Bát canh rau mồng tơi trái vụ

28/11/2021 08:24

Canh rau mồng tơi chỉ ăn vào chính vụ thôi. Nhà tôi cũng thế. Tôi đứng ngắm chị cặm cụi hái rau. Cái áo cánh nâu cổ trái tim bạc phếch, sờn vai...

Minh họa: HUY CHƯƠNG

Dễ đến gần bốn chục năm tôi mới gặp lại chị Liên. Bất ngờ và ngạc nhiên. Chúng tôi phải đứng lặng khá lâu mới nhận được ra nhau. Nét xuân sắc ngày nào vẫn còn vương trên khuôn mặt đã có nhiều nếp nhăn của chị. Năm nay, chắc chị cũng phải ngoài sáu mươi rồi. Hình như chị hơn tôi hai tuổi. Không hề e ngại giữa chốn đông người, chị ôm chầm lấy tôi, miệng lắp bắp:

- Cậu Thạo, cậu Thạo. Cậu đi đâu mà biệt tăm, biệt tích mấy chục năm trời. Anh Công nhà chị nhắc đến cậu luôn. Cả con Bống nữa. Cậu còn nhớ con Bống không? Ngày chuyển vào TP Hồ Chí Minh, anh chị cứ lang thang với hy vọng nhỏ nhoi gặp cậu, nhưng thất vọng. Hiện nay cậu ở đâu?
Con Bống hiện đang làm việc trong đó. Anh chị cùng vào theo...

Ngừng một chút để lấy hơi, chị nói tiếp:

- Ối giời, nó mà gặp cậu chắc mừng phải biết. À mà nó có chồng và hai con rồi, phải chào bằng ông Thạo chứ nhỉ?

Cứ thế, chị lôi ra những kỷ niệm từ thời ông tằng, ông tổ, không để tôi chen vào được câu nào. Có lẽ chị hỏi để mà hỏi cho thỏa lòng gặp lại cố tri thôi, đâu cần nghe tôi trả lời. Thực ra chị trách oan tôi. Chị mới là người bỏ quê mấy chục năm. Thi thoảng anh chị có về thăm, nhưng chúng tôi không gặp nhau. Tôi cầm tay chị, đứng lặng. Đôi bàn tay thon dài, trắng trẻo của chị một thời khiến lòng tôi xao động, giờ đã mập tròn. Những lời chị nói đã kéo tôi trở lại một miền ký ức đầy yêu thương.

Ngày ấy, bố mẹ tôi và bố mẹ chị thân thiết như tình ruột thịt, có miếng gì ngon cũng mang biếu nhau. Đặc biệt là những bát canh rau mồng tơi do chị Liên nấu vào bất cứ mùa nào trong năm. Mẹ tôi cũng học theo chị, nhưng không thể ngon bằng nên bỏ. Nhà tôi và nhà chị cách nhau cái hàng rào râm bụt. Trên cái hàng rào đầy những sợi tơ hồng vàng ươm và cây lạc tiên ấy mẹ chị trồng thêm chục gốc mồng tơi. Do chịu khó chăm sóc nên mồng tơi lớn nhanh lắm. Những tháng trái vụ, cây cằn cỗi, lá quắt lại, loi nhoi như những đồng xu nhỏ. Khi lên đến ngọn, lá chỉ còn bằng cái móng tay út. Vì già nên chẳng ai ăn.

Một hôm trời rét đậm, tôi tha thẩn đứng ngắm cái hàng rào đầy các loại cây chen chúc nhau ấy, chợt thấy chị Liên đang lúi húi ngắt những ngọn mồng tơi, và cả những ngọn đã già. Chị cẩn thận xếp vào rổ. Bình thường người ta vứt đi luôn. Nhưng hình như chị có ý định mang về. Tôi hỏi:

- Mùa rét mà ăn mồng tơi hả chị?

Chị Liên cười ngượng nghịu:

- Bấm bớt đi để đến mùa nó ra tốt hơn.

Chừng như thấy lời giải thích chưa thuyết phục được tôi, chị nói tiếp:

- Mồng tơi già nấu với mẻ, ngon lắm cậu à.

Canh rau mồng tơi chỉ ăn vào chính vụ thôi. Nhà tôi cũng thế. Tôi đứng ngắm chị cặm cụi hái rau. Cái áo cánh nâu cổ trái tim bạc phếch, sờn vai, sờn khuỷu tay không thể che lấp được vẻ đẹp của người con gái đang thì tràn ra bên ngoài. Chị Liên đẹp quá. Đẹp nhất làng Bùng. Ở tuổi 16, tôi đã lờ mờ biết chuyện yêu đương. Chị vừa thi đại học, nhưng không đỗ. Nghe nói ông bố chị đang xin cho chị một chân nhân viên ở văn phòng ủy ban xã. Tôi hỏi:

- Chị còn ý định thi tiếp nữa không?

- Thôi cậu ạ. Nhà còn một đống em.

Chị nói đúng. Dưới chị còn những năm đứa em đang độ tuổi ăn học. Chỉ cần nuôi lũ con ăn no thôi thì bố mẹ chị cũng đủ nhược người rồi. Tôi bảo:

- Giờ người ta coi trọng bằng cấp lắm.

Chị lắc đầu:

- Cũng đành chịu. 

Hai mươi tuổi chị Liên đi lấy chồng. Đám cưới diễn ra nhanh chóng và vội vàng.

Ngày cưới chị, tôi không biết. Lúc đó tôi đã bước vào năm nhất đại học. Vì sức học không được khá nên tôi rất ít về quê. Nửa năm sau, nghe mẹ tôi kể lại, chồng chị tên Công, người xã bên. Họ yêu nhau từ lúc chị Liên đang học lớp 12. Anh Công thi đỗ đại học nhưng nhà nghèo quá, đành chấp nhận vui với cây lúa, củ khoai. Anh Công là hậu quả của một tên Sở Khanh nào đó trên tỉnh để lại. Bố mẹ chị Liên biết chuyện hết sức ngăn cản. Mẹ chị bảo:

- Sao con dại dột thế? Bao nhiêu kẻ có danh lợi trên huyện, trên tỉnh về đặt vấn đề, con không chịu ưng đám nào. Giờ lại để “hồng ngâm cho chuột vọc”.

Chị Liên ngắt lời mẹ:

- Con xin mẹ.

Bà mẹ quát to:

- Chứ không à? Vào cái nhà chạy ăn từng bữa, bà mẹ ốm rề rề quanh năm, rồi lấy cái gì mà đổ vào mồm?

Bố chị lại nghĩ chuyện môn đăng hộ đối mới là quan trọng. Ông im lặng là ông có phương án của ông. Ông bí mật liên hệ với mấy người bạn thân có trách nhiệm ở xã bên gọi Công nhập ngũ. Công làm đơn xin tạm hoãn nhưng không được chấp thuận. Công đến trình bày hoàn cảnh với Đoàn xã đề nghị đứng ra tổ chức cho họ thành vợ thành chồng. Biết không thể ngăn cản được quyết tâm của con gái, bố mẹ chị đành đổi giận làm vui. Chị Liên về nhà chồng. Anh Công khoác ba lô lên đường làm nghĩa vụ quân sự. Nửa năm sau mẹ anh Công mất. Một tay chị lo toan tang lễ cho mẹ chồng chu đáo. 

Hôm anh chị về thăm ông bà nhạc, gặp tôi, chị xởi lởi:

- Chào cậu Thạo. Hôm chị về nhà chồng không chào được cậu. Đừng trách chị nhé.

Lần đầu tôi biết mặt anh Công. Anh cao lớn, da sậm màu sương gió, cơ bắp nổi lên cuồn cuộn. Anh cởi trần, cái áo quân phục vắt vai. Anh đang gánh một gánh gì nặng trĩu, còn chị đi tay không. Thế là bông hoa làng Bùng đã có chủ. Ngày nghe tin chị lấy chồng, lòng tôi man mác buồn. Giờ chị nhắc lại, quả thực tôi cũng ấm ức. Thân thiết nhau nhường ấy mà ngày chị đi lấy chồng, tôi không được lấy nửa lời mời. Nhưng nghĩ lại, mình có phải là thân thuộc họ mạc gì của gia đình chị đâu. 

Dường như vợ chồng chị Liên không chịu sống trong cảnh nghèo khổ. Chị tin nếu vợ chồng đồng tâm hiệp lực thì sẽ nhanh chóng thoát nghèo. Nhất là từ ngày anh Công hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về. Anh lao vào làm quên giờ, quên giấc. Đóng gạch, nung vôi, có khi lại vác cưa theo trai làng lên miền ngược đóng đồ. Cuối cùng anh chị nhận ra rằng mình là con nhà nông phải lấy đất, lấy ruộng làm căn bản. Anh mượn và thuê thêm đất, mở mang sang lĩnh vực cây trồng lâu năm, cây cảnh. Anh ra sức thử nghiệm các loại cây. Khi thất bại, lúc thành công. “Cuộc sống của anh chị Liên từ đó có nhiều chuyển biến”. Đây là kết luận của mẹ tôi. Trong con mắt của chị Liên, anh Công không chỉ là người chồng thân yêu mà còn là người đồng chí hướng, đồng suy nghĩ. Ngoài những khi phụ giúp chồng, chị còn chăm sóc anh từng li từng tí, từ cái áo, bữa cơm đến giấc ngủ thường ngày. Chị tự hào về chồng. Ngược lại, anh Công vô cùng biết ơn người vợ không chỉ chung lưng, đấu cật những năm tháng gian khổ, mà còn biết động viên chồng mỗi khi gặp khó khăn. Và công sức của anh chị đã được đền đáp xứng đáng. Chị khoe:

- Gần hai trăm triệu một ha/năm đấy.

Thì ra nghèo đói không phải là số mệnh.

Vài năm sau mãn khóa học, trong lúc chờ xin việc, tôi đến thăm anh chị Công - Liên. Chị mới sinh con Bống được hai tháng. Ấy là nghe chị Liên nói thế. Chị em tôi ríu rít trò chuyện. Anh Công ngồi nghe vợ kể là chính, thi thoảng mới chêm vào một hai câu. Nhìn căn nhà hai tầng mái bằng, nội thất khá lịch sự chẳng thua kém gì ngoài phố, tôi nhìn chị Liên như muốn hỏi: "Điều kỳ diệu nào đã thay đổi cuộc đời chị nhanh đến vậy?”. Chị Liên độ này xinh đẹp, rực rỡ hơn xưa rất nhiều. Đúng là “gái một con trông mòn con mắt”. Lại nhớ ngày chị lấy chồng, ai cũng thương chị. Một người đẹp như chị thiếu gì nơi sang giàu để gửi thân, mà lại phải sống khổ sống sở trong một căn nhà lợp rạ lụp xụp. Nhưng có lẽ tạo hóa đã đúng. Ông chẳng cho ai tất cả. Hiểu ánh nhìn của tôi, chị Liên chỉ vào chồng, bảo:

- Tất cả nhờ vào bàn tay và trí tuệ của anh Công.

Anh Công cười xòa:

- Không có em đứng sau thúc đẩy, anh chỉ có ăn thôi cũng đủ mệt.

Rồi anh quay sang bảo tôi:

- Nghe chị kể nhiều về cậu, thành ra anh cảm mến cậu nhiều. Cảm ơn cậu đã cho quà. Trưa nay ăn bữa cơm dưa muối với anh chị nhé.

Nói xong, anh đứng dậy vào bếp, chẳng cần biết tôi có đồng ý hay không. Chị Liên cũng đứng lên theo. Tôi nghe hai người thì thầm với nhau. Tiếng chồng: “Em ra tiếp cậu Thạo đi, việc cơm nước để anh lo”. Tiếng chị: “Khách của em mà”. Tiếng chồng: “Sao hôm nay em tự nhiên lại không nghe lời anh nhỉ?”. Cuối cùng chị Liên bước ra khỏi bếp. Tôi chẳng có việc gì làm, đành ôm con Bống lên nựng nịu. Con bé đến là giống mẹ. Rồi lại mòn sân, lệch cổng vì khối chàng trai ra vào mất thôi. Tôi mỉm cười vô cớ.

Bữa cơm anh chị Công - Liên đãi tôi đâu phải là dưa muối. Cá dưới ao, gà trong chuồng, rau ngoài vườn. Chị Liên vẫn không quên nấu cho tôi một bát canh rau mồng tơi. Tôi hỏi:

- Chị vẫn ăn mồng tơi trái vụ à?

Chị Liên gật đầu:

- Đó là loại rau dành cho người nghèo mà.

Chị nhớ dai thật. Tôi cười thành tiếng:

- Chị ơi, giờ là đặc sản của giới nhà giàu đấy.

Trong bữa ăn, anh chị thay nhau tiếp thức ăn cho tôi. Chị hỏi tôi:

- Chuyện học tập của cậu độ này ra sao? Có định học lên tiếp không? Công việc đã ổn định chưa? Có người thương chưa?

 Tôi bảo:

- Em còn trẻ lắm.

Chị nhắc:

- Khi nào lấy vợ quên mời là anh chị giận đó nghe.

Tiếc rằng ngày tôi lấy vợ thì vợ chồng chị đã tít tắp ở phương trời Nam xa xôi rồi.

Đầu giờ chiều, anh Công chuẩn bị ra ruộng. Chị Liên kiểm tra xem chồng đã mang đủ những thứ cần thiết chưa. Gói thuốc lào, cái bật lửa, ấm nước chè xanh. Cứ như anh Công chuẩn bị đi đâu xa. Anh Công chào tôi:

- Cậu Thạo thông cảm nhé. Vào vụ gấp lắm.

Chị Liên cũng đứng lên tiễn chân anh ra tận cổng mới quay vào. Đúng là vợ chồng nhà này trọng nhau như khách. Họ cứ như đôi chim cu ấy. Thật ra điều quan trọng không phải là câu nói, nó chỉ là cái cớ để biểu hiện thay những lời nói âu yếm mà thôi. Chị phàn nàn bằng một câu đầy yêu thương:

- Anh cậu chẳng cho chị làm gì hết. Anh ấy bảo chị chưa hết cữ.

Tận khi tôi có vợ, sinh con mới hiểu “cữ” đây là ba tháng, mười ngày sau sinh, người phụ nữ không được làm những công việc nặng nhọc. Chị nói thêm:

- Đến bữa có miếng ăn ngon anh đều ép chị ăn nhiều để lấy sữa cho con bú.

Hạnh phúc là gì? Tình yêu là gì? Được chứng kiến cảnh anh chị Công - Liên vấn vít nhau như thế, tôi từ ngạc nhiên sang khâm phục. Trong khó khăn, phải nói là khổ cực, họ vẫn yêu nhau như thuở ban đầu. Chị Liên xứng đáng được hưởng hạnh phúc

Chị Liên nán lại quê hương vài ngày. Đặc biệt, gia đình tôi lại được ăn những bát canh rau mồng tơi trái vụ ngọt ngào do chính tay chị nấu.

Tôi tiễn chị ra bến tàu. Hình như chị khóc.

- Chưa biết đến khi nào gặp lại cậu và mọi người. Biết làm sao được khi thời nay con cái đâu, cha mẹ đấy.

Tôi nắm chặt tay chị. Bàn tay chị run run, xúc động. Sân ga ào ạt gió thổi. Mặt hồ xao động lăn tăn. Giá như ngày ấy tôi bằng tuổi chị. Giá như ngày ấy tôi đủ bản lĩnh như bây giờ. Hình như đọc được ý nghĩ của tôi, chị Liên khẽ nói:

- Cậu ở lại mạnh giỏi.

Từ đó tôi không còn gặp lại chị Liên nữa. Nhưng bát canh rau mồng tơi trái vụ luôn hằn sâu trong ký ức tôi như một kỷ niệm đẹp.

 Truyện ngắn của NGUYỄN SỸ ĐOÀN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bát canh rau mồng tơi trái vụ