Ngôi nhà ngột ngạt

31/05/2020 08:04

Mắt bà lại nhìn ra phía cánh cửa sắt đóng kín. Nhưng hình như bà nhìn xa hơn thế, cánh cửa kia không thể nào cản được những tươi xanh trong ký ức của bà.



Mùa hè Nu quanh quẩn ở nhà với bà. Bà đã hơn tám mươi tuổi, lưng còng, tóc trắng, mắt mờ. Bà chậm chạp, biết không thể đuổi theo đứa cháu đang tuổi ăn, tuổi nghịch nên chấp nhận bị nhốt tịt trong nhà. Nhà gần đường, không rào che chắn. Nhiều lúc nghĩ đến cảnh tượng một đứa nhỏ chạy ào ra đường giữa luồng xe cộ lao tới là bố mẹ Nu thấy rùng mình. Nhà dùng cửa cuốn. Khi đi làm bố mẹ Nu chỉ để hé chút xíu cho nhà đỡ tối tăm. Quả bóng Nu đá mạnh cỡ nào thì cũng chỉ chạm đến cửa là dừng. Đống đồ chơi chỉ khiến thằng nhỏ háo hức được mấy hôm đầu rồi lại bỏ một xó. Chiếc điện thoại mẹ dúi cho Nu trước khi đi làm trở thành thú vui níu chân một đứa trẻ khỏi những trò nghịch dại. Ngón tay Nu lướt trên màn hình rồi dừng lại xem một chương trình gì đó. Nu lấy ngón tay gẩy một cái, chấm một cái là thấy “xin chào các bạn”. Các bạn nhỏ đóng đủ trò công an, bác sĩ, phù thủy, lính cứu hỏa… Nu thích mê, thỉnh thoảng lại cười khanh khách một mình. Mê nhất là video các bạn nhỏ đi ra đồng bắt cua, hun dế, săn chuột đồng, xem chuồn chuồn ớt. Đối với Nu những cảnh ấy xa lạ như là ở một thế giới khác.

Ngay sau nhà Nu là một cánh đồng còn lại của thị xã đâu có thiếu cào cào, châu chấu, cua đồng. Những đêm mưa ếch nhái kêu ộp oạp vọng vào nhà. Nu ao ước một lần được lội bùn bì bõm. Nhưng đâu có ai giúp Nu thực hiện điều ước ấy. Bố mẹ lúc nào cũng bận rộn từ sáng đến đêm. Bà nội thì già rồi, đôi chân run lẩy bẩy, không thể dẫn Nu ra đó được.

- Bà ơi, sao tối nào cháu cũng nghe thấy tiếng dế kêu?

- À, chúng gọi bạn đấy.

- Những con dế cũng cần có bạn mới vui. Vậy mà cháu không có ai chơi cùng cả.

- Ôi thằng cháu bé bỏng của bà. Cháu còn có bà mà.

Sau khi buông chiếc điện thoại khỏi tay, bé Nu dụi đôi mắt nhức mỏi nhìn lên trần nhà trắng toát. Chiếc quạt trần quay ù ù cả ngày. Thằng nhỏ đưa mắt tìm bà. Nãy giờ nó bỏ quên bà ngồi trên chiếc ghế mây đã cũ, nhìn đăm đăm vào vệt nắng lọt qua khe cửa sau nhà.

- Đó là nắng từ cánh đồng rọi vào đấy cháu à. Bà ngửi thấy mùi của bùn đất, lúa non.

- Hay quá bà nhỉ. Nắng cũng có mùi hả bà?

- Có chứ cháu. Nắng chợ khác nắng sông. Nắng vườn nhà khác nắng ngã ba, ngã bảy. Nắng của tuổi già khác nắng của trẻ con đấy cháu à.

- Vậy là nắng cũng có tuổi đúng không bà?- bé Nu ngạc nhiên hỏi.

- Không đâu cháu. Nắng vẫn thế thôi nhưng nắng qua đôi mắt của bà và cháu khác nhau ít nhiều đấy. Bà giờ nhìn đâu cũng thấy nắng của ngày xưa. 

- Vậy lúc nắng của bà ngày xưa có mùi gì ạ?

- À! Mùi cơm gạo mới, tép kho tương và mùi của những củ khoai vùi dưới lớp tro nóng.

- Thích thật. Cháu thấy tuổi thơ của bà thật là nhiều hương vị.

Nu ngồi bệt xuống đất, ôm lấy chân bà. Nhắc đến hương vị thằng bé nhớ ngay đến mùi mỳ tôm mẹ pha mỗi sáng. Một quả trứng, vừa tiện vừa nhanh. Nu nhớ cảm giác buồn nôn đầy ứ lên tận cổ. Theo lời bà, Nu từ từ nhắm mắt lại. Nu như ngửi thấy mùi lúa non dìu dịu trong cánh mũi.  Bà nói nhanh thôi lúa sẽ chín, khi người ta thu hoạch rồi cánh đồng khi đó chỉ còn trơ gốc rạ. Những con cào cào dần cũng bỏ đi. Làm sao để Nu có thể ra đồng chơi vào mùa gặt nhỉ? 

- Xuống đồng chơi ấy à? Dưới đó chẳng có gì đâu.

- Nhưng con chưa được xuống đó bao giờ. Bà từng bảo cả tuổi thơ của bố được chạy nhảy trên cánh đồng làng. Bố mải chơi, ngày nào bà cũng phải cầm roi đi tìm về. Vậy mà giờ bố bảo cánh đồng chẳng có gì. So với ngày xưa thì mọi thứ bây giờ đều khác.

Nu mang câu nói của bố đi hỏi bà. Bà xoa đầu thằng cháu nhỏ, bỏm bẻm cười:

- Chỉ có bố cháu là khác xưa thôi. 

- Thế ngày xưa bố cháu là người thế nào?

- Hệt như cháu bây giờ. Thơ ngây và háo hức. Đến một độ tuổi nào đó con người ta sẽ bớt dần đi cái háo hức với đời. Cơm áo gạo tiền, đủ thứ bon chen khiến người ta mệt mỏi.

- Thế thì làm người lớn chẳng có gì vui bà nhỉ?

- Có chứ. Ai rồi cũng phải trưởng thành. Mỗi một tuổi đều cho chúng ta nhiều trải nghiệm. Nhưng cái háo hức ấy không phải ai cũng giữ được đâu.

Mắt bà lại nhìn ra phía cánh cửa sắt đóng kín. Nhưng hình như bà nhìn xa hơn thế, cánh cửa kia không thể nào cản được những tươi xanh trong ký ức của bà. Bà từng nói lúc chân còn khỏe, mắt còn tinh người ta bận rộn với những điều tồn tại ngay trước mắt. Chỉ khi về già, ngồi yên một chỗ, nhìn cái gì cũng mờ mờ ảo ảo như bà thì thế giới xa xưa mới bắt đầu trỗi dậy. Chúng hiển hiện rõ nét đến mức bà có thể cảm nhận được sự trong lành, mát mẻ trên tán sấu non sau ngôi nhà tường đất. Bà ngồi bóc sắn, cắt ra từng khúc nhỏ để chuẩn bị hấp cơm. Các con bà chạy từ ngoài vườn vào đứa cái rổ, đứa cái xẻng con mang xuống mương đãi hến. Mương nước trước nhà, nước trong veo, róc rách chảy bốn mùa. Mâm cơm chỉ cần bát tép kho tương, bát canh rau dại hái ngoài đồng là cả nhà quây quần, vui vẻ. Cơm độn khoai, độn sắn chia nhau đến lớp cháy đáy nồi. Tối đến cả nhà nằm ôm ấp nhau trên chiếc giường chật chội. Những hôm mưa nhà dột tứ tung, bố thằng Nu tìm xô chậu chạy quanh nhà hứng nước. Bà đã đi qua cái đói kém, cơ hàn cũng bởi vì ánh mắt trong veo của các con nhìn đâu cũng thấy vui. 

Ngày ấy nhà không có cửa, ánh trăng hắt vào tận đỉnh màn. Có hôm thức giấc lúc nửa đêm bà thấy các con mình rủ nhau ra vườn lúi húi soi đèn tìm bắt dế. Đêm ngủ không phải lo trộm cắp. Chẳng nhà nào giàu hơn nhà nào, của nả đâu có gì ngoài bộ nồi méo mó nấu cơm, chiếc xe đạp khô dầu hoen gỉ, trên chạn bát cái nào cũng sứt. Cũng vì thế người ta sống mà không phải đề phòng nhau. Ngày ấy nhà cách nhà cả một vườn cây, mà lúc ngồi vo gạo ngoài thềm giếng còn nói chuyện với sang nhau. Người năm xưa giọng vừa vang vừa ấm. Bây giờ người ta quen thầm thì to nhỏ. Người trong nhà còn không nghe được tiếng của nhau. Nếu không có bé Nu trong căn nhà này thì bà chỉ có thể nghe thấy từng tiếng thở già nua yếu ớt của chính mình. Tiếng thủ thỉ nỉ non của con dâu nói qua điện thoại với một người đàn ông nào đó. Những lời ngọt ngào tử tế dành hết cho người ngoài. Vợ chồng chúng nói với nhau bằng những lời cục cằn, thô lỗ. Có lẽ cũng vì thế mà nhà cần kín cổng cao tường để nhốt chặt bao nhiêu hằn học. Các con bà chỉ chỉn chu, tươi cười khi bước ra đường. Tội nghiệp bé Nu, nó chỉ được nhìn thấy cái phần cục cằn nhất của bố mẹ mình. Rồi nó sẽ lớn lên thế nào trong căn nhà thiếu vắng tiếng cười. Bà cứ tưởng đời mình đã thoát nghèo. Có ai ngờ khi cái nghèo vật chất đi qua thì cái nghèo tâm hồn ập đến. Thà ăn bát cơm độn, mặc áo vá vai, đêm ngủ ngắm trời qua lỗ hổng mái nhà mà lòng vui thì vẫn thấy cuộc đời đáng sống. À mà cũng có thể là do bà lẩm cẩm quá rồi…

Nu đã chán dán mắt vào điện thoại. Thằng nhỏ nằm vật xuống nền nhà, mắt nhìn chiếc quạt trần quay tít. Nó lại nhớ đến mùa hè năm xưa, nghe tin ông nội yếu, cả nhà về quê. Ông nằm đã mấy ngày không ăn uống vậy mà vừa thấy Nu về là cố gượng dậy. Ông đòi mọi người dìu ra ngoài sân ngồi tỉ mẩn làm cho cháu một chiếc chong chóng giấy. Sân nhà ông nhiều gió, chong chóng quay tít hệt như chiếc quạt trần. Bà ngồi bên cạnh ông nhìn Nu cầm chong chóng chạy quanh sân, cười nhăn nheo khóe mắt. Đêm ấy ông đi trong giấc ngủ, nhẹ như chiếc lá rơi. Bà để lại căn nhà nhỏ và mảnh vườn quê theo con cháu lên thành phố ở. Nu mang theo bên mình chiếc chong chóng ông làm. Mùa hè năm ấy vừa đẹp cũng vừa buồn trong tâm trí của Nu. Bắc ghế lấy chiếc chong chóng từ trên đỉnh giá sách, Nu dắt bà lên tầng hai mở toang cửa sổ chìa chiếc chong chóng ra ngoài. Gặp gió ào đến chong chóng quay tít bung từng hạt bụi li ti lấp lánh trong ánh nắng chiều.

- Bà thấy có đẹp không ạ?

- Đẹp lắm cháu à.

- Nhưng sao bà nhắm mắt mà vẫn nhìn thấy đẹp?

- À, là bà thấy hình ảnh chiếc chong chóng đang quay trong ký ức. Thấy ông ngồi bên cạnh bà mặc chiếc áo màu gụ. Bàn tay ông nhăn nheo khẽ run lên khi bám vào thành ghế. Đôi tay ấy suốt một đời lam lũ lo cho gia đình. 

- Khi nào thì cháu nhắm mắt lại cũng có thể nhìn thấy được mọi thứ như bà?

- Đơn giản thôi cháu à. Khi tâm trí hướng về điều gì đó thì cháu sẽ luôn nhìn thấy nó. Nhưng nhìn thấy không phải điều quan trọng. Quan trọng là cháu nhìn thấy được điều gì. Bà chỉ mong cháu luôn nhìn thấy những điều tốt đẹp.

Nu ước gì được như cánh chong chóng, vươn ra khỏi cửa sổ và mọi sự tù túng nơi đây để thỏa sức vui đùa cùng gió. Nu sẽ thả diều, đá bóng, chạy theo những cánh chuồn chuồn trên bãi cỏ may. Mẹ hứa “cuối tuần này sẽ cho con đi bơi”. Bố hứa “hôm nào nghỉ sẽ dẫn con ra bờ sông câu cá”. Nhưng rất nhiều cuối tuần đã trôi qua, mẹ bước ra khỏi nhà với mùi hương nước hoa nồng nặc. Bố không nhớ đến lời từng hứa vì sáng nào cũng bị những cuộc điện thoại kéo đi. Nu thở dài ngửa cổ nhìn những đám mây trắng xốp trên trời. Bất chợt ngó sang ngôi nhà đối diện cách vài ô đất cỏ mọc um tùm, Nu thấy một cậu bạn cũng đang đứng nhìn trời qua ô cửa. Nu thò tay ra ngoài vẫy vẫy, nhoẻn cười.

Khi kỳ nghỉ hè sắp kết thúc thì bà cũng từ bỏ cõi trần để đi theo ông. Nu nhớ mãi hình ảnh bà ngồi trên chiếc ghế bành mặt hướng về vệt nắng hắt qua khe cửa. Nu ngắm nhìn khuôn mặt bà rất lâu cứ ngỡ đó chỉ là một giấc ngủ ngon lành. Nắng chiếu lên đuôi mắt nhăn nheo của bà rất dịu dàng. Mãi đến khi bà đã nằm dưới tầng đất lạnh lẽo nơi quê nhà, Nu vẫn tin bà chỉ là đang nhắm mắt lại để nhìn thấy những điều tốt đẹp hiện về từ ký ức. Bố nói “bà đã đi gặp ông”. Nu thì nghĩ ông bà chưa bao giờ chia cách. Như là Nu vẫn thấy bà ở đây, đâu đó trong căn nhà cũ. Bà về theo những hạt nắng vàng, theo luồng gió khẽ mơn man trên da thịt của Nu. Căn nhà cũ lâu không có người ở giờ ấm khói hương. Mảnh vườn xưa lâu không có người chăm nhưng lá vẫn xanh, chim vẫn hót. Nu ngồi ngoài hiên nhà thử nhắm mắt lại và chợt thấy rất nhiều hình ảnh đẹp đẽ ùa về lấp lánh. Tối đó Nu ngửi thấy hương hoa cau rụng ngoài sân phơi mình dưới ánh trăng mềm mịn. Mẹ bảo:

- Ở quê lắm muỗi thật. Đường sá tối tăm, cuộc sống buồn tẻ và thiếu thốn đủ đường. Vậy mà chẳng hiểu sao lúc còn sống bà cứ muốn về đây.

- Con thì thấy ở quê thật dễ thở, chẳng ngột ngạt như ở nhà mình.

- Mẹ thấy đâu có ngột ngạt gì. Nhà mình rộng, cửa sổ dọc hai bên, gió trời thông thoáng vậy cơ mà.

- Bà từng nói với con “cửa nhiều mà làm gì khi cánh nào cũng đóng. Nhà rộng mà làm gì khi người thân thưa thớt nói cười”. Mẹ thấy bà nói có đúng không?

Nu không nhìn mẹ, ngước lên trời đã thấy vầng trăng lẩn vào mây. Bà chắc cũng đang cùng ông ngắm trăng và thủ thỉ chuyện trò...

Truyện ngắn của VŨ THỊ HUYỀN TRANG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngôi nhà ngột ngạt