Duyên Na Hang

07/01/2023 08:25

Người ông lâng lâng như đi trên mây. Chuẩn bị lo việc lớn cho thằng Lộc, ông vui lắm.



Suốt đêm qua, ông Lợi hầu như không chợp được mắt lúc nào. Người ông lâng lâng như đi trên mây. Chuẩn bị lo việc lớn cho thằng Lộc, ông vui lắm. Tuổi ông, làng này họ đã có cháu nội, cháu ngoại cả rồi, vậy mà ông vẫn chưa gì. Có hai đứa con thì thằng Lộc đang tại ngũ, cái Hiền đang học năm cuối đại học. Suýt soát ba mươi tuổi rồi, sĩ quan hẳn hoi, đẹp trai cao ráo, thế mà thằng Lộc nhà ông khó lấy vợ đáo để. Mỗi lần nó về, ông bà giục nó chuyện này, nó chỉ cười trừ. Thế mà, lần này về, nó bảo đã có bạn gái và xin phép ông lên thưa chuyện với nhà người ta để chuẩn bị lo chuyện cưới xin cho nó. Nhà người yêu nó ở Na Hang, đúng chỗ ông công tác ngày xưa. Thế là cả đêm ông trằn trọc vì mừng, vì những kỷ niệm thời công tác của ông nơi đây cứ ào ạt hiện về.

Năm đó, thi công thủy điện Na Hang, công ty ông là đơn vị chủ công. San đồi, bạt núi, đắp đập, ngăn sông, cả một vùng rừng núi đang ngủ yên như bị đánh thức. Công trường nhộn nhịp tiếng máy reo. Trong ban chỉ huy công trường, ông Lợi phụ trách mảng di dân tái định cư. Vừa phải lo xây dựng khu dân cư mới, vừa phải làm công tác tuyên truyền vận động bà con chuyển đến khu ở mới. Công việc ngập đầu ông. Lãnh đạo chính quyền, đoàn thể địa phương vào cuộc quyết liệt. Tiến độ thi công thuận lợi. Ngày ngăn sông cũng sắp đến. Chỉ vài hôm nữa thôi con sông Gâm xanh trong hiền hòa kia sẽ bị chặn lại. Vậy mà, ở cái bản ấy còn đúng nhà ông Tảo không chịu di dời.

Đã có ý kiến là phải thi hành cưỡng chế. Ông Lợi băn khoăn lắm. Làm vậy thì nhanh nhưng là hạ sách. Suốt từ ngày khởi công đến giờ mọi việc đều tốt đẹp cả, giờ vì một việc này mà ồn ào lên thì đâu có hay? Ông đề xuất với ban giải phóng mặt bằng để ông thử cố vận động một lần nữa xem sao? Lãnh đạo đồng ý. Ông Lợi đã cùng cán bộ xã xuống ở nhà ông Tảo mấy ngày đêm liền và biết được, ông ấy không chịu di dời là vì ngôi mộ tổ của dòng họ. Ngôi mộ này nằm ở bìa rừng ngoài nghĩa trang của bản. Nếu ở nghĩa trang bản thì nó không thuộc diện phải di dời nằm trên ranh giới mực nước hồ sau này. Ông Lộc đã phân tích những điều hơn lẽ thiệt, cả về phần tâm linh, tình cảm nữa cho ông Tảo. Ông mời ông Tảo thăm khu tái định cư, khơi gợi truyền thống cách mạng của gia đình ông ấy. Ngày xưa, nhà ông Tảo trong vùng ATK, bố mẹ ông ấy đã ủng hộ kháng chiến như thế nào, là gương sáng của bản làng ra sao. Nay tới sự nghiệp kiến quốc, xây dựng đất nước, lẽ nào ông lại đứng ngoài cuộc, lại không ủng hộ? Cuối cùng, ông Tảo cũng nghe ra và đồng ý di dời. Nhờ đó mà ngày ngăn sông được thực hiện đúng kế hoạch. Hơn năm sau, công trình nhà máy thủy điện khánh thành, hòa lưới điện quốc gia cũng là lúc ông Lợi cầm quyết định nghỉ hưu. Thế mà cũng đã gần chục năm rồi. Lần này, xong việc thằng Lộc, nhất định ông sẽ ghé thăm nhà máy thủy điện Na Hang, thăm ông Tảo và khu tái định cư ngày ấy nữa. Mấy năm rồi, ông đã định lên đó nhưng vì có dịch Covid-19 nên đành chịu. Lần này thì nhất cử lưỡng tiện. Thăm “chiến trường” xưa, thăm bạn cũ, lo việc hạnh phúc trăm năm cho con và du lịch luôn thể.

Đường sá bây giờ tốt thật. Từ Hải Dương, theo cao tốc Hải Phòng - Hà Nội, rồi Nội Bài - Lào Cai, qua thị xã Phú Thọ rẽ lên Tuyên Quang gần hai trăm cây số nữa xe cứ chạy bon bon. Quang cảnh hai bên đường khác thời ông còn đang công tác quá. Nhà cửa phố xá mọc lên san sát. Thành phố Tuyên Quang bên bờ sông Lô hiện đại và thơ mộng. 

Tới cây 31, xe rẽ vào Chiêm Hóa, Na Hang. Đây là địa bàn xưa ông Lợi công tác. Ký ức được dịp hiện về. Ông mải mê ngắm nhìn quang cảnh hai bên đường. Nhiều đoạn ông không nhận ra nữa. Nhiều chỗ đã thành thị trấn, thị tứ. Rộn ràng lắm. 

- Ôi! Nhà máy thủy điện Na Hang kìa bố ơi!

Cái Loan, em của Lộc chỉ tay qua cửa kính reo to. Ông Lợi vội nhìn theo hướng tay con gái.

- Chà chà! Gần chục năm rồi nay mới có dịp trở lại.

Ông Lợi nhoai người lên ngó qua cửa kính. May ông ngồi bên trái nên nhìn khá rõ công trình. Chú lái xe biết ý cho xe chạy chậm lại. Dòng chữ Thủy điện Na Hang đập vào mắt ông Lợi. Người ông rạo rực hẳn. Kỷ niệm xưa hiện về. Ông thao thao nói với mọi người trên xe rằng ngày ấy thế nọ, chỗ ấy thế kia. Hôm đóng điện vận hành thử ra sao…

- Dứt khoát lúc về phải dừng chân vào thăm chúng nó tí mới được. Giờ phải lo việc chính đã.

Ông nói với mọi người. Trên xe ai cũng vui vẻ. Hình như họ quên mất việc đi dạm vợ cho Lộc, chỉ chăm chăm vào quang cảnh hai bên như đi du lịch vậy.

Đúng chín giờ, xe tới bến tàu thủy. Mọi người lục tục xuống xe. Trước mắt họ là hồ nước bao la trong xanh, là san sát các tàu du lịch. Ông Lợi quá ngỡ ngàng. Khác. Khác trước nhiều quá. Sầm uất, nhộn nhịp thật. Cứ như là Hạ Long, Tam Cốc, Bích Động vậy. Tất cả đang ngơ ngác, mê mải ngắm cảnh hồ thì có tiếng gọi:

- Anh Lộc! Em đây cơ mà!

Mọi người quay về phía cô gái. Cô ấy chạy tới chào mọi người. Lợi giới thiệu cô gái với bố và các bác, các chú. Loan chạy lại bên cô gái:

- Chị Trang! Em là Loan, em của anh Lộc đây. Chị đẹp hơn ở trên “phây búc” nhiều. Cả hồ Na Hang nữa. Đẹp quá ạ!

Hai chị em ôm chầm lấy nhau rối rít. Lần đầu tiên họ gặp nhau trực tiếp, thấy nhau ở ngoài đời còn thì toàn chit chat trên mạng.

Chợt nhớ ra nhiệm vụ, Trang bối rối:

- Cháu… cháu xin lỗi ạ. Bây giờ mời các bác xuống tàu để đến nhà cháu ạ. Anh Lộc! Giúp em mời bố và các bác cùng em Loan về nhà em đi. Bố mẹ em và cả nhà đang đợi đấy.

Mọi người lục tục xuống tàu. Lát sau, khi mọi người yên vị, chú lái nổ máy. Con tàu rẽ sóng ra khơi bám theo các tàu du lịch lúc nãy. Gió hồ, gió núi thổi tới mát rượi. Mọi người hít căng lồng ngực đón gió, cùng trầm trồ, say sưa ngắm cảnh. Thi thoảng, Loan nhảy cẫng lên chỉ trỏ, reo như trẻ con:

- Đẹp! Đẹp quá! Y như Hạ Long vậy. Sao lại có nơi đẹp mê hồn thế này cơ chứ?

Ông Lợi ngồi trầm tư ngắm nhìn cô con dâu tương lai đang ríu rít bên hai anh em thằng Lộc và cái Loan nhà ông. Dáng dấp được đấy. Khuôn mặt khả ái. Xinh xắn, dịu dàng. Nói năng từ tốn. Dạy văn à? Thế thì được. Nó sẽ cầm cương, điều chỉnh thằng Lộc. Nhu trị cương. Lạnh trị nóng, điều hòa cho nhau, bổ sung nhau là hợp ý trời đất. Đúng là duyên phận rồi.

Mấy người trong đoàn xúm vào hỏi Trang về hồ Na Hang. Trang hồn nhiên nói:

- Hồ Na Hang rộng khoảng tám nghìn ha các bác ạ. Nó mới được hình thành từ khi có thủy điện Na Hang. Hồ có nhiều ngóc ngách. Xung quanh là núi rừng. Đặc biệt, có nhiều ngọn núi đá nhỏ khi giữ nước làm đập thủy điện đã biến thành những đảo đá với rất nhiều hình thù kỳ thú khác nhau. Kia, các bác xem kìa! Cũng đầu rồng, trụ đá chống trời, cũng chọi gà, lư hương… Có kém gì Hạ Long đâu?

Tất cả trầm trồ. Đúng thế thật. Nước xanh, rừng xanh, trời xanh nữa. Không khí ở đây trong lành quá. Ông Lợi ngồi lặng yên nghe chuyện, thả tầm mắt ra xung quanh. Đẹp quá. Chẳng bù cho những năm tháng ông lặn lội nơi đây. Không biết khu tái định cư và lão Tảo bây giờ thế nào?

Chú tài công giảm ga cho tàu ghé sát con tàu du lịch cỡ lớn đang đậu ở bến có ngôi biệt thự rất đẹp bên hồ. Trang hớn hở:

- Cháu mời các bác lên nhà cháu ạ.

Trên bến, mấy người đang đứng đợi. Mọi người hồ hởi chào hỏi bắt tay nhau. Chợt có tiếng reo to:

- Ông Lợi! Phải ông Lợi không?

Ông Lợi giật mình nhìn người gọi mình. Trông quen quen. Ông ngẩn người cố nhớ xem là ai. Người kia vội bước tới:

- Tôi là Tảo đây. Ông ở nhà tôi mấy ngày mà không nhớ à?

- Trời! Ông Tảo! Nhớ rồi. Sao ông lại ở đây? Tưởng ở khu tái định cư cơ mà?

- Chuyện dài lắm. Tôi chuyển nhà về đây rồi. Nhà khu tái định cư tôi cho vợ chồng thằng cả nó ở. Hôm nay, lo việc con gái, tôi chủ trì mà.

- Thế ông là…

- Bố của cháu Trang. Còn ông…là…là…?

Ông Lợi tròn mắt nhìn ông Tảo:

- Tôi là bố thằng Lộc!

- Ối giời ơi! Duyên kỳ ngộ! Thông gia với nhau à?

Hai người ôm chầm lấy nhau rồi đẩy nhau ra, nắm chặt tay nhau lắc lắc. Miệng họ cười tươi. Mắt họ nhìn nhau ngời sáng. Tất cả cùng sững sờ. Lộc và Trang ngơ ngác.

Mọi thủ tục rườm rà cho buổi dạm ngõ được cắt bỏ. Hai ông thông gia xoắn lấy nhau nhắc nhớ những kỷ niệm, hỏi thăm nhau về cuộc sống hiện tại. Ông Tảo hồ hởi:

- Na Hang giờ khác xa cái thời ông ở đây rồi. Khu tái định cư sầm uất lắm. Ngoài việc làm rừng, làm trang trại ra thì số lớn chuyển sang nuôi trồng thủy sản và làm du lịch rồi. Tôi cũng thế. Đầu tiên là làm cá sau thì mua tàu làm du lịch. Con tàu to đẹp kia là của tôi đấy. Ngôi nhà này cũng vừa mới xây xong. Chuyển về ở gần hồ cho tiện. Khách du lịch đến Na Hang giờ đông lắm các ông, các bà ạ.

Đến mục lễ lạt, hương khói tổ tiên, ông Tảo đứng lên nói:

- Tôi xin chấp lễ của các ông, các bà họ nhà trai, đồng ý gả cháu Trang cho cháu Lộc. Có điều này xin phép đoàn nhà trai cho gia đình chúng tôi được đưa lễ cùng các ông bà trong đoàn về nơi tôi ở xưa để thắp hương kính báo tổ tiên các cụ nhà tôi ạ.

Ông Lợi và mọi người thoáng ngạc nhiên. Thấy thế, ông Tảo nói tiếp:

- Là thế này. Mời đoàn nhà trai cùng chúng tôi sang tàu lớn để về nơi đó. Ta thắp hương các cụ trên tàu, rồi thả hoa xuống tạ lễ, kính báo ạ. Tiện thể, mời các ông, các bà ngắm cảnh tham quan hồ. Trưa nay, lễ lạt xong, chúng ta sẽ sinh hoạt trên tàu, giữa hồ luôn.

Tất cả cùng ồ lên. Ai nấy đều rạng rỡ. 

Trưa đó, giữa lòng hồ thủy điện Na Hang, người ta thấy chiếc tàu du lịch to đẹp, sang trọng của ông Tảo cứ đậu mãi ở chỗ ngày xưa nhà ông ấy ở. Tiếng nhạc dìu dặt từ đó phát ra cùng với tiếng gió reo, chim hót khiến cho mây bay, cá lượn cũng phải ngỡ ngàng…

Truyện ngắn củaĐỖ XUÂN THU

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Duyên Na Hang