Một thời tiếng kẻng

30/04/2020 19:47

Có lần ngồi dưới bóng cây đợi tàu, tôi đang ngơ ngẩn ngắm hàng cau dài tít tắp trước sân ga Phú Thái thì giật mình vì tiếng kẻng vang lên, sau đó là lời nhắc nhở hành khách của nhà ga.

Có lần ngồi dưới bóng cây đợi tàu, tôi đang ngơ ngẩn ngắm hàng cau dài tít tắp trước sân ga Phú Thái thì giật mình vì tiếng kẻng vang lên, sau đó là lời nhắc nhở hành khách của nhà ga. Tiếng kẻng lảnh lót làm tôi ngạc nhiên. Chiếc kẻng là một đoạn cây sắt hình chữ U được cắt chừng bốn mươi phân, khoan lỗ, xỏ dây thép treo ngay trước hiên nhà đợi tàu. Màu sắt đã xỉn và cũ kỹ. Vậy mà tiếng vẫn rắn rỏi, mạnh mẽ, thức tỉnh tôi nhớ về cái thời cách đây năm sáu chục năm.

Thời ấy, nhiều kẻng lắm. Cả làng tôi có một cái kẻng lớn bằng nguyên quả bom dài hơn mét. Tất nhiên thuốc và kíp nổ đã  được tháo hết. Bom chỉ còn vỏ nhưng vẫn nặng. HTX phải làm ba cây gỗ chôn chụm đầu vào nhau thế chân kiềng để treo quả bom kẻng. Sáu bẩy người khỏe hì hục suốt sáng mới treo xong. Quả bom buông thõng cách mặt đất chừng hơn mét. Một ông lão ngoài năm mươi, nhà gần được HTX trang bị cho chiếc đồng hồ để bàn của Liên Xô sản xuất, làm nhiệm vụ gõ kẻng ăn công điểm. 6 giờ 30 sáng, kẻng báo xã viên đi làm. 11giờ 30 kẻng nghỉ. 1 giờ 30 kẻng làm chiều. 5 giờ 30 kẻng nghỉ. Cứ thế, đều đặn ngày 4 lần gõ. Kẻng báo đi làm thì ba hồi chín tiếng. Kẻng nghỉ một hồi ba tiếng. Ông chủ nhiệm q uy định thế. Nói là gõ nhưng thực ra là ông phải dùng búa. Quả búa to gần bằng nắm tay. Trước khi gõ kẻng, ông nút hai lỗ tai bằng bông hoặc vải. Ông đứng dạng chân chèo, thong thả vung tay quai búa vào quả bom, đều đặn và trách nhiệm. Tiếng kẻng lộng óc, điếc tai. Cả làng có bốn đội sản xuất đều nghe thấy. Từ bờ sông đến chân đồi, tiếng kẻng rõ mồn một. Ngoài ra, trong làng có cháy nhà hoặc lúc máy bay Mỹ sắp đến, ông cũng đánh kẻng báo động. Tiếng kẻng nhịp ba dồn dập, gấp gáp, thôi thúc. Sau kẻng làm, từ các đường làng tuôn ra đồng nào người, nào trâu bò, xe kéo. Già trẻ, trai gái rôm rả những chuyện không đầu, không cuối nhưng vui. Sau kẻng nghỉ, bà con lại lũ lượt về làng quần áo lấm bùn đất, mồ hôi nhưng nét mặt đều mỹ mãn.

Kẻng báo động máy bay, chỉ mới một hai nhịp, các chị dân quân đang cấy cày ngừng ngay việc, lao vội lên bờ vơ khẩu súng ngước nòng lên trời sẵn sàng bắn.

Cứ như thế, tiếng kẻng lặp đi lặp lại suốt thời chống Mỹ, suốt thời HTX nông nghiệp. Tiếng kẻng hình thành nếp sống và lao động của làng quê. Tiếng kẻng là mệnh lệnh không lời, không văn bản, mọi người cứ răm rắp thực hiện. Tiếng kẻng thành thân thương, thành nỗi nhớ, kỷ niệm.

Kẻng xuất hiện khắp nơi và được làm bằng mọi vật liệu nhưng tất cả đều phải là sắt. Có kẻng làm bằng một khúc thanh ray đường tàu. Tiếng gõ cực trong nhưng không vang xa. Ngoài kẻng chung của cả làng thì mỗi đội sản xuất theo đơn vị xóm có một tiếng kẻng nhỏ để bà con thực hiện. Kẻng gọi bà con đi họp đội sản xuất. Tối nào cũng họp. Gia đình nào cũng tự giác đi họp rất đông đủ. Ngoài kẻng họp, đội sản xuất còn nhiều kẻng lắm như kẻng báo mang lợn đi cân, kẻng lấy thóc HTX chia, kẻng lấy cơm, kẻng mua hàng Tết... Cả những bữa liên hoan đội sản xuất cũng có kẻng. Chưa hết. Các cơ quan cũng có kẻng báo giờ làm việc, giờ giải lao. Một đơn vị bộ đội về đóng ở làng để luyện tập trước khi đi B (đi vào Nam) cũng dùng kẻng. Kẻng dậy, kẻng tập thể dục, kẻng ăn cơm, kẻng đi tập quân sự, kẻng ngủ. Trường học cũng dùng kẻng, kẻng vào lớp, kẻng giải lao, kẻng hết giờ học. Đặc biệt là kẻng báo động máy bay Mỹ. Mỗi khi kẻng báo động vang lên, lập tức các em buông bút, vơ lấy túi thuốc quàng lên vai, đội mũ rơm rồi xuống hào ngay giữa phòng học, tuôn theo bốn ngả ra hầm chữ A ngoài vườn. Kẻng báo yên vang lên. Các em lại hớn hở vào lớp. Mấy phút sau, trong tĩnh lặng, chỉ còn tiếng mở sách, ngòi bút chạy trên giấy lạo xạo.

Giờ đây, tiếng kẻng hầu như không còn nữa. Xã hội đã đổi thay, tiến lên hiện đại. Có phải vì thế mà giờ đây nghe tiếng kẻng ở một ga nhỏ, tôi có cảm giác hơi lạc lõng, nhưng thân thương và cảm động?

VĂN DUY

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Một thời tiếng kẻng