Dưới gốc đa làng

03/01/2021 08:17

Như thường lệ ông Sắc nhìn mặt trời đã dần xuống núi liền dọn bộ bàn trà dưới gốc đa đón người làng đi làm đồng về.




Như thường lệ ông Sắc nhìn mặt trời đã dần xuống núi liền dọn bộ bàn trà dưới gốc đa đón người làng đi làm đồng về. Ngồi ở đây ông có thể đưa mắt nhìn bao quát làng quê với những con đường bê tông trải dài, hai bên lề hoa đua nhau nở. Cánh đồng làng đang chuẩn bị bước vào vụ mới, tiếng máy cày bừa rền vang khắp nơi. Trà vừa pha xong thì mấy cậu thanh niên kéo đến, trên tay còn ôm đống cờ phướn đủ các sắc màu. “Ông cho chúng cháu xin cốc chè nóng ạ”. Ông nhìn về phía chiếc cổng làng đang dựng dở dang quay sang hỏi:

- Chừng nào mới xong vậy các cháu? 

- Cổng làng thì chắc ngày mai là xong ông ạ. Nhưng chúng cháu còn phải đi chăng cờ vài điểm nữa để chào mừng khu văn hóa. Có cờ hoa rực rỡ bà con mình cũng phấn khởi hơn. 

- Đúng thế. Đúng thế. Ở cái tuổi gần đất xa trời như ông mà nhìn quê hương đổi mới còn thấy phấn khởi nữa là. Hồi ông còn ở tuổi các cháu làng quê mình còn xơ xác lắm. Cuộc sống thời bao cấp thiếu thốn đủ đường. Lúc ấy có nằm mơ cũng không tưởng tượng được có ngày hôm nay. Tất cả cũng là nhờ vào phong trào xây dựng nông thôn mới đấy các cháu à. 

Đôi mắt mờ đục của ông nhìn vào xa xăm trời đất. Hình ảnh ngôi làng xưa hiện về trong ký ức với hàng cau vươn lên đỉnh trời, xao xác tiếng gà quê bên những mái nhà lợp rạ. Mờ sáng mọi người đều tập trung ra đồng, tay cuốc tay cày. Giọt mồ hôi người nông dân rơi trên từng thửa ruộng làm nên bông lúa vàng trĩu hạt. Không có máy móc hỗ trợ, việc cấy hái trồng trọt chủ yếu dựa vào sức người. Cây lúa còng lưng cắm xuống, gàu sòng tát nước hất lên. Lúa gặt về dùng sức đập từng gồi. Thóc muốn thành hạt gạo trắng trong thì phải qua sức người nhiều lần xay giã. Cái thời tem phiếu chắc hẳn còn ám ảnh nhiều người ở thế hệ của ông. Toàn bộ nhu yếu phẩm đều được Nhà nước phân phối thông qua chế độ tem phiếu. Nhưng định mức lại chỉ đủ cung cấp cho một phần rất nhỏ nhu cầu sinh tồn của con người. Quần áo không đủ mặc, cơm không đủ ăn, cái đói dai dẳng tồn tại từ năm này qua năm khác. Đến ngay cả các cháu nhỏ còn phải bú nước đường thay sữa. Ở cái thời mà tất cả mọi hình thức kinh doanh đều do Nhà nước nắm giữ thì khối người có tiền cũng vẫn phải đói khát bởi đâu ai dám bán mà mua. Ngay cả cái áo lót may ô của đàn ông cũng được phân phát theo số lượng. Thế mới có câu lảy Kiều cười ra nước mắt: “Bắt ở trần phải ở trần/Cho may-ô mới được phần may-ô”. Thời bao cấp kết thúc, làng quê vẫn chìm trong những mùa đói kéo dài. Hết hạn hán đến lũ lụt, đồng ruộng xác xơ. Ông Sắc chỉ vào cậu thanh niên tên Hinh, gợi lại chuyện năm xưa:

- Ông còn nhớ hồi ấy mẹ thằng cu Hinh chửa vượt mặt, đói quá chẳng có gì ăn đành mò đi mót khoai. Thế là chuyển dạ đẻ thằng Hinh ngoài đồng. Đẻ hôm trước, hôm sau đã thấy bế con đi vác rá khắp làng vay gạo. Nhưng chẳng ai có gạo mà cho vay. Nghĩ thương tình ông đào cho ít sắn sượng về nấu cháo ăn qua ngày. Thằng Hinh khát sữa khóc ngằn ngặt suốt đêm. Tiếng khóc vang khắp xóm nghe xót xa biết chừng nào.

Ông thở dài bảo:

- Nghĩ đến cái đói những năm ấy mà sợ. Nhà nào cũng cơm độn sắn. Phần sắn nhiều hơn phần cơm. Những nhà khổ hơn ăn rau dại qua ngày. Giờ kể lại nhiều người không tưởng tượng ra cái đói khổ của những năm ấy. 

- Cháu vẫn nhớ ngày nhỏ thường lẽo đẽo theo anh đi hái rau dại ngoài ruộng cạn. Bố cháu thì nhảy tàu đi mót sắn tận Yên Bái, Lào Cai. Sắn mọc ở rặng rào hoặc mọc hoang trong rừng sâu. Củ to như bắp chân, sượng câm sượng ngầm ông ạ. Bố cháu nhảy tàu đứng chen chúc ở cửa ra vào, bị ném gãy một cái răng, sau này cả hàm cứ gãy theo dần, bao năm nay phải dùng răng giả. Nhưng thôi, chúng cháu phải đi treo cờ đây ông ạ. Nhắc chuyện năm xưa thì dài lắm, để lúc nào rảnh chúng cháu lại xin hầu chuyện ông. 

Ông Sắc mỉm cười nhìn theo những bóng áo xanh đi về phía đầu làng. Ông đã hơn tám mươi tuổi, răng rụng hết, tay chân có hôm đau nhức tê bì. Nhưng ngày nào ông cũng ra gốc đa làng mở quán nước chè vào lúc trưa, chiều. Dù con cháu muốn giữ ông ở nhà chơi với mấy đứa chắt nội, xua đàn gà, trông ao cá, quanh quẩn với cỏ cây vườn tược. Nhưng đám chắt cũng đi học suốt, ở nhà vào ra buồn bực tay chân. Chi bằng mở quán nước chè, gặp gỡ người làng trò chuyện cho khuây khỏa tuổi già. Cả đời ông gắn liền với làng quê. Lúc bé, ông được đẻ rơi ngoài cánh đồng làng, tiếng khóc còn thơm mùi rơm rạ. Lớn lên ông đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, vào sinh ra tử ở chiến trường. Sau chiến tranh ông về làm cán bộ xã, dốc sức mình xây dựng quê hương. Cho tận lúc về già ông vẫn chưa khi nào thôi đau đáu về những phận người lam lũ nơi đây. Niềm vui của ông là được nhìn thấy làng quê từng ngày đổi mới. Những mái nhà cũ nát năm xưa đã được thay bằng nhà ngói đỏ, mái bằng. Trường học khang trang mọc lên đón các cháu tới trường. Thôn nào cũng có nhà văn hóa để bà con họp hành sản xuất, sinh hoạt đoàn thể. Nhờ chương trình xây dựng nông thôn mới mà những con đường đất nhấp nhô đều đã được bê tông hóa vào tận cổng từng nhà. Không còn cảnh trời mưa đường lầy lội trơn trượt như xưa nữa. Đường nước sạch được kéo đến tận nhà góp phần cải thiện môi trường, bảo vệ sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Hệ thống kênh mương tưới tiêu được xây dựng kiên cố hóa đã góp phần cho nông nghiệp ngày càng phát triển. Không còn lo lũ lụt, hạn hán mất trắng những vụ mùa. Nhờ thực hiện chuyển dịch cơ cấu, phát triển kinh tế mà nhiều gia đình trong xã đã nâng cao thu nhập, giảm nghèo, vươn lên khá giàu. Khi đời sống vật chất đi lên thì đời sống tinh thần cũng được nâng cao. Thôn xóm nào cũng xây dựng nếp sống văn minh, giữ gìn làng xã sạch đẹp. Sự đổi thay hiện hữu trong mỗi nếp nhà. Cuộc đời ông khốn khó, nhưng các con được lớn lên trong giai đoạn đổi thay. Rồi cháu chắt của ông lần lượt ra đời được nuôi dưỡng trong tình yêu thương đủ đầy của gia đình và xã hội. Đối với một người lính từng vào sinh ra tử nơi chiến trường thì không có gì hạnh phúc bằng thấy quê hương mình ngày càng ấm no hạnh phúc. 

Trời nhá nhem tối, vài chiếc máy cày bừa bắt đầu bò lên bờ bỏ lại phía sau những thửa ruộng xâm xấp nước chỉ còn chờ gieo mạ. Nhiều năm nay trên cánh đồng làng đã không còn cảnh con trâu đi trước cái cày theo sau. Nhờ máy móc mà sức lao động của người nông dân được giải phóng, năng suất được nâng cao. Cũng vì thế mà đồng đất quê hương được sống lại sau nhiều năm bị bỏ bê, cỏ mọc um tùm. Bởi từng có khoảng thời gian đất ruộng bị bỏ không, người nông dân kéo nhau đi nơi khác kiếm kế sinh nhai. Thanh niên thì xin vào làm công nhân trong doanh nghiệp. Đàn ông trung tuổi thì đi theo các công trình xây dựng làm phụ hồ, thợ xây. Đàn bà xuống thành phố xin làm giúp việc trong những gia đình giàu có. Đồng quê bị quay lưng ruồng rẫy cũng chỉ vì làm nông cực khổ quá mà mùa què mùa cụt, năng suất không được là bao. Những năm tháng ấy dưới gốc đa làng buồn lắm. Quán nước vắng người qua lại, nhìn phía nào cũng thấy hoang vu. Không có mùa màng chim chóc cũng bỏ đi. Đến tiếng gió luồn qua đồng không mông quạnh cũng rít lên tiếng của hiu quạnh, cô đơn. Ông thường ngồi nhìn ra phía đầu làng mong ngóng những người đi xa trở về thăm quê. Xót xa thấy người làng tha thiết với phố xá lạ xa, ngày càng nguội lạnh dần tình yêu với lúa ngô, đồng bãi. Ngày càng nhiều người tìm cách thoát nghèo bằng con đường đi xuất khẩu lao động. Chẳng mấy ai còn đoái hoài đến những thửa ruộng hoang. Phải mất vài năm nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước thì cánh đồng mới được hồi sinh. Mạ lại xanh non, lúa lại chín vàng. Chim chóc đợi mùa màng lại kéo về lảnh lót. Quán nước của ông nhiều người nán lại ngồi. Những câu chuyện về làng quê được thay nhau kể tiếp.

Ông Sắc đóng cửa quán nước lúc trời chiều nhá nhem. Ông về nhà, lần theo tiếng máy cày, tiếng nghé ọ, tiếng ai đó í ới gọi nhau. Đèn đường đã bật lên, công nhân tan ca ùa về ngõ nhỏ. Vài khoảng đất trống được tận dụng làm sân bóng đá, bóng chuyền chiều nào cũng đông người tham gia. Có khi mồ hôi làm đồng còn chưa ráo, chân còn lấm lem bùn nhưng người nông dân đã vội say sưa với trái bóng. Niềm vui lúc cuối ngày giúp họ quên đi bao mệt mỏi, nhọc nhằn. Hôm nào ông Sắc cũng nán lại sân bóng một lúc để nhìn những đôi vai vạm vỡ, để nghe những tiếng cười thân thuộc. Ngay cả khi bóng tối đã bao trùm làng quê thì ông vẫn nhìn thấy thứ ánh sáng hiện hữu trong từng mái nhà, từng ngõ nhỏ. Ông đã bước sang con dốc bên kia của cuộc đời, sẽ không còn nhiều thời gian để ngắm nhìn làng quê đang từng ngày đổi mới. Nhưng ông luôn tin rằng cuộc sống sẽ ngày càng tốt hơn, quê hương ông sẽ ngày càng giàu đẹp…

Truyện ngắn của VŨ THỊ HUYỀN TRANG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dưới gốc đa làng