Bùa rươi

03/11/2019 10:55

Anh từng kể cho Ngà nghe về việc bắt rươi, khi nước sông dâng lên thì rươi cũng như từ dưới đất chui lên, đến khi nước rút, nắng lên là chúng biến mất, nên phải chuẩn bị dàn trận chu đáo...



Ngà nhoài người lên, cố đẩy tay cho hai cánh cửa sổ thêm rộng nữa, dù nó vẫn luôn mở toang như thế mấy hôm nay. Cô muốn có thật nhiều gió từ dưới sông ùa vào phòng. Ngà nhắm mắt để gió lướt qua mặt, qua người. Mùi ngô non đang vấn vít bên cô, cảm giác như có một mầm ngô đang trỗi dậy với những cái lá tí xíu giơ ra đón gió và nắng ngay trong căn buồng chật hẹp này.

-  Ra ngồi theo lễ với thầy. Nhanh lên!

Lúc này, tiếng chuông, mõ với tiếng khấn lầm rầm của thầy cúng chen lấn vào căn buồng của Ngà, át đi cả tiếng gió. Cô theo bố ra phòng thờ. Ông thầy mặc áo nâu dài chấm đất, tay cầm một cây gậy thỉnh thoảng lại múa tít mù xung quanh người Ngà. Đoạn thầy lại ngồi đánh phịch xuống chiếu xếp chân vòng tròn rồi kể lể tội lỗi và sám hối. Bố mẹ cô cung kính vái theo sau mỗi tiếng coong coong. Khói hương đặc sánh như sương mù. Ông thầy quay đến chín vòng hương quanh người Ngà để phù phép. 

Một tấm lụa đỏ được mang ra, bố mẹ cô mỗi người căng một đầu trông như chiếc võng. Thầy bói đưa cho cô chín đồng tiền xu bảo cô sau mỗi lời thầy cúng xong thì vứt tiền xuống “sông” và lấy kéo cắt.

Lần thứ nhất cô làm hơi chậm. Đồng tiền rơi xuống sông trông chẳng khác gì một con tàu nhỏ.

Giữa sông, con tàu nhỏ lướt sóng băng băng. Tàu vào bờ, sóng đánh mạnh khiến mấy đám lục bình tan tác. Ngà đang ngồi đánh mớ rươi bên bờ sông. Quán có khách xa đến đặt hàng lúc sáu giờ tối nên bố không cho anh Giang làm trước, khi anh Giang quần áo còn ướt lướt thướt mang mớ rươi vừa bắt được đến, ngắm hàng, bố gật gù khen được và cho anh Giang về luôn. Đợi chiều đến, ông bắt Ngà ngồi đánh rươi. Ông bảo: “Khách từ xa đến muốn nếm đặc sản chả rươi, không làm trước được, mất ngon”. Có lần, anh Giang chí vào đầu Ngà, bàn tay gầy guộc đen đúa vẫn còn mùi hôi bám lên mái tóc dày như màn đêm của cô mà dạy: “Đánh rươi phải tập trung cả con mắt lẫn bàn tay thì rươi mới dẻo mới ngon. Chứ tay thau rươi mà mắt dưới sông, hồn trên bông chang chang thì chả rươi sẽ thành đòn cha rượt đấy”. Ngà hứ một tiếng: “Người đâu mà vô ý”!

Mấy người đàn ông từ trên tàu bước lên bến không thể không lướt qua một cái nhìn lên má Ngà. Họ cười đùa trò chuyện gì đó, rồi một thanh niên trẻ nhất đám, tiến lại bên bậc đá nơi Ngà ngồi.

- Này cô chủ, chúng tôi muốn ăn chả rươi bây giờ có được không?

Ngà vẫn không dời đôi đũa. Thau rươi bắt đầu dẻo quẹo vào nhau.

- Không được.

- Sao vậy cô? Quán này chẳng ghi đặc sản rươi là gì?

- Dạ vâng, thì vẫn vậy. Sau mười lăm phút thì được chứ ngay bây giờ thì không được.

- À, vâng. 

Anh chàng vờ gãi đầu trước khi kết thúc cuộc hội thoại làm quen đầu tiên mà mình đã bị bắt lỗi. Sông chiều tà, gió thổi mạnh càng làm sóng thêm lăn tăn. 

*

Thầy cúng lại phán một hồi, mẹ phải ẩy vào lưng Ngà mới nhớ đến ném đồng tiền thứ hai xuống dòng sông lụa mà bố mẹ đang căng hai đầu. Đồng tiền như trái bồ kết bỗng rơi xuống thau nước lá hương nhu để Ngà gội đầu. Vén mớ tóc dày đang lòa xòa đổ ngược như dòng suối treo, cô nhìn lên, chợt thấy anh chàng “chả rươi” lại đang đứng đó, nở nụ cười thân thiện:

- Này cô bé, mẹ tôi bảo phải gội cẩn thận kẻo nước bồ kết rơi vào mắt là đau mắt đấy.

- Anh cứ làm như tôi không biết gội đầu ấy.  

Anh chàng lì có bản lĩnh:

- Bao nhiêu người ăn chả rươi mà mỗi mình tôi mắc nghiện. Chả rươi ăn xong mà cứ như ăn phải bùa. 

- Vậy thì mời anh vào ngồi đợi ba mươi phút nữa.

- Miễn là rươi phải chính tay em làm đấy nhé!

- Thế thì anh đợi một tiếng đi.

- Kể cả đợi đến sáng mai.

Đồng tiền thứ ba rơi xuống, Ngà lấy kéo cắt trên không. Những bọt nước li ti như mưa bụi từ mái tóc Ngà vừa gội xong bay lất phất. Lời thầy cúng “A di đà phật” vừa dứt, cô lại vứt một đồng tiền xuống. Nhát kéo cắt của Ngà như gió đưa thuyền lướt đi. 

Chiều nào Ngà cũng tranh phần đánh rươi để ra đầu nhà hứng mặt ra sông ngóng gió. Trước khi tạm biệt Ngà, cô biết tên “chả rươi” là Duy. Sau thời gian về khảo sát hiện trường dòng sông Cái quê cô, Duy và mấy anh sẽ thực hiện dự án xây dựng một bến cảng nhỏ nơi đây. Sẽ có bao nhiêu tàu thuyền vào đây cập bến. Duy bảo quan trọng là sẽ có nhiều người được nếm món đặc sản vùng sông nước này. Không biết có ai nghiện như Duy không?

Trên bàn thờ cốc nến vẫn lung linh, hương vẫn tỏa khói nghi ngút. Lại một đồng tiền nữa ném xuống sông. 

Ngà đứng trên bờ sông dõi mắt qua màn sương mong manh kiếm tìm một con tàu quen cập bến. Gió từ sông thì thầm trong làn tóc còn phảng phất hương bồ kết. Không phải nước bồ kết rơi vào mắt, cứ đứng nhìn theo con nước lên thôi mà Ngà cũng đỏ hoe hai mắt. Ngà cứ tha thẩn dọc bờ sông, lòng mong ngóng một con tàu. 

Lại vứt một đồng tiền nữa, nhưng đồng tiền lại không rơi xuống sông mà nảy lên rơi tọt ra ngoài như quả bóng vọt lên xà ngang. Thầy cúng bắt cô làm lại, còn nhắc “không để rơi ra ngoài, nếu không sẽ mất thiêng”.

*

Mẹ thấy cô đi chơi về muộn, lại có quà. Quà là con gấu bông Duy vừa tặng. Bằng linh cảm của người mẹ, mẹ cô nhắc nhở không nên nặng lòng với dân tàu thuyền nay đây mai đó. Lựa lúc mẹ đang rửa bát cô trốn đi chơi với Duy. Lúc đầu thì ngồi hóng mát, ngắm đám lục bình trôi trên sông khi đêm về. Sau bén đất, hai người chơi trốn tìm trong những luống ngô non đang phun râu ở thoai thoải triền sông. Mùi hương ngô non chợt như đông cứng làm cho Ngà ngột thở khi bàn tay Duy ôm gọn cái thắt lưng ong của Ngà. Duy thì thầm: 

-  Đố em biết gió bắt đầu từ đâu?

Ngà lắc mớ tóc dày. Duy chạm tay lên mái tóc của Ngà, cúi môi xuống sát tai cô thì thầm như gió:

- Anh đoán nó từ mái tóc của em. Vì trong gió anh thấy có hương bồ kết. Anh đã cảm thấy yêu ngọn gió ấy từ khi bước chân xuống tàu.

Gió nam từ bụi cỏ lau trên triền đê thổi xoáy vòng gấp gáp như hơi thở của cả hai đã hòa cùng một nhịp còn nồng nàn ngan ngát hơn mùi thơm của hoa hồng. Sức hút của cơn gió tình nơi nhân gian mạnh hơn cả vòi rồng, vừa vụng dại vừa cuống cuồng, toàn thân Ngà nhuộm mùi hoa cỏ dại, mùi ngô non.

Đồng tiền thứ tám dòng sông lụa chòng chành. Ngà ngồi bến sông nhìn dòng nước lững lờ trôi, ngóng người yêu đi xa chưa thấy trở về. Đến bữa cơm, Ngà không thèm đụng đũa, món ăn nào cũng thấy vương vít mùi ngô đồng trên bát. Con tàu ra đi nhưng đã kịp cài lại một lá bùa yêu trong lòng Ngà. Lá bùa như hạt ngô gặp khoảng đất ải cứ dần dần nảy mầm trong bụng cô. Khi cái bụng Ngà cưng cứng, mẹ cô phát hiện khi một lần vô tình nhìn trộm cô con gái thay đồ. Bà tra hỏi, giận dữ, đau đớn. Bà khóc ròng mấy ngày đêm, cuối cùng quyết định nói với chồng chuyện tày trời ấy. Bố cô đã biến giận dữ thành những trận roi quất lên người cô. Nhưng kỳ lạ cái khoảng không nơi có mầm tình yêu đang nảy nở thì không có một dấu roi nào vọt qua, chẳng biết vì Ngà che chắn hay vì bàn tay người cha đã tránh nó ra. “Lai nó đi bệnh viện”! Ông Ban ra lệnh như thế nhưng khi cả hai kèm Ngà đến cửa bệnh viện, thấy những người đàn bà nhăn nhó khóc lóc đi vào lại đi ra, Ngà sợ hãi khóc van xin, ông bà quanh ra quẩn vào rồi âm thầm chở con về. 

Một tuần trôi qua mà bố mẹ cô tả tơi như cánh đồng ngô vừa qua trận bão. Khách đến gọi ăn rươi, chẳng ai buồn cất lời. Món rươi hôm thì khách chê nhạt, hôm thì chê mặn, hôm thì cháy, một điều không ngon nữa là do nhìn mặt chủ nhà cứ như có tang. Cửa hàng vắng dần khách thì ông chủ thành khách, suốt ngày ngồi bên chai rượu án ngữ mặt tiền. Anh Giang mang rươi đến, ông Ban giữ rịt lại, bắt ngồi uống rượu cùng.

*

Còn đồng tiền cuối cùng trong tay, cô tung lên cao, đồng tiền xu vẽ vòng như bướm rồi rơi đánh tõm xuống sông như khi Ngà ngồi ném những viên cuội nhỏ xuống dòng sông Cái. Nước bắn tung toé ướt hết cả hai má Ngà. Những bông hoa lục bình trôi nổi lênh đênh trên dòng nước đã bạc đi màu tim tím. Có tiếng bước chân dừng lại bên cạnh Ngà, mùi bùn nước và cả mùi rươi tươi. Anh Giang đến, ngồi xuống, mãi mới dè dặt một câu chắc như đóng đinh:

- Bác đã kể chuyện cho anh nghe. 

Ngà rơm rớm nước mắt. Gió đùa sóng lao xao dưới sông.

- Nếu em không chê anh thì anh sẽ xin phép hai bác lo cho hai mẹ con. Ngà nhé!

Ngà tuôn trào nước mắt. 

Tưởng rằng như người chết đuối vớ phải cọc thì tất sẽ bám, thế mà khi ông Ban bàn chuyện anh Giang, Ngà lại chần chừ. Cô muốn có thời gian.

Ông Ban rít lên như những tiếng sét liên hồi: 

- Mày còn muốn đợi đến lúc cái bụng mày nó như cái trống để thiên hạ chê cười hử?  Tao có đi cả cái bờ sông này lấy hết mo tre cũng không úp nổi cái mặt? Thời gian à? Tao sống cả đời người cũng không thấy dài bằng mấy ngày vừa qua, mày sao cứ ngu mãi thế? 

Bà Ban lại gạt nước mắt:

- Thằng Giang côi cút một mình nên có lòng thương người, lại chăm chỉ làm ăn như thế không đồng ý còn đợi cái ngữ phải gió kia à? Tu mấy kiếp mới gặp được người tử tế như thế mà mày không biết à?

- Nhưng con… không yêu anh Giang - Ngà yếu ớt.

- Thế mày yêu thằng phải gió kia, nó lừa cho, nó biến mất, nó có cưới mày đâu?

Bà Ban đi xem bói, thầy phán do Ngà có một cái tà kiếp trước theo quyến rũ không chịu buông, phải làm lễ trừ tà, giải bùa, cắt tiền duyên mới mong lấy được chồng. Bố mẹ cô rút tiền tiết kiệm lo sắm lễ, rước ông thầy cúng này đến để làm lễ và cắt tiền duyên. Đồng tiền thứ chín hoàn thành sứ mạng. Dòng sông lụa đỏ có chín đồng tiền xu rung rinh như lắc võng. Thầy cúng lấy áo của Ngà chà qua chà lại với bài khấn dài lê thê. Bát nước mưa được búng tàn hương lên làm phép để trừ tà. Ngà nhăn nhó mặt, cố uống bát nước thánh đến cả chục hơi chưa xong. Còn ít cấn cuối bát thầy cúng vẫn bắt uống hết. Như cát đắng lạo xạo trong cổ họng, cô ho sặc sụa, muốn nôn oẹ. Cô vọt chạy ra ngoài cửa, đến cầu đá trước cửa sông, Ngà ngồi thụp xuống cho khỏi ngã, trong người cô như cả ruột gan đang bị bóp lại móc họng lôi ra ngoài, thành tràng ậm oẹ nôn khan mà chẳng ra cái gì. Trong nhà, ông thầy vẫn đang dồn chuông mõ như dồn quân trước khi kết thúc trận chiến. 

Nước sông đang lên, nước từ sông dềnh vào các đầm, các chuôm. Chẳng thấy con tàu nào trở về khi chiều như đang chảy máu trên sông. Xa xa, bập bềnh trong dòng nước, là một người đội nón lá đang quây lưới phục kích bắt rươi. Ngà nhận ra anh Giang. Lâu lắm rồi, chiều nay nhìn ra sông ra đầm, cô mới lại để ý thấy cái bóng dáng lúi húi quen thuộc ấy. Anh từng kể cho Ngà nghe về việc bắt rươi, khi nước sông dâng lên thì rươi cũng như từ dưới đất chui lên, đến khi nước rút, nắng lên là chúng biến mất, nên phải chuẩn bị dàn trận chu đáo để không cho một con rươi nào có thể bốc hơi mà biến mất.

Truyện ngắn của NGUYỄN THU HẰNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bùa rươi