dưới cội lim già, nhìn ra sông Kinh Môn vẽ tranh. Nơi này đã trở thành đề tài, bước vào những bức tranh hoặc đặc tả, hoặc ký họa với nhiều góc nhìn đầy hào phóng. Thói quen và niềm yêu thích vẫn không vơi đi, khi nơi thân thuộc vẫn có thể mách bảo cho anh trên bước đường sáng tạo, dạo chơi sắc màu. Ngồi ở đây, sương chạm tóc, chim hót líu lo, sông gợn lăn tăn, anh miên man nghĩ đến cảnh sống phố thị, hay những nơi mà Hiên của anh có thể đặt chân đến. Anh cũng vẽ về cảnh sống ở đầu thôn, đầu xóm, rồi vẽ cảnh thiên nhiên nơi ngã ba sông Kinh Thầy và sông Đồng Mai - nơi đã vài lần anh đưa Hiên đến. Cũng có lúc anh vẽ cảnh sống đầm ấm quê mình ngày Tết với nét tươi ngời của hoa đào, quất cảnh và những nét dịu dàng mùa xuân. Gương mặt Hiên đã hiện lên trong tranh anh nhiều lần. Lần nào anh cũng thấy chưa ưng.

*

Hiên là cô gái cùng xã, anh quen trong lần đi thực tế ở Văn miếu Mao Điền xuân năm đó. Ánh mắt Hiên trong vắt, nền nã, rất dễ gợi mở một thứ tình yêu sét đánh. Nhưng nhìn sâu lại phảng phất mơ hồ, khó đoán định. Cô nửa đùa nửa thật nhờ anh vẽ chân dung. Điều này Châu cũng rất muốn làm ngay tức khắc. Song lần gặp ấy cũng chỉ đủ để anh chớp nhoáng ký họa. Màu xuân được anh rắc thận trọng trong lúc cảm xúc dâng lên dạt dào. Rồi anh hẹn ngày Hiên đến bến Lạc Long nhận bức tranh anh vẽ hoàn chỉnh. Hôm ấy sông hiền hòa. Cội lim xạc xào rất nhiều tiếng chim. Cô đã thốt lên khi nhìn thấy bức chân dung mình. Với cô nó đẹp hơn cả tưởng tượng và thật hơn cả thật. Còn Châu thấy chưa trọn vẹn. Anh không phải người quá cầu toàn, nhưng bức vẽ tặng một người con gái đẹp cần mỹ mãn hơn.

Châu không nhớ mình đã khép lòng bao lâu rồi. Những năm qua lòng anh chỉ dành cho công việc vẽ vời, dạy cho những học sinh năng khiếu trong xã. Giờ đây trước một đôi mắt đẹp, vừa thẳm sâu vừa bảng lảng, lòng anh cứ rộn lên. Rồi mơ. Và nghĩ. Có lúc anh ngồi hàng giờ trước một bức tranh, nghĩ về Hiên và cười một mình. Một ngày sương bảng lảng bến sông, Hiên xuất hiện. Một câu chào như đã thân thuộc từ lâu lắm, làm xốn xang cả cội lim già và lũy tre kế bên. Trời thật nhiều gió. Chim chóc vui nhộn trong buổi chiều non mềm đến lạ. Anh quay ra nhìn Hiên. Hiên cũng nhìn anh.

- Anh vẽ đẹp quá. Em hỏi đến nhà anh, bác gái nói anh ở ngoài này.

Hiên ngồi xuống, ngắm bức Châu vẽ phác mình ở tư thế đứng bên sông. Từng đường nét được phả ra phóng khoáng, nhẹ nhõm mà tươi mới.

- Em cảm ơn về bức tranh. Nó giúp em lưu giữ được tuổi thanh xuân. Nó thật hơn cả em thật.

- Em quá khen rồi. Anh chỉ kể lại những nét mà cha mẹ đã cho em.

Hội họa đã dắt người thôn bên này thương nhớ người thôn bên kia. Hiên thích anh ở cách nói chuyện dí dỏm, niềm đam mê và mái tóc bồng bềnh nghệ sĩ. Lòng anh cũng rộng mở như cách anh vẽ. Anh dạy miễn phí cho những em bé quê hương kết nối với bầu trời ước mơ. Những em bé lớp ba, lớp bốn đã có thể vẽ bức tranh đa sắc và gửi gắm mộng ước một cách ngộ nghĩnh. Hiên là giáo viên trường làng, điều đó khiến cô đồng cảm với việc làm của Châu. Anh vẫn nghĩ hạt mầm tình yêu của mình được gieo trên mảnh đất tốt, sẽ sớm kết trái trong dìu dịu quê hương. Những ngày rảnh, Châu thường đưa cô đi dọc những con đê làng tìm cảm hứng vẽ. Người thôn quê trồng hành tỏi, thắp ước mơ cho những đứa con. Mùi thơm từ đồng quê luôn rực lên, vừa gợi vừa thấm. Đi bên Hiên, Châu cảm thấy quê hương mình đổi thay nhiều quá. Nhiều góc quê đẹp hơn với những cung đường êm ái thênh thang. Mấy anh cán bộ vẫn tự hào gọi là vùng quê đáng sống. Châu nghĩ, thanh bình đến thế, no đủ như vậy thì đáng sống quá đi.

*

Một ngày Hiên đi xa, chạy theo lời rủ rê hào nhoáng của vị khách về tham quan mấy cánh đồng quanh xã. Nghe đâu liên quan một dự án đầu tư thương nghiệp. Tình cờ trong một buổi gặp, người đàn ông rót mật vào tai Hiên. Đôi tai vốn đã thích nghe điều lạ. Vô tình anh ta tiếp sức cho đôi chân vốn quen du ngoạn khắp tỉnh này đến tỉnh khác của Hiên. Máu xê dịch đã giảm khi cô về dạy học trường làng. Cô khao khát phố xá và thích dạy học nơi thành phố lớn nhưng gia đình và bản thân cô không có cách giúp cô trụ lại. Buộc lòng cô phải thi biên chế về huyện. Sống với học trò làng quê, gắn với hành tỏi và sự mộc mạc, buộc lòng Hiên phải xóa nhòa những khao khát trong mình. Giờ khao khát đó gặp chất xúc tác lại bùng lên. Cô được hứa xin chuyển về dạy học ở Thủ đô. Lời hứa ấy quá hấp dẫn. Châu rơi vào nỗi bâng khuâng hụt hẫng chưa từng có.

Lần tạm biệt để dứt áo ra đi, Hiên bảo, em còn nặng lòng với phố, cần những chuyến đi. Châu quay mặt vào sương chiều. Không gian bến sông chùng xuống. Bầy cò vẫy cánh trong sự nhọc nhằn quặn thắt. Ừ em. Quê mình bình dị. Những cánh đồng hành tỏi, mấy con sông êm đềm quá chẳng đủ sức giữ chân em. Châu quay về với đồng đất, công việc và gắn với đám học trò nhí nhảnh. Trang Facebook cá nhân của Hiên cập nhật từng ngày, thậm chí từng giờ về mỗi lần đi ăn chơi. Nó hiển hiện một điều là cô đang vui, hưởng thụ cuộc sống sang chảnh theo cách của mình. Nghĩ mà buồn. Châu cứ định chặn kết nối để khỏi nhìn thấy Hiên, rồi có lúc lại tự nhủ: “Thôi thì cứ để, còn dõi theo bước chân cô ấy”. Hiên đang trôi lăn trong cảm xúc, vui với cuộc sống sang giàu. Châu ập òa với rất nhiều nỗi day dứt. Nỗi day dứt bám vào sắc màu, nhòa theo mỗi bức tranh, nhòa theo từng dấu nhớ hình bóng Hiên.

*

Xa quê, Hiên ít về. Châu biết điều đó nên vẫn sang nhà mẹ Hiên chơi. Bà mẹ biết tình cảm của con gái và chàng họa sĩ. Bà không thể hiểu tại sao con gái mình dễ thay đổi, đến lúc tuổi chẳng còn ít nữa vẫn ham hố chạy theo sự hào nhoáng ngoài xã hội. Nhìn vào mắt Châu bà hiểu tình cảm của anh. Có lần bà giãi bày, cháu và con gái bác không có duyên, nhưng hãy cứ sang đây chơi. Bác vẫn coi cháu như con. Con bác dại dột, nó không biết việc mình làm. Nó càng chẳng hiểu mình đã mất mát điều gì.

Những dự cảm của Châu và của mẹ Hiên đều đúng. Hiên xin được dạy hợp đồng ngoài thành phố, chạy theo người đàn ông bảnh bao trăng hoa. Cạm bẫy cuộc đời đã tung ra thứ bả chết người, không tỉnh táo, Hiên đã ăn bả. Và cô lĩnh hậu quả. Với đám thương nhân trọc phú, cô chỉ là món quà từ xã hội, một thứ đồ chơi tạm được nhưng nhanh chóng mất đi sự hấp dẫn. Gã thương nhân đã bỏ rơi cô sau khi đã chán hoa chê nguyệt, chạy theo những mối quan tâm khác. Hiên bơ vơ giữa chốn chợ đời đầy cạm bẫy. Đi mắc núi, ở lại mắc sông. Hiên không dám nói với mẹ, nhưng bà hiểu khi nhìn nét mặt con trong lần hiếm hoi về thăm nhà. “Có điều gì thì con hãy cứ nhớ, nơi này vẫn còn mẹ. Hiên nhé”. Hiên vâng. Trong giọng nói của cô chứa chất nỗi buồn. Trước lúc Hiên quay trở về với nơi gieo vào cô sự rợn ngợp, rồi thả thêm nỗi đau, bà mẹ nhắc: “Anh họa sĩ vẫn sang chơi với mẹ”.

*

Bẵng đi một thời gian Châu không thấy Hiên đăng ảnh về những chuyến ăn chơi xa xỉ. Một ngày ngây ngất với thành quả mà đám học trò của mình đạt được, qua trang Facebook anh thấy Hiên xuất hiện bên những người vô gia cư. Cô theo nhóm “Đông ấm” làm thiện nguyện, giúp người vô gia cư co ro giấu mình trong manh áo quần bụi bặm tránh đi cái lưỡi tê buốt của mùa đông. Châu thấy dáng cô run rẩy trong đêm tối cùng nhóm bạn, nhưng hằn lên nét nhiệt thành. Có bức ảnh chụp cận đôi tay cô trao suất quà cho một người đàn ông có khuôn mặt nhợt nhạt. Lòng Châu ấm hơn. Gần hai năm rồi không gặp, không nói chuyện. Anh chỉ biết sơ sơ tình cảnh của Hiên qua mẹ cô. Một người mẹ nhân hậu luôn hết lòng động viên con gái. Bà cũng giục cô quay về. Dựa vào các mối thân tình, bà vẫn có thể xin cho con được dạy ở trường cũ. Song Hiên bảo mình chẳng còn mặt mũi trở về quê. 

Mùa gió trở. Trời lạnh run. Bến sông tràn ngập cái lạnh. Mẹ Hiên nhờ Châu động viên con gái bà về. Bà bảo, nhìn vào mắt anh, bà biết anh vẫn còn thương con gái bà. Châu không biết là cô có nghe không, hay im lặng trước cả tin nhắn của anh. Việc nhắn nhủ cô, anh từng nghĩ nhưng Châu không thể vượt qua cảm giác e ngại. Anh đánh bạo gọi qua messenger. Hiên đã nghe, giọng nghẹn đắng. Cô đồng ý gặp Châu ở Hà Nội. Điều đó làm Châu hí hửng vui. Anh đã gặp Châu trong hoàn cảnh cô chỉ biết khóc. Rồi Hiên kể mình đã bị phản bội, đẩy ra ngoài cuộc sống như thế nào. Cô xấu hổ tìm niềm an ủi cho mình. Vậy là chỉ còn cách tham gia với nhóm thiện nguyện.

- Em về cho bến sông ấm lên, Hiên nhé - anh nói.

Châu đã đưa được Hiên về như ước vọng của người mẹ. Rồi bến Lạc Long đón Hiên trong một chiều cuối năm bảng lảng. Châu bảo mình đã vẽ hơn chục bức tranh về Hiên kể từ ngày cô xa quê. Anh rắc hơi xuân lên đó, song chưa bao giờ bằng lòng. Mỗi bức anh chỉ mới chạm được vào một góc, bởi nhìn lâu mới lộ ra sự khiếm khuyết. Châu thấy mình là kẻ cứ mãi nhọc lòng đi tìm mùa xuân. Anh mong Hiên cùng mình đi tìm.

Bến rủ cảnh vật vào xuân. Hiên ngồi bên Châu trong lóe sáng của ngày. Cánh chim soi lên mặt nước, quyện vào bức tranh thanh bình.

- Em mừng là sau khi làm tổn thương anh và mẹ, mọi người đã tha thứ. Bến sông, con đò cũng tha thứ. Em ân hận và tự nhủ phải sống khác đi. Em đã không xứng với mùa xuân.

Châu cười:

- Xuân rộng lượng lắm. Quê mình cũng vậy. Mừng vì em nhận ra. Này nhé, anh sẽ vẽ thêm vào bức tranh xuân, một bầu trời mến yêu thanh bình. Em hãy cùng vui với hoa lá và những chú chim…

Ở bên kia, đất trời giao hòa, đàn én vẽ mình lên mây ấm. Con sông như cong lên, uốn hình dải lụa xanh.

Truyện ngắn củaNGUYỄN VĂN HỌC

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vẽ hình mùa xuân