Nỗi nhớ mẹ Âu Cơ

14/04/2019 15:09

Quê ngoại tôi ở gần đền Mẫu Âu Cơ, ngôi đền thờ người mẹ vĩ đại đã sinh ra trăm trứng, nở thành trăm người con, tương truyền là cội nguồn của con dân nước Việt.

Quê ngoại tôi ở gần đền Mẫu Âu Cơ, ngôi đền thờ người mẹ vĩ đại đã sinh ra trăm trứng, nở thành trăm người con, tương truyền là cội nguồn của con dân nước Việt. Trong những ngày tháng ba âm lịch, khi người người, nhà nhà đi trẩy hội Đền Hùng, tôi cũng lặng lẽ về thăm quê ngoại, đến viếng đền Mẫu Âu Cơ.

Con đường đi dọc bờ sông Hồng trong những ngày cuối xuân mang vẻ đẹp thanh bình và lãng mạn. Bãi đất bồi trù phú trải dài từ đường nhựa tới mép sông biếc xanh nõn nà những cây ngô tươi tốt. Tôi còn có thể hình dung ra vị ngọt của những bắp ngô non mà những ngày thơ bé tôi vẫn cùng những người anh chị họ ra bẻ rồi nướng ở ngay bãi sông. Vị ngọt của ngô, của tuổi thơ đã mãi vấn vương, giúp tôi vững bước trên đường đời không mấy bằng phẳng và lãng mạn như con đường về quê ngoại trong những ngày cuối xuân này.

Thoang thoảng trong gió, trong làn sương mờ ảo bốc lên từ con sông hiền hòa sắc đỏ, tôi như nghe tiếng bà ngoại thì thầm kể chuyện. “Tục truyền rằng khi Ngọc Nương phu nhân sinh nàng Âu Cơ, thấy có mây lành che chở, hương thơm tỏa ngát khắp nơi, là điềm “Tiên nữ giáng trần”. Nàng Âu Cơ không chỉ xinh đẹp tuyệt trần mà còn chăm đọc chữ, tinh thông âm nhạc, giỏi nghề trồng dâu nuôi tằm, dệt vải. Sau khi nên duyên với Lạc Long Quân, Âu Cơ trở dạ sinh được một bọc trăm trứng nở thành một trăm người con... Trong 50 người con theo mẹ lên núi, có vua Hùng Vương thứ nhất, người đã dựng nước Văn Lang và truyền lại đến Vua Hùng thứ 18…”. Những giấc ngủ tuổi thơ đã êm đềm trôi qua trong lời kể thủ thỉ đầy tự hào của bà về vùng đất Tổ linh thiêng.

Mẹ Âu Cơ không chỉ có công sinh ra vua Hùng mà còn là người yêu nước, thương dân. Mẹ đã đi nhiều nơi khai hoang lập ấp, truyền dạy nghề trồng dâu nuôi tằm, dệt vải, tạo cho người dân cuộc sống ổn định, ấm no. Hình ảnh mẹ Âu Cơ đã trở thành biểu tượng thiêng liêng và vĩ đại trong tâm thức mỗi người dân Việt Nam. Nhớ đến mẹ Âu Cơ, lòng tôi không nguôi nhớ về bà ngoại, về mẹ, về những người phụ nữ tảo tần cả đời không khi nào thôi những nỗi lo toan. Tôi nhìn thấy trong mỗi người phụ nữ ấy những đức tính tốt đẹp đã được truyền lại từ thuở mẹ Âu Cơ dắt con đi khai hoang lập ấp. Nhờ có người mẹ vĩ đại ấy, mới có 18 đời Vua Hùng dựng lên đất Việt cho đời đời con cháu về sau. Nhờ có những người mẹ mang trong mình dòng máu mẹ Âu Cơ nên đất nước mới có những anh hùng, dũng sĩ, nhà khoa học, thi nhân, những người con yêu nước, sẵn sàng cống hiến cho quê hương tất cả khả năng của mình. Họ là những tượng đài sừng sững đã góp phần dựng xây nên đất nước này, lưu giữ lại những giá trị tinh thần vô giá để mạch sống không ngừng chảy và sinh sôi. Có lẽ không phải ai cũng biết đến đền Mẫu Âu Cơ nhưng hình tượng mẹ Âu Cơ luôn được tôn vinh trong kính cẩn. Trong những ngày cả nước hướng về nguồn cội nhân dịp Giỗ Tổ này, nhớ mẹ Âu Cơ là nhớ tới công lao cùng tình yêu thương vô bờ bến lớp lớp những người bà, người mẹ đã trao truyền cho con cháu.

Đi bên dòng nước sông Hồng thao thiết chảy, tôi như thấy mạch nguồn sự sống, văn hóa, tình yêu vẫn tiếp nối từ ngàn đời trước, để hôm nay ngày một phát triển mạnh mẽ hơn. Tắm mình trong không khí linh thiêng của vùng đất cổ, nghe trong gió tiếng ngàn xưa vọng về, tôi như thấy nụ cười của bà hiền hậu, mái tóc bà bạc trắng phau phau. Bà đã hóa thành bà tiên trong cổ tích nhưng những lời dạy của bà từ tấm bé vẫn mãi theo tôi trên bước đường dài, nâng đỡ tôi những khi khó khăn, vấp ngã. Bà là hiện thân của bà mẹ Âu Cơ, như đất nước mình đã có hàng triệu triệu bà mẹ như thế trong những bước đường lịch sử...

Tản văn của LAM ANH

(0) Bình luận
Nỗi nhớ mẹ Âu Cơ