Nhớ khói

20/01/2019 16:22

Có những nỗi nhớ rất lạ! Như một buổi chiều mùa đông trong lòng hoang hoải bởi những cơn gió lạnh tê tái, ta lại thèm khát về một sợi khói lảng bảng bay lên phía cuối chân trời.

Có những nỗi nhớ rất lạ! Như một buổi chiều mùa đông trong lòng hoang hoải bởi những cơn gió lạnh tê tái, ta lại thèm khát về một sợi khói lảng bảng bay lên phía cuối chân trời. Không ở gần khói mà mắt lại xè cay. Không thấy khói mà cảm tưởng như khói trước mặt. Từng lọn, từng lọn quấn cuộn vào nhau, rồi nhẹ nhàng bay lên không trung, giữa bao la mây trắng mùa đông.

Tuổi thơ chăn trâu đồng chiều, khói đã bay lên giữa cánh đồng mùa đông, hòa cùng đám mây trắng lững thững. Khói bay lên mang theo tiếng cười trong trẻo của đám trẻ mục đồng. Khói vắt qua những khuôn mặt nhem nhuốc đầy nhọ than, quanh đống lửa đang bập bùng cháy, mùi khoai sắn thơm lừng bốc lên. Trẻ con đồng quê làm bạn với khói từ độ ấy, coi khói là người bạn thân thiết chẳng thể rời xa, ngày nào không làm bạn với khói thì nôn nao, bứt rứt trong lòng. Khói thân thuộc đến độ chỉ một làn khói nhỏ bay lên, tỏa mùi ra chung quanh, dù có ở cách xa bao nhiêu cũng hút mọi người đến chung vui. Người nông dân cuối vụ, cào rơm rạ thành từng đống rồi đốt lấy làm tro bón ruộng. Đứng giữa bao la đất trời, bên cạnh ngọn khói quê hương thấy thân thương vô cùng, thấy con tim bé nhỏ được sưởi ấm vô vàn ngọn đuốc ấm áp.

Bếp nhà nghèo có những lọn khói luôn ẩn trú từ những củi vụn, lá xung quanh vườn nhà. Những lá, những củi rơi xuống mẹ nhặt nhạnh cho vào bếp, đến bữa lại thắp lên. Khói vương vào nếp áo, gấu quần và vương lên mắt mẹ ta qua những vết chân chim chằng chịt. Nhớ làm sao những bữa cơm chiều đông mưa rơi ướt củi, khói mù mịt rất nhiều, khói trốn vào hạt cơm mùi hăng hắc. Không biết bao nhiêu lần ta ăn phải khói, từng ghét căm khói đến tận đáy lòng. Vậy mà, khi lớn lên, đi khắp bốn phương trời, ăn bát cơm trắng tinh thơm phức không một chút khói lại nhớ bữa cơm năm xưa, thèm được bưng bát cơm mùi khói, ngồi ăn bên mẹ cha. Nếu thời gian có quay lại, ta sẽ lau khô những giọt nước mắt của mẹ, sẽ vui lên trong bữa cơm mùi khói để cho mẹ đỡ phiền lòng. Cha mẹ ta khổ nghèo, không biết qua bao nhiêu mùa khói khó nhọc để chắt chiu nuôi những đứa con ăn học, trưởng thành.

Nhiều lúc đi giữa phố xá đông đúc, bất chợt ta thấy một chùm khói bay lên trên một đống lửa ai đang nhóm, lòng muốn sà xuống ngay bên cạnh, đưa tay huơ huơ như hồi còn bé. Nhưng rồi lại chợt nhận ra tất cả nơi đây toàn xa lạ, những gương mặt thân quen cũng chẳng còn. Lòng quạnh hiu, bước chân lững thững, dội lên một nỗi buồn diệu vợi. Có lẽ khói cũng như cuộc đời của con người. Ngọn khói năm nào chắc giờ cũng đang lang bạt khắp chốn, trải nghiệm vô vàn ngọt, bùi, đắng, cay. Con người ta rồi ai cũng phải lớn lên, chẳng thể nào mãi hoa hồng trải thảm mà còn có những chông gai vấp ngã. Ngọn khói năm xưa là bình yên, nương náu, nuôi dưỡng giấc mơ mỗi người…

Những ngày cuối đông, nhìn lọn khói những kẻ xa quê lại càng thêm chênh chao nỗi nhớ, thèm khát ngày đoàn tụ. Khói từ bếp của mẹ, của nồi bánh chưng cha đang nấu, của những buổi chiều bà dọn dẹp cỏ dại, lá khô ở vườn. Mùi khói là mùi quê hương thân thuộc diệu kỳ. Lúc này ta cũng chỉ muốn được trở về nhà, sà vào những sợi khói mà hít hà cho thỏa nỗi nhớ mong. Chỉ là khói sao lại nhung nhớ đến thế?!

Tản văn của MAI HOÀNG

(0) Bình luận
Nhớ khói