Món quà bất ngờ

20/11/2020 11:46

Đang mê mải cắm lọ hoa để đón một ngày đặc biệt, tôi bất ngờ bởi tiếng chào vọng từ ngoài cửa: “Em chào cô ạ!”. Tôi nheo mắt nhìn ra, dù chưa thể nhận ra được người vừa chào nhưng giọng nói ấy nghe quen lắm.



Đang mê mải cắm lọ hoa để đón một ngày đặc biệt, tôi bất ngờ bởi tiếng chào vọng từ ngoài cửa: “Em chào cô ạ!”. Tôi nheo mắt nhìn ra, dù chưa thể nhận ra được người vừa chào nhưng giọng nói ấy nghe quen lắm. Chàng thanh niên tay ôm bó hoa tươi dắt theo một cô gái xinh đẹp, mặc chiếc đầm màu đỏ ùa vào, hồ hởi:

- Cô ơi! Cô còn nhớ em không? Mười lăm năm rồi cô nhỉ?

Tôi lặng người trong giây lát, cảm xúc bỗng vỡ òa thành niềm vui:

- Ôi! Thuận, Lê Văn Thuận! Trời ơi! Cô làm sao mà quên được em.

Thuận trao bó hoa cho tôi và chỉ vào cô gái giới thiệu: “Thưa cô, đây là Ha-na, bạn gái của em ạ!"

Ha-na cúi gập người chào tôi và mỉm cười:

- Anh Thuận đã kể cho em nghe rất nhiều điều về cô. Anh ấy trưởng thành như ngày hôm nay là nhờ công lao của cô đó ạ!
Tôi ngỡ ngàng vì cô gái người Nhật nói tiếng Việt rất sõi. Thuận giải thích:

- Ha-na là cô giáo dạy tiếng Anh ở Nhật cô ạ. Nhờ Ha-na mà em nói tiếng Nhật thành thạo như người Nhật, còn em giúp Ha-na học tiếng Việt - giọng Thuận chùng xuống - Các bạn thỉnh thoảng được gặp cô, còn em… hơn chục năm rồi em mới dám đến thăm cô. Nhiều khi nhớ lại em vẫn thấy rất xấu hổ với cô.

Trước mặt tôi bây giờ là một chàng trai chững chạc, ăn nói điềm đạm chứ không còn vẻ cấc lấc của một học sinh từng bị liệt vào hàng cá biệt. Trong thời khắc hội ngộ ấy, bao nhiêu kỷ niệm vui buồn đọng lại nơi ký ức bỗng ùa về trong tôi…

Ngày ấy, vừa tốt nghiệp Đại học Sư phạm, tôi về công tác ở một trường cấp 3 bán công ngay tại huyện nhà, vừa dạy môn văn vừa làm công tác chủ nhiệm. Dù học sinh bán công nhiều em rất nghịch ngợm nhưng tôi may mắn được giao chủ nhiệm lớp C - lớp theo ban xã hội nên số học sinh nam chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đa số học sinh là nữ, dễ bảo hơn các lớp khác rất nhiều. Ngay khi tiếp nhận lớp, tôi điều tra lý lịch của từng học sinh để nắm bắt hoàn cảnh của các em. Ngoài phối hợp với Ban quản sinh, với giáo viên bộ môn, tôi thường xuyên liên lạc với phụ huynh nên công tác chủ nhiệm đối với tôi trở nên nhẹ nhàng. Khoảng cách tuổi tác giữa cô và trò không xa nên học trò rất gần gũi, hay chia sẻ hoặc nhờ tôi “quân sư” cho từ việc nhỏ đến việc lớn.

Nhưng đến năm thứ ba thì có một biến cố xảy ra. Thuận là học sinh cá biệt, bị lưu ban được Ban giám hiệu xếp vào lớp tôi chủ nhiệm. Thầy hiệu trưởng gọi tôi lên văn phòng, nói lý do xếp Thuận vào lớp tôi: “Vì lớp C có nhiều con gái, nhiều em học giỏi, hy vọng cậu ta sẽ thay đổi theo chiều hướng tích cực”. Thầy còn động viên: “Tôi tin với sự khéo léo, vừa nghiêm khắc vừa nhẹ nhàng, mềm dẻo của cô, cô sẽ cảm hóa được học sinh cá biệt”.

Tôi bắt đầu nghiên cứu lý lịch của Thuận: bố làm thợ xây, mẹ buôn bán, một anh trai làm nghề tự do. Lớp 10, Thuận đạt học lực giỏi nhưng hạnh kiểm khá, lớp 11 đạt học lực trung bình và hạnh kiểm cũng trung bình, lớp 12 Thuận bị nhà trường kỷ luật vì rất nhiều lỗi: mất trật tự và hay làm việc riêng trong giờ học, không ghi chép bài, bỏ thi học kỳ, hút thuốc lá trong trường, vô lễ với bảo vệ, đánh nhau... Tôi cảm thấy lo lắng. Hỏi chuyện thầy Phú - giáo viên chủ nhiệm năm trước của Thuận thì thầy liên tục lắc đầu xua tay: “Lê Văn Thuận hả, tôi hết thuốc chữa rồi. Đến bố mẹ cậu ta còn bất lực thì mình giáo dục làm sao được". Lòng tôi có chút hoang mang nhưng vẫn tự tin vào khả năng cảm hóa học sinh cá biệt của mình.

Ngày đầu tiên bước vào lớp C, Thuận được tôi xếp ngồi bàn đầu theo nguyện vọng của mẹ em để các thầy cô giáo dễ theo dõi và quản lý. Không ngờ cậu ta phản ứng lại ngay: “Em không ngồi bàn đầu. Em cao nhất lớp, em mà ngồi bàn đầu sẽ che mất bảng của các bạn ngồi sau”. Tôi sẵng giọng: “Vậy em thích ngồi chỗ nào?”. Thuận ôm cặp đi thẳng xuống cuối lớp. Suốt tiết học văn hôm đó, Thuận chăm chú nghe tôi giảng bài nhưng đến khi tôi kiểm tra vở thì cậu ta chỉ ghi đề mục. Tôi yêu cầu Thuận chép phạt 5 lần nộp cho tôi vào tiết văn sau nhưng Thuận không nộp. Hỏi lý do thì Thuận lý sự: “Sao cô cứ bắt em phải chép bài? Chép phạt làm gì cho mất thời gian. Miễn là em nắm bắt đầy đủ những gì cô giảng là được chứ, thưa cô?”. Trước cả lớp, Thuận trình bày đầy đủ những nội dung cơ bản mà hôm trước tôi giảng làm tôi hết sức ngỡ ngàng.

Gặp riêng Thuận, tôi khích lệ: “Em là một học sinh có trí nhớ tốt, thông minh nhưng không nên học hành tài tử. Em đã lỡ mất một năm so với các bạn rồi, chỉ còn một năm học này để em cố gắng nữa thôi. Đừng làm bố mẹ buồn lòng nữa, Thuận à!”. Thuận không nói gì, hai mắt cậu ta lảng đi nơi khác.

Để các bạn trong lớp không ác cảm với Thuận, tôi cử em làm lớp phó lao động. Không ngờ Thuận đứng phắt lên: “Em không làm lớp phó lao động. Cô có cho em làm lớp phó học tập thì em làm”. Cả lớp ồ lên kinh ngạc. Tôi băn khoăn một hồi rồi quyết định: “Cô đồng ý nhưng với điều kiện là hết học kỳ I em phải đạt học sinh tiên tiến trở lên”. Cả lớp cũng vui vẻ nhất trí với điều kiện tôi đặt ra. Từ đó Thuận tiến bộ rõ rệt, nhất là môn ngoại ngữ.

Chỉ còn đúng một tuần nữa thì sơ kết học kỳ I vậy mà Ban quản sinh của nhà trường bắt quả tang Thuận bỏ tiết học, hút thuốc lá, đánh bạn. Kết quả là Thuận bị đuổi học một tuần và xếp hạnh kiểm trung bình. Dù học lực khá nhưng Thuận không đạt học sinh tiên tiến. Tự rút lui khỏi chức lớp phó học tập nhưng cũng từ đó cậu ta bất mãn ra mặt. Thuận nghĩ vì tôi mà Thuận không được làm lớp phó học tập nữa. Vì tôi mà cả lớp ghét cậu ta. Cái cách mà Thuận “trả thù” tôi khiến cả lớp rất bất bình. Đầu tiên là Thuận lẻn vào nhà xe giáo viên, dùng lưỡi dao lam rạch nát lốp và săm xe đạp của tôi. Tôi báo bảo vệ phục kích nhưng đến lần thứ ba thì Thuận mới bị bắt quả tang. Tôi xin Ban giám hiệu cho tôi bảo lãnh Thuận lần này để tìm hiểu rõ nguyên nhân. Thực ra trong lòng tôi cũng đoán được Thuận làm như vậy cho bõ tức. Tôi dự tính sẽ kiểm điểm việc Thuận rạch lốp xe của tôi trước tập thể lớp vào giờ sinh hoạt để răn đe chung nhưng vừa bước vào lớp thì tiếng hô đồng thanh vang lên: “Chúc mừng sinh nhật cô!”. Tôi đứng sững lại trước một tràng pháo tay vang dội. Trên bảng là hàng chữ nắn nót: “12C happy birthday to you!”. Đến lúc này tôi mới nhớ ra hôm nay là sinh nhật mình. Lớp trưởng Nhung mang bó hoa hướng dương trao cho tôi: “Cô ngạc nhiên lắm phải không cô? Chỉ còn mấy tháng nữa là chúng em xa cô rồi nên chúng em muốn đem lại cho cô thật nhiều niềm vui!”.

Tôi chưa kịp nói lời cảm ơn cả lớp thì các em thi nhau giục: “Cô nhắm mắt vào và ước đi cô!”. “Cô để em ước hộ cho. Em ước cô mau mau lên xe hoa cho bọn em ăn cỗ”. “Cô thổi nến đi cô!”. “Cô cắt bánh đi, cô ơi!”. Tôi vừa cắt bánh xong, Thuận đi từ cuối lớp lên, chẳng nói chẳng rằng, dùng hai bàn tay thọc vào chiếc bánh ga tô ba tầng, quệt lên mái tóc dài đen ánh của Nhung. Không kịp chống đỡ, tóc Nhung bê bết bánh kem màu trắng. Trong giây lát, chiếc bánh ga tô biến thành vũ khí để đám học trò trát lên mặt, lên tóc nhau. Kinh ngạc, tôi quát: “Dừng lại! Các em làm gì vậy?”. Bao nhiêu niềm vui ban đầu tan biến, thay vào đó là nỗi uất nghẹn trào lên trong cổ họng. Nước mắt tôi chảy ra không thể kiềm chế được. Tôi bỏ ra ngoài hành lang lớp học vì không muốn học trò nhìn thấy mình khóc. Những tiếng xì xầm nho nhỏ vẫn lọt qua tai tôi: “Ra xin lỗi cô đi Thuận, ra đi…”. Nhưng Thuận không hề xin lỗi tôi. Hôm đó, chỉ mình Thuận về trước còn cả lớp ở lại lau chùi bàn ghế, phòng học sạch sẽ mới ra về.

Sau khi trát bánh ga tô lên tóc Nhung thì Thuận nghỉ học không lý do. Tôi quyết định đến thăm nhà Thuận mà không mời phụ huynh của em đến trường gặp tôi như những lần trước để tìm hiểu nguồn cơn. Nhà Thuận ở một xã giáp đê, trong lớp không có ai cùng xã với Thuận. Trời rét kèm mưa phùn rả rích làm đường sá thưa vắng hẳn. Con ngõ nhỏ dẫn vào ngôi nhà ba gian lợp ngói nhầy nhụa bùn đất. Nhà Thuận là ngôi nhà cuối cùng của con ngõ hẹp đó. Tôi xuống dắt xe, quần xắn quá đầu gối, vừa đến đầu sân đã nghe tiếng bát đĩa loảng xoảng: “Này thì học này, này thì ăn này, cho chúng mày nhịn hết”. Đó là tiếng bố Thuận, người đàn ông nghiện rượu đã hơn chục năm nay. Làm thợ xây ít việc nên ông nghỉ ở nhà suốt. Lúc nào bố Thuận cũng phải có chai rượu trắng bên cạnh để uống cho đỡ... nhạt miệng. Một mình mẹ Thuận lăn lộn buôn thúng bán mẹt ở chợ cóc của làng, tằn tiện cũng đủ tiền rau mắm hằng ngày. Anh trai Thuận đi làm thuê trên thành phố, thi thoảng mới về thăm nhà, giúi cho mẹ ít tiền nộp học cho Thuận. Nghe tôi giới thiệu mình là cô giáo chủ nhiệm của Thuận, bố Thuận khoát tay: “Không có giáo với xào gì hết. Cô về đi, tôi cho nó nghỉ luôn rồi”. Nhìn tôi tím tái mặt mày, mẹ Thuận không nghĩ rằng vì tôi vừa đạp xe một quãng đường dài trong mưa gió mà nghĩ vì tôi sợ hành động, lời nói của bố Thuận nên bà tiễn tôi ra tận ngoài ngõ mới dừng lại giãi bày. Nước mắt bà ứa ra cùng những lời năn nỉ: “Cô ơi! Cô vất vả vì thằng Thuận quá. Hoàn cảnh nhà tôi như thế. Thằng Thuận là một đứa thông minh nhưng ương bướng. Bố nó say rượu, suốt ngày chửi bới thì nó học làm sao được. Mấy hôm nay ông ấy cứ bắt nó nghỉ học cho đỡ tốn tiến. Nó bất mãn nhiều chuyện trong gia đình nên cứ trượt dài. Cô thương nó với cô ơi! Nó đang ở bên ngoài để tránh những trận đòn roi vô cớ của bố nó. Nhất định tôi sẽ gọi nó về để nó tiếp tục đi học”. Những gì mẹ Thuận nói cứ ám ảnh tôi suốt quãng đường về nhà.

Hôm sau Thuận đến lớp với một bên mắt sưng húp, tím bầm. Tôi gọi Thuận ở lại sau buổi học, nhẹ nhàng động viên: “Em phải cố gắng lên, năm học sắp kết thúc rồi. Mắt em có đau lắm không?”. Thuận vùng vằng: “Em không làm sao. Cô cứ mặc kệ em!”. Chưa bao giờ Thuận nói chuyện với tôi một cách thoải mái. Điều khó khăn nhất đối với tôi lúc này là làm thế nào để Thuận có thể tin tưởng và mở lòng, chia sẻ. Nhìn Thuận lủi thủi ra về, tôi thấy thương em hơn là giận.

Chỉ còn hai tuần nữa là kỳ thi tốt nghiệp sẽ diễn ra thì lớp 12C xảy ra việc bất ngờ. Toàn bộ số tiền mà thủ quỹ Vân thu để chuẩn bị cho buổi liên hoan cuối năm bỗng dưng “không cánh mà bay”. Tôi không ngờ thủ phạm chính là Thuận. Hội đồng kỷ luật họp trước kỳ thi tốt nghiệp đúng chục ngày. Thuận khóc nức nở, gọi tôi ra ngoài, năn nỉ: “Cô ơi! Em biết lỗi rồi. Cô hãy giúp em một lần này nữa thôi. Em sẽ biết ơn cô suốt đời”. Tôi vẫn lặng thinh. Thuận vừa lau nước mắt vừa nghẹn ngào: “Cô ơi! Anh trai em bị nghiện. Để có tiền đưa anh đi cai nghiện em đã dại dột… Cô ơi! Bây giờ mẹ chỉ còn hy vọng vào một mình em thôi. Cô ơi! Em sẽ trả lại cho lớp toàn bộ số tiền mà em đã lấy… Em xin cô giúp em”. Tôi thấy xót xa cho hoàn cảnh của em và trước Hội đồng kỷ luật hôm đó, tôi đã đứng lên trình bày tất cả những điều mà tôi biết về Thuận, về gia đình em, mong hội đồng xem xét trước khi quyết định tương lai của một học sinh như Thuận. Những lời thầy Hiệu trưởng kết luận hôm đó đến giờ vẫn văng vẳng trong tâm trí tôi: “Nhà trường luôn đề cao mục tiêu đức dục, lập ra Hội đồng kỷ luật là để giáo dục học sinh chứ không nhằm mục đích đuổi học. Hôm nay em Lê Văn Thuận đã biết lỗi và muốn sửa chữa lỗi lầm thì nhà trường vẫn cho em một cơ hội. Nhưng ngày mai, chúng tôi tin tưởng và hy vọng khi ra trường đời, em sẽ không tái phạm nữa. Em phải biết nỗ lực vươn lên để sống có ích cho xã hội”…

Từ khi ra trường, Thuận không liên lạc với tôi nhưng tôi vẫn dõi theo từng bước trưởng thành của em. Sau khi đỗ đại học ngành du lịch, Thuận đã giành được một suất học bổng đi du học ở Nhật. Sau những năm tháng miệt mài học tập và lao động nơi xứ người, Thuận đã giúp mẹ trang trải các khoản nợ nần, giúp anh trai cai nghiện, giúp bố chữa bệnh và mở một cửa hàng sửa xe. Hơn nữa, Thuận còn tìm được “một nửa” của cuộc đời mình. Giờ đây, Thuận chìa tấm thiệp hồng ra trân trọng mời tôi đến dự lễ thành hôn của em và Ha-na, Thuận cứ nhắc đi nhắc lại: “Nhất định cô đến chung vui với chúng em cô nhé!”. Thuận hào hứng: “Hôm đó lớp mình họp lớp luôn cô ạ! Chúng em sẽ báo cáo thành tích với cô”. Tôi vui vẻ nhận lời bởi đó là món quà bất ngờ đầy ý nghĩa mà học trò cũ dành tặng tôi nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.

Truyện ngắn của TRẦN THÚY LÀNH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Món quà bất ngờ