Người mê vịt

08/11/2020 08:35

Người mê vịt nhất trần đời có lẽ là chú Cưởng. Thím Thõn bảo nhiều khi nằm ngủ, miệng chú liên tục nhắc đến vịt.



Đã hơn 20 năm nay kể từ ngày chú Cưởng lấy vợ và đưa thím Thõn về xóm nhà bè sống, mọi người dường như chưa bao giờ thấy chú cười. Thời gian, sự vất vả đã thắp lên khuôn mặt chú những vẻ khắc khổ ác nghiệt nhất, để rồi nó biến thành những cư xử khó đăm đăm đối với vợ con và những người xung quanh.

Chú thím làm nghề chài lưới và chăn vịt. Những con vịt của chú bao giờ cũng béo nục nịch, bước đi chậm chạp. Còn vịt đẻ trứng thì lúc nào cũng vào loại to nhất vùng. Bởi vì chú thím rất chăm. Ngoài công sức từ đôi bàn tay chung lưng đấu cật của chú thím, còn nhờ dòng sông luôn hào phóng này nữa. Nó là nguồn nuôi sống cư dân xóm nhà bè. Chú Cưởng yêu vịt lắm. Vì nó cho chú sống một cách đường hoàng, không phải chạy vạy từng bữa như gia đình anh Thóc, anh Du... Khi yêu những con vịt thì chú cũng yêu luôn dòng sông và cánh đồng nước rộng mênh mông. Nhiều người bảo chú Cưởng khắc khổ không phải vì thím Thõn không phục tùng chồng, hay cãi lại mà vì thím không thể đẻ được con gái. Tứ tử trình làng là một danh hiệu đáng sợ mà người ta tặng cho chú. Thím Thõn nhiều năm mơ một mụn con gái để chấy rận, nào ngờ sòn sòn một mạch bốn ông tướng nghịch như giặc. Ngày thím Thõn đẻ thằng Bướng, có một người đi cùng thím đẻ con gái. Ác thay, chị này cũng đẻ đứa con gái thứ tư. Một sự trái ngang, người cần chẳng có người mong không được. Chú Cưởng định bàn với chồng chị kia để đổi hai đứa con cho nhau khi chúng mới sinh ra được mấy tiếng đồng hồ. Sự thể chú Cưởng bàn với vợ, thím Thõn như được mở cờ trong lòng, ưng. Nhưng chỉ vài phút sau, khi thằng bé rúc đầu đòi bú, thím thấy không thể làm thế được. “Không, nó là con em đẻ ra, mang nó trong mình hơn chín tháng, sao thế được. Em phải nuôi nó, không đổi chác gì hết. Con mình mình nuôi”. Chú Cưởng thấy thế cũng phải. Đổi chác, sau này mọi chuyện vỡ lở, không hay. Mà nuôi con người khác làm sao đặng. Chú nói với thím: “Mình gắng nuôi thôi, lần sau nhất định có con gái”. Chú liếc mắt đưa tình, duyên ơi là duyên, nhưng bên trong lại đắng đót quá chừng. Không thấy có sự hiện diện của nụ cười đâu cả.

Người mê vịt nhất trần đời có lẽ là chú Cưởng. Thím Thõn bảo nhiều khi nằm ngủ, miệng chú liên tục nhắc đến vịt. Thím nói đùa chú: “Ngoài vịt ra anh còn yêu cái gì nữa nào?”. Chú nói: “Yêu và thèm con vịt giời mình ạ”. Chả thế mà khi có dịch, bằng mọi giá chú phải tìm cách chữa trị thuốc thang cho bằng được. Nạn H5N1 đổ bộ về từ năm nào? Là cái loại bệnh mới. Cánh đồng vịt của xóm chết như ngả rạ. Vịt nhà chú cũng lăn đùng ngã ngửa. Nhà nước bắt phải tiêu hủy đàn vịt để khỏi ảnh hưởng đến người. Nhìn lũ vịt bị ném vào bao tải, lòng chú thắt théo xát muối. Lũ vịt vào trong đó, ồn ào giãy giụa ngẩng đầu đòi chui ra. Nhưng miệng tải đã bị sợi dây nhựa thiết chặt. Rồi từng bao bị ném xuống hố, rắc vôi bột, lấp đất. Có lần, chú đã nhảy xuống cả hố để người ta lấp đất lên.

“Chúng tôi sống nhờ vịt, giờ chôn vịt thì cũng chôn luôn chúng tôi đi”, chú vừa khóc vừa nói.

Người ta phải giải thích, khuyên nhủ mãi, rồi tự tay kéo chú mới chịu lên. Lên rồi, đất được lấp, những chú vịt vẫn giãy giụa bùng nhùng trong tải. Chú tận mắt nhìn thành quả, công sức của mình bị chôn vùi trong đất. Xa xót nào hơn. Ngày còn nuôi ít, một con vịt bị chuột nhắt cắn chân, chú không nỡ vứt, đi mua oxy già, thuốc, bông băng bó cho chú vịt. Cuối cùng, con vịt sống được, nhưng còi nhất trong bọn. Còi nhưng nhận được nhiều tình yêu của chú nhất. Nhìn chú vịt còi lạch bạch chạy theo đàn, chú thấy ngồ ngộ. Chí ít, chính nó đã mang lại chút ít niềm vui cho chú. Không nỡ bán, chẳng thịt con còi, chú muốn để nuôi. Nhưng một trận mưa lũ đổ về, nước dềnh lên, hơn hai mươi con vịt của chú chỉ còn hai con xơ xác. Tất cả đã mất tích, trong đó có con còi. Chú ngẩn ngơ tiếc, không vì mười mấy con kia mà tiếc nhất con còi.

Tôi con bố Mỹ, nhà gần chú Cưởng. Bố mẹ tôi buôn bán, trong đó có buôn các loại cám gia súc gia cầm. Chú Cưởng quý tôi vì mái tóc dài, vì tôi ngoan lại học giỏi. Và hơn hết là vì chú không có con gái. Có nhiều lần, gặp tôi, chú beo một cái vào má và nói “ước gì chú có đứa con như mày”. Tôi kêu “ái”, cười. Chú bảo “Hay là mày làm con gái chú”. Tôi gật đầu “Chú có nuôi được cháu không?”. Chú bảo “Tao nuôi được ngàn vạn con vịt, con vịt giời như mày, sao không?”.

Không phải chú ghét con nhưng bởi chú quá thèm khát một mụn con gái. Ông cụ thân sinh ra chú cũng đẻ lộc ngộc tám người con trai, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng mất bốn. Hai người thương binh, chú Can đã đi làm ăn tận thành phố. Chú là con thứ năm, gắn bó với mảnh đất quanh năm sình nước này, nuôi vịt, trồng lúa và rau. Từ ngày xưa, chú đã ao ước mình có chị hoặc em gái. Người mẹ của chú thi thoảng vẫn quở yêu “Đẻ ra chúng mày, chẳng được nước non gì. Có đứa con gái, nó còn giúp việc vặt…”. 

Thằng Thật, con trai cả của chú, học cùng với tôi. Nó là thằng thông minh nhưng ương bướng cực kỳ. Thẳng tính và thương người. Nó luôn muốn ngăn cản ý nghĩ của bố, đó là mong một đứa con gái. Nó nói với chú “Con trai thì sao hả bố, bố đừng khổ thế chứ. Chúng con thì có gì là không tốt?”. Chú gắt “Mày thì biết cái gì. Nếu ai cũng như mẹ mày thì đàn ông để cho ai!”. Thằng Thật cãi “Nhưng có phải ai cũng như mẹ đâu, có nhà đẻ toàn con gái mà”. Chú lại lảng đi làm việc khác, không muốn tranh luận với con nữa.

Dù chú Cưởng khó đăm đăm với người xung quanh, nhưng với tôi thì khác. Chú một mực quý mến. Chú hay sang nhà, nói với bố tôi “Bác may mắn quá, có nếp có tẻ, chẳng như em”. Bố tôi an ủi chú nhiều, nói con nào cũng là con, miễn là nuôi dạy chúng cho tốt. Chú bảo “Ai ở hoàn cảnh của tôi mới biết”. Có lần tôi hỏi chú Cưởng vì sao chú lại thích nuôi vịt và yêu mến vịt như thế. Chú đơn giản nói rằng: “Nó nuôi sống mình, sao không yêu nó được. Cháu thử nghĩ một ngày không có vịt, xóm nhà bè này sẽ ra sao?”. Tôi đùa: “Cũng vì chú mê những con vịt như cháu nữa”. Đó là lần đầu tiên tôi thấy chú cười, một nụ cười sảng khoái. “Đúng rồi, giá chú có một đàn vịt như mày”.

Xóm nhà bè sống chủ yếu bên rìa sông và trên những bè nổi của con sông rộng dài uốn lượn này. Nhiều năm nước dữ, mọi gia đình phải sơ tán. Cũng có khi mưa lũ đổ về nhanh quá, nhiều người không kịp lên bờ, đã bị nước cuốn trôi. Đó là vào thời cụ tôi. Xây một căn nhà gạch trên cao là mơ ước của nhiều gia đình. Đã có nhiều gia đình làm được như vậy, vẫn sống nhờ vào sông nước, nhưng không còn phải chịu cảnh nơm nớp mỗi mùa nước lũ. Chú Cưởng đang có kế hoạch làm việc đó. Mua đất thì chú đã thực hiện rồi, giờ chỉ còn tiền mua nguyên vật liệu để xây dựng. Ngay sau khi nạn H5N1 tạm lui, chú Cưởng vay thêm tiền mua gần hai nghìn con vịt, huy động bốn thằng con trai “vào cuộc”. Mấy thằng con trai tuy nghịch, nhưng răm rắp nghe lời bố. Chúng cũng tổ chức nhiều trò để tiêu khiển khi ở giữa cánh đồng. Đó là bắt vịt nhà người khác, đắp bùn vào nướng ăn vã. Có khi là con vịt nhà mình đã có thể “xơi” được. Ở đồng xa, mất một vài con vịt là chuyện thường, nên chẳng mấy ai kêu ca gì.

Cuối hạ, bụng thím Thõn lại nùm nùm. Chú Cưởng bảo bao giờ đủ tháng, có thể siêu âm được thì để thím Thõn đi xem là con trai hay con gái. Thím Thõn đi cùng cô Khiết ở xóm ngoài. Ở nhà, chú Cưởng đã bắt hai con vịt béo, nếu thím Thõn về, có tin tốt, chú sẽ thịt.

Lại một lần nữa, may mắn từ chối chú. Nỗi thất vọng lại tìm về chú, như thể chú là chủ nhân của nỗi thất vọng. Như thể chú đã nợ nần từ kiếp trước quá nhiều sự thất vọng, nên kiếp này chú phải lãnh đủ. Từ xa, thấy thím Thõn về, chú Cưởng bỏ đàn vịt ở đồng, vác cả cái cờ dài vướng víu chạy tới, mồ hôi tóa ra, hồi hộp:

- Thế nào em?.

- Bác sĩ bảo con trai. Một tướng quân nữa.

Tay vít cán cờ lùa vịt lỏng dần, rồi chú buông hẳn xuống, thẫn thờ. Chú bỏ đó, về nhà, tháo rơm buộc chân vịt bị úp trong sọt ra. Những cử chỉ đờ đẫn, lạ lùng. Chú nói với hai con vịt: “Chúng mày sống rồi. Chán quá. Dù thương chúng mày, nhưng tao vẫn muốn có con  gái. Giờ thì…”. Hai con vịt được tháo dây, vỗ cánh phành phạch, bụi tứ tung, rồi chúng lao ùm xuống sông. “Đúng là lũ vịt, chẳng thông cảm cho sự thèm khát của mình cả”.

Thím Thõn nói với chú: “Người ta bảo có thể bỏ đứa bé này đi nếu không muốn”. Chú ngồi nghĩ mất một đêm, trăn trở suy tư. Cuối cùng chú nói: "Làm thế sao được, nó là con mình, giết nó, trời trừng phạt. Tôi không biết ác bao giờ”. Thế là cái thai được giữ lại.

Ngày thím Thõn sinh, chú sai thằng Thật chịu trách nhiệm chăm sóc, mang vác bất kể thứ gì nếu thím cần. Bận đi học thì bảo thằng Thà là con thứ hai. Chú không động tay động chân bất cứ một việc gì liên quan đến chuyện sinh nở cả. Thím Thõn buồn lắm, nhưng chẳng dám hé răng trách chồng một câu. Cũng bởi vì thím thấy mình vô tích sự, không được như người ta, sinh có nếp có tẻ. Ác nghiệt là đi đường ai cũng hỏi thăm chú là vợ sinh con trai hay con gái. Khổ thân chú đã cúi gằm mặt đi mà người ta vẫn lật lên hỏi được. Có người thì chú nói con trai, có người chú trả lời rằng con nào cũng được, cho qua chuyện. Nhưng một số người biết chắc là con trai, bắt đầu xì xào. Oái oăm cái sự đời, đẻ toàn con gái bị xì xào, đến nhiều con trai cũng vậy, chẳng biết thế nào lòng người.

Từ ngày thím Thõn sinh, chú thường xuyên ngủ một mình ngoài lều, việc chăm sóc thím để mấy thằng con trai lo. Đã gần tháng rưỡi mà chú chỉ bế con có ba lần. Thằng Thà hỏi thì chú bảo: “Tao phát hiện đàn vịt có dấu hiệu cúm, phải ở đó để theo dõi”. Đó là lý do chú bày ra để biện minh cho sự vắng mặt thường xuyên ở nhà.

Xóm trong có tay Sửa, chuyên ngồi lê mách nẻo và châm chọc người khác. Gã hay lang thang đầu làng cuối xóm. Lều vịt của chú Cưởng cũng là một địa chỉ để gã hay lui tới. Biết được hoàn cảnh của chú, gã “hiến” cho chú một cách mà theo gã là rất hay. Rằng có một người đàn bà ở xóm Cồn, không chồng mà có hai con gái, cứ đến “nhờ” bà ta đẻ cho một đứa, lớn lớn chút ít thì đón về. Chuyện này khó hợp lý, nhưng cũng làm chú bùi tai. Chú gật, cho là ý hay, hứa sẽ thực hiện. Sửa được đãi một bữa rượu với trứng luộc ngay tại lều.

Chưa thực hiện được thì bão sắp sửa đổ về. Chú Cưởng lo cho gần hai nghìn con vịt, ngày đêm túc trực để bảo vệ. Chúng có tầm quan trọng quyết định việc chú có xây được nhà hay không. Nhưng chẳng may là ngay trận mưa đầu của cơn bão đã đánh gục chú, vì thấm nước mưa. Chú lên cơn sốt cao, co giật, rồi miên man bất tỉnh. Lúc này, chính bốn thằng con trai lớn bé của chú, cởi trần, khoác áo mưa, đầu đội nón đi lùa đàn vịt đang nhao nhác dưới mưa về chuồng. Phải mất rất nhiều công sức và trong hai ngày, lũ vịt mới được tìm thấy gần đầy đủ, chỉ mất gần chục con.

Chú Cưởng lúc tỉnh lúc mê, chỉ lo cho đàn vịt. Thím Thõn nói chú hãy yên tâm. Mấy thằng con trai sẽ giúp được chú lo cho đàn vịt. Và chúng đã làm được. Khi chú Cưởng còn thấy đầu nặng trĩu, toàn thân sốt nóng thì thím Thõn bế thằng mới đẻ trên tay, bốn thằng con đứng quây quần. Chú mở mắt và thấy mọi người đang nhìn mình, trìu mến. Thằng Thà thông báo: “Vịt chỉ mất mấy con thôi”. Chú Cưởng cười, khen: “Các con được việc rồi đấy, đàn vịt đực ạ!”. Tất cả cười ồ! Đây là một cái danh hiệu mới mà bố của đàn con đã tặng cho những “chiến sĩ” của mình: đàn vịt đực. Thím Thõn hiểu rằng, từ đây chồng mình sẽ chấp nhận sự thực, là sở hữu một đàn… vịt đực.

Truyện ngắn của NGUYỄN VĂN HỌC

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người mê vịt